Bán lẻ xăng dầu phải xuất hóa đơn điện tử, doanh nghiệp nói 'không hợp lý'

06/11/2023 19:51 GMT+7

Để xuất hóa đơn điện tử, chủ cây xăng phải đầu tư lại trụ bơm để tương thích với công nghệ. "Trong khi bán một lít xăng lãi 200 - 300 đồng, khách ở vùng xa mua một lần chưa tới 1 lít, nhưng chi một hóa đơn lên đến 500 đồng thì doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu lãi kiểu gì?".

Kết nối dữ liệu để chống trốn thuế

Đó là một số phản ánh của doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu trước đề nghị bổ sung quy định về lộ trình triển khai hóa đơn điện tử tại dự thảo sửa đổi Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu. Tờ trình vừa được Bộ Công thương gửi trình Chính phủ.

Lộ trình đối với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại vùng đồng bằng, đô thị là sau 1 năm kể từ ngày nghị định sửa đổi có hiệu lực; đối với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại các vùng miền núi thời gian thực hiện sau 2 năm kể từ ngày nghị định này có hiệu lực. Theo Bộ Công thương, cửa hàng xăng dầu phải có thiết bị ghi, in kết quả đo xăng dầu bảo đảm kết quả đo xăng dầu được kết nối, chuyển vào hệ thống hóa đơn điện tử theo pháp luật về hóa đơn, chứng từ.

Ngày 6.11, trả lời các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng cho biết hóa đơn điện tử bộ đã chỉ đạo trong toàn quốc thực hiện xuất hóa đơn điện tử từ 1.7.2022. Việc thực hiện hóa đơn điện tử đã được thống nhất trên toàn quốc, chỉ đạo nhà hàng, siêu thị, xăng dầu... phải xuất hóa đơn. Đồng thời, Bộ Tài chính có hỗ trợ hướng dẫn kết nối máy tính tiền với cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế. Đến nay, trên 50% các siêu thị, nhà hàng và 100% cửa hàng kinh doanh xăng dầu của Petrolimex đã có kết nối với cơ quan thuế. Bộ Tài chính kết nối dữ liệu thuế với Cơ sở dữ liệu dân cư. Bộ cũng có những giải pháp khuyến khích người dân lấy hóa đơn. Tư lệnh ngành tài chính cũng nhấn mạnh việc quản lý thông qua AI, big data để phát hiện hành vi trốn thuế. 

Bán lẻ xăng dầu phải xuất hóa đơn điện tử, doanh nghiệp nói 'không hợp lý' - Ảnh 1.

Bán lẻ xăng dầu phản ánh chi phí mua hóa đơn điện tử 1 tờ cao hơn tiền lãi 1 lít xăng

ĐỘC LẬP

Trong thực tế, từ năm 2018, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lớn như Petrolimex đã áp dụng hóa đơn điện tử thay cho hóa đơn giấy tại hệ thống cửa hàng xăng dầu. Với 2.700 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc sở hữu của Petrolimex, doanh nghiệp này cho biết, hóa đơn điện tử được phát hành ngay sau khi kết thúc từng lần bán hàng. 

Chống xăng dầu giả, trốn thuế là việc của quản lý thị trường

Với 17.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên toàn quốc, trong thời gian tới, phải kết nối dữ liệu với cơ quan thuế, áp dụng hóa đơn điện tử, nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu bày tỏ quy định không cần thiết, gây hao tốn cho doanh nghiệp và lãng phí nguồn lực xã hội.

Đại diện Công ty TNHH MTV Giang Chấn Hưng (Trà Vinh) nhấn mạnh: Xăng dầu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, giống như sản xuất xe gắn máy phải đăng ký xuất xưởng về số lượng và đăng ký lưu hành, không thể nói là trốn thuế được. Xăng dầu khi đã nhập về bán, sau khi xuất hóa đơn theo yêu cầu của khách hàng để dùng vào việc thanh toán hoặc đưa vào chi phí hợp lý; số còn lại đa số không sử dụng hóa đơn, song cuối ngày, doanh nghiệp vẫn phải tổng kết xuất bán lẻ theo dạng khách hàng không lấy hóa đơn.  

"Hiện nay, cửa hàng bán lẻ xăng dầu được thiết kế với sức chứa cụ thể được báo cáo qua cơ quan thuế, phòng cháy chữa cháy và Sở Công thương. Các hóa đơn đầu vào, đầu ra đều được nhà cung cấp tổng hợp, kê khai, báo cáo thuế hàng tháng, hàng quý. Nên cơ quan thuế dễ dàng đối chiếu, không thể nào có chuyện bỏ ngoài sổ sách để trốn thuế ở đây được. Theo tôi, lo ngại của Bộ Công thương về gian lận hóa đơn là không thể xảy ra tại cửa hàng xăng dầu, ngoại trừ họ mua xăng dầu gian lận ngoài hải phận, không có đầu vào và không đúng nguồn gốc, xuất xứ theo quy định", đại diện này nêu và nhấn mạnh: "Việc mua hàng gian lận ngoài hải phận là chuyện lớn và thuộc trách nhiệm của Tổng cục Quản lý thị trường và cơ quan điều tra".

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Công ty TNHH Hải Âu Phát (Lâm Đồng), nói bán hàng xuất hóa đơn là việc 100% doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đã và đang thực hiện. Do người mua lẻ lâu nay không có nhu cầu nhận hóa đơn, nên doanh nghiệp bán lẻ thực hiện việc gộp những lần bán hàng cho người dân trả bằng tiền mặt không nhận hóa đơn vào 1 hóa đơn tổng hợp với người mua là "khách hàng mua lẻ không lấy hóa đơn". Petrolimex cũng làm hóa đơn bán lẻ gộp nhưng thời gian có thể ngắn hơn, trong bao nhiêu tiếng một lần... Như vậy, về bản chất vẫn chưa đúng theo yêu cầu của Bộ Tài chính. "Câu chuyện xăng dầu thực ra không phải là xuất hóa đơn điện tử mỗi lần bán hàng mà là câu chuyện kết nối số liệu bán hàng tại trụ bơm (tương tự như tại các máy bán hàng, máy xuất bill của nhà hàng, tiệm thuốc...). Việc doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tổng hợp xuất hóa đơn phù hợp với số liệu cơ quan thuế thu thập mới đảm bảo việc thuận lợi, thuận tiện chống thất thu và gian lận thuế", ông Thắng nhấn mạnh.

Ngoài ra, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu ở miền Bắc, miền Nam, Tây nguyên, đặc biệt vùng sâu, xa... nói áp dụng hóa đơn điện tử lúc này khiến họ phát sinh quá nhiều chi phí vận hành kết nối. Thậm chí, nhiều trụ bơm xăng đời cũ sẽ không có khả năng kết nối được nên doanh nghiệp phải chi tiền đổi đầu số mới, phê duyệt lại mẫu, chi phí kiểm định, đo lường, mua phần mềm, thi công cáp kết nối. Đó là chưa nói khách thu nhập thấp, mua xăng mỗi lần 15.000 - 20.000 đồng, chưa tới 1 lít, lợi nhuận bán hàng thì từ 200 - 300 đồng/lít, trong khi chi mua và in ấn một hóa đơn điện tử hơn 500 đồng/tờ.

"Quy định một cách máy móc và thiếu thực tế là gây lãng phí rất lớn cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, những người đang gặp nhiều khó khăn với tình trạng chiết khấu bán hàng trồi sụt, thua lỗ và bị ép bởi đầu mối xăng dầu", đại diện doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tại miền Nam phản ánh.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.