Tự động phát
Bản tin tình hình Covid-19 ngày 10.10 của Báo Thanh Niên gồm có những nội dung sau:
Cả nước ghi nhận 3.528 ca Covid-19 mới, 21.398 ca khỏi bệnh
Bản tin Covid-19 ngày 10.10 cho biết tính từ 17 giờ ngày 9.10 đến 17 giờ ngày 10.10, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 3.528 ca nhiễm mới, 21.398 ca khỏi bệnh.
Trong ngày, cả nước ghi nhận 113 ca tử vong tại 11 tỉnh, thành phố nâng tổng số ca Covid-19 tử vong lên 20.555 ca.
Thông tin về 3.528 ca nhiễm mới được công bố vào chiều 10.10 như sau:
- 15 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
- 3.513 ca ghi nhận trong nước (giảm 999 ca so với ngày trước đó) tại 41 tỉnh, thành phố (có 1.211 ca trong cộng đồng). Gồm: TP.HCM (1.067), Bình Dương (782), Đồng Nai (662), An Giang (128), Bình Thuận (109), Kiên Giang (94), Long An (77), Tiền Giang (64), Tây Ninh (59), Cà Mau (48), Cần Thơ (41), Khánh Hòa (40), Đồng Tháp (39), Bạc Liêu (38), Hậu Giang (30), Trà Vinh (29), Gia Lai (25), Hà Nam (22), Hà Giang (18), Bình Phước (16), Thanh Hóa (14), Quảng Trị (14), Quảng Ngãi (12), Bến Tre (12), Ninh Thuận (12), Đắk Nông (11), Vĩnh Long (10), Bình Định (7), Bà Rịa - Vũng Tàu (6), Phú Yên (5), Vĩnh Phúc (5), Quảng Nam (3), Thừa Thiên Huế (2), Hải Dương (2), Bắc Ninh (2), Đà Nẵng (2), Lai Châu (2), Hà Nội (1), Hà Tĩnh (1), Sơn La (1), Kon Tum (1).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: TP.HCM ( giảm 595), Sóc Trăng (giảm 192), An Giang (giảm 180).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Đồng Nai (tăng 87), Cần Thơ (tăng 23), Trà Vinh (tăng 21).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 4.435 ca/ngày.
Ngày 10.10: Cả nước 3.528 ca Covid-19, 21.398 ca khỏi | TP.HCM 1.662 ca |
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 839.662 ca nhiễm, đứng thứ 41/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 155/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 8.529 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):
- Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 835.036 ca, trong đó có 779.382 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
- Có 7/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Hòa Bình, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Phòng, Thái Bình.
- Có 12 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Phú Thọ, Ninh Bình, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Sơn La, Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu.
- Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (410.128), Bình Dương (222.082), Đồng Nai (54.989), Long An (33.303), Tiền Giang (14.541).
Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế):
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 21.398
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 782.199
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 5.014 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 3.391
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 788
- Thở máy không xâm lấn: 145
- Thở máy xâm lấn: 668
- ECMO: 22
Trong ngày, cả nước ghi nhận 113 ca tử vong tại 11 tỉnh, thành phố. Gồm: TP.HCM (82), Bình Dương (12), Ninh Thuận (6), Long An (4), Đồng Nai (3), Tây Ninh (1), Bình Phước (1), Đắk Nông (1), Đắk Lắk (1), Cà Mau (1), Bà Rịa - Vũng Tàu (1).
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 119 ca.
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 20.555 ca, chiếm tỉ lệ 2,4% so với tổng số ca nhiễm.
So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 135/223 quốc gia và vùng lãnh thổ.
So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 30/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trong 24 giờ qua, cả nước đã thực hiện 174.669 xét nghiệm cho 351.495 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện 20.074.468 mẫu cho 55.969.267 lượt người.
Trong ngày 9.10 có 1.284.099 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 53.231.969 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 38.259.436 liều, tiêm mũi 2 là 14.972.533 liều.
Ngày 10.10: Thông báo 113 ca Covid-19 tử vong tại 11 tỉnh thành |
Xôn xao vụ đàn chó bị tiêu hủy khi được chủ đưa về quê tránh dịch
Ngày 10.10.2021, mạng xã hội đã "dậy sóng" trước thông tin đàn chó của một gia đình mang từ Long An về Cà Mau tranh dịch bị bị địa phương tiêu hủy. Trên các trang mạng xã hội, nhiều bài đăng với những tranh luận gay gắt đã được đăng tải liên quan đến cách xử lý của chính quyền địa phương.
