Có một thực tế là nhiều thiết bị điện tử và thiết bị gia dụng tiếp tục tiêu thụ năng lượng khi tắt hoặc ở chế độ chờ, khi ở chế độ ngủ và khi bật nhưng không sử dụng. Bất kỳ năng lượng nào được sử dụng khi một thiết bị không thực hiện chức năng chính của nó được gọi là “năng lượng dự phòng” và các nguồn cung cấp tiêu thụ đôi khi được gọi là “kẻ ăn cắp năng lượng”.
Nhiều người có thói quen cắm nguồn cho thiết bị điện tử dù không sử dụng |
shutterstock |
Phòng thí nghiệm Quốc gia Lawrence Berkeley tại Đại học California (Mỹ) đã đo mức tiêu thụ điện năng ở chế độ chờ của một danh sách dài các thiết bị gia đình khi bật, không hoạt động và tắt (nhưng vẫn cắm điện), từ đó nhận thấy một số dữ liệu rất đáng quan tâm. Ví dụ: máy tính xách tay có thể sử dụng ít nhất 0,82 W hoặc nhiều nhất là 54,8 W khi ở chế độ ngủ, và nhiều hơn nữa khi bật đầy đủ, sạc hoặc ngay cả khi đã sạc đầy.
Chi phí tiêu hao bao nhiêu?
Tại Mỹ, Bộ Năng lượng ước tính chi phí điện dự phòng có thể khiến hộ gia đình trung bình mất 100 USD mỗi năm, trong khi dữ liệu từ Hội đồng Bảo vệ Tài nguyên Thiên nhiên (NRDC) đưa ra là 165 USD mỗi năm. Thật khó để nói chính xác chúng ta tiêu tốn bao nhiêu cho “kẻ ăn cắp năng lượng”, vì điện năng tiêu thụ phụ thuộc vào số lượng thiết bị đã cắm, mức độ tiêu hao năng lượng của các thiết bị đó ở các chế độ khác nhau và thói quen sử dụng của người dùng.
Các chế độ chờ trên thiết bị điện tử gây lãng phí nguồn điện mỗi năm |
chụp màn hình |
Berkeley Lab gợi ý một phép tính đơn giản sau cho mọi người: Nếu một thiết bị liên tục tiêu thụ 1W trong một năm thì nó sẽ sử dụng khoảng 9 kWh trong thời gian đó. Theo giá điện sinh hoạt tại Việt Nam, mỗi số điện cao nhất sẽ là 2.927 đồng, do đó số tiền lãng phí của thiết bị đó trong một năm tương đương khoảng gần 27.000 đồng. Nếu lò vi sóng tiêu thụ điện trung bình 3W khi không hoạt động, nó sẽ dùng hết 27 kWh mỗi năm, tương đương khoảng 81.000 đồng. Lưu ý rằng đây là phép tính dựa vào giá điện ở thời điểm hiện tại, và mức cao nhất cho mỗi gia đình sử dụng.
Mặc dù con số có vẻ không nhiều, nhưng nếu kết hợp tất cả thiết bị luôn cắm khi không sử dụng trong một ngôi nhà, NRDC ước tính con số này có thể lên đến 65W, tức 585 kWh mỗi năm và tổng số tiền tiêu hao tương đương khoảng 1.712.000 đồng. Được biết, các thiết bị điện tử tiêu dùng, như máy tính, bảng điều khiển trò chơi và TV chiếm hơn một nửa mức tiêu thụ điện năng luôn bật.
Cách tiết kiệm tiền năng lượng dự phòng
Với tính toán trên, nhiều người sẽ tự hỏi liệu có nên rút phích cắm của lò nướng bánh mì, lò vi sóng, máy pha cà phê, TV… hay không. Trong thực tế, điều này không cần thiết.
Rút phích cắm thường xuyên có thể gây hư hỏng phích cắm, dây điện và ổ điện theo thời gian |
chụp màn hình |
Mọi người cần rút phích cắm của các thiết bị điện và điện tử không sử dụng hoặc đã được sạc đầy. Tuy nhiên, không nên rút và cắm lại các thiết bị mà mình sử dụng thường xuyên (như hằng ngày hoặc nhiều lần trong ngày). Điều này có thể gây hỏng phích cắm, dây điện và ổ cắm theo thời gian. Nhưng nếu có các thiết bị nhà bếp không sử dụng thường xuyên, hoặc chiếc TV trong phòng ngủ ít khi dùng hoặc một máy in hiếm khi sử dụng, hãy rút phích cắm.
Tương tự, hãy đi một vòng quanh nhà và tìm các thiết bị đã được cắm điện nhưng không còn được sử dụng thường xuyên: đèn, dàn âm thanh, điện thoại...
Bình luận (0)