Bản tin Covid-19 ngày 10.1: Cả nước 14.818 ca | Số ca xuất viện nhiều chưa từ thấy
Bản tin Covid-19 ngày 10.1 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên. Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới.
Tự động phát
Bản tin Covid-19 ngày 10.1 của Báo Thanh Niên có những tin tức đáng chú ý sau:
Cả nước 14.818 ca Covid-19, 89.842 ca khỏi
Bản tin Bộ Y tế tối 10.1.2022 cho biết tính từ 16h ngày 9.1 đến 16h ngày 10.1, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 14.818 ca nhiễm mới, 89.842 ca khỏi bệnh. Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 31 ca Covid-19 do biến thể Omicron.
Bản tin tối 10.1 cũng thông báo về 212 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay lên 34.531 ca.
Ngày 10:1- Cả nước 14.818 ca Covid-19, 89.842 ca khỏi | Hà Nội 2.830 ca | TP.HCM 437 ca |
Thông tin về 14.818 ca nhiễm mới như sau:
- 35 ca nhập cảnh.
- 14.783 ca ghi nhận trong nước (giảm 968 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 9.396 ca trong cộng đồng). Gồm: Hà Nội (2.830), Khánh Hòa (795), Bình Phước (640), Bình Định (609), Hải Phòng (592), Cà Mau (540), Tây Ninh (487), Đà Nẵng (453), TP.HCM (437), Vĩnh Long (404), Hưng Yên (379), Bắc Ninh (372), Bến Tre (370), Thanh Hóa (297), Quảng Ninh (294), Thừa Thiên-Huế (271), Trà Vinh (251), Lâm Đồng (227), Bạc Liêu (206), Quảng Ngãi (202), Thái Nguyên (199), Hà Giang (189), Hậu Giang (187), Hải Dương (181), Vĩnh Phúc (180), Lạng Sơn (177), Nam Định (161), Quảng Nam (155), Gia Lai (142), Bà Rịa - Vũng Tàu (133), Cần Thơ (132), Bắc Giang (128), An Giang (126), Nghệ An (124), Sóc Trăng (122), Hòa Bình (118), Đắk Nông (103), Sơn La (102), Ninh Bình (101), Kiên Giang (100), Đồng Tháp (96), Bình Thuận (94), Hà Nam (90), Quảng Trị (86), Thái Bình (83), Yên Bái (79), Phú Yên (77), Phú Thọ (68), Kon Tum (61), Lào Cai (60), Tuyên Quang (55), Bình Dương (55), Ninh Thuận (48), Hà Tĩnh (47), Đồng Nai (46), Quảng Bình (45), Cao Bằng (44), Tiền Giang (34), Bắc Kạn (27), Lai Châu (25), Điện Biên (25), Long An (22).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Hà Giang (-303), Hải Phòng (-244), Bà Rịa - Vũng Tàu (-152).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Lạng Sơn (+177), Gia Lai (+142), Trà Vinh (+88).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 15.935 ca/ngày.
Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 31 ca Covid-19 do biến thể Omicron, đều là các ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Hà Nội (1), Quảng Nam (14), TP.HCM (12), Hải Dương (1), Hải Phòng (1), Thanh Hóa (2).
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.914.393 ca nhiễm, đứng thứ 28/224 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 143/224 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 19.402 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):
- Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.908.353 ca, trong đó có 1.587.273 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
- Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (508.247), Bình Dương (291.501), Đồng Nai (98.791), Tây Ninh (82.684), Hà Nội (70.606).
Số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hằng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 89.842 ca
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 1.590.090 ca
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.358 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 4.620 ca
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 858 ca
- Thở máy không xâm lấn: 141 ca
- Thở máy xâm lấn: 716 ca
- ECMO: 23 ca
Từ 17h30 ngày 9.1 đến 17h30 ngày 10.1 ghi nhận 212 ca tử vong tại:
- Tại TP.HCM (19) trong đó có 2 ca từ Đông Nai tỉnh chuyển đến.
