Bán lẻ xăng dầu yêu cầu minh bạch chi phí

11/04/2023 06:34 GMT+7

Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu bày tỏ bức xúc khi chiết khấu giảm sâu, trong khi báo cáo mới đây của Bộ Tài chính lại kết luận chi phí kinh doanh xăng dầu không có biến động.

Hôm nay (11.4), đến chu kỳ điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu trong nước. Một số dự báo cho thấy giá có thể tăng, tùy theo mức chi/trích sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu của cơ quan điều hành. Trước giờ giá tăng, từ mấy ngày nay, các doanh nghiệp (DN) bán lẻ "kêu trời" tình trạng chiết khấu xăng dầu bị bóp thê thảm.

Sáng 10.4, ghi nhận từ các DN bán lẻ xăng dầu, chiết khấu tại nhiều kho ở khu vực phía bắc vẫn rất thấp, dầu diesel khoảng 400 đồng/lít, xăng từ 0 - 100 đồng/lít. Một số đại lý thuộc hệ thống của các đầu mối xăng dầu PVOil và Petrolimex cho biết có chiết khấu khoảng 300 đồng/lít. Ở phía nam, mức chiết khấu phổ biến vẫn là 300 - 400 đồng/lít, lấy hàng tại kho và chưa có phí vận chuyển.

Bán lẻ xăng dầu yêu cầu minh bạch chi phí - Ảnh 1.

Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu mong muốn đối thoại với cơ quan quản lý vì cho rằng bị “ép” chiết khấu thời gian dài

Đào Ngọc Thạch

Bà Huỳnh Thị Ngọc Thu, chủ DN kinh doanh xăng dầu tại Tây Ninh, cho hay chiết khấu giảm mạnh khiến DN ôm lỗ. Cụ thể, trung bình 1 lít xăng dầu chở từ kho Nhà Bè về cây xăng ở Gò Dầu (Tây Ninh) khoảng 200 - 300 đồng, các chi phí khác thêm 700 đồng/lít. Nếu chiết khấu cho bán hàng ở vùng 2 từ 800 - 900 đồng/lít mới đủ chi phí và vận chuyển hàng, DN chưa có lãi. Thế nhưng, nay chiết khấu chỉ từ 0 - 300 đồng, DN bù lỗ 500 - 900 đồng/lít.

Trong khi đó, báo cáo về rà soát, điều chỉnh khoản chi phí kinh doanh định mức trong giá cơ sở xăng dầu do Bộ Tài chính gửi Chính phủ lại cho rằng từ đầu năm 2023 đến nay, tình hình cung cầu xăng dầu trong nước cơ bản ổn định, chi phí không có nhiều biến động, Bộ cũng không nhận được ý kiến phản ánh bất thường về chi phí xăng dầu...

Ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc (Trà Vinh), đại diện hàng trăm DN bán lẻ xăng dầu bức xúc: "DN bán lẻ suốt thời gian qua yêu cầu cơ quan điều hành là Bộ Công thương và Bộ Tài chính phân chia rõ chi phí xăng dầu ở các khâu từ đầu mối, phân phối đến bán lẻ, chứ chưa bao giờ yêu cầu điều chỉnh chi phí. Chi phí đưa hàng về là cơ sở để tính giá cơ sở từ đầu mối. Vì vậy, dù tăng chi phí lên bao nhiêu thì DN bán lẻ chưa chắc nhận được do các khoản này không có quy định rõ ràng, nên đầu mối đang "ôm trọn" hoặc phân chia thế nào giữa 2 khâu đầu mối và phân phối/tổng đại lý. Báo cáo của Bộ Tài chính dễ khiến lãnh đạo cấp cao "hiểu nhầm" là hoạt động kinh doanh xăng dầu ở các khâu đang ổn định. Trong khi thực tế, chiết khấu của DN bán lẻ đang rất thấp nên lỗ lã kéo dài".

Dẫn Thông tư 104 của Bộ Tài chính quy định, chi phí kinh doanh định mức và lợi nhuận định mức từ khâu bán buôn đến khâu bán lẻ rất rõ ràng, nhưng không ghi rõ tỷ lệ cụ thể ở các khâu nên DN đầu mối đang "hưởng trọn" phần này, nhiều DN bán lẻ yêu cầu "Bộ Công thương và Bộ Tài chính quy định chi phí này cho khâu bán lẻ rõ ràng hơn".

PGS-TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, cho rằng để khách quan, DN bán lẻ và đầu mối cần trao đổi với Bộ Công thương và Bộ Tài chính nhằm bảo đảm công bằng trong kinh doanh. Nếu Bộ Tài chính báo cáo chi phí không có biến động là đúng, thì việc "bóp" chiết khấu thời gian dài là do phía đầu mối. Nhưng nếu đầu mối và DN bán lẻ đều có cái khó riêng, đặc biệt liên quan chi phí kinh doanh thì do cơ quan quản lý. Xăng dầu là mặt hàng được Nhà nước quản lý, vai trò và trách nhiệm của Bộ Công thương, Bộ Tài chính rất quan trọng và phải trả lời cho DN rõ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.