Bản tin Covid-19 ngày 12.12: Trẻ em có cần tiêm vắc xin khi đã nhiễm bệnh?

12/12/2021 20:00 GMT+7

Bản tin Covid-19 ngày 12.12 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên. Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới .

Bản tin Covid-19 ngày 12.12 của Báo Thanh Niên có những tin tức đáng chú ý sau:

Cả nước 14.638 ca Covid-19, 1.295 ca khỏi

Bản tin Bộ Y tế ngày 12.12 cho biết tính từ 16h ngày 11.12 đến 16h ngày 12.12, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 14.638 ca nhiễm mới, 1.295 ca khỏi bệnh.

Ngày 12.12: Cả nước 14.638 ca Covid-19, 1.295 ca khỏi | TP.HCM 1.216 ca

Bản tin cũng thông báo về 228 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong vì Covid-19 tại Việt Nam lên 27.839 ca.

Thông tin về 14.638 ca nhiễm mới như sau:

  • 17 ca cách ly sau khi nhập cảnh.
  • 14.621 ca ghi nhận trong nước (giảm 1.483 ca so với ngày trước đó) tại 58 tỉnh, thành phố (có 9.377 ca trong cộng đồng). Gồm: TP.HCM (1.216), Hà Nội (980), Tây Ninh (920), Đồng Tháp (745), Bến Tre (722), Cà Mau (675), Cần Thơ (669), Khánh Hòa (590), Vĩnh Long (584), Bạc Liêu (563), Sóc Trăng (524), Trà Vinh (475), Đà Nẵng (442), Kiên Giang (384), Bà Rịa - Vũng Tàu (381), Bình Dương (375), Tiền Giang (367), Đồng Nai (366), Thừa Thiên Huế (359), Hậu Giang (338), An Giang (319), Đắk Lắk (315), Bình Định (279), Bình Thuận (256), Lâm Đồng (194), Bắc Ninh (189), Hải Phòng (123), Thanh Hóa (109), Ninh Thuận (94), Hà Giang (92), Hưng Yên (92), Phú Yên (82), Long An (75), Đắk Nông (74), Quảng Nam (74), Nghệ An (63), Thái Nguyên (61), Thái Bình (45), Quảng Ngãi (44), Hải Dương (42), Quảng Trị (36), Quảng Bình (36), Nam Định (32), Vĩnh Phúc (32), Lạng Sơn (28), Quảng Ninh (25), Sơn La (21), Phú Thọ (20), Yên Bái (18), Hà Tĩnh (15), Hòa Bình (13), Cao Bằng (12), Tuyên Quang (10), Hà Nam (10), Bắc Giang (9), Điện Biên (4), Gia Lai (2), Lai Châu (1).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Bình Phước (-1.164), TP.HCM (-225), Khánh Hòa (-204).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Hà Nội (+432), Đắk Lắk (+315), Đà Nẵng (+256).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 14.833 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.413.051 ca nhiễm, đứng thứ 32/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 148/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 14.332 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

  • Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.407.655 ca, trong đó có 1.051.903 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
  • Có 2 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Bắc Kạn, Lai Châu.
  • Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (487.259), Bình Dương (287.252), Đồng Nai (92.246), Long An (39.240), Tây Ninh (38.696).

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:

  • Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 1.295 ca
  • Tổng số ca được điều trị khỏi: 1.054.720 ca

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 7.596 ca, trong đó:

  • Thở ô xy qua mặt nạ: 5.237 ca
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.273 ca
  • Thở máy không xâm lấn: 126 ca
  • Thở máy xâm lấn: 942 ca
  • ECMO: 18 ca

Từ 17h30 ngày 11.12 đến 17h30 ngày 12.12 ghi nhận 228 ca tử vong, gồm:

