Đây là thực trạng báo động được các chuyên gia về lao động, công đoàn nêu lên với mong muốn cung cấp thêm thông tin, làm cứ liệu cho phiên đàm phán vòng 2 về lương tối thiểu vùng 2020 của Hội đồng Tiền lương quốc gia diễn ra vào hôm nay 11.7.
Cực chẳng đã phải đi đẻ thuê
Tại tọa đàm về mức sống tối thiểu, tình hình đời sống, thu nhập của người lao động, đề xuất phương án tiền lương tối thiểu vùng năm 2020 do Tổng liên đoàn lao động Việt Nam (LĐLĐVN) tổ chức chiều qua 10.7, PGS -TS Vũ Quang Thọ, nguyên Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn, cho biết mức lương tối thiểu chưa đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.
Theo tính toán, mức sống tối thiểu hiện đạt 95% nhu cầu sống tối thiểu và còn 5% nữa mới đạt mục tiêu đề ra. “Không cần phải tô vẽ thêm chỉ cần chúng ta đến khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội) có thể thấy rõ cuộc sống khó khăn của người lao động. Vì tiền lương không đủ đáp ứng nhu cầu họ sẵn sàng làm mọi việc kể cả chửa thuê và đẻ thuê”, ông Thọ bày tỏ.
Theo ông Thọ, đây không phải là chuyện hiếm gặp, cách đây 8 năm, ông đã từng tiếp xúc với nữ công nhân ở Khu công nghiệp (KCN) Đồng Nai nhận đẻ thuê với thù lao 12.000 USD, tương đương với giá 300 triệu đồng. Đến nay, dịch vụ đẻ thuê đã lan ra các KCN Bắc.
“Cực chẳng đã, công nhân mới phải làm việc này. Do tiền lương thấp, tiền lương không đủ sống, nên người lao động sẵn sàng làm những gì mà họ có thể làm, để đảm bảo cuộc sống cho gia đình họ. Hình ảnh người công nhân 5 "không" (không tiền lương, không nhà cửa, không bảo hiểm, không gia đình, không tương lai) vô cùng tăm tối. Đây là vấn đề đáng để các nhà làm chính sách và chúng ta phải suy nghĩ. Tôi mong rằng các thành viên Hội đồng tiền lương cân nhắc tăng lương tối thiểu để bảo vệ những người lao động yếu thế", ông Thọ chia sẻ.
|
Ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng ban Chính sách pháp luật, LĐLĐ TP.HCM, cũng cho hay mức lương tối thiểu chưa đáp ứng được đời sống tối thiểu của người lao động ở TP.HCM, nếu như họ không làm thêm.
“Chúng ta nói năng suất của người lao động thấp nhưng cứ vào nhà máy xem họ làm cật lực, ngoài tăng ca họ phải chạy thêm xe ôm để sống. Họ không còn thời gian, điều kiện giao lưu kết bạn. Nhiều cặp vợ chồng có con xong phải gửi con về quê gửi trẻ”, ông Đô nói, và cho biết thêm khảo sát của LĐLĐ TP.HCM tại khu chế xuất Tân Thuận mới đây, có người lĩnh lương còn 980.000 đồng, thấp hơn chuẩn nghèo thành phố.
Vì vậy, theo ông Đô, phương án đề xuất của Tổng LĐLĐVN tăng 8,1% phù hợp với điều kiện kinh tế hiện nay.
Mặc dù các doanh nghiệp tại các KCN, khu chế xuất (KCX) Hà Nội đều trả lương cao hơn mức lương tối thiểu, nhưng ông Nguyễn Đình Thắng, Phó chủ tịch Công đoàn KCN-KCX Hà Nội, cho biết người lao động vẫn không đủ sống. Hà Nội có 9 KCN, nhưng chỉ có KCN Thăng Long có nhà trẻ cho công nhân.
