Bản sắc Việt: Lý Thái Tổ và vị thần hộ quốc

20/08/2014 09:00 GMT+7

Theo nhiều chuyên gia, vua Lý Thái Tổ với tầm nhìn thiên niên kỷ, tạo “đối trọng văn hóa” với Trung Hoa, đã Việt hóa một vị thần tài có nguồn gốc Ấn Độ trở thành vị thần hộ quốc Thánh Gióng.

Theo nhiều chuyên gia, vua Lý Thái Tổ với tầm nhìn thiên niên kỷ, tạo “đối trọng văn hóa” với Trung Hoa, đã Việt hóa một vị thần tài có nguồn gốc Ấn Độ trở thành vị thần hộ quốc Thánh Gióng.

>> Bản sắc Việt - Nghê: tính bản địa của tâm hồn Việt

 
Ra mắt tượng vàng Thánh Gióng - Ảnh: Quế Khoa

Hội Gióng được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2010.  Theo các nhà nghiên cứu, bao quanh huyền thoại Gióng có vô số chuyện kể dân gian. Song hành với nó còn có tín ngưỡng thờ Thánh Gióng phổ biến khắp khu vực nay thuộc tỉnh Bắc Ninh và một phần Hà Nội, cùng với các thần tích đi kèm. Quá trình hình thành biểu tượng Thánh Gióng từ một huyền thoại thành một biểu tượng anh hùng dân tộc đã được ghi lại trong một số tài liệu cổ như Thiền Uyển Tập Anh, Việt Điện U Linh, Lĩnh Nam Chích Quái...

Mặc dù vậy, theo TS Đinh Hồng Hải (thuộc Viện Nghiên cứu văn hóa), chứng cứ sớm nhất của biểu tượng Thánh Gióng xuất hiện một cách mờ ảo ở giai đoạn Tiền Lê và chỉ thực sự rõ nét từ thời Lý. Những tư liệu sớm nhất như Thiền Uyển Tập Anh, Việt Điện U Linh, Lĩnh Nam Chích Quái cũng chỉ đề cập đến Thánh Gióng trong và sau giai đoạn trị vì của nhà Lý. Học giả Nguyễn Văn Huyên cũng từng viết: “Việc tổ chức hội Gióng như ngày nay mới bắt đầu từ khoảng thế kỷ 11, đời Lý Thái Tổ”.

Theo TS Hải, người có công xây dựng biểu tượng người anh hùng Thánh Gióng chính là Lý Công Uẩn. Và huyền thoại Thánh Gióng chính là một trong những biểu tượng của nền độc lập tự chủ của nước Đại Việt. Theo TS Hải, ngay sau khi giành lại được độc lập từ tay nhà Hán sau ngàn năm chịu ách nô dịch, các triều đại Ngô, Đinh, Tiền Lê đã tìm nhiều cách thức khác nhau để thoát khỏi vòng kiềm tỏa của Đại Hán. Nhưng tầm nhìn của những triều đại này mới chỉ giới hạn ở mức độ “phòng thủ” cả về quân sự lẫn văn hóa. Tuy nhiên, theo ông Hải, Lý Công Uẩn đã thay đổi tư duy phòng thủ này khi ngài lên ngôi. Năm 1010, Lý Công Uẩn dời đô khỏi Hoa Lư, nơi chỉ có lợi thế phòng thủ mà bất tiện cho giao thương. Nơi ông đến Đại La là trung tâm kinh tế - văn hóa - chính trị đông đúc của người Việt nằm giữa đồng bằng châu thổ Bắc bộ.

“Cùng với dời đô, Lý Công Uẩn cũng ban hành nhiều chính sách mới khiến cho Đại Việt trở nên hưng thịnh về mọi mặt. Ông cùng các vị vua nhà Lý đã tìm được thế đối trọng với văn hóa Trung Hoa - đó là văn hóa Ấn Độ”, ông Hải phân tích. Cụ thể, Lý Công Uẩn cùng các vị vua nhà Lý đã đưa Phật giáo Đại Việt phát triển lên một tầm mức phổ biến toàn quốc gia. Biểu tượng rồng thời Lý là một kiệt tác nghệ thuật mang nhiều nét đặc trưng của Ấn Độ.

Dựng thế đối trọng văn hóa với Trung Hoa

Trong quá trình tìm thế đối trọng với Trung Hoa, biểu tượng Tì Sa Môn - một vị thần có nguồn gốc Ấn Độ đã được Việt hóa thành Xung Thiên Thần Vương/Phù Đổng Thiên Vương/Thánh Gióng. Vị thần này trong văn hóa Ấn Độ là biểu tượng của tài lộc, hộ quốc. Thánh Gióng là khẳng định vương quyền của nhà vua, uy quyền của triều đại và chủ quyền của đất nước trước Đại Hán. “Nhờ “tầm nhìn thiên niên  kỷ” đó mà nước Đại Việt đã xóa được nỗi nhục nô lệ nghìn năm trước để tồn tại và phát triển bên cạnh Trung Hoa”, ông Hải đánh giá.