  • Tại TP.HCM (78) trong đó có 9 ca từ các tỉnh chuyển đến như sau: Long An (2), Sóc Trăng (2), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Bình Dương (1), Đồng Nai (1), Đồng Tháp (1), Tiền Giang (1).
  • Tại các tỉnh, thành phố khác: Bình Dương (23), An Giang (18), Đồng Nai (17), Tiền Giang (17), Đồng Tháp (8 ), Vĩnh Long (7), Sóc Trăng (7), Bạc Liêu (7), Tây Ninh (7), Long An (7), Kiên Giang (7), Cần Thơ (7), Bà Rịa - Vũng Tàu (4), Bến Tre (3), Quảng Nam (3), Trà Vinh (2), Bình Thuận (2), Bình Định (1), Đắk Lắk (1), Lâm Đồng (1), Cà Mau (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 226 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 27.839 ca, chiếm tỉ lệ 2% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 32/234 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 132/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 9/49 (xếp thứ 4 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 27/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 6 ASEAN).

Trong 24 giờ qua, cả nước đã thực hiện 135.827 xét nghiệm cho 170.009 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện 27.871.982 mẫu cho 71.322.461 lượt người.

Trong ngày 11.12 có 304.775 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 132.266.442 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 74.832.161 liều, tiêm mũi 2 là 57.434.281 liều.

Việt Nam đã tiếp nhận hơn 160,7 triệu liều vắc xin

Tính đến hết ngày 10.12.2021, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 160,7 triệu liều vắc xin phòng Covid-19. Bộ Y tế đã phân bổ tổng số 154 triệu liều, còn khoảng 6,7 triệu liều mới tiếp nhận, đang tiến hành các thủ tục để kiểm định chất lượng, xuất xưởng vắc xin.

Việt Nam đã tiếp nhận hơn 160,7 triệu liều vắc xin Covid-19

Cập nhật trên cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, đến 14 giờ ngày 12.12, cả nước đã tiêm gần 132,4 triệu liều vắc xin phòng Covid-19. Các địa phương, đơn vị đang nỗ lực triển khai tiêm chủng để nhanh chóng đạt được độ bao phủ mũi 1 cho những đối tượng trong độ tuổi chỉ định tiêm chủng trong năm 2021 và trả mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian.

Đến ngày 11.12, cả nước đã tiêm hơn 69,1 triệu liều mũi 1 và hơn 55,9 triệu liều mũi 2. Tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều là 96,7% và tỷ lệ tiêm đủ 2 liều là 78,2% dân số từ 18 tuổi trở lên.

Theo khu vực, tỷ lệ này lần lượt như sau:

  • Miền Bắc là 93,7% và 70,0%.
  • Miền Trung là 93,4% và 76,6%.
  • Tây Nguyên là 90,2% và 62,8%.
  • Miền Nam là 99,6% và 87,4%.

Có 62/63 tỉnh, thành phố có tỉ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc xin cho trên 80% dân số từ 18 tuổi trở lên, trong đó có 30 tỉnh đạt tỉ lệ trên 95% gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Nghệ An, Tuyên Quang, Lào Cai, Điện Biên, Đà Nẵng, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Nông, TP.HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Lâm Đồng, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bình Dương, Bình Phước, Kiên Giang, Hậu Giang.

Tỉnh Hà Giang hiện có tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc xin cho dưới 80% dân số từ 18 tuổi trở lên (đạt 78,4%).

Hiện đã có 59/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ đủ 2 liều vắc xin cho dân số từ 18 tuổi trở lên đạt trên 50%, trong đó có 42 tỉnh, thành phố có tỉ lệ bao phủ trên 70%. Các tỉnh, thành phố có tỉ lệ bao phủ trên 90% gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đắk Nông, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Lâm Đồng, Cần Thơ, Vĩnh Long và Cà Mau.

Các tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 dưới 50% gồm: Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Sơn La.

Về triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho đối tượng từ 12-17 tuổi, Bộ Y tế cho biết các tỉnh, thành phố đã triển khai tiêm được hơn 6,8 triệu liều, trong đó có hơn 5,6 triệu liều mũi 1 và hơn 1,2 triệu liều mũi 2. Tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều là 62,3% và tỷ lệ bao phủ đủ 2 liều là 13,2% dân số từ 12 -17 tuổi.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế khắc phục tình trạng cán bộ y tế nghỉ việc

Văn phòng Chính phủ vừa có Công văn 9058 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng chống dịch Covid-19.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế khắc phục tình trạng cán bộ y tế nghỉ việc

Công văn nêu rõ để tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng chống dịch Covid-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế rút kinh nghiệm để chủ động chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan liên quan làm tốt hơn công tác truyền thông trong phòng chống dịch Covid-19.

