Bản tin Covid-19 ngày 18.8: Số ca lây nhiễm cộng đồng trên cả nước còn cao

18/08/2021 20:00 GMT+7

Bản tin Covid-19 của Báo Thanh Niên trực tiếp lúc 20 giờ ngày 18.8.2021 tại địa chỉ thanhnien.vn, kênh YouTube và Facebook của Báo Thanh Niên, trang Báo Thanh Niên trên 2 mạng xã hội Lotus và TikTok. Biên tập viên Trúc Huỳnh sẽ đồng hành cùng quý vị trong bản tin hôm nay.

Bản tin Covid-19 hôm nay ngày 18.8.2021 của Báo Thanh Niên sẽ có những thông tin đáng chú ý sau:

Số ca Covid-19 cộng đồng còn rất cao

Bản tin tối 18.8 của Bộ Y tế cho biết tính từ 18h ngày 17.8 đến 18h30 ngày 18.8, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 8.800 ca nhiễm mới. Có 3.751 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 18.8.
Trong ngày 18.8, Tiểu ban điều trị của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 thông báo trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 ghi nhận 298 ca tử vong tại 12 tỉnh, thành phố nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 tử vong tại Việt Nam lên 6.770 ca.

Ngày 18.8: Cả nước 8.800 ca Covid-19, 3.751 ca khỏi; riêng TP.HCM 3.731 người nhiễm

Thông tin về 8.800 ca nhiễm Covid-19 mới được công bố trong ngày 18.8 gồm:
- 12 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh
- 8.788 ca ghi nhận trong nước; trong đó có 5.935 ca trong cộng đồng. Gồm: TP.HCM (3.731), Bình Dương (2.513), Đồng Nai (443), Long An (428), Tiền Giang (282), Đà Nẵng (278), Kiên Giang (169), An Giang (105), Tây Ninh (104), Cần Thơ (91), Khánh Hòa (86), Bến Tre (72), Phú Yên (65), Vĩnh Long (61), Nghệ An (59), Quảng Nam (53), Hà Nội (46), Đồng Tháp (31), Bình Thuận (20), Thừa Thiên Huế (17), Hậu Giang (16), Bình Định (15), Đắk Nông (13), Quảng Trị (12), Quảng Ngãi (9), Ninh Thuận (8 ), Quảng Bình (8 ), Hà Tĩnh (8 ), Gia Lai (7), Bắc Ninh (7), Lâm Đồng (6), Thanh Hóa (6), Đắk Lắk (5), Lào Cai (4), Sơn La (2), Cà Mau (2), Ninh Bình (1), Thái Bình (1), Vĩnh Phúc (1), Lạng Sơn (1), Điện Biên (1), Bạc Liêu (1).
- Như vậy trong 24 giờ qua số ca nhiễm ghi nhận trong nước giảm 807 ca. Tại TP.HCM tăng 172 ca, Bình Dương giảm 819 ca, Đồng Nai tăng 145 ca, Long An giảm 153 ca, Tiền Giang giảm 129 ca.
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng 302.101 ca nhiễm, đứng thứ 73/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 170/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 3.073 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27.4.2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 298.064 ca, trong đó có 108.534 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Có 6 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Hải Phòng.
+ Có 5 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Kon Tum, Hà Giang, Yên Bái, Thái Bình, Bắc Giang.
+ 5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP. Hồ Chí Minh (160.117), Bình Dương (52.346), Long An (16.007), Đồng Nai (14.945), Bắc Giang (5.795).
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 115.059 ca.
- Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 654 ca.
- Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 20 ca.

Ngày 18.8: Thông báo thêm 298 ca Covid-19 tử vong tại 12 tỉnh thành

Trong ngày 18.8, Tiểu ban điều trị của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 thông báo trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 ghi nhận 298 ca tử vong tại 12 tỉnh, thành phố. Gồm: TP.HCM (255), Bình Dương (20), Long An (11), Cần Thơ (2), Bến Tre (2), Vĩnh Long (2), Đà Nẵng (1), Bắc Giang (1), Bình Thuận (1), Đồng Nai (1), Đồng Tháp (1), Kiên Giang (1).
- Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến 18.8 là 6.770 ca, chiếm tỷ lệ 2,2% so với tổng số ca mắc và ngang với tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới.
- Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện 8.676.847 mẫu cho 25.118.695 lượt người.
- Tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 15.518.869 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 14.032.444 liều, tiêm mũi 2 là 1.486.425 liều.