Liên quan vụ việc tiêu hủy đàn chó của một gia đình chở xe máy từ Long An về Cà Mau tránh dịch, chiều 10.10, UBND H.Trần Văn Thời (thuộc tỉnh Cà Mau) đã tổ chức buổi họp báo thông tin về vụ việc.
Tại buổi họp báo, UBND H.Trần Văn Thời gửi đến cuộc họp báo một báo cáo, nội dung bản tin này là những nội dung chính của báo cáo của UBND H.Trần Văn Thời.
Địa phương giải thích ra sao về chuyện tiêu hủy đàn chó ở Cà Mau? |
Theo báo cáo này, vào lúc 22 giờ 30 phút ngày 8.10, Trung tâm Chỉ huy xã Khánh Hưng, H.Trần Văn Thời có tiếp nhận 7 người về từ vùng dịch; trong đó có mang theo 15 con chó và 1 con mèo vào Khu cách ly tập trung Trường THPT Khánh Hưng.
Xã Khánh Hưng đã lấy mẫu test nhanh Covid-19; đồng thời lấy mẫu RT-PCR đối với 7 người này. Trong quá trình lấy mẫu 7 người, do không có người quản lý nên chó, mèo chạy rông trong khu cách ly. Những người trong khu cách ly phản ứng, không đồng tình vì làm ảnh hưởng vệ sinh, nguy hiểm đến những người xung quanh và công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19. Ban Điều hành khu cách ly đã yêu cầu người nuôi chó, mèo tự buộc, nhốt chó, mèo lại một điểm để quản lý, không làm ảnh hưởng những người xung quanh.
Sau khi test nhanh kháng nguyên, kết quả có 4 người dương tính, Trung tâm y tế H.Trần Văn Thời đã chỉ đạo bộ phận chuyên môn tách riêng cho 5 người trong hộ gia đình (trong đó có một trẻ em 8 tuổi) ở riêng 1 phòng; 2 người còn lại ở riêng một phòng, chờ kết quả RT-PCR.
Trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm RT-PCR, các dây buộc chó mèo không đảm bảo dẫn đến chó, mèo tiếp tục chạy trong khu cách ly. Ban điều hành đã yêu cầu người nuôi quản lý để đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19. Sau đó, người nhận nuôi, quản lý chó mèo tự bắt bỏ vào bao và rổ nhựa để bên ngoài phòng cách ly.
Sau khi có kết quả 2 lần test nhanh, Ban điều hành đã báo cáo, xin ý kiến về Trung tâm y tế huyện về việc khó khăn trong quản lý 15 con chó, 1 con mèo đi theo người về quê.
Giám đốc Trung tâm y tế huyện Trần Văn Thời đã cho ý kiến phân luồng người bệnh, tách riêng biệt người dương tính và âm tính. Đồng thời, có ý kiến cho gia đình quản lý chó, mèo và thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, không để ảnh hưởng đến khu cách ly trong việc phòng chống dịch bệnh Covid-19, chống lây chéo trong khu cách ly.
Cũng theo báo cáo của địa phương thì vào thời điểm này, những người trong khu cách ly và người dân xung quanh khu cách ly có ý kiến sợ chó, mèo không quản lý được sẽ chạy vào khu dân cư. Họ lo ngại lây lan dịch bệnh nên phản ánh đến UBND xã Khánh Hưng và Ban điều hành khu cách ly, nếu không đảm bảo thì thực hiện tiêu hủy số chó, mèo. Đến 14 giờ 40 phút ngày 9.10, có kết quả RT-PCR dương tính cả 5 người và được ngành chức năng đưa đi cách ly điều trị tại Bệnh viện đa khoa Trần Văn Thời đúng theo quy định.
Người dân tiếp tục phản ánh yêu cầu gia đình người nuôi chó, mèo quản lý đảm bảo tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19. Nhưng từ đêm 8 đến ngày 9.10 , gia đình người nuôi chó, mèo không quản lý được như yêu cầu, để chó chạy trong khu cách ly, làm ảnh hưởng đến mọi người xung quanh.
Ban điều hành yêu cầu gia đình tiếp tục quản lý để đảm bảo vệ sinh trong khu cách ly và phòng chống dịch bệnh covid-19. Trước áp lực về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 và từ bà con nhân dân, tác động từ những người đang cách ly trong khu vực, Ban điều hành tiếp tục yêu cầu gia đình người nuôi chó, mèo quản lý để đảm bảo vệ sinh trong khu cách ly và phòng chống dịch bệnh Covid-19, nếu không đảm bảo thì tiến hành tiêu hủy. Lúc này, gia đình người nuôi không có ý kiến gì.