Đáng chú ý, Thủ tướng lưu ý Bộ trưởng Bộ Y tế có giải pháp phù hợp để kịp thời khắc phục tình trạng cán bộ y tế đang nghỉ việc, nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì, tổ chức lễ tôn vinh và khen thưởng các thầy thuốc trong tháng 12.2021.

Nhân viên y tế nghỉ việc là một trong những vấn đề nóng được chất vấn ở kỳ họp HĐND TP.HCM hồi giữa tuần.

Trả lời về tình trạng này, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng nói rằng có thể dùng từ kiệt sức để cắt nghĩa lý do nhiều nhân viên y tế nghỉ việc cũng không sai khi gần 8 tháng chưa được nghỉ ngơi ngày nào với mức thu nhập thấp.

Trước đó, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết nếu như trong năm 2020 có 597 nhân viên y tế nghỉ việc thì trong 10 tháng đầu năm 2021 có 988 người nghỉ việc. Lý do nghỉ việc chủ yếu xuất phát từ hoàn cảnh gia đình, lý do cá nhân.

Cũng liên quan đến công tác phòng chống dịch Covid-19, ngày 11.12, Thủ tướng đã có chỉ đạo đối với Bộ Y tế về việc thông tin, hướng dẫn về thuốc điều trị Covid-19.

Theo tổng hợp của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, báo chí có phản ánh việc một số loại thuốc kháng viêm, chống đông, thuốc kháng vi rút, thuốc điều trị Covid-19 được rao bán tràn lan và dễ dàng mua được mà không cần có đơn của bác sĩ.

Trước tình trạng này, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế đẩy mạnh việc thông tin, tuyên truyền và hướng dẫn về các loại thuốc, biện pháp để người dân có thể mua, sử dụng theo đúng quy định và an toàn các loại thuốc không kê đơn có tác dụng điều trị tại nhà các triệu chứng thông thường, nhẹ do nhiễm vi rút Covid-19.

TP.HCM: Đã có 4.226 người tiêm mũi 3 vắc xin Covid-19

Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, tính đến 7 giờ 30 ngày 12.12, toàn TP.HCM đã tiêm vắc xin Covid-19 được 500 liều mũi bổ sung và 3.726 liều mũi nhắc lại cho các đối tượng theo quy định.

TP.HCM đã có 4.226 người tiêm mũi 3 vắc xin Covid-19

Như vậy, tính đến nay, TP.HCM đã tiêm hơn 14,8 triệu liều vắc xin Covid-19. Trong đó, mũi 1 là hơn 7,9 triệu liều và mũi 2 là gần 6,9 triệu liều. Dân số từ 18 tuổi trở lên theo thống kê của Chi Cục dân số Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM là hơn 7,2 triệu người.

Trong đó, đối với người từ 18 tuổi trở lên, tiêm mũi 1 là 7,2 triệu liều, đạt hơn 100%; mũi 2 là 6,2 triệu liều, đạt 86%.

Đối với người từ 50 tuổi trở lên, mũi 1 tiêm 1,7 triệu liều, đạt 90%; mũi 2 tiêm hơn 1,7 triệu liều, đạt 86%.

Đối với trẻ từ 12 - 17 tuổi, mũi 1 tiêm 696.876 liều đạt 99,2%; mũi 2 tiêm 626.652, đạt 89.2% (dân số 12 - 17 tuổi là 702.563 người).

TP.HCM đang đẩy mạnh tiêm cho người từ các tỉnh đến làm việc, sinh sống tại TP.HCM, tiêm vét cho người chưa tiêm mũi 2 và tiêm mũi bổ sung, tiêm mũi tiêm nhắc lại cho các đối tượng ưu tiên theo quy định. Chiến lược tiêm vắc xin Covid-19 tại TP.HCM là “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để kêu gọi người dân đi tiêm nhằm khống chế dịch bệnh, phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới.

