Bán lẻ xăng dầu kiến nghị Thủ tướng sớm ban hành nghị định về xăng dầu

15/05/2023 17:15 GMT+7

Cho rằng việc chậm ban hành nghị định về kinh doanh xăng dầu sửa đổi trong bối cảnh Nghị định 95 đã "lạc hậu", không còn phù hợp với thực tế, cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ tiếp tục "hối thúc" Thủ tướng Chính phủ ban hành nghị định sửa đổi "không trễ hơn quý 2"...

Ngày 15.5, hàng trăm doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đã có giấy ủy quyền để ông Giang Chấn Tây - Giám đốc Công Ty TNHH MTV Bội Ngọc (Trà Vinh) đại diện, gửi kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ về việc sớm ban hành nghị định kinh doanh xăng dầu sửa đổi.

Trong thư kiến nghị, các doanh nghiệp nhấn mạnh "mục đích chính là kính mong Thủ tướng sửa đổi và sớm ban hành nghị định mới về xăng dầu". Lý do, các quy định trong Nghị định 95 bất cập, lộ nhiều điểm hạn chế, tác động tiêu cực, gây bất lợi đối với doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, khiến hầu hết bán lẻ xăng dầu đã và đang rơi vào cảnh thua lỗ nghiêm trọng, việc kinh doanh luôn bấp bênh.

Bán lẻ xăng dầu lại cầu cứu Thủ tướng sớm ban hành nghị định về xăng dầu - Ảnh 1.

Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu lại cầu cứu Thủ tướng sớm ban hành nghị định kinh doanh xăng dầu sửa đổi

N.D

Các nhà bán lẻ xăng dầu nêu "4 sai lầm" tại Nghị định 95.

Cụ thể, Nghị định 95 đã "hiểu" bán lẻ xăng dầu nằm trong hệ thống của doanh nghiệp đầu mối (kiểu đại lý) nên ngay từ đầu có những quy định thiếu khách quan. Trong khi, doanh nghiệp bán lẻ là bộ phận quan trọng trong chuỗi cung ứng xăng dầu ra thị trường, là doanh nghiệp hạch toán độc lập, mua nguồn xăng dầu từ đầu mối, phân phối về bán. Thế nên, việc trích chiết khấu (trong thực tế là chi phí bán hàng) không theo quy định tối thiểu, tối đa mà theo dạng "ban phát" từ đầu mối về cho doanh nghiệp bán lẻ. 

Chính vì lẽ đó, doanh nghiệp bán lẻ đã không nhận được chi phí kinh doanh định mức và lợi nhuận định mức phải có theo quy định tại Thông tư số 104/2021 của Bộ Tài chính. Trong đó, nêu rõ chi phí này bao gồm cả khâu bán buôn và khâu bán lẻ. Không phân chia rõ tỷ lệ các khâu nên doanh nghiệp bán lẻ luôn bị thiệt thòi và bất lợi hoàn toàn, bị "chiếm đoạt" chi phí bán hàng, bị thua lỗ kéo dài... 

Nghị định 95 cho phép thương nhân phân phối lấy hàng nhiều nơi, đổ cùng 1 bồn để bán cho bán lẻ, nhưng doanh nghiệp bán lẻ lại không lấy được hàng từ nhiều nhà phân phối khác nhau vì cơ quan quản lý... sợ không đảm bảo về chất lượng. Đây là điều vô lý nhưng các cơ quan quản lý thị trường cứ tuân theo nghị định này để phạt oan doanh nghiệp bán lẻ trong thời gian qua. Đầu mối được "bảo vệ" bởi nghị định, nên luôn "thao túng nguồn hàng, muốn bán thì bán, muốn ngưng thì ngưng, chiết khấu muốn cho bao nhiêu thì tùy thích. Trước điều chỉnh giá và sau chỉnh giá thời gian chưa đến 1 tiếng đồng hồ đã chênh lệch cả 1.000 đồng/lít. Thực tế này đã và đang xảy ra trước và thời điểm điều chỉnh giá", doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu bức xúc.

Để đối phó với quản lý thị trường, doanh nghiệp bán lẻ buộc phải lập nhiều công ty khác nhau, để người nhà đứng tên, mục đích lấy được nhiều nguồn hàng hợp pháp theo quy định "một doanh nghiệp bán lẻ chỉ lấy được một nguồn hàng duy nhất". Điều này làm tăng số lượng doanh nghiệp nhỏ, nhưng chất lượng không tăng, gây phức tạp thêm khi một chủ doanh nghiệp cùng lúc quản lý tới 3 - 4 con dấu. Quản lý nhà nước cồng kềnh thêm nhưng thu thuế không hề tăng thêm đồng nào.

Từ thực tế trên, cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu mong Thủ tướng sớm ban hành Nghị định về xăng dầu không trễ hơn quý 2/2023 để giúp cho ngành xăng dầu bước sang trang mới ổn định, hiệu quả, công bằng trong mọi mặt hoạt kinh doanh và đảm bảo ổn định an ninh năng lượng quốc gia.



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.