Nhiều "ông lớn" rời cuộc chơi
Cụ thể, Parkson VN đã chính thức nộp đơn lên TAND TP.HCM xin phá sản với lý do hoạt động kinh doanh thua lỗ kéo dài. Phá sản là "cách tốt nhất vì việc tiếp tục hoạt động tại VN là không khả thi về mặt kinh tế". Báo cáo của tập đoàn này gửi Sở Giao dịch chứng khoán Singapore, nơi cổ phiếu của Parkson Retail được niêm yết, cho biết Parkson VN có lịch sử hoạt động thua lỗ nhiều năm tại VN. Những khoản lỗ ngày càng tăng trong bối cảnh kinh doanh đầy thách thức do hậu quả của đại dịch Covid-19. Năm 2022, hoạt động của Parkson tại VN ghi nhận khoản lỗ lên đến 2,3 triệu đô la Singapore (khoảng 1,7 triệu USD).
Trước đó, năm 2021, trung tâm thương mại (TTTM) Lotte Mart Đống Đa lớn nhất tại Hà Nội của tập đoàn bán lẻ đến từ Hàn Quốc cũng đóng cửa. Lotte Mart từng tuyên bố mở rộng 60 siêu thị lớn tại VN, nhưng sau 15 năm, đến nay chỉ có 14 siêu thị. Tương tự, siêu thị Emart vốn là thương hiệu bán lẻ hàng đầu đến từ xứ sở kim chi, sau hơn 5 năm kinh doanh ở VN cũng dừng lại và chuyển nhượng toàn bộ vốn cho Tập đoàn ô tô Trường Hải (Thaco) vào cuối tháng 5.2021. Khi chính thức khai trương đại siêu thị Emart Gò Vấp (TP.HCM) vào cuối năm 2015, đại diện nhà bán lẻ Hàn Quốc này cũng tự tin sẽ nhanh chóng mở điểm bán thứ 2 và nhiều điểm khác nữa, nhưng rồi cũng vẫn chỉ dừng lại ở một điểm duy nhất.
Parkson Việt Nam xin phá sản: 18 năm thăng trầm của biểu tượng xa xỉ
Trước dịch Covid-19 bùng phát, Auchan - một ông lớn bán lẻ đến từ Pháp - vào VN giữa năm 2018, đã bán lại toàn bộ hệ thống siêu thị tại VN cho Liên hiệp HTX thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), kết thúc hành trình 4 năm xây dựng và phát triển tại VN trước đó. Auchan từng lên kế hoạch đầu tư 500 triệu USD với tham vọng mở 300 siêu thị và cửa hàng tại VN, nhưng rồi cũng rời sân chơi bán lẻ VN rất sớm.
Tất nhiên, cũng có nhiều doanh nghiệp (DN) bán lẻ ngoại tăng tốc mở rộng liên tục. Như Tập đoàn bán lẻ Central Retail Corporation (Thái Lan) vừa công bố khoản đầu tư trị giá 1,45 tỉ USD vào VN giai đoạn 2023 - 2027 để tăng gấp đôi số lượng cửa hàng lên 600, có mặt trên 57/63 tỉnh thành của VN. Hay mới đây, Tập đoàn Aeon (Nhật Bản) cũng đã khởi công xây dựng TTTM đầu tiên tại khu vực miền Trung, đặt tại TP.Huế, tổng đầu tư 170 triệu USD và dự kiến đi vào hoạt động cuối năm 2024. Aeon có kế hoạch đến năm 2025 sẽ triển khai thêm 16 dự án tại VN, trong đó có 3 - 4 dự án tại Hà Nội. Mục tiêu của Aeon là mở rộng 30 trung tâm mua sắm và siêu thị bách hóa tổng hợp vào năm 2030.
Tuy vậy, sự tăng tốc mở rộng một cách âm thầm, vững chãi của các nhà bán lẻ nội địa trong thời gian ngắn mới thực sự đáng nể. Sau hơn 2 năm sáp nhập vào hệ sinh thái của Tập đoàn Masan, VinCommerce (nay là WinCommerce - WCM) có chuỗi siêu thị, cửa hàng bán lẻ lớn trải đều trên cả nước. Quý 1/2023, doanh thu thuần của WCM ghi nhận 7.335 tỉ đồng, tăng 0,5% so với cùng kỳ, mở thêm 55 WinMart+ và 1 WinMart trong quý đầu năm, nâng lên 3.442 địa điểm trên toàn quốc cho cả cửa hàng tiện lợi, siêu thị nhỏ và đại siêu thị. Năm 2022, doanh thu thuần của WinCommerce ghi nhận đạt 29.369 tỉ đồng. DN này dự kiến tiếp tục mở hơn 1.000 cửa hàng mới và kỳ vọng tăng 25% doanh thu cấp cửa hàng. Thay vì mở rộng mô hình siêu thị/đại siêu thị, DN cho biết năm nay sẽ tập trung vào mô hình cửa hàng đa tiện ích, siêu thị mini ở cả khu vực thành thị lẫn nông thôn để củng cố vị thế chuỗi bán lẻ.