Vì sao các ca F0 cộng đồng ở TP.HCM tăng trở lại?

Ngày 18.8.2021, Sở Y tế cung cấp thông tin phản hồi về tình hình số ca F0 Covid-19 trong cộng đồng tăng trở lại những ngày qua. Theo đó, từ ngày 15.8 đến ngày 22.8, số F0 có thể tăng nhẹ do tăng cường công tác lấy mẫu xét nghiệm trong cộng đồng dân cư.
Cụ thể, ngày 15.8.2021, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM ban hành kế hoạch số 2715 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Trong đó, TP.HCM đưa ra mục tiêu thực hiện xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm nhằm phát hiện kịp thời người bệnh Covid-19 để điều trị, thu hẹp "vùng đỏ", "vùng cam", "vùng vàng" và mở rộng "vùng xanh" trên địa bàn.
Theo kế hoạch, từ ngày 15.8 đến 22.8 là giai đoạn giải phóng "vùng sạch" và đánh giá nguy cơ tại các vùng có tỉ lệ nhiễm cao. Ngành y tế dự báo số ca F0 có thể tăng nhẹ trong giai đoạn này do tăng cường lấy mẫu xét nghiệm trong cộng đồng dân cư để sàng lọc, bóc tách tất cả các trường hợp F0. Cụ thể, ngày 17.8 đã có 1.435 trường hợp F0 phát hiện trong cộng đồng.

Vì sao các ca F0 Covid-19 cộng đồng tăng trở lại từ ngày 15:8?

Người Gò Vấp khó khăn vì Covid-19 gọi số này, 30 phút sẽ có hỗ trợ

Trao đổi với Thanh Niên, ông Thân Trọng Minh, Chủ tịch UB MTTQVN Q.Gò Vấp (TP.HCM) khẳng định: Người dân Gò Vấp gặp khó khăn cần hỗ trợ lương thực, thực phẩm thiết yếu có thể gọi ngay đến hai số hotline 02839.962.793 – 028.39.962794, cán bộ của UB MTTQVN quận trực điện thoại tiếp nhận thông tin vào giờ hành chính kể cả thứ bảy, chủ nhật. Các trường hợp khó khăn sau khi cung cấp địa chỉ, số điện thoại, quận cam kết trong 30 phút sẽ có người đến hỗ trợ liền.
"Số hotline này đến nay đã nhận khoảng 700 cuộc điện thoại, nhưng đa phần là các cuộc gọi hỏi về hỗ trợ thất nghiệp. Các trường hợp này chúng tôi đã hướng dẫn liên hệ Phòng LĐ-TB-XH để giải quyết", ông Minh thông tin.

Bệnh viện dã chiến đa tầng đầu tiên ở TP.HCM hoạt động

Ngày 18.8.2021, Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19 đa tầng với quy mô 1.000 giường tại quận Tân Bình (TP.HCM) chính thức đi vào hoạt động.
Bệnh viện dã chiến đa tầng quy mô 1.000 giường này được thành lập tại Trung tâm triển lãm và hội chợ Tân Bình. Sau khi đi vào hoạt động, bệnh viện sẽ thu dung và điều trị bệnh nhân Covid-19 từ nhẹ đến nặng và nguy kịch.
Theo PGS.TS.BS Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất kiêm quản lý và điều hành Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 đa tầng, thời gian qua số lượng người mắc Covid-19 ở TP.HCM tăng cao kèm theo đó, số lượng bệnh nhân có diễn tiến nặng cũng tăng cao khiến các bệnh viện điều trị Covid-19 hiện nay gần như quá tải.
Bên cạnh đó, biến chủng Delta khiến bệnh nhân có diễn tiến bệnh nặng nhanh, việc vận chuyển bệnh nhân từ bệnh viện tuyến dưới lên tuyến trên không còn phù hợp. Do đó, bệnh viện dã chiến đa tầng được thành lập với hy vọng giảm thiểu số ca bệnh nhẹ chuyển nặng và hạn chế tối đa người tử vong.

