Bàn những chuyện 'sát sườn' về hệ giá trị Việt Nam, chuẩn mực trong thời kỳ mới

29/11/2022 14:42 GMT+7

Các hệ giá trị Việt Nam nói chung, hệ giá trị con người nói riêng, là một trong những nguồn lực nhân văn vĩ đại của quốc gia, là nguồn lực nội sinh đặc biệt phải tiếp tục khơi dậy, 'như những viên ngọc, thỏi vàng quý giá'.

Ngày 29.11 tại ba điểm cầu: Hà Nội, Huế và TP.HCM đã sôi nổi diễn ra hội thảo quốc gia Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới do Hội đồng Lý luận T.Ư, Ban Tuyên giáo T.Ư, Bộ VH-TT-DL, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam phối hợp tổ chức.

Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu khai mạc hội thảo quốc gia Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới do Hội đồng Lý luận T.Ư, Ban Tuyên giáo T.Ư, Bộ VH-TT-DL, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam phối hợp tổ chức

KHÁNH HUYỀN

Tham dự hội thảo quan trọng này, tại điểm cầu Hà Nội có Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa; ông Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; GS.TS Nguyễn Thị Doan, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Phó chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; GS.TS Tạ Ngọc Tấn, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận T.Ư cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành T.Ư.

Tại điểm cầu TP.HCM tham dự có ông Phan Xuân Thủy, Phó trưởng ban Tuyên giáo T.Ư; Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM… Tại điểm cầu Huế có ông Lê Hải Bình – Phó ban Tuyên giáo T.Ư; Phó Bí thư thường trực Thừa Thiên – Huế Phan Ngọc Thọ…

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị tập trung làm rõ tính cấp thiết và những yêu cầu đặt ra đối với việc tập trung nghiên cứu, xây dựng và triển khai thực hiện các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Xác định cơ sở lý luận, phương pháp luận và nội dung các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Cùng với đó là phân tích mối quan hệ biện chứng giữa các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam.

GS.TS. Đinh Xuân Dũng đặc biệt nhấn mạnh: "Tôi thực sự thấm thía khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu rằng: Mất người là mất chế độ". Thực tiễn đó đặt ra một nhiệm vụ vừa cấp thiết vừa chiến lược là phải khẩn trương, khoa học, từ tổng kết thực tiễn, xây dựng cho bằng được các giá giá trị văn hóa của quốc gia – dân tộc, của con người Việt Nam"

THẢO QUYÊN

Quang cảnh hội thảo quốc gia Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới tại TP.HCM sáng 29.11

Tại điểm cầu TPHCM tham dự có ông Phan Xuân Thủy, Phó trưởng ban Tuyên giáo T.Ư; Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Phó bí thư Thành ủy TPHCM…

QUỲNH TRÂN

Gia đình thật sự phải là tế bào lành mạnh

Tâm huyết với đề tài của hội thảo, PGS.TSKH. Lương Đình Hải, Viện Hàn lâm KHXHVN cho rằng: “Việc xây dựng, phát huy và phát triển hệ giá trị và chuẩn mực con người ở nước ta hiện nay diễn ra trong bối cảnh mới cả trên phương diện quốc tế lẫn trong nước. Thứ nhất, nền kinh tế thị trường thế giới đã bước sang giai đoạn phát triển mới với nhiều đặc điểm, tính chất khác trước, trên nền tảng công nghiệp và các công nghệ mới. Thứ hai, cuộc cách mạng khoa học – công nghệ đang diễn ra mạnh mẽ cùng với các cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba và lần thứ tư đang làm thay đổi nhanh chóng các lực lượng sản xuất toàn cầu, các quan hệ xã hội từ cấp vĩ mô toàn cầu đến cấp vi mô trong từng gia đình. Thứ ba, quá trình toàn cầu hóa, dù vài năm gần đây xu hướng dân tộc chủ nghĩa trỗi dậy, vẫn tiếp tục diễn ra mạnh mẽ, không thể đảo ngược, đang tác động mạnh đến sự phát triển của các quốc gia, nhất là các nước đang phát triển, cả về phương diện cơ hội lẫn thách thức. Thứ tư, những vấn đề toàn cầu ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của các quốc gia và toàn nhân loại, vừa đang có thêm những nội dung và biểu hiện mới. Đại dịch Covid-19 làm đảo lộn nền kinh tế của nhiều quốc gia và của thế giới chỉ là một ví dụ. Thứ năm, hòa bình, hợp tác, liên kết và phát triển vẫn là xu thế lớn, nhưng, cuộc đấu tranh giành quyền ảnh hưởng giữa các cường quốc, các quan hệ quốc tế diễn biến phức tạp, khó lường, cũng có thêm nhiều nội dung và biểu hiện mới. Tất cả những quá trình đó đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự nghiệp phát triển con người và xã hội ở nước ta”.

Còn tại TP.HCM, xác định tầm quan trọng của Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới luôn gắn liền với việc phát triển kinh tế, nên TP mang tên Bác luôn xây dựng, hình thành chuẩn mực văn hóa: “năng động, sáng tạo, đi đầu, dám chấp nhận thử thách, nhân ái, nghĩa tình”, gắn với tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thông qua việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo điều kiện cho người dân, nhất là thanh thiếu nhi thành phố phát triển toàn diện về nhân cách, đạo đức, tuân thủ pháp luật, sống có trách nhiệm với gia đình, cộng đồng và xã hội, góp phần hình thành bản sắc riêng của con người TP.HCM.