Tương tự, nhà bán lẻ có tuổi đời "lớn" nhất so với các nhà bán lẻ nội địa là Saigon Co.op luôn "ăn nên làm ra", lợi nhuận trước thuế hằng năm hơn 1.000 tỉ đồng từ năm 2015 đến nay. Tốc độ mở rộng, phủ sóng của DN này cũng rất nhanh. Năm 2022, chuỗi bán lẻ này đạt doanh số 30.888 tỉ đồng, vượt 216 tỉ đồng so với cùng kỳ và đạt 99% kế hoạch đã đề ra. Đặc biệt, mảng thương mại điện tử đóng góp hơn 1.200 tỉ vào doanh số chung của đơn vị. Saigon Co.op đặt mục tiêu tăng trưởng 4,5% trong năm nay.
Bán lẻ nội chiếm 70 - 80% điểm bán
Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), cả nước hiện có khoảng 1.100 siêu thị, 240 TTTM và gần 2.000 cửa hàng tiện lợi. Trong đó, các nhà bán lẻ nội địa chiếm khoảng 70 - 80% số điểm bán trên cả nước. Con số này cho thấy, các DN bán lẻ VN đang đảo ngược tình thế, làm chủ "sân nhà".
Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, nhận xét từ vài năm trước, bán lẻ trong nước làm chủ thị trường hoàn toàn với những tên tuổi như Masan, Saigon Co.op... Họ là DN lớn, rất chú trọng đến việc phát triển đa kênh, đồng thời tự phát triển từ sản xuất đến bán lẻ hoặc liên kết cùng nhau, có giá cạnh tranh tốt. "Trận địa" này bán lẻ nội thắng thế, tuy nhiên giữ được thị phần và phát triển càng khó hơn.
"Tôi có một ước mơ là phải có hệ thống dữ liệu thông tin về giá, có thể mở trên điện thoại để bà nội trợ biết ngay và nhanh nhất giá cả cùng mặt hàng tại các siêu thị khác nhau thế nào. Như các trang bán vé máy bay Traveloka, Ebay…, tìm tuyến bay Hà Nội - TP.HCM, chúng ta biết ngay giá vé cùng ngày đó của hãng bay nào bao nhiêu... Đó là yếu tố minh bạch thông tin giá cả mà người tiêu dùng rất cần biết và giúp nhà bán lẻ cạnh tranh, giữ được khách hàng tốt".
Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú
Ông kể một câu chuyện cá nhân chứng kiến tại một siêu thị ngoại, siêu thị ghi hàng bán là quýt Ai Cập, cô trưởng đoàn mới đi Ai Cập về, lại rất am tường thị trường ấy, nên nói luôn đây là quýt Trung Quốc giả hàng Ai Cập. Hay như bún tươi của một thương hiệu có nhà máy sản xuất đặt cách TP lớn kia gần 100 km, mỗi sáng đều có gói bún ghi sản xuất trong ngày. Trong thực tế, nếu chịu khó quan sát sẽ thấy, gói bún kia đã làm xong tại nhà máy từ 3 giờ ngày hôm trước, đóng gói, đưa lên xe mới kịp 5 giờ sáng hôm sau nhập kho siêu thị. "Sản xuất và đóng gói trong ngày ở đâu?", ông Phú thắc mắc.
Với Parkson, ông Phú nói việc đóng cửa phá sản là câu chuyện "một sớm một chiều". Lý do Parkson là thương hiệu bán lẻ chuyên bán hàng thời trang là chính. Người tiêu dùng nay không chỉ vào TTTM để mua áo quần, giày dép mà còn mua sắm thực phẩm, nên các TTTM lớn vẫn được nhiều người yêu chuộng. Hơn thế nữa, trong thời buổi khó khăn như hiện nay, mua sắm hàng thời trang có thể tạm gác lại, ít mua hơn so thực phẩm sử dụng hằng ngày. 2 lý do trên đã là "giọt nước" cuối cùng "đẩy" Parkson ra khỏi VN.
"Nếu nói 3 yếu tố "thiên thời, địa lợi, nhân hòa", lúc này tận dụng "nhân hòa" là cơ hội tốt nhất cho nhà bán lẻ nội địa. Các chuỗi bán lẻ nội địa tuy đã nắm "trận địa" cũng không nên lơ là công tác chăm sóc khách hàng. Phải giữ bằng được niềm tin của các "thượng đế", mở rộng lượng khách hàng thân thiết, thời kỳ tiết kiệm thì không nên ngồi máy lạnh mua hàng mà phải tập trung mua tận gốc bán tận ngọn để có giá tốt nhất. Làm thương mại lúc này phải chịu khó, không thể xuê xoa rằng mua qua trung gian nhỉnh hơn 1.000 - 2.000 đồng cũng được, nếu so với đối thủ là đã "thua" họ rồi", ông Vũ Vinh Phú nhận định.
CHUYỂN ĐỘNG KINH TẾ ngày 1.5: 18 năm thăng trầm của Parkson
Bình luận (0)