Theo chỉ đạo của Sở Y tế TP.HCM, các địa phương, các cơ sở y tế lập danh sách người cần tiêm vắc xin Covid-19 liều bổ sung, liều nhắc lại của cơ sở theo thứ tự ưu tiên và thời hạn tiêm, gồm: Người bệnh thuộc diện ưu tiên tiêm liều bổ sung, liều nhắc lại; người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc,

điều trị bệnh nhân Covid-19

; nhân viên y tế; người lao động tham gia lực lượng tuyến đầu chống dịch của cơ sở.

Mắc Covid-19 rồi, trẻ có nên tiêm vắc xin?

Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến chiều 11.12, Việt Nam có gần 75 triệu người đã tiêm vắc xin Covid-19, trong đó hơn 57 triệu người tiêm đủ 2 mũi.

Mắc Covid-19 rồi, trẻ có nên tiêm vắc xin?

Với đối tượng là người từ 18 tuổi trở lên, đến ngày 11.12, cả nước có hơn 69 triệu người đã tiêm ít nhất 1 mũi, khoảng 56 triệu đã tiêm đủ 2 mũi. Tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều là 96,7% và tỷ lệ tiêm đủ 2 liều là 78,2% dân số từ 18 tuổi trở lên.

Với đối tượng là trẻ em từ 12-17 tuổi, đến ngày 11.12, cả nước đã tiêm gần 6,9 triệu liều vắc xin, trong đó có gần 5,69 triệu liều mũi 1 và hơn 1,2 triệu liều mũi 2. Tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều là 62,3% và tỷ lệ bao phủ đủ 2 liều là 13,2% dân số từ 12 -17 tuổi.

Ngày 12.12, Sở Y tế Hà Nội cho biết tính đến hết ngày 11.12, Hà Nội đã có gần 638.000 trẻ từ 12-17 tuổi đã tiêm vắc xin Covid-19 và còn khoảng hơn 56.000 trẻ chưa được tiêm một mũi vắc xin nào.

Hà Nội dự kiến tiêm vắc xin cho gần 700.000 trẻ trong độ tuổi này. Như vậy, từ 23.11 đến nay, Hà Nội đã có hơn 92% trẻ 12-17 tuổi đã tiêm vắc xin Covid-19.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, tới hết 10.12, có 606 trẻ ở Hà Nội đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin Covid-19. Việc tiêm vắc xin cho trẻ từ 12-17 tuổi ở Hà Nội thực hiện bởi các bệnh viện tuyến Trung ương và cơ sở y tế của Hà Nội.

Theo PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn để triển khai tiêm vắc xin cho trẻ từ 12-17 tuổi. Tất cả các địa phương trong cả nước đang tiến hành triển khai tiêm cho các đối tượng này. Để bảo vệ nhóm trẻ nhỏ hơn phòng Covid-19, Bộ Y tế đang xem xét kế hoạch bao gồm lựa chọn vắc xin theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới, nhà sản xuất, đồng thời các đơn vị liên quan sẽ xem xét theo quy định hiện hành. Tiếp theo Bộ Y tế sẽ ban hành hướng dẫn cụ thể tiêm vắc xin cho đối tượng trẻ này.

Theo bà Dương Thị Hồng, hiện nay chỉ có một số ít các quốc gia đang triển khai tiêm vắc xin Covid-19 cho nhóm trẻ nhỏ từ 5-11 tuổi. Ngay sau khi được Chính phủ, Bộ Y tế triển khai cho nhóm đối tượng nhỏ hơn thì ngành y tế, cán bộ y tế sẽ thông tin đến các bậc cha mẹ đưa trẻ đi tiêm chủng vắc xin Covid-19.

Bên cạnh đó, ông Cao Việt Tùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, cho hay việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho lứa tuổi 5-11 và 12-17 là cần thiết vì giúp phòng bệnh cho các em và đưa trẻ sớm trở lại trường học, phù hợp với quan điểm xã hội học trong tình hình hiện nay. Nghiên cứu vắc xin được thực hiện trên nhiều đối tượng, nhiều quốc gia vì vậy việc triển khai tiêm phòng vắc xin cho nhóm trẻ em là hoàn toàn có cơ sở.