Trung tâm triển lãm, hội chợ thành Bệnh viện dã chiến đa tầng điều trị Covid-19

Gần 400.000 người ở TP.HCM đã tiêm vắc xin Vero Cell

Sáng 18.8, tin từ Sở Y tế TP.HCM cho biết trong ngày 17.8, Thành phố đã tiêm vắc xin Covid-19 cho 126.157 người (đa số là vắc xin Vero Cell của Sinopharm). Ghi nhận tình hình tại các điểm tiêm đều trật tự, ổn định.
Tính từ ngày 13.8 - 17.8, đã có 392.900 người tại TP.HCM tiêm vắc xin Covid-19 Vero Cell của Sinopharm.
Như vậy, trong đợt tiêm vắc xin thứ 5 tính đến thời điểm này, TP.HCM đã tiêm vắc xin Covid-19 cho hơn 3,9 triệu người. Tính từ khi TP.HCM bắt đầu tổ chức tiêm vắc xin Covid-19 với 5 đợt đến hết 17.8 thì đã tiêm được 4,9 triệu người. Tất cả đều an toàn.
Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), nguyên tắc của tiêm vắc xin Covid-19 dựa trên sự tự nguyện đồng ý của người dân. TP.HCM tiếp tục triển khai tiêm phủ vắc xin mũi 1. HCDC khuyến cáo, vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất. Tiêm vắc xin là chiến lược lâu dài.

TP.HCM: Gần 400.000 người đã tiêm vắc xin Vero Cell ngừa Covid-19 của Sinopharm

Bệnh nhân tim mạch có thể tiêm vắc xin Covid-19 hay không?

Trung tâm Cảnh giác dược (Bộ Y tế) dẫn nguồn mới nhất từ Hiệp hội Tim mạch châu Âu (ESC) về một số khuyến cáo về tiêm vắc xin Covid-19 với người có bệnh tim mạch.
Theo Hiệp hội Tim mạch châu Âu (ESC), về sự tương tác nào của vắc xin Covid-19 với các thuốc tim mạch, hiện nay, không có báo cáo về vấn đề này. Bệnh nhân cần điều trị duy trì bằng thuốc trước hoặc sau khi tiêm vắc xin. Một số bệnh nhân đang sử dụng thuốc chống đông có thể bị đau, sưng và bầm tím xung quanh vị trí tiêm.
Hiệp hội Tim mạch châu Âu (ESC) cũng lưu ý, nhiều bệnh nhân có các bệnh tim mạch sử dụng các thuốc chống đông máu như warfarin (thuốc đối kháng vitamin K) hoặc thuốc chống đông máu đường uống (DOACS). Một số bệnh nhân cũng sử dụng các thuốc chống kết tập tiểu cầu khác như: aspirin, clopidogrel, ticagrelor hoặc prasugrel.
Những bệnh nhân này có nguy cơ bị chảy máu sau chấn thương, bao gồm cả việc bị kim đâm vào bắp tay khi tiêm chủng Covid-19. Có thể dự đoán rằng nguy cơ bầm tím hoặc sưng tấy xung quanh vị trí tiêm sẽ tăng nhẹ ở những bệnh nhân này. Nên sử dụng loại kim tiêm cỡ nhỏ (cỡ 23 hoặc 25), sau đó ấn vào vị trí tiêm mà không cọ xát trong ít nhất 2 phút. Bệnh nhân cần được thông báo về nguy cơ tụ máu do tiêm.
Những bệnh nhân đang sử dụng warfarin (thuốc chống đông máu, giúp ngăn ngừa sự hình thành của các cục máu đông) cần được cập nhật xét nghiệm INR (xét nghiệm máu để đo thời gian đông máu) theo lịch trình và INR của họ dưới mức tối đa của khoảng điều trị có thể được tiêm bắp. Không giống như các vắc xin cúm, vắc xin Covid-19 chỉ có thể được tiêm dưới dạng tiêm bắp.