TP.HCM cũng đã và đang tiếp tục xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh đồng bộ về cả văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể: Phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa hiện tại trên địa bàn thành phố gắn với cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bảo tồn, trùng tu, tôn tạo và phát huy các giá trị di tích lịch sử - văn hóa nhất là các di tích lịch sử liên quan đến thân thế, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh như: Di tích lịch sử văn hóa tại địa chỉ số 5, đường Châu Văn Liêm, P.14, Q.5; Bảo tàng Hồ Chí Minh Chi nhánh TP.HCM; Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích Bến Dược, H.Củ Chi… nhằm giáo dục chủ nghĩa yêu nước, ý thức tự lực tự cường, khát vọng giải phóng dân tộc, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho khách tham quan khi đến tham quan các di tích lịch sử".

Đại diện cho dải đất khúc ruột miền Trung, theo Phó bí thư thường trực Thừa Thiên-Huế Phan Ngọc Thọ: “Thừa Thiên-Huế là vùng đất hiện đang giữ gìn được hệ giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình truyền thống trong đời sống gia đình và xã hội. Những giá trị này đang từng ngày được bảo tồn và phát huy cùng với các giá trị văn hóa gia đình hiện đại. Trong dòng chảy chủ lưu yêu nước của văn hóa dân tộc, việc bảo tồn nề nếp, gia phong Huế trên nền tảng của văn hóa Việt Nam lấy những giá trị chuẩn mực như: lễ giáo, hiếu học, trọng tình nghĩa, sống nhân ái, tinh thần tự tôn, tự lực... làm cái gốc để hình thành và phát triển gia đình hiện đại. Hiện nay, trong bối cảnh hội nhập, một số giá trị văn hóa gia đình đã có những biến đổi nhất định, thậm chí đang dần bị mai một. Vì vậy, mỗi cá nhân, mỗi gia đình và toàn xã hội cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc vấn đề này, chủ động phát huy giá trị văn hóa gia đình, góp phần xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ và văn minh, để gia đình thật sự là tế bào lành mạnh, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời đại mới. Công cuộc bảo tồn, gìn giữ cũng như phát huy hệ giá trị gia đình Việt Nam, gia đình Huế một cách hiệu quả".

Xây dựng và phát triển con người với những giá trị cao đẹp của dân tộc

Mang nhiều tâm sự đến với hội thảo, đại diện Hội LHPN Việt Nam khẳng định vai trò của tổ chức Hội trong việc phát huy Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới. “Trong điều kiện internet và mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, bên cạnh những lợi ích mang lại thì mặt trái của nó cũng đặt ra nhiều thách thức với các gia đình. Trên không gian mạng, những thế lực xấu sử dụng mọi chiêu trò, sức mạnh của truyền thông, tâm lí nhẹ dạ cả tin, hám lời của người dùng, dụ dỗ, lôi kéo nhiều người tham gia vào những hội thánh mang màu sắc tôn giáo, mê tín, khuyên con người từ bỏ trách nhiệm với gia đình, không thờ cúng tổ tiên, cắt đứt tình thân. Một số người còn bị kẻ xấu lôi kéo vào con đường phạm pháp, để lại nỗi đau và bi kịch cho nhiều gia đình".

Nhiều ý kiến tâm huyết xác định tầm quan trọng của Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới luôn phải gắn liền với việc phát triển kinh tế

quỳnh trân

Vì vậy cần phát phát huy hơn nữa vai trò của Hội LHPN Việt Nam trong vun đắp giá trị gia đình Việt Nam. "Là tổ chức đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, với mạng lưới rộng khắp trên phạm vi cả nước, Hội LHPN Việt Nam đã trực tiếp tham gia vào quá trình xây dựng Luật Hôn nhân Gia đình năm 1959 và luôn đi đầu trong các hoạt động hỗ trợ phụ nữ thực hiện vai trò người mẹ, người vợ, người em và người con gái trong gia đình. Các phong trào thi đua, cuộc vận động, chương trình, đề án trong nhiều thập kỷ qua của Hội đều hướng tới vận động, hỗ trợ phụ nữ gìn giữ, vun đắp giá trị gia đình, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh”, tham luận tại hội thảo của Hội LHPN Việt Nam nhấn mạnh.

Tại hội thảo quốc gia Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới, GS.TS. Đinh Xuân Dũng đặc biệt nhấn mạnh: "Tôi thực sự thấm thía khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu rằng: Mất người là mất chế độ. Thực tiễn đó đặt ra một nhiệm vụ vừa cấp thiết vừa chiến lược là phải khẩn trương, khoa học, từ tổng kết thực tiễn, xây dựng cho bằng được các giá giá trị văn hóa của quốc gia – dân tộc, của con người Việt Nam để định hướng đúng đắn cho sự lựa chọn, để đấu tranh với các khuynh hướng phản giá trị, lúng túng, bi quan, thờ ơ, dẫn tới lệch chuẩn, loạn chuẩn… đang tồn tại và có nguy cơ lan tràn trong thời kỳ quá độ hiện nay và những năm sắp tới. Đó là một đòi hỏi cấp thiết, khách quan nhằm nuôi dưỡng, xây dựng và phát triển con người với những giá trị cao đẹp của dân tộc trong thời kỳ quá độ 'vô cùng khó khăn và phức tạp' này".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.