Bản tin Covid-19 ngày 15.11: Số bệnh nhân tử vong lại vượt mốc 100 ca
Bản tin Covid-19 ngày 15.11 của Báo Thanh Niên được phát vào mỗi tối tại địa chỉ thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên. Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới .
Tự động phát
Bản tin Covid-19 ngày 15.11 của Báo Thanh Niên có những tin tức đáng chú ý sau:
Cả nước 8.616 ca Covid-19 mới, 1.205 ca khỏi
Bản tin Bộ Y tế tối 15.11 cho biết tính từ 16h ngày 14.11 đến 16h ngày 15.11, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 8.616 ca nhiễm mới, 1.205 ca khỏi bệnh.
Bản tin Bộ Y tế cũng thông báo về 101 ca tử vong tại 15 tỉnh, thành phố nâng tổng số ca tử vong lên 23.183 ca.
Thông tin về 8.616 ca nhiễm mới như sau:
- 13 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
- 8.603 ca ghi nhận trong nước (tăng 440 ca so với ngày trước đó) tại 57 tỉnh, thành phố (có 3.950 ca trong cộng đồng). Gồm: TP.HCM (1.165), An Giang (660), Bình Dương (616), Tây Ninh (579), Đồng Nai (558), Tiền Giang (500), Đồng Tháp (383), Bình Thuận (342), Kiên Giang (329), Sóc Trăng (305), Bạc Liêu (298), Vĩnh Long (289), Hà Nội (239), Cà Mau (215), Bình Phước (187), Trà Vinh (179), Bà Rịa - Vũng Tàu (178), Long An (136), Cần Thơ (125), Hà Giang (117), Khánh Hòa (111), Thái Bình (92), Bến Tre (90), Hậu Giang (87), Thừa Thiên Huế (81), Bắc Ninh (70), Lâm Đồng (68), Bình Định (55), Đắk Nông (51), Hải Dương (45), Quảng Nam (41), Ninh Thuận (39), Bắc Giang (38), Tuyên Quang (35), Quảng Ngãi (31), Gia Lai (25), Hà Tĩnh (24), Phú Yên (24), Quảng Ninh (23), Hưng Yên (22), Thanh Hóa (21), Hà Nam (19), Ninh Bình (17), Phú Thọ (17), Đà Nẵng (13), Quảng Bình (12), Điện Biên (11), Nam Định (10), Lạng Sơn (9), Vĩnh Phúc (8 ), Hải Phòng (5), Kon Tum (4), Thái Nguyên (1), Hòa Bình (1), Yên Bái (1), Bắc Kạn (1), Cao Bằng (1).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Đồng Nai (-116), Khánh Hòa (-98), Thái Bình (-42).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Tây Ninh (+247), Tiền Giang (+226), TP.HCM (+180).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 8.341 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.035.138 ca nhiễm, đứng thứ 37/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 151/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 10.506 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):
- Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.030.096 ca, trong đó có 861.699 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
- Có 3 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Yên Bái, Bắc Kạn, Cao Bằng.
- Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (448.593), Bình Dương (244.113), Đồng Nai (78.631), Long An (36.672), Tiền Giang (21.280).
Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 1.205
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 864.516
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.950 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 2.718
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 739
- Thở máy không xâm lấn: 112
- Thở máy xâm lấn: 368
- ECMO: 13
Từ 17h30 ngày 14.11 đến 17h30 ngày 15.11 ghi nhận 101 ca tử vong 15 tỉnh, thành phố. Gồm: TP.HCM (45), An Giang (10), Bình Dương (9), Long An (7), Tiền Giang (6), Kiên Giang (6), Đồng Nai (3), Tây Ninh (2), Bà Rịa - Vũng Tàu (2), Đồng Tháp (2), Cần Thơ (2), Cần Thơ (2), Bạc Liêu (2), Ninh Thuận (2), Đắk Lắk (1).
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 84 ca.
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 23.183 ca, chiếm tỉ lệ 2,2% so với tổng số ca nhiễm.
So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 133/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trong 24 giờ qua, cả nước đã thực hiện 155.898 xét nghiệm cho 199.650 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện 24.186.178 mẫu cho 64.476.029 lượt người.
Trong ngày 14.11 có 849.150 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 99.751.224 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 64.467.940 liều, tiêm mũi 2 là 35.283.284 liều.
TP.HCM vẫn là vùng vàng Covid-19, chỉ có huyện Cần Giờ là vùng cam
Chiều 15.11, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức ký văn bản khẩn thông báo cấp độ dịch Covid-19 trên địa bàn theo Nghị quyết số 128 của Chính phủ về ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” và hướng dẫn của Bộ Y tế.