Chính quyền thừa nhận thiếu sót khi tiêu hủy đàn chó được đưa về Cà Mau tránh Covid-19 |
Đến 7 giờ 30 phút ngày 9.10, bà con nhân dân xung quanh và những người làm nhiệm vụ trong khu vực cách ly tiếp tục phản ánh đến UBND xã Khánh Hưng và Ban điều hành về việc lo sợ chó chạy rông trong khu vực làm ảnh hưởng đến người dân về phòng chống dịch bệnh Covid-19. Ban điều hành tiến hành làm biên bản tiêu hủy 15 con chó, 1 con mèo phía trước ngoài khu cách ly trước sự chứng kiến của người dân phía ngoài khu cách ly và những người trong khu cách ly.
Đến thời điểm này UBND xã Khánh Hưng chưa nhận được phản ánh của chủ đàn chó bị tiêu hủy. Riêng bà con nhân dân xung quanh khu vực cách ly đồng tình xử lý vụ việc trên.
Đậu xe vỉa hè hóng gió ở phố đi bộ, cô gái gọi cầu cứu mẹ khi công an 'hỏi thăm'
Đây là những hình ảnh quen thuộc tại phố đi bộ Nguyễn Huệ từ khi TP.HCM trở về trạng thái "bình thường mới": luôn tấp nập người và xe.
Dù lực lượng chức năng liên tục tuần tra nhắc nhở và xử lý nhưng tối nào cũng có các nhóm tụ tập không đảm bảo 5K cùng các lỗi vi phạm trật tự lòng lề đường.
Đậu xe vỉa hè hóng gió ở phố đi bộ, cô gái gọi cầu cứu mẹ khi công an 'hỏi thăm' |
Tối 9.10, dù trời có mưa nhỏ nhưng nhiều gia đình dắt theo con nhỏ hoặc các nhóm bạn trẻ đến phố đi bộ hóng gió, hàn huyên dạo phố sau chuỗi ngày dịch Covid-19 căng thẳng.
Nhiều trường hợp vi phạm trật tự lòng lề đường bị nhắc nhở |
Vũ Phượng |
Dựng xe ở lề đường phố đi bộ Nguyễn Huệ (ở quận 1, TP.HCM) để hóng gió, chị em cô gái mặc áo đen ngỡ ngàng khi bị công an phường Bến Nghé “hỏi thăm”. Cô gái phải gọi điện báo với mẹ khi được công an hướng dẫn về trụ sở công an phường làm việc.
Sau một hồi năn nỉ không được, thiếu nữ đành chấp nhận đứng nhìn công an đưa xe máy lên xe tải chở về phường |
Vũ Phượng |
Dọc hai bên đường, công an đã yêu cầu nhiều nhóm bạn trẻ đứng chờ mua đồ ăn, thức uống đảm bảo khoảng cách an toàn. Các trường hợp dựng xe ngồi ngay trên lề đường được lực lượng nhắc nhở tìm nơi gửi xe hoặc giải tán. Một số xe máy vắng chủ dựng bên đường và người những người bán hàng rong cũng bị tạm giữ đồ đạc.
Những chiếc xe vắng chủ, khóa cổ cũng được đưa về phường |
Vũ Phượng |
Trong tối 9.10, tổ công tác tạm giữ một số xe tự chế của người bán hàng rong |
Vũ Phượng |
Một cán bộ trong tổ công tác cho biết, theo Chỉ thị 18 của TP.HCM, người dân đủ điều kiện lưu thông được phép ra nơi công cộng nhưng phải đảm bảo 5K. Do vậy, đến phố đi bộ Nguyễn Huệ người dân có thể gửi xe rồi đi dạo bình thường. Tuy nhiên, qua kiểm tra, lực lượng chức năng ghi nhận có nhiều người chở theo con nhỏ chưa được tiêm vắc xin hoặc thanh thiếu niên chưa đủ tuổi đi xe máy vẫn tự lái ra phố đi bộ hóng gió.
Tại phố đi bộ cũng có nhiều trường hợp người dân không gửi xe mà đậu xe dọc bên đường gây mất trật tự an toàn giao thông. Các trường hợp trên đều bị nhắc nhở hoặc mời về phường xử lý.
Theo quan sát của PV, tối muộn 9.10 khi vắng bóng lực lượng chức năng, hai bên lề đường của phố đi bộ Nguyễn Huệ lại có nhiều nhóm dựng xe máy ngồi ngay trên vỉa hè hoặc dựng xe dưới lòng đường rồi vào khu vực đi bộ.