- Tại các tỉnh, thành phố khác: An Giang (28 ca trong 2 ngày), Sóc Trăng (22 ca trong 2 ngày), Hà Nội (17), Đồng Tháp (16), Bình Phước (12), Tiền Giang (12), Vĩnh Long (11), Cần Thơ (11), Khánh Hòa (9), Bà Rịa - Vũng Tàu (9), Tây Ninh (8 ), Bình Dương (7), Trà Vinh (6), Hậu Giang (5), Bạc Liêu (4), Bình Thuận (3), Hải Phòng (2), Thừa Thiên-Huế (2), Bình Định (2), Vĩnh Phúc (1), Quảng Nam (1), Phú Yên (1), Hải Dương (1), Đà Nẵng (1), Ninh Thuận (1), Cà Mau (1).
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 216 ca.
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 34.531 ca, chiếm tỉ lệ 1,8% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/224 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 26/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).
Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay là 31.056.830 mẫu tương đương 75.756.397 lượt người.
Trong ngày 9.1 có 1.248.099 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 161.277.807 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 78.291.624 liều, tiêm mũi 2 là 71.161.335 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 của vắc xin Abdala) là 11.824.848 liều.
F0 nặng, nguy kịch điều trị ở Hà Nội tăng
Sở Y tế Hà Nội cho biết tính đến hết ngày 9.1, toàn thành phố đang có hơn 46.600 bệnh nhân Covid-19 đang được điều trị và cách ly. Trong đó tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội có hơn 330 bệnh nhân của Hà Nội, các bệnh viện của Hà Nội đang điều trị cho gần 3.000 bệnh nhân tầng 2 và 3. Hiện có hơn 43.300 F0 thuộc tầng 1, chiếm 93% tổng bệnh nhân đang điều trị tại Hà Nội.
F0 mắc Covid-19 nặng, nguy kịch điều trị ở Hà Nội tăng |
Trong số này, có hơn 36.400 F0 theo dõi cách ly tại nhà. Từ 29.4 đến nay, Hà Nội có 260 bệnh nhân tử vong, riêng ngày 9.1 có 17 ca mắc Covid-19 tử vong được báo cáo. Tỷ lệ tử vong trên tổng số mắc tăng từ 0,3% lên 0,4%.
Trong số các bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở tầng 2, 3 ở Hà Nội, theo cập nhật của Bộ Y tế số liệu tới hết ngày 9.1, có 450 ca nặng, nguy kịch (tăng gần 17% so với trung bình 7 ngày trước) và tăng thêm hơn 40 ca so với hai ngày trước. Trong các bệnh nhân nặng, nguy kịch có gần 400 ca thở ô xy qua mặt nạ ( ô xy mask), gọng kính (tăng 24%), số còn lại là bệnh nhân thở máy, lọc máu và đặt ECMO (hệ thống tim phổi ngoài màng cơ thể).
Theo lãnh đạo Bệnh viện Điều trị người bệnh Covid-19 Hoàng Mai, Hà Nội, hàng ngày có khoảng 200 bệnh nhân điều trị tại đây (được chuyển đến từ Hà Nội, Bắc Ninh và một số tỉnh khác), trong đó hơn 1 nửa là bệnh nhân nặng, nguy kịch, phải can thiệp ECMO, thở máy, HFNC, ô xy mask/gọng kính...
PGS.TS Hoàng Bùi Hải - Phó Giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 thuộc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết sau thời gian dài (từ 1 đến 2 tháng) điều trị cấp tại bệnh viện, nhiều F0 khỏi bệnh về nhà vẫn phải thở oxy, thậm chí có bệnh nhân còn mang cả ống thở về nhà. Ông cho biết thêm nếu bệnh nhân được hỗ trợ phục hồi chức năng sớm thì có thể thời gian thở máy rút ngắn.