Bản đồ cấp độ dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM chiều 15.11 |
BẢN ĐỒ COVID-19 TP.HCM |
Theo đó, cấp độ dịch Covid-19 của toàn thành phố giữ nguyên cấp độ 2 như 3 tuần trước đó. Đối với cấp quận, huyện và TP.Thủ Đức, có 10 địa phương đạt cấp độ 1 (giảm 3 địa phương so với tuần trước); 11 địa phương đạt cấp độ 2 (tăng 4 địa phương) và 1 địa phương cấp độ 3 là H.Cần Giờ.
Ở cấp cấp phường, xã, thị trấn; có 161 địa phương đạt cấp độ 1, 146 địa phương đạt cấp độ 2 và 5 địa phương đạt cấp độ 5.
Cụ thể, các địa phương cấp độ 1 gồm: Q.1, Q.4, Q.5, Q.6, Q.7, Q.8, Bình Chánh, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú; các địa phương cấp độ 2 gồm: Q.3, Q.10, Q.11, Q.12, Bình Thạnh, Bình Tân, Củ Chi, Gò Vấp, Hóc Môn, Nhà Bè, TP.Thủ Đức.
Như vậy, so với tuần trước, cấp độ trên toàn TP.HCM giữ nguyên ở cấp độ 2, chỉ còn 1 huyện cấp độ 3, và giảm 8 địa phương cấp xã ở cấp độ 3.
UBND TP.HCM đề nghị các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, TP.Thủ Đức căn cứ cấp độ dịch được công bố để triển khai các biện pháp hành chính “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” trong lĩnh vực và trên địa bàn phụ trách.
Năm 2022 tiếp tục tiêm miễn phí vắc xin Covid-19 cho người dân
Bộ Y tế đang trình Chính phủ kế hoạch mua, sử dụng vắc xin phòng Covid-19 năm 2021 - 2022, trong đó vẫn thực hiện tiêm miễn phí đến hết năm 2022
Theo Bộ Y tế, đến nay Việt Nam đã tiếp nhận hơn 125 triệu vắc xin Covid-19. Theo nhiệm vụ Chính phủ giao tại Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 6.8.2021, Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26.2.2021, Bộ Y tế có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương có liên quan thực hiện việc mua, nhập khẩu, tiếp nhận viện trợ, tài trợ, quản lý và sử dụng vắc xin phòng Covid-19, bảo đảm tiến độ nhanh nhất, an toàn, hiệu quả, phù hợp với tình hình dịch bệnh ở từng địa phương.
Năm 2022 tiếp tục tiêm miễn phí vắc xin Covid-19 cho người dân |
Ngoài nguồn vắc xin do Bộ Y tế mua, tiếp nhận tài trợ, viện trợ, Nghị quyết 86/NQ-CP đã khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chủ động tìm kiếm nguồn và mua vắc xin phòng Covid-19. Trong thời gian qua, một số doanh nghiệp đã đàm phán, ký hợp đồng mua vắc xin phòng Covid-19 và Bộ Y tế đã cấp phép nhập khẩu vắc xin theo quy định.
Thông tin về việc sử dụng các nguồn vắc xin Covid-19, lãnh đạo Vụ Kế hoạch - tài chính (Bộ Y tế) cho hay, để sử dụng vắc xin do các doanh nghiệp nhập khẩu có hiệu quả, không để lãng phí, dư thừa vắc xin…, các doanh nghiệp khi đề nghị cấp phép nhập khẩu cần nói rõ mục đích mua, nhập khẩu để tài trợ miễn phí cho Bộ Y tế hoặc tài trợ trực tiếp cho các địa phương. Trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu vắc xin để bán cho các doanh nghiệp khác thì các doanh nghiệp khác mua cũng phải sử dụng để tài trợ cho Bộ Y tế hoặc tài trợ trực tiếp cho các địa phương.
Trường hợp doanh nghiệp tài trợ vắc xin cho các địa phương thì cần thông tin cho Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư) để điều phối việc phân bổ hợp lý. Đối với vắc xin tài trợ cho Bộ Y tế, Bộ Y tế sẽ phân bổ cho các địa phương; đối với vắc xin tài trợ trực tiếp cho các địa phương, UBND các tỉnh, TP giao Sở Y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, TP để tổ chức tiêm vắc xin an toàn theo đúng hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế. Việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 được thực hiện miễn phí (người dân, người lao động không phải trả chi phí tiêm chủng); kết quả tiêm chủng được tích hợp chung vào kết quả tiêm của tỉnh và của quốc gia.