Trước tình hình xảy ra một số biến cố bất lợi sau tiêm, Bộ Y tế đã triển khai tập huấn lại công tác sàng lọc, phát hiện và xử trí các biến chứng sau tiêm trên toàn quốc với sự tư vấn và hỗ trợ của các chuyên gia đầu ngành cũng như các bệnh viện tuyến Trung ương, mục tiêu là để các tuyến y tế cơ sở chẩn đoán sớm và điều trị hiệu quả.

Theo ông Cao Việt Tùng, những người nếu đã nhiễm Covid-19 (bao gồm trẻ nhỏ trong lứa tuổi cho phép tiêm vắc xin) vẫn nên tiêm vắc xin Covid-19 sau 6 - 8 tháng. Các nghiên cứu cho thấy sau tiêm vắc xin cho các đối tượng này thì kháng thể trong cơ thể có thể đạt tới nồng độ hiệu quả chống lại Covid-19.

Với việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên, bà Dương Thị Hồng cho biết đến hiện nay Bộ Y tế đã có hướng dẫn đối với người có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng như người cấy ghép tạng, ung thư, HIV, đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch hoặc đã điều trị trong vòng 6 tháng thì cần tiêm mũi bổ sung sau mũi cuối cùng của liều cơ bản ít nhất 28 ngày.

Các nhóm đối tượng còn lại thì tiêm 1 mũi nhắc lại ít nhất 6 tháng sau mũi tiêm cuối cùng của liều cơ bản. Lịch tiêm này áp dụng cho tất cả các loại vắc xin đã triển khai ở Việt Nam.

Ông chủ trọ “lạ đời” mang 120 triệu phát cho người khó khăn vì Covid-19

Con hẻm số 147 đường Lê Đình Cẩn ở quận Bình Tân, TP.HCM sáng 12.12.2021 bỗng náo nhiệt hơn những ngày bình thường. Cầm tờ phiếu, nhiều người dân ở khu phố 6, phường Bình Trị Đông đã tập trung tới con hẻm chờ nhận tiền.

Sáng 12.12, nhiều người khó khăn mang phiếu đến khu trọ nhà ông Giản nhận quà

CAO AN BIÊN

Những người phát tiền cho những hộ khó khăn là các thành viên trong gia đình ông Lê Tuấn Giản, chủ một nhà trọ ở khu vực này. "Hôm nay chú phát số lượng là 400 người, một người là 300 ngàn, tổng cộng là 120 triệu. Số tiền này do con gái chú hỗ trợ", ông Giản cho biết.

Đây không phải là lần đầu tiên ông Giản giúp những người khó khăn. Trong những tháng dịch bệnh, gia đình ông không chỉ miễn tiền phòng mà còn thường xuyên hỗ trợ các phần quà, lúc là rau củ quả, lúc là phát tiền mặt.

Xuất thân từ gia đình khó khăn, được ba làm việc cực khổ nuôi ăn học nên khi công ăn việc làm ổn định chị Dung, con gái ông Giản cũng muốn hỗ trợ, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. "Thực ra ngày xưa mẹ bị bệnh gan, mà gia đình khó khăn, không có được tiền để mà chữa trị nên mẹ mất. Lúc đó, chị chưa có lập gia đình. Rồi chị nói là cỡ nào mình cũng phải thành công, thành công mới bảo vệ được con, có khả năng lo cho con mình, rồi mình mới giúp được những hoàn cảnh khác", chị Dung chia sẻ.

Để tránh tập trung đông người, ông Giản cũng phân chia ra, người dân mỗi tổ trong khu phố sẽ tới nhận tiền theo một khung giờ khác nhau.

Cầm số tiền vừa được nhận, bà Phạm Thị Tây Hữu vui mừng trở về dãy trọ. Số tiền này bình thường bà phải lượm ve chai gần cả tuần mới có được. Những tháng dịch bệnh, bà cũng được ông Tư hỗ trợ nhiều lần.

