Bản tin Covid-19 ngày 14.3: Việt Nam đã tiêm hơn 200 triệu liều vắc xin
Bản tin Covid-19 ngày 14.3 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên. Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới.
Tự động phát
Bản tin Covid-19 ngày 14.3 của Báo Thanh Niên có những thông tin đáng chú ý sau:
Công bố 264.790 ca Covid-19, 108.407 ca khỏi
Bản tin Bộ Y tế ngày 14.3 cho biết tính từ 16h ngày 13.3 đến 16h ngày 14.3, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 161.262 ca nhiễm mới. Các Sở Y tế Quảng Ninh, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Lào Cai đăng ký bổ sung tổng cộng 103.528 ca. Như vậy, tổng số ca nhiễm được công bố trong ngày là 264.790.
Trong ngày có 108.407 ca được công bố khỏi bệnh.
Bản tin cũng thông báo về 92 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay lên 41.477 ca.
Ngày 14.3: Công bố 264.790 ca Covid-19, 108.407 ca khỏi | Hà Nội 29.833 ca | TP.HCM 2.159 ca |
Thông tin về 264.790 ca nhiễm vừa được công bố như sau:
- 15 ca nhập cảnh.
- 161.247 ca ghi nhận trong nước (giảm 5.706 ca so với ngày trước đó) tại 61 tỉnh, thành phố (có 113.084 ca trong cộng đồng). Gồm: Hà Nội (29.833), Nghệ An (10.389), Bắc Ninh (7.471), Phú Thọ (6.997), Thái Nguyên (4.979), Hưng Yên (4.840), Hòa Bình (4.675), Hải Dương (4.324), Sơn La (4.169), Lạng Sơn (4.100), Lào Cai (3.897), Tuyên Quang (3.867), Đắk Lắk (3.644), Cà Mau (3.529), Quảng Ninh (2.988), Quảng Bình (2.986), Vĩnh Phúc (2.975), Thái Bình (2.951), Điện Biên (2.938), Bắc Giang (2.938), Yên Bái (2.769), Bình Định (2.755), Nam Định (2.722), Hà Nam (2.295), Ninh Bình (2.231), Lai Châu (2.217), Bình Phước (2.187), Cao Bằng (2.163), TP.HCM (2.159), Bến Tre (2.091), Lâm Đồng (1.949), Hải Phòng (1.886), Đắk Nông (1.836), Quảng Trị (1.786), Bình Dương (1.689), Bắc Kạn (1.341), Tây Ninh (1.290), Đà Nẵng (1.235), Khánh Hòa (1.158), Trà Vinh (1.074), Phú Yên (1.035), Thanh Hóa (940), Bà Rịa - Vũng Tàu (909), Hà Tĩnh (887), Vĩnh Long (824), Bình Thuận (622), Quảng Ngãi (589), Kon Tum (391), Quảng Nam (347), Thừa Thiên-Huế (291), Bạc Liêu (285), Kiên Giang (132), Đồng Nai (128), An Giang (117), Long An (108), Cần Thơ (94), Ninh Thuận (75), Đồng Tháp (71), Hậu Giang (31), Sóc Trăng (30), Tiền Giang (18).
- Ngày 14.3.2022, Sở Y tế Quảng Ninh đăng ký bổ sung 32.400 ca, Sở Y tế Thái Bình đăng ký bổ sung 30.000 ca, Sở Y tế Vĩnh Phúc đăng ký bổ sung 25.112 ca và Sở Y tế Lào Cai đăng ký bổ sung 16.016 ca trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin.
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Đắk Lắk (-3.925), Hà Giang (-1.911), Bình Dương (-1.162).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Thái Nguyên (+2.241), Bắc Ninh (+1.054), Hà Nội (+564).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 164.807 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 6.377.438 ca nhiễm, đứng thứ 20/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 130/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 64.535 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):
- Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 6.369.816 ca, trong đó có 3.269.161 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
- Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (838.217), TP.HCM (570.931), Bình Dương (340.740), Bắc Ninh (231.613), Nghệ An (226.561).
Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hằng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 108.407 ca
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 3.271.978 ca
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 4.230 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 3.370 ca
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 430 ca
- Thở máy không xâm lấn: 107 ca
- Thở máy xâm lấn: 319 ca
- ECMO: 4 ca
Từ 17h30 ngày 13.3 đến 17h30 ngày 14.3 ghi nhận 92 ca tử vong, gồm:
- Tại TP.HCM (3) trong đó 1 ca từ Vĩnh Long chuyển đến.
- Tại các tỉnh, thành phố khác: Hà Nội (11), Quảng Ninh (7), Bến Tre (4), Hải Dương (4), Kiên Giang (4), Phú Thọ (4), Thanh Hóa (4 ca trong 2 ngày), Bắc Giang (3), Bạc Liêu (3), Cà Mau (3), Nam Định (3), Ninh Bình (3), Bắc Kạn (2), Đồng Nai (2), Hà Nam (2), Khánh Hòa (2), Lạng Sơn (2), Quảng Bình (2), Quảng Trị (2), Sóc Trăng (2), Thái Nguyên (2), Trà Vinh (2), An Giang (1), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Bắc Ninh (1), Bình Thuận (1), Cần Thơ (1), Cao Bằng (1), Đà Nẵng (1), Điện Biên (1), Gia Lai (1), Hà Tĩnh (1), Hải Phòng (1), Hậu Giang (1), Hòa Bình (1), Quảng Ngãi (1), Tây Ninh (1), Tuyên Quang (1).
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 84 ca.
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 41.477 ca, chiếm tỉ lệ 0,7% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 128/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 23/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).
Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực là 35.777.446 mẫu tương đương 81.738.760 lượt người.
Trong ngày 13.3 có 189.673 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 200.368.920 liều, trong đó:
- Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 183.322.407 liều: Mũi 1 là 70.910.444 liều; Mũi 2 là 67.816.092 liều; Mũi 3 là 1.493.220 liều; Mũi bổ sung là 14.516.928 liều; Mũi nhắc lại là 28.585.723 liều.
- Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.046.513 liều: Mũi 1 là 8.748.917 liều; Mũi 2 là 8.297.596 liều.
Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn mới về quản lý F0 tại nhà
Ngày 14.3.2022, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 604 kèm hướng dẫn quản lý tại nhà đối với người mắc Covid-19.
Hướng dẫn mới về quản lý F0 Covid-19 tại nhà |
Tài liệu này thay thế Quyết định số 261 ngày 31.1.2022 ban hành Hướng dẫn quản lý người mắc Covid-19 tại nhà và Quyết định số 528 ngày 3.3.2022 ban hành Hướng dẫn quản lý tại nhà đối với trẻ em mắc Covid-19.
Theo hướng dẫn mới vừa ban hành ngày 14.3, tiêu chí lâm sàng của người mắc Covid-19 điều trị tại nhà được bổ sung như sau: "Là người bệnh Covid-19 đã được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh điều trị nhưng chưa đạt tiêu chuẩn khỏi Covid-19 và đạt tiêu chuẩn quản lý tại nhà thì được chuyển về nhà để tiếp tục chăm sóc".
Ngoài ra, Hướng dẫn kèm quyết định 604 bổ sung mục "Khai báo y tế" với F0 điều trị tại nhà.
Trong đó, F0 hoặc người chăm sóc thông báo với trạm y tế xã, phường hoặc cơ sở quản lý F0 tại nhà... theo hướng dẫn của địa phương về: thông tin cá nhân, thời điểm được xác định mắc Covid-19, đối tượng được quản lý tại nhà, thời điểm hết cách ly, điều trị tại nhà.
Trạm y tế xã, phường hoặc cơ sở quản lý người mắc Covid-19 tại nhà thu thập thông tin và lập danh sách người mắc Covid-19 quản lý tại nhà theo mẫu quy định tại Phụ lục số 1.
