Bản tin Covid-19 ngày 14.9: Một số địa phương dự kiến mở cửa kinh tế
14/09/2021 20:00 GMT+7
Bản tin Covid-19 của Báo Thanh Niên trực tiếp lúc 20 giờ ngày 14.9.2021 tại địa chỉ thanhnien.vn, YouTube, Facebook của Báo Thanh Niên, trang Báo Thanh Niên trên 2 mạng xã hội Lotus và TikTok. Biên tập viên Yến Thi sẽ đồng hành cùng quý vị trong bản tin hôm nay .
Tự động phát
Cả nước ghi nhận10.508 ca Covid-19 mới, 12.683 ca được công bố khỏi bệnh
Bản tin Bộ Y tế tối 14.9 cho biết tính từ 17h ngày 13.9 đến 17h ngày 14.9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 10.508 ca nhiễm mới; 12.683 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.
Trong ngày, tổng hợp số liệu tử vong do các Sở Y tế công bố trên cdc.kcb.vn ghi nhận 276 ca tử vong tại 11 tỉnh, thành phố nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 tử vong lên 15.936 ca.
Thông tin về 10.508 ca nhiễm mới được công bố ngày 14.9 như sau:
- 12 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
- 10.496 ca ghi nhận trong nước, trong đó có 6.740 ca trong cộng đồng. gồm: TP.HCM (6.312), Bình Dương (2.178), Đồng Nai (777), Long An (379), Kiên Giang (157), An Giang (111), Tiền Giang (102), Tây Ninh (75), Bình Phước (54), Khánh Hòa (44), Cần Thơ (40), Bạc Liêu (34), Bình Định (34), Đồng Tháp (32), Đắk Nông (26), Hà Nội (21), Quảng Nam (14), Bà Rịa - Vũng Tàu (14), Bến Tre (13), Thừa Thiên Huế (11), Đà Nẵng (11), Đắk Lắk (10), Quảng Ngãi (9), Cà Mau (8 ), Thanh Hóa (6), Trà Vinh (5), Ninh Thuận (5), Bình Thuận (5), Vĩnh Long (3), Phú Yên (2), Nghệ An (2), Lâm Đồng (1), Hưng Yên (1).
- Như vậy trong 24 giờ qua số ca nhiễm ghi nhận trong nước giảm 672 ca. Tại TP.HCM tăng 866 ca, Bình Dương giảm 1.473 ca, Đồng Nai tăng 9 ca, Long An tăng 52 ca, Kiên Giang tăng 80 ca.
- Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 11.918 ca/ngày.
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 635.055 ca nhiễm, đứng thứ 47/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 156/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 6.455 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27.4.2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 630.661 ca, trong đó có 395.687 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Có 13/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nam, Lào Cai.
+ Có 5 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Thái Bình, Phú Thọ, Kon Tum, Quảng Ninh, Ninh Bình.
+ 5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP.HCM (309.787), Bình Dương (162.847), Đồng Nai (36361), Long An (28.865), Tiền Giang (12.468).
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 398.461
Theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 5.933 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 3.693
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.164
- Thở máy không xâm lấn: 132
- Thở máy xâm lấn: 910
- ECMO: 34
Trong ngày, tổng hợp số liệu tử vong do các Sở Y tế công bố trên cdc.kcb.vn ghi nhận 276 ca tử vong tại 11 tỉnh, thành phố. Gồm: TP.HCM (199), Bình Dương (41), Đồng Nai (12), Tiền Giang (7), Long An (4), Kiên Giang (4), Đồng Tháp (4), Bình Thuận (2), Cần Thơ (1), Quảng Bình (1), Bà Rịa - Vũng Tàu (1).
- Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 273 ca.
- Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 15.936 ca, chiếm tỉ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn so với tỉ lệ 2,1% trên thế giới.
- Trong 24 giờ qua, cả nước đã thực hiện 304.993 xét nghiệm cho 875.317 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 15.512.897 mẫu cho 45.095.067 lượt người.
- Trong ngày 13.9 có 1.021.602 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 30.348.920 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 24.727.517 liều, tiêm mũi 2 là 5.621.403 liều.
TP.HCM thí điểm cấp mã QR cho người dân 3 quận, huyện
Ngày 14.9, Sở TT-TT TP.HCM vừa có văn bản gửi UBND Q.7, UBND H.Củ Chi, UBND H.Cần Giờ, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp và Ban Quản lý khu Công nghệ cao về việc triển khai thí điểm nền tảng ứng dụng thống nhất hỗ trợ phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh an toàn.