Bộ Y tế đang trình Chính phủ kế hoạch mua, sử dụng vắc xin phòng Covid-19 năm 2021 - 2022, trong đó vẫn thực hiện tiêm miễn phí đến hết năm 2022. Trường hợp có thay đổi về chủ trương tiêm miễn phí, Bộ Y tế sẽ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng xem xét, điều chỉnh.
TP.HCM: Dự kiến ngày 22.11 tiêm vắc xin Covid-19 mũi 2 cho học sinh
Sở Giáo dục - Đào tạo TP.HCM vừa gửi công văn cho Sở Y tế TP.HCM về việc tiêm vắc xin Covid-19 mũi 2 cho học sinh từ 12 - 17 tuổi năm học 2021 - 2022.
Tiêm vắc xin Covid-19 cho học sinh TP.HCM |
NGỌC DƯƠNG |
Theo Sở Giáo dục - Đào tạo TP.HCM, căn cứ nội dung họp rút kinh nghiệm công tác tổ chức tiêm vắc xin Covid-19 ngày 10.11, nhằm triển khai tốt việc lập danh sách học sinh theo mẫu mới và rà soát lại công tác tổ chức, công tác phối hợp để chuẩn bị tốt cho các cơ sở giáo dục tổ chức các điểm tiêm với quy mô và số lượng đảm bảo thời gian hoàn thành mũi 2 theo quy định. Sở Giáo dục và đào tạo đề nghị thời gian tiêm mũi 2 vắc xin phòng Covid-19 cho học sinh thành phố bắt đầu từ ngày 22.11.
Sở Giáo dục - Đào tạo đề nghị Sở Y tế thống nhất theo thời gian nêu trên để ngành giáo dục chủ động trong công tác chỉ đạo, chuẩn bị thực hiện giai đoạn 2 của chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19 cho học sinh.
Chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19 mũi 1 cho học sinh và trẻ em từ 12 - 17 tuổi trên địa bàn TP.HCM bắt đầu từ ngày 27.10 và đến ngày 6.11 đã hoàn thành cơ bản và bắt đầu tiêm vét.
Theo báo cáo, tổng số trẻ dự kiến tiêm là 780.000 em, nhưng sau rà soát là 668.473 em, trong đó trẻ đi học là 608.809, trẻ không đi học là 59.664. TP.HCM tổ chức tiêm vắc xin Covid-19 chiến dịch tại trường học, tại cộng đồng và tiêm tại bệnh viện.
Chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19 mũi 1 cho trẻ 12 - 17 tuổi về cơ bản đã hoàn thành thành từ ngày 6.11. Một số Trung tâm y tế vẫn đang triển khai tiêm vét cho các trẻ hoãn tiêm.
Tính đến hết ngày 15.11, TP.HCM đã tiêm vắc xin Covid-19 cho được 662.838 trẻ trên tổng số 668.473 trẻ. Ghi nhận có trên 54 trường hợp phản ứng nhẹ sau tiêm. Tất cả các trường hợp đều được xử lý kịp thời và an toàn.
Tính chung của toàn thành phố đến hiện nay đã tiêm hơn 13,8 triệu mũi, trong đó có gần 7,9 triệu mũi 1 (bao gồm học sinh) và 5,9 triệu mũi 2.
Hiện TP.HCM còn 1,6 triệu người đến thời gian tiêm vắc xin Covid-19 mũi 2. Số vắc xin Covid-19 hiện còn của thành phố là khoảng hơn 598.000 liều. Trong đó, vắc xin AstraZeneca là hơn 307.000 liều, vắc xin Vero cell hơn 182.000 liều và vắc xin Pfizer khoảng 108.000 liều.
Phố nhậu TP.HCM đìu hiu, chủ quán cạo đầu vì bạc tóc sau nhiều tháng dịch Covid-19
Sau nhiều tháng ngày đắn đo, chủ quán "Hải sản Nha Trang" tại đường số 18 (P.Hiệp Bình Chánh, TP. Thủ Đức, TP.HCM) đã phải nói lời chia tay với mặt bằng làm quán nhậu đã gắn bó gần 6 năm qua để chuyển mô hình sang bán online vì không trụ nổi qua đợt dịch Covid-19 thứ tư tại TP.HCM.