Theo ông Thắng, phần lớn là công nhân là người ngoại tỉnh không có hộ khẩu, riêng tiền thuê nhà khoảng 1,5-1,8 triệu đồng, chiếm 1/3 tiền lương, chưa kể các khoản tiền điện, tiền nước cũng rất cao. Vì vậy, họ muốn đi làm thêm để kiếm tiền, để bớt được một bữa ăn cho gia đình, để không phải sống trong nhà trọ chật chội trong những ngày nóng nực. Thậm chí, đến việc rút tiền lương từ ATM họ cũng phải tính toán làm sao không bị trừ nhiều tiền.
"Để đảm bảo đời sống NLĐ, theo tôi phải tăng đến 9% mới đáp ứng đủ nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ. Chúng tôi mong muốn Tổng LĐLĐVN đề nghị Chính phủ giao cho bộ, ngành nào đó tính mức sống tối thiểu cho phù hợp”, ông Thắng bày tỏ.
Lương tối thiểu phải tăng ít nhất trên 6,5%
Từ thực trạng đời sống khó khăn của người lao động, trước phiên đàm phán vòng 2 Hội đồng tiền lương quốc gia, Tổng LĐLĐVN đề xuất 3 phương án tăng lương tối thiểu vùng.
Cụ thể, phương án 1: tăng 8,18%, tương ứng từ 180.000 - 350.000 đồng.
Phương án 2: tăng 7,06%, tương ứng từ 160.000 - 330.000 đồng.
Phương án 3: tăng 6,53% tương ứng từ 120.000 - 320.000 đồng.
Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐVN) phân tích: “Đề xuất trên chúng tôi dựa vào các cứ liệu từ thực tế. Chỉ số GDP tăng khoảng 7%; CPI khoảng 4%; năng suất lao động xã hội tăng khoảng trên 5%. Đây là những chỉ số vĩ mô có ảnh hưởng tích cực tới việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng cho năm 2020. Bên cạnh đó, tình hình xuất khẩu khẩu với tỷ lệ đơn hàng ngày càng tăng, đặc biệt ở các ngành sử dụng đông lao động. Điều này cho thấy khả năng chi trả của doanh nghiệp sẽ ổn định”, ông Lê Đình Quảng nói.
Theo ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng LĐLĐVN, Hội đồng Tiền lương Quốc gia cần xem xét, tính toán đảm bảo hài hòa các lợi ích giữa các bên trong quan hệ lao động, để đảm bảo công bằng, ổn định và cùng phát triển.
TS Đỗ Thị Quỳnh Chi, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Quan hệ lao động, cho rằng khi thảo luận về lương tối thiểu, cần phân biệt giữa “mức sống tối thiểu để tồn tại” và “mức sống tối thiểu cơ bản đủ sống”.
Cảnh báo mức sống tối thiểu để tồn tại về lâu dài làm nhân rộng đói nghèo, tăng khoảng cách thu nhập giữa các nhóm xã hội, bà Chi cho rằng, Công đoàn nên khuyến khích việc thương lượng tập thể dựa trên mức sống tối thiểu cơ bản đủ sống ở cấp ngành và doanh nghiệp. Sử dụng phương pháp xác định lương đủ sống để hỗ trợ các cấp công đoàn và doanh nghiệp trong thương lượng.
Nhiều gia đình công nhân cuối tháng chỉ ăn cơm chan canh suôngTheo khảo sát chuyên sâu về cuộc sống của công nhân may ở Việt Nam do Tổ chức Oxfarm và Viện Công nhân - Công đoàn tổ chức năm 2018, có tới 99% người lao động có mức lương thấp hơn mức lương đủ sống của Sàn lương châu Á; và 74% có mức lương thấp hơn mức lương đủ sống của Liên minh Lương đủ sống Toàn cầu.
Vì lương không đủ sống, 37% công nhân được phỏng vấn cho biết họ luôn ở trong tình trạng vay nợ từ bạn bè, người thân hay hàng xóm, để bù đắp thiếu hụt chi tiêu trong tháng; 28% công nhân nói rằng tiền lương không đủ để đảm bảo chi tiêu ăn uống cho gia đình trong cả tháng. Trong số này, 50% cho biết họ phải vay tiền để mua thức ăn; và 6% cho biết vào cuối tháng, họ chỉ ăn cơm chan canh suông.
|
Bình luận (0)