Việc chọn văn hóa Ấn Độ để làm đối trọng với Trung Hoa, chọn Thánh Gióng làm biểu tượng của tinh thần dân tộc không phải ngẫu nhiên. Theo ông Hải, ở thời điểm đó, nền văn hóa Ấn Độ (thông qua kinh tạng của Phật giáo) trong con mắt của vua quan, trí giả nhà Lý giống như chốn “Tây phương cực lạc”. Nền văn hóa vĩ đại đó có thể điều hòa sự thống trị của văn hóa đại Hán đối với quốc gia Đại Việt. Trên thực tế, nhiều yếu tố văn hóa Ấn Độ (tiêu biểu là Phật giáo và hàng trăm triệu tín đồ Phật giáo) đã và đang tồn tại trong văn hóa Trung Hoa, trong khi các yếu tố văn hóa Trung Hoa hầu như không gây được tác động rõ nét nào ở Ấn Độ.

“Việc Lý Công Uẩn chọn một vị thần có nguồn gốc Ấn Độ để phong làm Xung Thiên Thần Vương là một cách Việt hóa vị thần chủ về tài lộc, hộ pháp, hộ quốc. Đặc biệt, vị thần hộ quốc chính là giấc mơ ngàn năm của người Việt sau ngàn năm bắc thuộc”, ông Hải cho biết.

Sau đó, việc Việt hóa được thực hiện thông qua việc triều đình nhà Lý thổi sinh khí vào biểu tượng Xung Thiên Thần Vương qua các lễ hội dân gian truyền thống. Từ đó, một ngôi đền nhỏ, một lễ hội địa phương, một vị thần bản địa biến thành một ngôi đền lớn, một vị thần hộ quốc, một biểu tượng anh hùng.

Theo nghiên cứu của ông Hải, các triều đại kế tiếp Lý Công Uẩn đã phổ biến biểu tượng Thánh Gióng rộng khắp trong dân chúng. Họ cũng ghi lại “nhân thân” của vị thần hộ quốc này qua các tác phẩm văn học có tính lịch sử. Bên cạnh đó, họ còn “lịch sử hóa” biểu tượng này thành nhân vật cụ thể có quê hương, bản quán, có gia đình, cha mẹ bằng vô số bản sắc phong, thần phả, thần tích ở nơi được thờ. Đây là lý do khiến người đời sau quên đi nguồn gốc thực sự của Thánh Gióng là một vị thần mang nguyên mẫu một vị thần tài Ấn Độ.

Ra mắt 60 tượng vàng Thánh Gióng

Sáng 19.8, lễ ra mắt 60 tượng vàng Thánh Gióng diễn ra tại Hà Nội. Dự án có sự tham gia của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam. Những bức tượng này theo quy định được chế tác theo quy cách bằng phương pháp thủ công, chất liệu đồng mạ vàng, cao 0,8 m, nặng khoảng 60 kg, dựa trên nguyên mẫu tượng đài Thánh Gióng tại Sóc Sơn, Hà Nội. Ông Dương Trung Quốc, Tổng thư ký hội cho biết dự án mong muốn được đóng góp một phần vào việc “tu bổ” những sản phẩm văn hóa, khi trong những ngày gần đây có rất nhiều câu chuyện vật thể lạ, sư tử đá ngoại lai đang xâm nhập đời sống văn hóa của chúng ta. Cũng theo ông Quốc, cùng với Trần  Hưng Đạo, Thánh Gióng là một biểu tượng văn hóa Việt nên được thờ mở rộng, khác với Quan Công vốn là gốc Trung Hoa.

Công văn hướng dẫn về linh vật truyền thống

Ngày 19.8, Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm ra Công văn số 352 gửi sở VH-TT-DL các tỉnh/thành, kèm theo là các mẫu tượng linh vật truyền thống của Việt Nam. Công văn này nhằm giúp các sở, cũng như thanh tra văn hóa nghiên cứu, tham khảo, áp dụng trong tuyên truyền, vận động, kiểm tra, xử lý cũng như hướng dẫn những nơi sản xuất, tiêu thụ linh vật.

 Trinh Nguyễn

>> Bản sắc Việt trong thế giới phẳng
>> Bản sắc Việt trên tà áo dài thí sinh Hoa hậu Việt Nam
>> Bản sắc Việt trong lễ hội mùa xuân
>> Mất bản sắc Việt là mất tất cả
>> Xôn xao "Bản sắc Việt Nam
>> Bản sắc Việt Nam tại triển lãm lớn nhất thế giới
>> Kiều bào kiến nghị đẩy mạnh hỗ trợ giữ gìn bản sắc Việt
>> Phát sóng chương trình truyền hình "Bản sắc Việt
>> Chủ tịch nước dự lễ khánh thành tượng đài Thánh Gióng
>> Tượng đài Thánh Gióng sắp hoàn thành
>> Tưng bừng trẩy hội Thánh Gióng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.