Bản lĩnh, tầm vóc, bí quyết của người lãnh đạo

10/07/2012 03:45 GMT+7

Nhân kỷ niệm 26 năm ngày mất của Tổng bí thư Lê Duẩn (10.7.1986 - 10.7.2012), chúng tôi trân trọng trích đăng bài viết Tổng bí thư Lê Duẩn - Nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng VN, người học trò xuất sắc của Bác Hồ. Bài viết này của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt được in trong tập sách Bí thư Xứ ủy Nam bộ - Bí thư Trung ương cục miền Nam Lê Duẩn hoạt động tại Cà Mau (xuất bản tháng 4.2012).

Bản lĩnh, tầm vóc, bí quyết của người lãnh đạo
TBT Lê Duẩn trò chuyện với các đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần IV năm 1976 - Ảnh: T.L

... Thông qua đồng chí Lê Duẩn (anh Ba Duẩn), phương thức lãnh đạo tài tình của Bác Hồ, của Đảng ta được thể hiện rất sinh động. Đảng lãnh đạo thông qua chủ trương, đường lối và giữ vững vai trò hạt nhân, quy tụ mọi lực lượng trong xã hội chứ không bao biện, không làm thay. Tôi hết sức tâm đắc phương pháp lãnh đạo đúng đắn này. Nó có sức thuyết phục cả trong và ngoài Đảng, có sức tập hợp mạnh mẽ mọi người yêu nước. Nó không chỉ thể hiện trí tuệ mà còn thể hiện bản lĩnh, sự tự tin tuyệt vời của Đảng ta.

 

Mỗi lần vào thăm TP.HCM, anh Ba đều dành nhiều thời gian đi tìm hiểu thực tế. Anh rất quan tâm tới các cơ sở quốc doanh cũng như ngoài quốc doanh làm ăn tốt. Có lần, tới thăm một cơ sở ở Tân Bình chuyên làm hàng cơ khí tiêu dùng (như dao, kéo...), anh Ba rất khen cách tổ chức sản xuất của bà con. Năm sau, một số anh em khác lại dẫn anh Ba tới đó. Thấy không có gì mới so với lần thăm trước, anh không hài lòng và phê bình: Đi thực tế để phát hiện cái mới chứ không phải để tuyên truyền. Anh Ba rất khuyến khích thành phố tìm tòi, thí điểm tháo gỡ khó khăn.

... Các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, của Xứ ủy được anh Ba chỉ đạo gửi cho các Khu ủy, Tỉnh ủy tự nghiên cứu, đối chiếu, vận dụng để chỉ đạo cho sát với tình hình thực tế của từng nơi. Anh thường nói: “Thực tế đa dạng lắm. Không chủ trương nào có thể đúng hoàn toàn với tất cả mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh. Nắm chắc nghị quyết không có nghĩa là thuộc lòng câu chữ. Thực hiện nghị quyết không có nghĩa là áp dụng cứng nhắc. Làm việc với cơ sở, nghị quyết phải bỏ trong túi chứ đừng mang ra đọc. Phải hỏi kỹ tình hình và cách giải quyết các vấn đề cụ thể của cơ sở. Những gì cơ sở làm đúng với tinh thần của nghị quyết thì xác nhận, khích lệ. Những gì chưa đúng thì gợi mở thảo luận, giúp tìm ra cách làm cho đúng. Những điểm nghị quyết chưa phù hợp thì phải ghi nhận. Có như vậy mới phát huy được sáng tạo và nâng cao trách nhiệm của cơ sở, biến nghị quyết của cấp trên thành nghị quyết của cơ sở”.

Một lần, tôi và một số đồng chí trong Liên tỉnh ủy được đi cùng anh Ba đến làm việc với lãnh đạo chi ủy một xã trong vùng căn cứ (nay là xã Biển Bạch anh hùng thuộc huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau). Chúng tôi được trực tiếp chứng kiến anh Ba làm đúng như vậy. Sau buổi làm việc, anh em ở xã ai cũng hào hứng và thêm tự tin. Đối với chúng tôi, đó là một lần được tập huấn thực tế bổ ích về phương pháp phổ biến nghị quyết của Đảng theo đường lối vận động quần chúng.

 

Mỗi khi nhớ lại, tôi vẫn xúc động và càng thêm thấm thía lời dặn bảo của anh: “Trong tổ chức thực hiện, phải dồn tất cả tâm huyết thì mới tìm ra được những giải pháp mới sáng tạo. Tuy nhiên, khi thảo luận chủ trương và giải quyết những vấn đề liên quan tới chủ trương lớn thì không được để tình cảm xen vào. Đó là bản lĩnh, là tầm vóc và cũng là bí quyết của người lãnh đạo”.

...Suốt từ khi được gặp anh Ba trong kháng chiến chống Pháp, qua kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thời gian công tác ở TP.HCM sau giải phóng rồi ra Hà Nội nhận công tác ở Trung ương và tới hôm nay, tôi luôn giữ trong mình tình cảm kính phục và những kỷ niệm sâu sắc về anh Ba. Đối với tôi, sau Bác Hồ, anh Ba Duẩn là một lãnh đạo kiệt xuất, nhà lý luận uyên thâm, nhà hoạt động thực tiễn lớn của Đảng và của dân tộc ta, người có vai trò đóng góp rất lớn cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam.

Điều tôi cảm nhận rất sâu sắc từ nơi anh là ý thức dân tộc, tinh thần độc lập, tự chủ và tư duy sáng tạo, trăn trở, tìm tòi trong lý luận, trong thực tế cuộc sống để phát hiện những điều mới mẻ, đúng đắn, có lợi cho đất nước, cho dân. Anh Ba rất kỵ tới mức dị ứng với cả “căn bệnh giáo điều, sách vở” và “căn bệnh kinh nghiệm chủ nghĩa”. Trong kháng chiến cũng như trong hòa bình, anh luôn nhắc nhở chúng tôi bám sát thực tế và không ngừng sáng tạo trong tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương.

Lời căn dặn đó của anh càng thêm ý nghĩa trong bối cảnh chúng ta vừa thực hiện, vừa từng bước làm rõ “định hướng xã hội chủ nghĩa”. Nhớ về anh Ba Duẩn kính yêu, chúng ta càng thấy niềm thôi thúc đưa đất nước vượt lên với tinh thần độc lập, tự chủ, với trí tuệ và bản lĩnh kiên định trước thời cơ và thách thức mới.

(Tít bài trích đăng do Thanh Niên đặt)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.