Chưa ai đặt tên nhưng ban nhạc của các bạn trẻ trên có lẽ gọi “ban nhạc vui vẻ” là hợp nhất. Ban nhạc có hơn 30 thành viên tập dượt thường xuyên, chưa kể vào “mùa vụ” số các bạn trẻ lui tới còn nhiều hơn nữa.
Những người trẻ ham vui
Thích đánh trống nên anh chàng chủ tịch Hội liên hiệp thanh niên cấp phường Phan Xuân Thủy dành dụm tậu một bộ trống tàm tạm về chơi cho thỏa đam mê. Một hôm Thủy thấy anh Sang cùng làm ở phường ngồi gảy ghita nghe quá đã nên kiếm thêm một người chơi organ, chỉ vậy và lập ban nhạc.
Ban nhạc mà chỉ có ba người, ai hát đây? Cách nào để “tuyển” ca sĩ cho ban nhạc? Thế là bèn tổ chức một cuộc thi có cái tên kêu rất... dữ dội “Giọng ca vàng thanh niên”, diễn ra hồi 2-9-2008. Các bạn trẻ đăng ký rần rần, có người thi hát, có người đăng ký chơi nhạc, nhận tuốt. Sau cuộc thi, ban nhạc “người không biết để đâu cho hết”, tới vài chục bạn. Nhưng tiêu chí của đội là càng đông càng vui.
Những ngày lễ trong năm, các đoàn thể tổ chức mittinh không thể thiếu những tiết mục văn nghệ đầu giờ, thế là ban nhạc vui vẻ nhận “thầu” tất cả chương trình văn nghệ cho các buổi lễ trong phường.
Ca sĩ của ban nhạc miệt mài hát nhất có lẽ là bạn Hà Nguyễn Trọng Đức. Đức trước đó đã bỏ học giữa chừng. Từ khi vào CLB, vừa được đứng trên sân khấu hát hò, vừa được anh em trong nhóm động viên, giờ đã trở lại trường theo học bổ túc.
“Chơi với các bạn trong ban nhạc không chỉ vui mà bản thân cũng học hỏi được cách sống với tập thể, cách làm việc chung với nhau. Trước đây đứng trên sân khấu hay bị run nên dễ quên lời, mà cố nhớ lời thì không tập trung diễn được. Đi hát nhiều lần cho tôi sự dạn dĩ và biểu diễn hay hơn, càng ngày càng chuyên nghiệp” - Đức bày tỏ.
Sướng hơn chơi ở... đám cưới Từng đánh đàn cho các đám cưới nhưng chơi với ban nhạc vui vẻ ở phường “luôn mang đến cho mình cảm giác “đã” hơn”, tay ghita Nguyễn Huỳnh Ngọc Sang cho biết. Mỗi ngày sau giờ làm, hễ ban nhạc tập luyện là anh khoác luôn bộ đồng phục của tổ thanh tra xây dựng phường ùa vào gảy đàn say sưa. |
Sân chơi cho bạn trẻ
Cuộc so tài “Giọng ca vàng thanh niên” từ dạo 2008 tới giờ do Hội LHTN phường tổ chức trở thành điểm hẹn của nhiều bạn trẻ yêu thích ca hát.
Không chỉ các bạn trong phường tham gia mà có cả những bạn ở phường khác, thậm chí ở các quận khác cũng đến thử sức. Giải nhất cuộc thi năm nay đã thuộc về bạn Trầm Thúy Phương, học sinh lớp 11 Trường THPT Thăng Long, nhà ở phường 11, quận 5. “Mình sinh hoạt ở nhà thiếu nhi quận từ nhỏ, thường hát phục vụ văn nghệ ở trường nhưng chưa dám thi thố ở đâu, lần thi này giúp mình tự tin hơn. Sinh hoạt ở ban nhạc cũng cho mình nhiều dịp để rèn luyện phong cách đứng trước đám đông”, Phương cho biết.
Ban nhạc “con nhà nghèo” nên dụng cụ đều được hùn lại từ mỗi người. Dàn trống mỗi cái được mua hoặc xin lại từ nhiều bộ trống khác nhau nhưng khi chơi cũng xập xình không thua các ban nhạc khác. Chẳng thế, ban nhạc vui vẻ từng được mời giao lưu, biểu diễn cùng các ban nhạc khác tại Trung tâm Văn hóa quận 5. Và dịp chào xuân mới năm 2010 sắp đến ban nhạc cũng được mời góp vui tại trung tâm văn hóa quận. Mấy hôm nay, các bạn trong ban nhạc tối nào cũng tập ráo riết để chuẩn bị chương trình chào xuân mới.
“Ban nhạc phục vụ là chính nên cũng ít nguồn thu, tụi mình lâu lâu nhận viết kịch bản hay làm đạo diễn chương trình cho các công ty để có thêm nguồn kinh phí cho hoạt động”, Thủy cho biết. “Cátsê” cho ban nhạc là những tràng pháo tay của khán giả, và mỗi lần tập ban nhạc cũng chỉ cần một xô... trà đá.
Ban nhạc vui vẻ đang ấp ủ sẽ vươn xa hơn để tạo sân chơi cho nhiều bạn trẻ yêu thích âm nhạc, ca hát...
Theo KIM ANH/Tuổi Trẻ
Bình luận (0)