Mất ngủ vì được về quê ngày đầu thí điểm đường bay nội địa
Ngày 10.10.2021, các đường bay nội địa chở khách thường lệ bắt đầu thí điểm hoạt động trở lại sau một thời gian dài tạm dừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM, nhiều hành khách mặc đồ bảo hộ y tế kín mít từ đầu đến chân, đến sân bay từ rất sớm để làm thủ tục hàng không trước khi lên máy bay.
Hầu hết hành khách đều tuân thủ nghiêm các quy định phòng chống dịch từ ngoài cổng vào khu vực làm thủ tục bay. Lực lượng an ninh hàng không và nhân viên hãng hàng không cũng thường xuyên nhắc nhở, hướng dẫn hành khách đảm bảo quy tắc phòng chống dịch.
Mất ngủ vì được về quê ngày đầu thí điểm đường bay nội địa |
Theo một số hành khách, giá vé máy bay trong ngày đầu mở cửa thí điểm đường bay nội địa cao hơn trước đây nhiều lần nhưng họ vẫn chấp nhận bỏ tiền mua vé để được về quê sau thời gian dài giãn cách xã hội.
"Em đã bay rất nhiều chuyến bay nhưng mà thật sự tối qua em ngủ không được tại vì đã quá lâu rồi để có cảm giác được về quê. Mình đã dùng nhiều cách, nào là những người quen của mình đã chạy xe máy về quê cả 600-700 km, có những người dùng mọi cách để có thể về quê được. Đến ngày hôm nay, em có thể về quê mà mình không phải vượt chốt hay không phải khó khăn gì cả khi mình đã tiêm cả hai mũi và địa phương của mình cũng tiếp nhận mình thì đó là một trong những điều em rất là hạnh phúc. Và em mong nhiều người đồng hương hoặc những người lao động họ cũng có được cơ hội này để họ về quê với gia đình", anh Huỳnh Trúc Lâm Tùng - quê Bình Định, chia sẻ.
Theo lãnh đạo Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, trong thời gian thí điểm đường bay nội địa chở khách thường lệ từ ngày 10 đến 20.10.2021, hành khách đi máy bay cần phải tiêm đủ 2 liều vắc xin phòng Covid-19 với loại vắc xin tiêm 2 mũi và mũi cuối cùng được tiêm ít nhất 14 ngày, hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 có giấy ra viện hoặc giấy xác nhận khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương.
Đồng thời, hành khách phải có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên máy bay.
Hành khách cần thực hiện khai báo y tế theo quy định, hoàn thành bản cam kết và chuyển cho đại diện hãng hàng không khi làm thủ tục hàng không tại điểm xuất phát. Hành khách không tham gia chuyến bay khi có các triệu chứng ho, sốt, khó thở, đau mỏi cơ, đau rát họng...
Tại sân bay Tân Sơn Nhất, khu vực sảnh A nhà ga Quốc nội được bố trí sắp xếp các quầy thủ tục cho các hãng hàng không gồm: Hành khách của hãng Vietnam Airlines làm thủ tục tại đảo C-D; Bamboo Airways tại đảo H và Pacific Airlines tại đảo E. Khu vực Sảnh B nhà ga quốc nội phục vụ cho hành khách đi của hãng hàng không Vietjet Air, hành khách di chuyển theo cửa D6, vào đảo K làm thủ tục chuyến bay.
Tạm xa vợ con bên chuyến tàu về Quảng Bình tránh dịch Covid-19
Tranh thủ trước giờ tàu chạy, anh Đặng Công Duy (ở phường Long Trường, TP.Thủ Đức, TP.HCM) vào tận toa xe để ôm tạm biệt vợ con. Chỉ ít phút nữa thôi, khi tàu rời ga Sài Gòn, anh sẽ tạm xa vợ con một thời gian.
Vợ và con anh Duy là hành khách trên chuyến tàu đặc biệt đưa công dân Quảng Bình hồi hương vào sáng 9.10.2021. Vợ đang mang bầu nên cách đây 3 ngày, nghe thông tin tỉnh tổ chức đưa người về, anh đã đăng ký cho hai mẹ con về quê. Còn anh vẫn cố gắng ở lại để làm việc khi thành phố đang từng bước mở cửa trở lại.
Tạm xa vợ con bên chuyến tàu về Quảng Bình tránh dịch Covid-19 |
Theo kế hoạch, tỉnh Quảng Bình sẽ tổ chức 4 chuyến tàu đưa gần 3.000 hành khách là người dân Quảng Bình đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai về quê.
Trong hai ngày 8.10 và 9.10, các chuyến tàu mang số hiệu SE16 và SE18 xuất phát từ ga Sài Gòn và dừng đón thêm công dân Quảng Bình ở ga Dĩ An và ga Biên Hòa.