Theo đó, Sở TT-TT đã phối hợp với Sở Y tế để phát triển nền tảng khai báo y tế điện tử của thành phố ("Y tế HCM") thành nền tảng ứng dụng thống nhất để phục vụ người dân tham gia sản xuất, kinh doanh, lưu thông trong điều kiện phòng chống dịch Covid-19. Vì vậy, Sở TT-TT đề nghị các đơn vị nói trên triển khai thí điểm.
Cụ thể, người dân sẽ được cấp một mã QR trên ứng dụng điện thoại thông minh ("Y tế HCM"). Trong trường hợp người dân không dùng điện thoại thông minh sẽ được cấp mã số qua tin nhắn điện thoại hoặc được cơ quan nhà nước, đơn vị sử dụng lao động in mã QR ra thẻ.
Các thông tin chính gắn với mã QR cá nhân của người dân gồm: khai báo y tế, lịch sử tiêm vắc xin, kết quả xét nghiệm và thông tin theo dõi sức khỏe F0 tại nhà.
Người dân khai báo y tế điện tử trên ứng dụng điện thoại di động hoặc truy cập địa chỉ https://khaibaoyte.tphcm.gov.vn trước khi ra đường; xuất trình mã QR tại trạm kiểm soát; trụ sở sản xuất kinh doanh; các nơi kiểm soát ra vào theo quy định như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cơ sở bán thực phẩm... F0 cách ly tại nhà cũng sẽ khai báo sức khỏe trên ứng dụng này.
Ngoài ra, đơn vị sản xuất, kinh doanh sẽ lập và duyệt danh sách người lao động được tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh theo số lượng và điều kiện của UBND TP.Thủ Đức, các quận, huyện. Kiểm tra người ra vào tại khu vực cần kiểm soát; kiểm tra, giám sát yếu tố dịch tễ của người lao động.
Các cơ quan nhà nước quản lý, cấp mã QR các doanh nghiệp/cơ sở sản xuất kinh doanh được phép hoạt động, phân bổ số lao động được tham gia hoạt động. Giám sát, kiểm tra mức độ an toàn của đơn vị sản xuất kinh doanh. Giám sát, điều tra dịch tễ khi phát hiện cảnh báo từ hệ thống.
Sở TT-TT TP.HCM đề nghị các đơn vị xây dựng kế hoạch thí điểm ứng dụng trong phạm vi quản lý của đơn vị, lập danh sách đối tượng dự kiến tham gia thí điểm trong ngày 14.9 để phối hợp thực hiện.
Quán bún Sài Gòn hiếm hoi mở bán online: Vài tiếng đã hết sạch hàng
Chỉ vừa mới hoạt động lại được 1 ngày sau thời gian dài đóng cửa vì giãn cách xã hội nhưng quán bún bò viên Vườn Chuối (ở số 43C trần Quốc Toản, phường 8, quận 3, TP.HCM) đã liên tiếp nhận rất nhiều đơn đặt hàng. Chỉ hoạt động dựa trên nền tảng đặt đồ ăn online ở các ứng dụng giao hàng trực tuyến nhưng quán bún này đã phải hoạt động hết công suất để đảm bảo giao đủ đơn hàng.
Để đáp ứng các yêu cầu mà TP.HCM đề ra, quán không thuê nhân viên mà sử dụng nguồn nhân lực chính của gia đình. Trong khi anh Tín là điều hành các đơn hàng, quản lý thu chi thì bố mẹ anh trực tiếp nấu bún.
Cứ 2 ngày một lần, các thành viên thay nhau xét nghiệm nhanh Covid-19, sau đó gửi kết quả lên phường thông qua Zalo. Một số nguyên liệu khan hiếm được quán cố gắng khắc phục và thay thế các nguyên liệu khác để đảm bảo không tăng giá các đơn hàng.
|
Trong khi đó, hệ thống quán Phở Việt Nam (có nhiều chi nhánh ở khắp TP.HCM) cũng bắt đầu hoạt động trở lại từ 3-4 ngày qua.