Sau khi những người dân đã nhận tiền ra về, ông Giản lặng lẽ về lại căn phòng của mình cần thận đếm lại những tờ phiếu đã phát. Ông sợ có hộ chưa sắp xếp thời gian được. Với trường hợp như vậy ông sẽ nói con để lại tiền để ông phát cho họ sau.

Người Nhật che dù để giữ khoảng cách phòng Covid-19

Một triển lãm nghệ thuật ở Tokyo đã phát dù cho du khách để đảm bảo khoảng cách, tránh nguy cơ lây nhiễm Covid-19.

Che dù để giãn cách xã hội ở Tokyo

Nhà triển lãm Kazuhisa Kusaba nảy ra ý tưởng này sau khi nghe cháu kể chuyện cô giáo ở trường khuyên nên cầm dù lúc đi học để giữ khoảng cách với mọi người.

“Khi tôi tìm cách tốt nhất để bảo vệ bản thân và người khác, tôi nảy ra ý tưởng dùng dù, vì sẽ luôn có đủ không gian giữa người với người trong một khu vực để mở dù", ông Kusaba nói.

“Số lượng dù có thể giới hạn số người vào đây. Vì lẽ đó, nó sẽ không quá đông, nên tôi nghĩ đây là một cách độc đáo để tổ chức triển lãm", Kazuhiko Kawakubo, nhân viên văn phòng, đến tham gia triển lãm chia sẻ.

Mũi 3 vắc xin Covid-19 giúp tăng bảo vệ trước biến thể Omicron lên 75%

Vắc xin tăng cường có hiệu quả đến 75% trong việc chống lại chủng Omicron, theo Cơ quan An ninh Y tế Anh (UKHSA).

Mũi 3 vắc xin Covid-19 giúp tăng bảo vệ trước biến thể Omicron lên 75%

Sau khi phân tích số liệu thực tế trên 581 người dương tính với Omicron, cơ quan này phát hiện rằng hai liều vắc xin AstraZeneca hoặc Pfizer/BioNTech giảm hiệu quả ngăn chặn trước biến thể Omicron so với Delta. Tuy nhiên, liều vắc xin thứ ba có thể giúp tránh khỏi các triệu chứng của Covid-19.

Cố vấn Y tế UKHSA Susan Hopkins cho biết: "Những người đã tiêm hai liều vắc xin cách đây hơn 3 tháng có khả năng bị nhiễm Covid-19 và lây bệnh. Những gì chúng tôi quan sát được là sau khi tiêm liều tăng cường, và xảy ra khá nhanh theo phân tích của chúng tôi, là trong vòng 14 ngày, thậm chí chỉ 7 ngày là tác dụng bảo vệ đã tăng trở lại. Bất kể bạn tiêm AstraZeneca hay Pfizer, bạn đã có 70-75% hiệu quả chống lại bệnh có triệu chứng".

Bà Hopkins cảnh báo rằng với tốc độ lây lan hiện tại, Omicron sẽ chiếm hơn một nửa tổng số ca nhiễm Covid-19 vào giữa tháng 12. Riêng nước Anh sẽ vượt qua mốc một triệu ca nhiễm vào cuối tháng.

Vì chưa có bệnh nhân Omicron nào nhập viện hoặc tử vong, nên UKHSA cho biết họ vẫn chưa có đủ dữ liệu để đánh giá mức độ nghiêm trọng của biến thể này.

Trước đó vào hôm 8.12, Thủ tướng Boris Johnson đã công bố các biện pháp mới nghiêm ngặt hơn để cố gắng ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Tuy nhiên tại Nam Phi, nơi đầu tiên xác định biến thể mới, Bộ trưởng Y tế Joe Phaahla cho biết các dấu hiệu ban đầu về mức độ bệnh nặng là đáng lạc quan.

"Dữ liệu ban đầu đúng là cho thấy tỉ lệ nhập viện có tăng lên, nhưng có vẻ chỉ là do số ca tăng lên chứ không phải là vì biến thể Omicron gây bệnh nặng hơn", ông nói.

Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 12.12 của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.