Cả nước đã phân bổ khoảng 185 triệu liều vắc xin Covid-19
Bộ Y tế cho biết trong tổng số 206,5 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 đã tiếp nhận, Bộ Y tế đã phân bổ 116 đợt với tổng số khoảng 185 triệu liều, còn khoảng 21,5 triệu liều mới tiếp nhận, đang tiến hành các thủ tục để kiểm định chất lượng, xuất xưởng.
Cả nước đã phân bổ khoảng 185 triệu liều vắc xin Covid-19 |
Cập nhật trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, đến 15 giờ 30 ngày 10.1.2022, Việt Nam đã tiêm được hơn 161,2 triệu liều vắc xin phòng Covid-19, trong đó ngày 9.1, cả nước tiêm được hơn 1,2 triệu liều.
Đến ngày 9.1, số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là hơn 146,2 triệu liều, trong đó:
- Hơn 70,3 triệu liều mũi 1.
- Hơn 65 triệu liều mũi 2.
- Hơn 1,2 triệu liều mũi 3 (đối với vắc xin Abdala).
- Hơn 2,6 triệu liều bổ sung và gần 7 triệu liều nhắc lại.
Tỉ lệ bao phủ ít nhất 1 liều là 99,9% và tỉ lệ tiêm đủ liều cơ bản là 92,4% dân số từ 18 tuổi trở lên.
Tỉ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc xin cho dân số từ 18 tuổi trở lên như sau:
- 47/63 tỉnh, thành phố có tỉ lệ bao phủ trên 95%.
- 12/63 tỉnh, thành phố có tỉ lệ bao phủ từ 90-95%.
- 4/63 tỉnh, thành phố còn lại có tỉ lệ bao phủ dưới 90% là Thanh Hóa (88,6%), Hưng Yên (82,2%), Nghệ An (81,6%) và Hà Giang (83,7%).
Tỉ lệ bao phủ đủ liều vắc xin cho dân số từ 18 tuổi trở lên như sau:
- 36/63 tỉnh, thành phố có tỉ lệ bao phủ trên 90%.
- 21/63 tỉnh, thành phố có tỉ lệ bao phủ đủ 2 liều từ 80 – dưới 90%.
- 6/63 tỉnh, thành phố còn lại có tỉ lệ bao phủ đủ 2 liều dưới 80%.
Về triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ trong độ tuổi từ 12-17, báo cáo của Bộ Y tế cho biết đến nay, các tỉnh, thành phố đã triển khai tiêm hơn 13,7 triệu liều, trong đó có gần 8 triệu liều mũi 1 và hơn 5,8 triệu liều mũi 2. Tỉ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc xin là 89,0% và tỉ lệ bao phủ đủ liều cơ bản là 65,7% dân số từ 12 -17 tuổi.
32 tỉnh thành, phố đã cơ bản bao phủ đủ liều cơ bản cho nhóm tuổi này gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Hà Nam, Ninh Bình, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hòa Bình, Hà Tĩnh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Yên Bái, Lào Cai, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đắk Nông, TP.HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Lâm Đồng, Tây Ninh, Sóc Trăng, An Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bình Phước, Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang.
Những lưu ý khi sử dụng bình ô xy khi điều trị Covid-19 tại nhà
Theo GS.TS Nguyễn Gia Bình - Chủ tịch Hội Hồi sức Cấp cứu và Chống độc Việt Nam, nguyên Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai, việc sử dụng bình ô xy cần tuân thủ theo Hướng dẫn sử dụng bình oxy điều trị F0 tại nhà và lưu ý an toàn khi sử dụng bình ô xy vì chúng có nguy cơ cháy, nổ như bình gas.