Tại chi nhánh Trần Quốc Toản (Q.3), quán đăng ký trước mắt 6 nhân viên để hoạt động theo hình thức “3 tại chỗ”, đồng thời xét nghiệm nhanh Covid-19 đều đặn 2 ngày/lần theo đúng quy định. Bánh phở được xay bột và tráng tại chỗ nên việc nhập nguyên liệu là gạo cũng không quá khó khăn.
|
Sáng 14.9, lượng shipper đến nhận đơn tại quán khá đông và đều vào gần giờ trưa. Đại diện quán cho biết, quán không phục vụ tại chỗ, không bán cho người dân mà chỉ bán cho shipper. Một ngày quán cũng bán được từ 150-200 tô. Mặc dù chưa được như lúc trước cũng cũng là dấu hiệu khả quan ở thời điểm hiện tại.
Từ ngày 16.9.2021, shipper sẽ được chạy liên quận trong kế hoạch phòng chống dịch mới của TP.HCM. Hàng quán cũng rục rịch mở lại sau khi sắp xếp được nhân sự và nguồn nguyên liệu. Vì vậy, việc đặt và giao đơn của người dân cũng được kỳ vọng sẽ thuận tiện và dễ dàng hơn trong các ngày tới.
TP.HCM chấn chỉnh việc không tiêm vắc xin Covid-19 mũi 2 cho người tiêm mũi 1 'ở nơi khác'
Ngày 14.9, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM có văn bản gửi Trung tâm y tế, Phòng Y tế và UBND quận, huyện, TP.Thủ Đức; các bệnh viện, phòng khám đa khoa về việc khắc phục các hạn chế trong việc tổ chức tiêm vắc xin Covid-19.
Theo Sở Y tế TP.HCM, thực hiện kế hoạch số 2917 ngày 28.8.2021 của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP về việc tổ chức tiêm vắc xin Covid-19 tại TP.HCM, Sở Y tế đã ban hành công văn số 6312 ngày 4.9.2021 về tổ chức tiêm chủng vắc xin Covid-19 từ ngày 1.9 đến ngày 15.9; công văn số 6340 ngày 5.9 về tiếp tục duy trì và đảm bảo lực lượng các đội tiêm.
Qua giám sát thực tế các địa điểm tiêm và phản ánh của người dân, Sở Y tế TP.HCM ghi nhận một số hạn chế, như điểm tiêm có số lượng người dân ra tiêm rất ít dẫn đến năng suất đạt mũi tiêm thấp. Một số nơi từ chối tiêm vắc xin Covid-19 mũi 2 cho người dân nếu mũi 1 tiêm tại địa phương khác.
Sở Y tế đề nghị các đơn vị khắc phục các hạn chế. Cụ thể, tại các đơn vị tiêm chủng, lãnh đạo các cơ sở y tế nhắc nhở các đội tiêm được phân công, hỗ trợ tiêm vắc xin Covid-19 không được từ chối tiêm mũi 2 cho người dân nếu mũi 1 đã tiêm ở địa phương khác. Tiếp tục duy trì các đội tiêm đã thành lập, sẵn sàng lực lượng hỗ trợ các địa phương khi có yêu cầu điều động thêm nhằm đạt độ phủ toàn dân được tiêm mũi 1 và tiếp tục tiêm mũi 2 cho những người đủ thời gian theo quy định của từng loại vắc xin.
UBND TP.Thủ Đức và quận, huyện duy trì và vận hành tốt các điểm thêm trong và ngoài cơ sở y tế sẵn có. Tiếp tục huy động lực lượng thực hiện đảm bảo công suất khoảng 200 - 250 mũi tiêm/ngày/đội tiêm để hoàn tất việc bao phủ vắc xin đúng tiến độ kế hoạch.
Chỉ đạo các bộ phận địa phương mời đầy đủ người đến tiêm theo kế hoạch hàng ngày để đảm bảo tiến độ và tận dụng hiệu quả nguồn lực đội tiêm.
Sở Y tế TP.HCM cho biết sẽ điều các đội tiêm vắc xin Covid-19 có số lượng người dân ra tiêm ít, tăng cường cho các điểm tiêm có số lượng người dân ra tiêm nhiều nhằm đạt mũi tiêm theo tiến độ của TP.HCM.
Đồng Nai dự kiến mở cửa kinh tế sau ngày 20.9
Theo kế hoạch dự thảo mở cửa sau 20.9, UBND tỉnh Đồng Nai phân cấp giãn cách xã hội theo 3 hình thức, dựa trên tỉ lệ tiêm vắc xin và vùng đỏ, cam, vàng xanh. Tuy nhiên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh đưa ra ý kiến rằng không được nóng vội, bây giờ tạm thời mở vùng xanh trước, vùng đỏ, cam vàng vẫn phải nằm yên tại buổi họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Đồng Nai vào sáng 14.9, về kế hoạch nới lỏng giãn cách xã hội, mở cửa kinh tế sau ngày 20.9.