Suốt 5 tháng qua, cứ mở mắt ra, ông chủ trẻ tuổi phải suy nghĩ đến số tiền mặt bằng phải gánh đến độ bạc tóc, thậm chí phải cạo đầu để vợ con nhìn đỡ lo lắng.
Anh Phùng Ngọc Phương - Chủ quán buồn bã nói với PV: "Mình cứ đắn đo, suy nghĩ từ tháng 8 đến tháng 10 mới quyết định được. Vì dù sao đây cũng là tâm huyết của mình và mọi người cũng biết đến nhiều. Khi mình bỏ nó thật sự rất là buồn. Ai cũng vậy, đứa con tinh thần mình sinh ra, gắn bó đến mấy năm trời, làm sao mà mình không buồn được".
Anh Phương phải chia tay mặt bằng rộng vài trăm mét vuông gắn bó suốt gần 6 năm, từng là địa điểm đông đúc của khách nhậu TP. Thủ Đức do dịch Covid-19 kéo dài |
LÊ NAM |
Tuy nhiên, nghĩ đến việc phải gánh 1 triệu tiền mặt bằng mỗi ngày mà không có doanh thu, tình hình giãn cách kéo dài nên anh quyết định trả mặt bằng, tập trung vào công việc kinh doanh online của mình.
Anh Phương chỉ là một trong số hàng chục chủ quán lâm cảnh khốn khổ sau 2 năm dịch bệnh. Dẫn phóng viên đi một vòng khu phố đường 23, thuộc P. Hiệp Bình Chánh – nơi được dân nhậu mệnh danh là “thiên đường ẩm thực” sôi động nhất TP. Thủ Đức chiều cuối tuần, ông chủ quán nhậu có gần 10 năm kinh doanh lắc đầu, ngán ngẩm nói chưa bao giờ chứng kiến khung cảnh ảm đạm như vậy.
Quán đặc sản biển Cô Ba, những ngày chưa có Covid-19 thường đông đúc khách từ 11 giờ trưa đến đêm khuya, đặc biệt là vào các ngày cuối tuần. Nhưng đây là những gì phóng viên ghi nhận vào chiều 13.11.
Chiều thứ Bảy, quán chỉ còn lại 1-2 nhân viên làm công việc quét dọn, bàn ghế xếp chồng lên nhau, không một bóng khách qua lại.
Cách đó không xa, hàng loạt mặt bằng rộng vài trăm mét từng kinh doanh các món nhậu hấp dẫn như dê tươi, bò tơ, ốc ghẹ… cũng treo đầy biển “cho thuê hoặc sang nhượng mặt bằng”. Cả khu phố im lìm, vắng vẻ.
Phố nhậu TP.HCM đìu hiu, chủ quán cạo đầu vì bạc tóc sau nhiều tháng dịch Covid-19 |
Để tồn tại qua đợt dịch, các chủ quán phải chuyển mô hình sang bán mồi nhậu, món ăn online. Không chỉ mặt bằng rút gọn và nhân sự cũng phải tinh giản hết mức để có thể duy trì hoạt động kinh doanh, buôn bán.
Mô hình bán online đang cho thấy những dấu hiệu khả quan với các chủ quán nhậu. Mặc dù mới chỉ mở bán 15 ngày kể từ sau khi trả mặt bằng lớn, chủ quán đã nhận được nhiều đơn hàng tươi sống hoặc chế biến sẵn nhằm phục vụ nhu cầu ăn uống tại nhà của khách hàng.
Chủ quán kết hợp cả bán đồ tươi sống lẫn các gói sốt gia vị, nước dùng cô đặc, khách có thể lựa chọn mua về tự làm hoặc nhờ quán chế biến với khoản phụ thu không đáng kể.
Chị Tuệ Lâm đang chế biến đơn hàng hải sản cho khách |
LÊ NAM |
Chị Tuệ Lâm - Chủ quán hải sản bán online chia sẻ: "Đầu tiên thì chỉ nghĩ bán hải sản sống thôi, nhưng nhu cầu của khách là chế biến nên mới đặt thêm bếp hồng ngoại để về chế biến cho khách. Mình mới làm nữa nên thứ nhất phải làm quen khách, mình không lấy lời nhiều, để đủ duy trì lợi nhuận để làm tiếp thôi. Nếu tính ra ở những nơi khác bán cái giá mình đưa ra quá phù hợp và hợp lý, thậm chí rẻ hơn giá chợ nữa, nướng hay lẩu cũng chỉ phụ thu mấy chục nghìn".
