Gibson, một thành viên sứ đoàn Miến Điện tới Gia Định vào năm 1823, có ghi lại rằng: "Ba hoặc bốn tên trộm bị xử tử mỗi tuần". Ông còn kể chuyện Tả quân Lê Văn Duyệt cho hành hình một viên chức Bắc kỳ được trưng dụng làm Cai quản trên công trường đào kênh Vĩnh Tế, chỉ vì mới nghe một vài chuyện không hay trong quá khứ của người đó; một thuộc hạ khác cũng bị xử tử ngay vì xin lưu lại vài ngày để lo cho người vợ bị bệnh, chứ không tháp tùng Tả quân đi Huế (John Crawfurd, Journal of an Embassy from the Governor-General of India to the courts of Siam and Cochin China, vol. 2, Henry Colburn and Richard Bentley, London, 1830, p.420, 427).
Trương Vĩnh Ký cũng kể nhiều giai thoại về việc Lê Văn Duyệt xử chém người khác không thông qua xét xử. Một viên thư lại trêu ghẹo đặt tay lên tráp trầu của một phụ nữ bán hàng. Người phụ nữ la toáng lên rằng có kẻ cắp. Viên thư lại bị bắt tại trận và bị chém ngay theo lệnh của Lê Văn Duyệt. Một lần nọ Lê Văn Duyệt đi Chợ Lớn. Lúc ngang qua đường Cầu Kho, ông trông thấy một đứa trẻ độ bốn, năm tuổi đang mắng chửi cha mẹ mình. Đến chiều, khi trở về, lại thấy cũng đứa trẻ ấy đang rủa sả cha mẹ mình ngay trong bữa ăn. Ông sai gọi nó ra, bảo nó tiếp tục ăn. Ông cố ý sai người đưa cho nó đôi đũa ngược đầu. Đứa bé trở đầu đũa lại và ăn cơm. Ông bèn truyền lệnh bắt nó, đem đi chém đầu, vì rằng nó đã đủ trí khôn để nhận thức được tội ác của mình.
Lần khác, Lê Văn Duyệt bắt được một kẻ trộm đang nẫng một cuộn giấy vấn thuốc lá. Ông cho bắt giữ và chém ngay kẻ đó (Trương Vĩnh Ký, Ký ức lịch sử về Sài Gòn và các vùng phụ cận, NXB Trẻ, 1997, tr.30-31). Quốc sử quán triều Nguyễn từng nhận xét:"Duyệt làm việc nhiều, chuyên quyền làm bậy, dụng hình quá lạm, nhưng lòng trung liều mình việc nước hăng hái không tiếc thân, được lòng tướng sĩ". Lê Văn Duyệt đã cai trị Gia Định với một bàn tay sắt. Ông đã đóng góp được nhiều công sức trong việc xây dựng miền Nam.
XUNG ĐỘT GIỮA VUA Minh Mạng và Lê Văn Duyệt
Mối quan hệ giữa Lê Văn Duyệt và vua Minh Mạng thường được mô tả là thù địch. Năm 1810, Lê Văn Duyệt từng xin lập con trai của cố Thái tử Cảnh là hoàng tôn Đán (còn gọi là Mỹ Đường) làm người kế tự. Bấy giờ vua Gia Long muốn lập hoàng tử Đảm, nên không phúc đáp đề nghị. Tuy nhiên, nếu như sau này kẻ địch chính trị của Duyệt là Nguyễn Văn Thành ra sức ủng hộ hoàng tôn Đán, bản thân ông lại không tỏ ra dấu hiệu ủng hộ nào. Ngược lại, Lê Văn Duyệt tham gia hết sức tích cực vào việc tố giác và điều tra vụ án phản thi của Nguyễn Văn Thuyên - con trai Nguyễn Văn Thành. Vụ án này dẫn đến kết cục Nguyễn Văn Thuyên bị xử chết, Thành uống thuốc độc tự sát, phe ủng hộ hoàng tôn Đán hoàn toàn sụp đổ, dọn đường cho vua Gia Long thuận lợi sắc phong hoàng tử thứ tư lên ngôi Thái tử. Hoàng tử thứ tư chính là vua Minh Mạng. Tháng 12 năm Gia Long thứ 18 (1819), Lê Văn Duyệt cùng Phạm Đăng Hưng là hai cố mệnh đại thần nhận di chiếu rước hoàng thái tử lên ngôi.
Trong thời kỳ cầm quyền ở Gia Định Thành, Lê Văn Duyệt chống lại nhiều chính sách của vua Minh Mạng. Ông ngăn trở các chỉ thị chống người theo đạo Công giáo, bảo trợ cho người Hoa nhập tịch cũng như bảo vệ việc buôn bán với Singapore. Lê Văn Duyệt cũng cùng với Tổng trấn Bắc Thành là Lê Chất chống lại nhiều quyết định của vua Minh Mạng trong các vấn đề nhân sự liên quan tới hai thành ấy.
Cả vua Minh Mạng lẫn Lê Văn Duyệt đều là những nhà chính trị có chủ kiến và có tính cách mạnh. Sự xung đột giữa họ là điều có thể hiểu được. Vua Minh Mạng thường dành cho Lê Văn Duyệt những ưu đãi vượt bậc, đặc cách khoan giảm trách nhiệm trong những vụ bê bối tại Gia Định Thành. Khi vụ án Trần Nhật Vĩnh vỡ lở, Duyệt dâng biểu nhận lỗi dùng nhầm người. Vua Minh Mạng đáp rằng: "Những lời tự xin nghị xử, tạm gia ân khoan tha". Năm 1829, có một vụ bê bối về bắt lính ở Hà Tiên. Lê Văn Duyệt lại xin tự trách phạt. Vua Minh Mạng gạch bỏ chữ "Lê Văn Duyệt có xin tự trách phạt", sửa thành "Tổng trấn và các thuộc quan" và miễn sự trách phạt cho họ. Ở chiều ngược lại, Lê Văn Duyệt cũng không tỏ ra là tham quyền cố vị. Mối quan hệ của họ vẫn còn giữ được hòa hoãn cho đến khi Lê Văn Duyệt qua đời. Gia Định Thành bị giải tán. (còn tiếp)
(Trích sách Phan Yên Thành binh biến ký - toàn cảnh cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi,
NXB Tổng hợp TP.HCM vừa ấn hành)
Bình luận (0)