Ban quản trị thích dẫn luật nhưng lại làm sai luật đầu tiên

11/03/2021 12:01 GMT+7

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Duy Thành, Tổng Giám đốc Công ty Quản lý vận hành Global Home, tại Hội thảo "Ai bảo vệ quyền lợi cư dân trong chung cư?" đang diễn ra tại Báo Thanh Niên sáng 11.3.

Bức xúc dẫn tiếp câu chuyện về chung cư tại Hội thảo, bà Phạm Thị Phúc - cư dân chung cư Central Garden, Q.1, cho biết bà sinh sống 13 năm tại chung cư nhưng căn hộ chưa bao giờ được sửa chữa, phía chủ đầu tư - Công ty Chương Dương lý giải do không có phí bảo trì 2%. Chung cư nằm giữa trung tâm quận 1 nhưng rất tệ, hôi thối, xập xệ, dột thấm khắp nơi, dân cư lên phường thưa thì được trả lời rằng đơn vị này không đủ thẩm quyền giải quyết. Người dân  thực tế chỉ được quyền sở hữu từ cửa đi vào căn hộ của mình, các khu vực khác đều của chủ đầu tư. Trong khi đó, chủ đầu tư chỉ đóng 0,0875% tất cả các khoản phí, còn lại người dân đóng hết nhưng mọi khoản phí thu được từ cho thuê bãi xe, tiền quảng cáo... phía chủ đầu tư lấy sạch.
"Từ đầu Hội thảo đến giờ, câu hỏi được đặt ra là trao quyền quản lý chung cư cho ai, có nên cho chủ đầu tư hay không? Xin thưa là chỉ đối với chủ đầu tư tốt, còn với những chủ đầu tư không tốt thì người dân càng khổ. Họ quan hệ mật thiết với cơ quan chính quyền, người dân lên thưa còn bị chửi, đuổi về. Phải cân nhắc thật kỹ, đưa ra công khai cho nhiều đơn vị tham gia đấu thầu, chọn đơn vị tốt", bà Phúc lưu ý.

Ông Nguyễn Duy Thành phát biểu tại Hội thảo

Theo ông Nguyễn Duy Thành, Tổng Giám đốc Công ty Quản lý vận hành Global Home, để 1 tòa chung cư vận hành ổn định, cần mối quan hệ giữa 5 đối tượng gồm chủ đầu tư, chính quyền địa phương, ban quản trị, ban quản lý vận hành và cư dân. Thực tế, Ban quản trị là đối tượng thích nói về luật nhưng họ lại sai luật đầu tiên. Và tạo điều kiện cho Ban quản trị sai luật là chính quyền địa phương, dẫn đến dân cư trở thành đối tượng bị đàn áp.
Vị này kiến nghị cần quy định Ban quản trị phải tham gia lớp Đào tạo Ban quản trị trong chung cư. Khi chính quyền công nhận Ban quản trị thì cần quy định thời gian phổ cập kiến thức. Vấn đề mấu chốt là quỹ bảo trì 2%. Khi chủ đầu tư xây dựng, khách hàng thanh toán qua ngân hàng sẽ mở thêm chuyên mục quỹ bảo trì, chuyển vào ngân hàng. Đây là quỹ phong tỏa, chủ đầu tư được quyền gửi có kỳ hạn 13 tháng, sau 1 năm sẽ tăng thêm 8 - 9%. Sau khi công nhận Ban quản trị có chứng chỉ, chủ đầu tư mới chuyển giao quyền quản lý đó cho Ban quản trị nhưng chỉ trên giấy tờ, không phải "tiền tươi". Tất cả hoạt động thu chi của Ban quản trị phải qua chuyển khoản. Nếu họ không báo cáo, giải trình, cư dân có quyền yêu cầu ngân hàng sao kê trích lục. Những khoản chi tiêu nhỏ, lấy tiền ứng từ công ty quản lý vận hành, sau đó ban quản trị chuyển khoản lại cho công ty quản lý. Đồng tiền của Ban quản trị chỉ trên giấy tờ sẽ không sinh tiêu cực
"Quan trọng, cần tuyên truyền kiến thức pháp luật nhà chung cư cho ban quản trị, cư dân và cả chính quyền địa phương. Một chung cư nếu có chủ đầu tư chuẩn, đơn vị quản lý chuẩn, chính quyền địa phương hiểu luật thì mọi mâu thuẫn sẽ được giải quyết" - ông Thành khẳng định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.