Các vật dụng cần thiết với F0 điều trị tại nhà gồm có:
- Nhiệt kế
- Máy đo SpO2 cá nhân (nếu có)
- Khẩu trang y tế
- Phương tiện vệ sinh tay
- Vật dụng cá nhân cần thiết
- Thùng chứa chất thải lây nhiễm có nắp đậy
- Phương tiện liên lạc: Điện thoại, số điện thoại của các cơ sở y tế (trạm y tế, trung tâm y tế quận, huyện, trung tâm vận chuyển cấp cứu, bác sỹ, tổ tư vấn cộng đồng, tổ phản ứng nhanh, bệnh viện...).
Thuốc điều trị tại nhà gia đình cần chuẩn bị khi có F0 gồm:
- Thuốc hạ sốt: paracetamol cho người lớn: viên 500mg, số lượng đủ dùng trong 3-5 ngày. Paracetamol cho trẻ em (tùy theo cân nặng và độ tuổi): gói bột hoặc cốm pha hỗn dịch uống hoặc viên hàm lượng 80mg, 100mg, 150mg hoặc 250mg, 325mg, 500mg, số lượng đủ dùng trong 3-5 ngày.
- Dung dịch cân bằng điện giải: Oresol, gói bù nước, chất điện giải khác.
- Thuốc giảm ho (tùy theo triệu chứng): Thuốc từ thảo dược, hoặc thuốc giảm ho đơn thuần, hoặc thuốc giảm ho kết hợp kháng histamin...., số lượng đủ dùng trong khoảng 5-7 ngày. Lưu ý chỉ định, chống chỉ định và các cảnh báo, thận trong khi sử dụng thuốc.
- Dung dịch nhỏ mũi: natriclorua 0,9%, đủ dùng từ 5-7 ngày.
- Thuốc điều trị bệnh nền theo đơn thuốc được kê đơn đang sử dụng cho người bệnh (nếu cần, đủ sử dụng trong 1- 2 tuần).
Hướng dẫn mới đặc biệt thay đổi về điều kiện cách ly như sau: "Tạo không gian cách ly riêng. Nơi cách ly phải thông thoáng, không sử dụng máy lạnh trung tâm; luôn mở cửa sổ".
Các hướng dẫn về "Theo dõi sức khỏe người mắc Covid-19" hầu như không thay đổi so với các văn bản được ban hành trước đó (Quyết định số 261 và số 528). Tuy nhiên, Bộ Y tế bổ sung yêu cầu về thực hiện các biện pháp phòng lây nhiễm.
Cụ thể, F0 và người chăm sóc hoặc người ở cùng nhà với F0 thực hiện các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng lây nhiễm như sau:
- F0 cần hạn chế ra khỏi nơi cách ly. Khi phải ra khỏi nơi cách ly phải mang khẩu trang, giữ khoảng cách với những người khác.
- Người chăm sóc hoặc người nhà ở cùng nhà luôn mang khẩu trang, giữ khoảng cách khi phải tiếp xúc với F0.
- Nơi cách ly giữ thông thoáng, hạn chế chế đề các đồ dùng vật dụng khó làm sạch (thú bông, giấy, bìa...) tại khu vực này.
- Rửa tay hoặc sát khuẩn tay thường xuyên. Khử khuẩn các vật dụng và bề mặt tiếp xúc thường xuyên như mặt bàn, tay nắm cửa, các thiết bị cầm tay, bồn cầu, bồn rửa... hàng ngày và khi dây bẩn
- Phân loại, thu gom chất thải lây nhiễm đúng quy định.
Tăng tốc bao phủ mũi 3 vắc xin ứng phó biến thể phụ BA.2
Theo thông tin từ Bộ Y tế, SARS-CoV-2 đã ghi nhận ở tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước và số trường hợp nhiễm vi rút này cũng đã được báo cáo ghi nhận tại tất cả các tỉnh, thành phố.
Tăng tốc bao phủ mũi 3 vắc xin Covid-19 ứng phó biến thể phụ Omicron BA.2 |
Đáng lưu ý, SARS-CoV-2 liên tục biến đổi và ghi nhận các biến thể mới như Alpha, Delta, Omicron; kể cả trong các biến thể cũng liên tục xuất hiện các biến thể phụ, ví dụ biến thể Omicron đã ghi nhận các biến thể phụ BA.1, BA.2, BA.3 và các biến thể này có thể né được miễn dịch, gây tái nhiễm.