4 chuyến tàu này sẽ đưa người về tới các ga Mỹ Đức, Đồng Hới, Hoàn Lão, Minh Lệ và Đồng Lê của tỉnh Quảng Bình. Sau đó các hành khách sẽ được tỉnh sắp xếp đưa đi cách ly theo quy định.
Công nhân mắc kẹt lại Sài Gòn trước làn sóng về quê: ‘Tụi em chọn ở lại thành phố’
Khu nhà trọ nằm cuối con hẻm sâu trên đường 138 (thuộc P.Tân Phú, TP. Thủ Đức, TP.HCM) có khoảng 60 phòng trọ. Hầu hết các phòng đều được công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất trong thành phố thuê; số ít phòng còn lại là của sinh viên thuê trọ đã về quê từ sớm khi thành phố chuẩn bị thực hiện giãn cách xã hội.
Công nhân mắc kẹt lại Sài Gòn trước làn sóng về quê: ‘Tụi em chọn ở lại thành phố’ |
Hầu hết các hộ gia đình công nhân ở đây đều sống hàng chục năm, sinh con đẻ cái trong khu nhà trọ. Trong đó, có cả những hộ gia đình công nhân trẻ, là người dân tộc Chăm với hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn.
Chị Đạo Nữ Mari Dăm, 23 tuổi cùng chồng lên Sài Gòn làm công nhân được hơn một năm. Chỉ đến vài ngày trước, khi thành phố nới lỏng giãn cách, chị Mari Dăm mới được gặp lại chồng. 3 tháng trước, chồng chị nhiễm Covid-19 và trở thành F0 ngay tại công ty khi đang thực hiện “3 tại chỗ”.
Chị Đạo Nữ Mari Dăm, 23 tuổi (công nhân) chật vật sống trong nhà trọ suốt 4 tháng qua |
lê nam |
Phòng trọ ngoài hai vợ chồng còn ở ghép thêm một nữ sinh viên, tuy nhiên cũng đã về quê từ trước dịch. Một mình chị Mari Dăm xoay sở sống chật vật qua ngày.
Trong làn sóng công nhân tại TP.HCM đổ về quê tránh dịch, nữ công nhân trẻ không khỏi bồn chồn. Tuy nhiên, sau nhiều đắn đo, hai vợ chồng quyết định không về.
Giống như Dăm, chị Thành Nữ Anh Trúc, 26 tuổi, dân tộc Chăm, là giáo viên mầm non trường tư thục. Suốt gần 5 tháng nay, trường mầm non đóng cửa, Trúc thất nghiệp không lương, sống một mình trong căn phòng trọ.
Khu nhà trọ công nhân nằm cuối con hẻm sâu trên đường 138 (thuộc P.Tân Phú, TP. Thủ Đức, TP.HCM) |
lê nam |
Số tiền tích lũy ít ỏi được cô dồn trả nợ ngân hàng khi mới mua trả góp chiếc máy để đi làm. Gần 5 tháng chôn chân trong 4 bức tường, nữ giáo viên trẻ sống cầm hơi qua những gói mì, hũ gạo cứu trợ. Ba mẹ già yếu sống ở quê, lại đều bị bệnh tim. Là con út trong gia đình có đến 7 anh chị em, người làm ở Hà Nội, người lại lăn lộn ở Bình Dương, Sài Gòn… Mỗi tháng cô cũng phải cùng mọi người gửi tiền về phụ lo cho ba mẹ.
Trường mầm non không hẹn ngày mở cửa, chị Trúc dự tính sẽ thử vào khu công nghiệp xin việc làm trong vài ngày tới.
Trung tâm Công tác xã hội Công đoàn TP.HCM hỗ trợ nhu yếu phẩm cho công nhân người dân tộc Chăm đang mắc kẹt tại TP.HCM |
lê nam |
Mong muốn chia sẻ những khó khăn và động viên các công nhân đang mắc kẹt lại Sài Gòn, sáng 9.10, Trung tâm Công tác xã hội Công đoàn TP.HCM đã mang đến hàng chục phần nhu yếu phẩm cho các hộ gia đình công nhân người Chăm, đang sinh sống và làm việc tại thành phố Thủ Đức và tỉnh Bình Dương, mỗi phần quà trị giá 450.000 đồng.
Còn rất nhiều tin tức, phóng sự đáng chú ý khác trong Bản tin tình hình Covid-19 ngày 10.10 lúc 20 giờ trên các nền tảng của Báo Thanh Niên.
Bình luận (0)