Những lưu ý khi sử dụng bình ô xy khi điều trị Covid-19 tại nhà |
1. Khi nào cần sử dụng bình oxy cho F0?
Theo các chuyên gia, thông thường với người có phổi khỏe mạnh, không khí thở có chứa khoảng 21% ô xy là đủ. Nhưng ở một số người, có chức năng phổi suy giảm như: Người mắc Covid-19, người viêm phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, bệnh tim mạch… khi mắc bệnh, lượng ô xy đạt được thông qua hô hấp bình thường là không đủ, do đó cần bổ sung lượng oxy để duy trì chức năng bình thường của cơ thể.
Bác sĩ Dương Chí Lực- Trưởng khoa Ngoại Lồng ngực – Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, từng công tác tại TTHS Covid -19 quận Tân Phú, TP.HCM cho biết theo phác đồ của Bộ Y tế, F0 có các dấu hiệu thiếu oxy như: Khó thở, SPO2 <93%, quan sát thấy F0 có màu sắc môi, ngón tay xanh tím, thở co rút xương sườn, cổ,…cần sử dụng bình ô xy.
Nếu không có máy SpO2 thì có thể đếm nhịp thở của F0 bằng cách đặt tay lên thành bụng đếm sự di động thành bụng khi thở trong 1 phút. Hoặc cũng có thể đếm mạch bằng cách đếm liên tục trong 1 phút bằng ngón 2 và 3. Nếu thở nhanh >24 lần/ phút, hoặc nếu mạch trên 100 lần/phút…. nghĩa là F0 có dấu hiệu thiếu ô xy.
2. Sử dụng bao nhiêu ô xy là đủ?
Theo khuyến cáo, ô xy là một liệu pháp điều trị y tế sẽ được bác sĩ chỉ định. Theo BS Dương Chí Lực F0 điều trị tại nhà cần tuân thủ liều lượng ô xy theo khuyến cáo của cán bộ y tế, vì nếu tự ý điều chỉnh lượng ô xy quá nhiều hoặc quá ít có thể gây hậu quả nghiêm trọng.
Thực tế cho thấy, thấy F0 khó thở nên nhiều người nhà sẽ điều chỉnh lượng oxy tăng quá mức chỉ định, điều này có thể dẫn đến mất cơ chế kích thích hô hấp của người bệnh.
Đối với người bệnh có vấn đề về hô hấp sẽ được sử dụng 3 lít -5 lít /phút nếu sử dụng nhiều sẽ dẫn đến xơ phổi.
Theo BS Dương Chí Lực, tùy thuộc vào chỉ số SPO2 của người bệnh để sử dụng ô xy hợp lý. Thông thường đối với F0 có SPO2 <90% thì thở ô xy mức 6-10 lít trong 15 phút. Còn nếu khó thở tăng lên, SPO2 giảm thì cần có cán bộ y tế chỉ định.
Về thời gian sử dụng bình ô xy, theo chuyên gia việc sử dụng ô xy bao lâu tuỳ thuộc vào tình trạng khó thở của F0, có thể dùng trong khoảng 15-30 phút hoặc có thể dùng 24 giờ trong ngày. Tuy nhiên cần đặc biệt lưu ý khi thở ô xy lâu phải duy trì ở liều thấp nhất mà bệnh nhân không khó thở. Không thở ở liều quá cao hoặc tăng liều quá nhanh. Không được vừa thở oxy vừa đi vệ sinh hoặc đi làm chuyện gì khác, F0 chỉ nằm tĩnh dưỡng ở giường, hoặc ngồi nếu có thể.
3. Có thể giảm lượng ô xy không và khi nào cần đưa F0 nhập viện?
GS. TS Nguyễn Gia Bình cho biết có thể điều chỉnh liều ô xy và điều này cần dựa vào các yếu tố như: Bệnh nhân cảm thấy dễ chịu, không còn khó thở, lượng SpO2 tăng lên 95% với lưu lượng ô xy 1-3 lít/ phút, nếu nhu cầu giảm thì giảm oxy xuống. GS.TS Nguyễn Gia Bình lưu ý thêm nếu F0 khó thở nhiều hơn, nhu cầu ô xy tăng lên thì nên cho F0 nhập viện, vì bệnh nặng lên cần phải làm nhiều xét nghiệm, chụp phim phổi… và nhiều thứ khác mà không thể làm ở nhà được.