Với nguyên liệu tươi và kinh nghiệm chế biến nhiều năm ở quán nhậu, việc bán hải sản, đồ ăn, mồi nhậu online đang là biện pháp hiệu quả, giúp nhiều chủ quán có nguồn thu nhập để dần khôi phục kinh doanh hậu giãn cách xã hội.
Xe ôm công nghệ mong chờ từng ngày được chở khách trở lại
Mở app bắt đầu công việc từ 6 giờ 30 sáng những tới gần 9 giờ sáng anh Lê Đình Chuẩn mới nhận được một cuốc xe giao hàng. Những ngày giữa tháng 11.2021, hành trang của người làm xe ôm công nghệ như anh khi ra đường cũng vẫn là bộ đồ đồng phục của hãng nhưng chỉ còn có một chiếc mũ bảo hiểm vì đã lâu không chở khách.
Xe ôm công nghệ mong chờ từng ngày được chở khách trở lại |
Dù thành phố đã nới lỏng giãn cách xã hội nhưng mỗi ngày anh Chuẩn cũng chỉ nhận được trên dưới 10 đơn giao hàng. Thu nhập mỗi ngày sau khi từ chi phí cũng chỉ khoảng còn hơn 200 ngàn đồng.
Cũng giống như anh Chuẩn, do chưa được chờ khách nên thu nhập những ngày này của ông Trần Trung Tín đều phụ thuộc vào những cuốc xe giao hàng.
Bên cạnh đó, do nhiều tài xế cũng lo lắng vì app xe ôm công nghệ họ đang chạy cũng không thể cạnh tranh lại với các app chuyên về giao hàng.
Trên những tuyến đường TP.HCM hiện này, có thể dễ dàng bắt gặp rất nhiều tài xế xe ôm công nghệ chở những thùng hàng hóa hay những túi giao đồ ăn. Dịch bệnh khiến cho họ đang phải cầm cự và thích ứng với công việc giao hàng.
Nhiều tài xế đã tiêm 2 mũi vắc xin Covid-19 nên họ rất mong muốn thành phố sẽ xem xét, tạo điều kiện để dịch vụ chở khách được trở lại giúp họ có thêm thu nhập để ổn định cuộc sống. Nhất là hiện nay nhiều phương tiện chở khách như xe buýt, xe khách, xe hợp đồng cũng đã được hoạt động trở lại.
Ga Sài Gòn vắng tanh ngày đầu bán vé tàu Tết Nhâm Dần 2022
Đã gần đến trưa 15.11.2021, bảng thông báo điện tử tại sảnh bán vé tàu Tết Nhâm Dần 2022 tại Ga Sài Gòn mới nhảy đến số 20 trong ngày đầu ga mở bán vé Tết Nhâm Dần 2022.
Ga Sài Gòn vắng tanh ngày đầu bán vé tàu Tết Nhâm Dần 2022 |
Toàn bộ các dãy ghé đều trống trơn, không một bóng người. Hình ảnh này khiến nhiều người bất ngờ vì trái ngược hoàn toàn với mọi năm.
Sáng 15.11, Ga Sài Gòn (ở Q.3, TP.HCM) mở bán vé tàu Tết Nguyên đán 2022 cho hành khách cá nhân trực tiếp tại quầy. Lượng khách năm nay giảm rõ rệt so với các năm trước.
Toàn sảnh bán vé ở lầu 2 dành cho người về tết không còn cảnh xếp hàng, chen chúc xem giờ tàu chạy hay giá vé ở các bảng hướng dẫn. Năm nay, khung cảnh ảm đạm, đìu hiu bao phủ toàn bộ Ga Sài Gòn.
Gần 13 giờ, anh Nguyễn Hữu Trí (18 tuổi) đến mua 3 vé để về quê thăm họ hàng dịp tết. Đây là năm đầu tiên Trí ra quầy mua vé trực tiếp, không phải chờ đợi, Trí mua vé nhanh chóng, dễ dàng.
Anh Lê Văn Thọ (37 tuổi) quê ở Hà Nam vào Tây Ninh làm ăn, buôn bán đã được 15 năm. Có mặt ở Ga Sài Gòn sáng 15.11, anh Thọ không mua vé tết mà mua luôn vé ngày thường để về quê hẳn, đồ đạc đã chuyển phần nào về trước. Anh dự định khởi hành vào cuối tháng này khi không thể trụ nổi thêm nữa sau nhiều ngày dịch bệnh.