Kết quả giám sát, giải trình tự gen vi rút từ mẫu bệnh phẩm các ca mắc Covid-19 trong nước gần đây cho thấy đến thời điểm tuần đầu của tháng 3 năm nay, biến thể Omicron có xu hướng gia tăng lây nhiễm nhanh trong thời gian gần đây phổ biến ở các tỉnh, thành phố, nhất là tại Hà Nội và TP.HCM thay thế dần biến thể Delta.
Tại Hà Nội, biến thể Omicron đã ghi nhận ở 20/30 quận, huyện; biến thể BA.2 chiếm tới 87% tổng số các mẫu phát hiện biến thể Omicron (biến thể phụ BA.2 có khả năng lây lan nhanh hơn 1,5 lần biến thể gốc BA.1 và có khả năng tránh tác động miễn dịch của các loại vắc xin hiện tại hơn biến thể gốc BA.1 khoảng 30%). Sau khi mắc BA.1 vẫn có thể tái nhiễm do BA.2, đặc biệt ở người chưa tiêm vắc xin Covid-19.
Tại TP.HCM, biến thể Omicron chiếm tới 76% số mẫu có kết quả giải trình tự gien.
Lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định vắc xin phòng Covid-19 hiện nay vẫn đặc biệt hiệu quả trong giảm mức độ nặng, ca tử vong và nhập viện, kể cả với biến chủng Omicron.
Vừa qua, do tỉ lệ bao phủ vắc xin cao trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt là đã có sự chăm sóc đối tượng nguy cơ cao nên tỉ lệ tử vong/số ca mắc trên phạm vi toàn quốc giảm sâu. Vì vậy, việc tiêm chủng phải được coi là ưu tiên hàng đầu.
Lãnh đạo Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương tăng cường và hoàn thành tiêm mũi 3, mũi nhắc lại vắc xin phòng Covid-19 trong tháng 3 này.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết tiêm mũi 3 rất quan trọng, đặc biệt là với biến chủng Omicron chủng BA.2 hiện nay. Mũi 3 làm giảm ca nặng, ca tử vong. Bộ Y tế đánh giá rất cao một số địa phương đã tích cực đẩy nhanh tiêm mũi 3 đạt tỉ lệ 100%.
Bộ Y tế cho biết theo ghi nhận kết quả triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 từ các địa phương, đơn vị. Đến hết ngày 10.3, cả nước đã tiêm được hơn 199 triệu liều vắc xin, hầu hết các địa phương đã cơ bản hoàn thành tiêm chủng 2 liều vắc xin cho người từ 12 tuổi trở lên và đang triển khai tiêm liều bổ sung, liều nhắc lại cho người từ 18 tuổi trở lên.
Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành tiếp tục rà soát và lập danh sách đối tượng từ 12 tuổi trở lên chưa được tiêm chủng hoặc chưa được tiêm đủ liều cơ bản để khẩn trương tiêm đủ liều vắc xin, đảm bảo độ bao phủ vắc xin.
Đồng thời đẩy mạnh và thần tốc hơn nữa việc triển khai tiêm chủng mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên, đảm bảo đến hết tháng 3 này phải bao phủ mũi 3 cho những người đã đến lịch tiêm chủng.
Để ngăn chặn lây nhiễm của SARS-CoV-2, đặc biệt là biến thể BA.2, các chuyên gia y tế dự phòng tiếp tục khuyến cáo mỗi người cần nghiêm túc thực hiện khuyến cáo 5K và tiêm chủng đầy đủ các mũi vắc xin ngừa Covid-19 theo hướng dẫn của cơ quan y tế.
Theo TS - BS Phạm Quang Thái, Phó trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, về nguyên tắc, khi xét nghiệm PCR mà tìm được vật liệu di truyền của vi rút này thì sẽ kết luận người đó dương tính SARS-CoV-2.
Các xét nghiệm xác định vật liệu di truyền dựa trên việc đoạn “mồi” của test bám vào được vị trí phù hợp của đoạn gien vi rút. Chủng SARS-CoV-2 BA.2 lại đột biến đoạn gien đúng tại điểm mà “đầu dò” của test cần phải bám vào để kích hoạt quá trình khuếch đại.