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh đánh giá, trên bản đồ Đồng Nai, vùng xanh vẫn chiếm chủ đạo, đó là lợi thế trong 2 tháng phòng, chống dịch vừa qua.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai nhấn mạnh rằng "vùng xanh phải được bảo vệ hết sức chặt chẽ, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Do đó, khi được nới lỏng thì dân vùng xanh chỉ được đi lại sinh hoạt trong vùng, có thể di chuyển từ xã xanh này sang xã xanh kia, chứ xã xanh không được qua các xã vàng, cam, đỏ. Nếu vào (vùng đỏ, vùng cam - PV) thì không được quay trở lại vùng xanh".
Đối với vùng đỏ, cam, vàng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai yêu cầu siết chặt quản lý như Chỉ thị 16, vào được, không được ra. “Từng huyện từng xã phải bày binh bố trận lại theo hướng thông thoáng cho vùng xanh, giảm các trạm gác giữa xanh với xanh nhưng phải kiểm soát chặt chẽ điểm giao nhau giữa vùng xanh và các vùng khác”, ông Lĩnh nói.
|
Cũng theo ông Lĩnh, các xã vùng xanh phải kiểm soát nguy cơ phát sinh F0, phải biết chỗ nào có nguy cơ phát sinh để ngăn ngừa tốt hơn. Đồng thời ông cũng lưu ý các địa phương phải khuyến cáo chỉ có tiêm vắc xin mới được ra đường. Theo đó, người dân ra đường cần có giấy chứng nhận đã tiêm vắc xin Covid-19 1 mũi hoặc cả 2 mũi hay chứng nhận đã tiêm thể hiện trên app. Do đó, các địa phương cần rà soát, lập danh sách người dân trên 18 tuổi chưa tiêm vắc xin Covid-19 để tiêm ngay mũi 1.
Sau cùng, ông Lĩnh yêu cầu Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Đồng Nai, các địa phương tiếp tục góp ý kế hoạch cho dự thảo nới lỏng giãn cách xã hội, mở cửa kinh tế sau ngày 20.9, trong chiều nay (14.9) cho UBND tỉnh thống nhất. Vào ngày mai (15.9) có thể ban hành chính thức.
Dân chơi xe chung sức hỗ trợ hậu cần cho tuyến đầu chống dịch Covid-19
Một tuần hai lần, những thành viên trong câu lạc bộ Pickup And Friend gọi tắt là PNF – tập hợp những người chơi xe ô tô, lại có mặt từ sáng sớm tại một garage ở quận 7, TP.HCM, để chuyển những chuyến rau củ tới các bếp ăn từ thiện và bệnh viện dã chiến.
Từ đầu tháng 6, các thành viên của câu lạc bộ PNF đã thành lập “đội phản ứng nhanh Sài Gòn” để hỗ trợ các hoạt động trong công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP.HCM.
Trong đó, đội thường hỗ trợ rau củ miễn phí tới cho các bếp ăn từ thiện, bếp ăn của bệnh viện dã chiến, nơi làm nhiệm vụ hậu cần, phục vụ hàng ngàn phần cơm mỗi ngày cho lực lượng tuyến đầu chống dịch.
Từ việc vận động kinh phí từ các mạnh thường quân và đóng góp của chính các thành viên, mỗi tuần, có khoảng 40 tấn rau củ vận chuyển từ các tỉnh về garage này. Số rau củ được tập kết tại đây được chia ra từng phần rồi được các thành viên của đội chuyên chở bằng xe bán tải tới các bếp ăn, bệnh viện dã chiến. Tính tới nay, hàng trăm tấn rau củ quả đã được nhóm phân phát miễn phí.
Từ thời điểm thành lập, bên cạnh việc cung cấp rau củ quả miễn phí, “đội phản ứng nhanh Sài Gòn” còn nhiều hoạt động hỗ trợ khác như hỗ trợ gạo, tặng hàng ngàn phần quà là nhu yếu phẩm cho các hộ dân khó khăn trong khu vực bị cách ly, phong tỏa. Ngoài ra còn phục vụ vận chuyển ô xy, thuốc men và chuyên chở lực lượng phòng chống dịch Covid-19.
Còn rất nhiều tin tức, phóng sự đáng chú ý khác trong Bản tin Covid-19 ngày 14.9 lúc 20 giờ trên các nền tảng của Báo Thanh Niên.
Bình luận (0)