Càng về trưa, lượng người đến mua vé càng thưa thớt. Phải mỏi mắt mới tìm được một vài vị khách trước sân ga. Hàng quán phía ngoài cũng chẳng có một bóng người trong khi các năm trước, khách ngồi la liệt phía trước cửa để chờ đến lượt mua vé.
Hiện tàu tết trước mắt chỉ có 4 đôi tàu khách Bắc - Nam và 1 đôi tàu Sài Gòn – Đà Nẵng, tổng cộng 5 đôi tàu.
So với mọi năm, giá vé tàu tết năm nay tương đương. Khách mua vé từ 15.11 đến 24.11.2021 để đi tàu số chẵn trong giai đoạn từ 20.1.2022 đến 3.2.2022.
Tàu số lẻ từ 31.1.2021 đến 28.2.2022 được giảm 10% so với giá vé cùng thời điểm.
Cả thế giới ghi nhận hơn 253.394.000 ca Covid-19, hơn 5.102.000 ca tử vong
Đến 17 giờ chiều 15.11 (theo giờ Việt Nam), theo cập nhật từ Đại học Johns Hopkins của Mỹ, toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng hơn 253.394.000 ca nhiễm Covid-19, hơn 5.102.000 ca tử vong và hơn 7.470.685.000 liều vắc xin Covid-19 đã được phân bổ.
- Dẫn đầu thế giới về số ca nhiễm và tử vong là Mỹ với hơn 47.074.000 trường hợp mắc bệnh cùng 763.092 người chết vì Covid-19.
- Vương Quốc Anh xếp thứ hai với hơn 9.609.000 ca nhiễm và 143.337 ca tử vong.
- Kế tiếp là Nga với hơn 8.956.000 ca nhiễm và 251.796 ca tử vong.
- Thổ Nhĩ Kỳ xếp ở vị trí thứ tư với hơn 8.410.000 ca nhiễm Covid-19 cùng 73.531 ca tử vong.
- Đứng ở vị trí thứ 5, đến nay Đức đã ghi nhận hơn 5.056.000 ca nhiễm cùng 97.720 ca tử vong.
Vắc xin Covid-19 AstraZeneca sẽ tăng giá sau một năm bán 'giá vốn' hỗ trợ chống đại dịch
AstraZeneca hôm 12.11 thông báo đã bán được hơn 2,2 tỉ USD vắc xin ngừa Covid-19 trong 9 tháng đầu năm, trong đó phân nửa số này này là doanh thu của quý 3, CNN đưa tin.
Vắc xin AstraZeneca sẽ được bán với giá có lợi nhuận vào quý cuối năm nay |
REUTERS |
Đồng thời, hãng dược Anh-Thụy Điển này cũng cho biết họ sẽ chuyển sang bán vắc xin thu lợi nhuận trong quý cuối năm nay, thay vì cung cấp với giá gốc như trước đây.
AstraZeneca thông báo: "Công ty hiện đang kỳ vọng sẽ dần dần chuyển vắc xin sang mức lợi nhuận nhỏ khi nhận được đơn đặt hàng mới".
Phần lớn doanh số bán vắc xin từ tháng 10 đến tháng 12 năm nay dự kiến đến từ các thỏa thuận cung ứng hiện có, đồng thời hãng cũng mong đợi có thêm một số đơn đặt hàng mới.
Trong thỏa thuận ban đầu với Đại học Oxford, nơi nghiên cứu ra loại vắc xin này, AstraZeneca cam kết bán với "giá thành sản xuất" trong giai đoạn đại dịch Covid-19.
Theo tờ Financial Times, công ty đã tham vấn với các chuyên gia và kết luận rằng Covid-19 đã chuyển sang "giai đoạn bệnh đặc hữu" và đây là lúc thích hợp để thay đổi hợp đồng với các nước cho năm sau.
Cũng theo Financial Times, vắc xin này vẫn sẽ được bán không lợi nhuận cho các nước đang phát triển.
Công ty này cho biết họ sẽ dùng số lợi nhuận nhỏ từ quý 4 để bù vào chi phí bào chế hỗn hợp kháng thể Covid-19 mà họ đang thử nghiệm.
AstraZeneca báo cáo 1 tỉ USD doanh thu từ vắc xin Covid-19 trong quý 3. Con số này kém xa so với các đối thủ tính giá cao, như Pfizer có doanh thu 13 tỉ USD từ vắc xin, còn Moderna ghi nhận doanh thu 5 tỉ USD, phần lớn là từ vắc xin.
Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 15.11 của Báo Thanh Niên.
Bình luận (0)