Còn theo BS. Dương Chí Lực, thở ô xy là một biện pháp nhằm hỗ trợ hô hấp cho những người bệnh khó thở, có nồng độ ô xy thấp và nó chỉ là điều trị triệu chứng, chứ không phải là phương pháp điều trị thực sự ở bệnh nhân mắc Covid-19. Việc điều trị thực sự phải có chỉ định của bác sĩ.
4.Những nguyên tắc sử dụng ô xy an toàn tại nhà
Điều rất quan trọng, theo khuyến cáo, khi sử dụng bình ô xy cần tuyệt đối tuân theo các hướng dẫn về an toàn ô xy nói chung.
Giữ bình ô xy cách xa ngọn lửa. Tránh để gần vật dụng có thể phóng tia lửa điện gây cháy nổ, không lưu trữ bình khí oxy gần bất kỳ loại nguồn nhiệt nào, gần bếp gas, hoặc gần nến thắp sáng.
Giữ bình ô xy đứng trong thùng, hoặc giá. Đảm bảo thiết bị đựng ô xy an toàn và sẽ không rơi đổ. Tắt ô xy khi không sử dụng giảm nguy cơ bị cháy nổ.
Trước khi bắt đầu điều trị ô xy tại nhà cần liên lạc với cán bộ y tế gần nhất để được giải đáp những thắc mắc, luôn để số điện thoại liên lạc ở vị trí dễ thấy. Ngoài ra cần ghi chép lại thời gian, liều lượng ô xy sử dụng, tuân thủ chỉ định của bác sĩ.
Thực hư biến thể 'lai' Omicron - Delta
Một nhóm nhà khoa học tại Cộng hòa Síp vừa thông báo đã tìm ra một chủng virus gây Covid-19 mới kết hợp giữa biến thể Delta và biến thể Omicron.
Thực hư biến thể 'lai' Omicron - Delta |
Ông Leondios Kostrikis, trưởng phòng thí nghiệm công nghệ sinh học và virus học phân tử tại Đại học Cộng hòa Síp, nói biến thể “Deltacron” này có các dấu hiệu di truyền giống biến thể Omicron trong bộ gien của biến thể Delta.
Đội ngũ của ông Kostrikis đã phát hiện 25 ca nhiễm biến thể này. Kết quả phân tích thể hiện rằng tần suất tương đối của việc nhiễm 2 biến thể cùng lúc ở bệnh nhân Covid-19 phải nhập viện cao hơn những người không phải nhập viện.
Chuỗi gien của 25 trường hợp nhiễm “Deltacron” đã được gửi đến GISAID, cơ sở dữ liệu quốc tế theo dõi thay đổi của virus vào ngày 7.1.
Tuy nhiên nhiều nhà khoa học suy đoán rằng phát hiện “Deltacron" có thể chỉ là là do mẫu vật bị nhiễm bẩn trong phòng thí nghiệm.
Giáo sư Kostrikis phản bác rằng các trường hợp mà ông xác định được “đã cho thấy áp lực tiến hóa đối với một chủng tổ tiên để có được những đột biến, chứ không phải là kết quả của một sự kiện tái tổ hợp duy nhất.”
Ngoài ra, việc có nhiều bệnh nhân nhập viện nhiễm biến thể mới hơn đã loại trừ giả thuyết ô nhiễm phòng thí nghiệm. Các mẫu thí nghiệm cũng được xử lý theo quy trình giải mã ở nhiều hơn một quốc gia. Có ít nhất 1 chuỗi gien từ Israel được lưu trữ đã thể hiện các đặc điểm di truyền của Deltacron.
Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 10.1 của Báo Thanh Niên.
Bình luận (0)