Từ bản quyền World Cup 2018...
Trước khi World Cup 2018 khởi tranh, hàng triệu khán giả Việt Nam đứng trước nguy cơ không được xem trực tiếp 64 trận đấu của ngày hội bóng đá lớn nhất thế giới, bởi mức giá đối tác nắm giữ bản quyền đòi quá cao khiến VTV không có khả năng chi trả.
Thời điểm đó, VTV đưa ra quan điểm sẽ không mua bản quyền bằng mọi giá. Ngoài VTV, cũng không có bất cứ nhà đài nào đủ khả năng để vào cuộc. Đến phút chót, nhờ sự hỗ trợ của 2 tập đoàn lớn là Vingroup và Viettel, VTV mới hoàn tất việc mua bản quyền truyền hình. Sau đó, toàn bộ các trận đấu đã được VTV phát miễn phí cho người hâm mộ trên các kênh quảng bá.
Khán giả Việt Nam được xem World Cup vào đúng phút chót và đó là thời điểm mà người ta thấy vai trò của các doanh nghiệp lớn đối với cộng đồng. Cả Vingroup và Viettel đều đưa ra quan điểm, trên thế giới, khi một doanh nghiệp phát triển thì việc tham gia cống hiến vì lợi ích cộng đồng là hoàn toàn bình thường. Thế nên cả Viettel và Vingroup không ngoại lệ. Và cả hai tập đoàn lớn này vẫn đang triển khai các chương trình vì cộng đồng khác, mà bóng đá chỉ là một trong nhiều hoạt động.
… đến việc “cứu một bàn thua vào phút bù giờ” cho ASIAD 18
Đến lượt câu chuyện bản quyền truyền hình ASIAD 18 cũng “nóng” không kém. Bởi lẽ, đây là giải đấu sẽ có sự góp mặt của những gương mặt cầu thủ U.23 trong đội hình Olympic Việt Nam từng tạo ra cơn sốt hồi đầu năm ở giải U.23 châu Á 2018. Thế nên, nhu cầu xem không chỉ là của người hâm mộ thể thao mà của hàng triệu người dân Việt Nam.
Cũng giống như việc mua bản quyền World Cup 2018, VTV đã không mua bằng mọi giá vì mức giá được đối tác đưa ra quá cao. Mức giá được đẩy lên một phần cũng đến từ hiệu ứng U.23 Việt Nam tạo ra sau khi giành á quân giải U.23 châu Á. Ngoài VTV, cũng không có đơn vị truyền hình nào sở hữu bản quyền ASIAD 18. Chính vì vậy mà rất nhiều trang mạng đã dẫn các đường link nước ngoài có phát trực tiếp các trận đấu tại ASIAD 18. Thậm chí, có những trang web dẫn link trực tiếp kèm theo cả phần bình luận tiếng Việt chẳng kém cạnh với các trận đấu được tường thuật trực tiếp trên sóng truyền hình.
Thực tế, vấn đề bản quyền các giải đấu thể thao lớn như World Cup, Olympic hay ASIAD đang đặt ra những thách thức đối với các nhà đài. Bởi khi đối tác sở hữu bản quyền định giá cao vượt quá khả năng của nhiều đài và truyền hình trả tiền ở Việt Nam chưa phát triển thì việc khán giả không được xem các trận đấu trên truyền hình sẽ còn tái diễn chứ không chỉ ASIAD 18 này.
Do Việt Nam không có bản quyền ASIAD 18 nên khán giả chỉ có thể theo dõi các trận đấu của U.23 Việt Nam thông qua các trang mạng và facebook. Thế nên, những từ khóa như “Xem trực tiếp U.23 Việt Nam”, “link trực tiếp ASIAD”… được tìm kiếm nhiều nhất trên google trước khi bóng lăn… Một “cơn sốt” xem U.23 Việt Nam tại ASIAD 18 lên cao.
Trong trường hợp này, khó có thể trách các nhà đài khi phải đứng trước việc cân đối tài chính và việc phục vụ khán giả. Cái khó của các nhà đài là việc phải bỏ ra chi phí quá lớn để mua về bản quyền truyền hình và xác định sẽ lỗ. Trong khi đó, việc phải phục vụ người dân trước “cơn sốt” bóng đá lên cao khiến nhiều tranh cãi đã nổ ra. Một “dự án” đầu tư được cân nhắc. Lúc này, nhiều người hâm mộ đang nghĩ đến một cuộc “giải cứu” đến từ các doanh nghiệp lớn như với bản quyền World Cup 2018.
Và chỉ đến khi, ASIAD đã khởi tranh, đội tuyển Olympic Việt Nam vượt qua vòng đấu bảng một cách xuất sắc, VOV đã nhờ đơn vị trung gian tiếp xúc với KJSM WORLD CORP để đàm phán bản quyền ASIAD. Và một lần nữa hai tập đoàn lớn là Vingroup và Viettel đã vào cuộc giúp sức để VOV chính thức có được bản quyền truyền hình ASIAD phát trực tiếp trên kênh VTC3 của Đài truyền hình kỹ thuật số VTC. Đây giống như việc “cứu một bàn thua” vào phút bù giờ.
Chung tay góp sức vì cộng đồng
Nếu ví bản quyền truyền hình World Cup hay ASIAD là những “dự án” của các doanh nghiệp như Viettel và Vingroup thì rốt cuộc lợi nhuận là bao nhiêu? Đó chắc chắn là điều mà nhiều người sẽ đặt ra khi nói về câu chuyện đầu tư. Tuy nhiên, ở đây đã không có một cuộc kinh doanh nào cả. Nói đúng hơn, đó là sự chung tay, góp sức cho “dự án” vì cộng đồng.
Bởi như đã nói, nhu cầu theo dõi ASIAD 18 là của hàng triệu người dân với tình cảm dành cho đội tuyển Olympic Việt Nam. Đó là giá trị của tình yêu với tổ quốc, vì màu cờ sắc áo. Xuất phát từ điều này mà các tập đoàn lớn như Viettel và Vingroup đã đưa ra những quyết định “đầu tư” mang tính then chốt vào phút chót chứ không phải là sự tính toán có từ trước vì một lợi nhuận cụ thể nào.
Điều đáng chý ý là những doanh nghiệp hỗ trợ chứ không tham gia trực tiếp vào quá trình đàm phán mua bản quyền. Các doanh nghiệp cũng nhấn mạnh việc tài trợ mua bản quyền ASIAD cũng không phải là nhằm quảng cáo, PR hay khởi đầu cho vấn đề gì khác, mà hoàn toàn xuất phát từ cái tâm dành cho cộng đồng. Đó chính là giá trị nhân văn mà chắc chắn hàng triệu người hâm mộ thể thao sẽ ghi nhận.
Bình luận (0)