Việc “mồi’’ không bám vào được dẫn tới sự thất bại của phản ứng xét nghiệm để tìm vi rút, vì thế kết quả xét nghiệm trả ra là âm tính. Người nhiễm biến chủng BA.2 có thể test không bắt được.
Vì vậy, các đơn vị xét nghiệm đã phải đổi đoạn "mồi", đổi loại test để bắt được nó.
Tỉ lệ phụ huynh đồng thuận tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ mầm non còn thấp
Trong buổi họp giao ban với Sở GD-ĐT TP.HCM về công tác phòng, chống dịch Covid-19, lãnh đạo các phòng GD-ĐT cho biết hiện nay, nhiều quận trên địa bàn thành phố đã tổng hợp danh sách trẻ mầm non và học sinh từ 5 đến dưới 12 tuổi để chuẩn bị cho công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19, cũng như tính toán số lượng điểm tiêm phù hợp với số trẻ.
Tỉ lệ phụ huynh đồng thuận tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ mầm non còn thấp |
Bên cạnh đó, qua khảo sát, lãnh đạo các phòng GD-ĐT cũng cho biết tỉ lệ phụ huynh đồng thuận tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ mầm non còn thấp. Thực tế phụ huynh ở bậc mầm non vẫn còn nhiều băn khoăn trong việc quyết định tiêm vắc xin cho trẻ vì lo lắng phản ứng sau tiêm. Do đó, các trường đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động sự đồng thuận của phụ huynh, đảm bảo quyền lợi cho trẻ.
Về công tác tổ chức tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 đến 12 tuổi, ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho hay dự kiến Sở Y tế và Sở GD-ĐT họp bàn thành lập tại mỗi trường mầm non, tiểu học là một điểm tiêm.
Phương án này sẽ cực kỳ phức tạp cho ngành y tế bởi số trường nhiều, công tác tổ chức, lực lượng nhân viên y tế phải chia mỏng. Tuy nhiên, cách thức tổ chức này lại thuận lợi cho ngành giáo dục, giúp giáo viên có thể quản lý, theo sát học sinh, kịp thời ứng phó, xử trí với các tình huống khi tiêm cho trẻ nhỏ. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng dễ dàng khi đưa con em mình đến điểm tiêm.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT cho biết rút kinh nghiệm từ đợt tiêm chủng cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi, trong lần tiêm chủng này địa phương phải thực hiện đúng kế hoạch, không chạy theo tiến độ thời gian, không thay đổi kế hoạch, tránh gây khó khăn cho nhà trường, phụ huynh. Ngay khi UBND TP.HCM ban hành quyết định triển khai thì Sở GD-ĐT và Sở Y tế sẽ bàn phương án chi tiết cụ thể sao cho an toàn và thuận tiện cho trẻ và phụ huynh.
3 triệu chứng hậu Covid-19 thường gặp là gì?
Đã ba năm kể từ khi đại dịch bắt đầu, chúng ta giờ đây không chỉ phải tiếp tục chiến đấu với bệnh Covid-19 mà còn phải đương đầu với các hậu quả mà virus để lại sau quá trình nhiễm bệnh, hay thường được gọi là hậu Covid.
WHO xác định 3 triệu chứng thường gặp hậu Covid-19 |
Nhiều người khỏi bệnh vẫn phải đối mặt với rất nhiều rắc rối mà Covid gây ra, và số lượng người mắc phải triệu chứng hậu Covid ngày càng nhiều.
Tiến sĩ Janet Diaz, Trưởng nhóm quản lý lâm sàng của WHE thuộc tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết ba triệu chứng thường gặp ở các bệnh nhân đã khỏi Covid bao gồm mệt mỏi, khó thở hoặc thở gấp, và triệu chứng rối loạn chức năng nhận thức. Đây là 3 triệu chứng phổ biến nhất được thu thập trên cơ sở 200 triệu chứng mà những người từng nhiễm Covid mô tả họ phải đối mặt sau khi hết bệnh.
Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 14.3 của Báo Thanh Niên.
Bình luận (0)