Bệnh nhân tim mạch dùng thuốc chống đông có thể tiêm vắc xin Covid-19?

Gần 10.000 giáo viên, nhân viên giáo dục TP.HCM bị ảnh hưởng bởi Covid-19

Có gần 10.000 người là giáo viên, nhân viên ở TP.HCM chịu ảnh hưởng vì dịch Covid-19, theo số liệu thống kê về tình hình hỗ trợ người lao động ngành giáo dục của Sở GD-ĐT tính đến ngày 5.8.
Đây là những giáo viên, nhân viên thuộc các trường bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 09 của HDND TP.HCM, theo báo cáo của Sở GD-ĐT TP.HCM.
Trong đó, số người chịu ảnh hưởng nhiều nhất là ở TP.Thủ Đức (2.145 người), với mức hỗ trợ đã nhận là hơn 4,2 tỉ đồng. Tiếp đó, các quận huyện là “điểm nóng” của dịch Covid-19 cũng nằm trong danh sách đông người bị ảnh hưởng như: Q.Gò Vấp (920 người) và Q.12 là 920 người. Hai quận này đều đã hỗ trợ 1,9 tỉ đồng mỗi quận.
Huyện Bình Chánh có 760 người bị ảnh hưởng và đã nhận mức hỗ trợ với hơn 1,6 tỉ đồng. Còn Q.Bình Tân có 752 người bị ảnh hưởng nhận mức hỗ trợ hơn 1,6 tỉ đồng và Q.7 có 695 người với hơn 1,44 tỉ đồng…
Riêng huyện Cần Giờ chưa ghi nhận trường hợp nào thuộc danh sách này.

Sở GD- ĐT TP.HCM đề xuất không khai giảng

Ngày 18.8, để chuẩn bị cho năm học mới, Sở GD- ĐT TP.HCM đã trình UBND TP.HCM về phương án và kế hoạch thời gian năm học 2021- 2022.
Theo đó, Sở GD- ĐT TP.HCM thống kê hiện có 249 trường học trưng dụng làm khu cách ly, 453 trường làm điểm chích vắc xin, có 1.960 giáo viên và 5.898 học sinh thuộc diện F0, F1. Do thực hiện giãn cách trong phòng, chống dịch nên việc chuẩn bị cho năm học mới gặp nhiều khó khăn…
Vì vậy, Sở GD- ĐT đề xuất TP.HCM không tổ chức tựu trường, khai giảng, các trường sẽ bắt đầu tổ chức dạy học trên môi trường internet.

Sở GD- ĐT TP.HCM đề xuất không khai giảng, bắt đầu học trực tuyến từ tháng 9

Mặc áo Grab qua chốt kiểm soát, nam thanh niên ‘đứng hình’ vì gặp CSGT

Chiều tối 17.8, Đội CSGT – TT Công an Q.Tân Bình tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm theo Chỉ thị 16 trên địa bàn. Tổ tuần tra lưu động đã di chuyển trên nhiều tuyến đường, dừng ngẫu nhiên các trường hợp đang lưu thông trên đường và tại chốt kiểm soát.
Trước đó, từ ngày 16.8, TP.HCM tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 nhưng mở rộng hơn một số nhóm ngành, nghề được hoạt động, do vậy số người ra đường cũng nhiều hơn. Sau 2 giờ kiểm tra, CSGT – TT Công an Q.Tân Bình phát hiện có tình trạng giả làm xe ôm công nghệ để qua chốt kiểm soát.
Nam thanh niên mặc áo và đội nón Grab đi từ Q.3 sang Q.Tân Bình, bị CSGT yêu cầu mở app kiểm tra thì ‘đứng hình’ thừa nhận mặc áo xe ôm công nghệ của bạn để qua chốt dễ dàng, tránh bị kiểm tra.
Làm việc với CSGT, nam thanh niên này chỉ trình được các giấy tờ cá nhân và cho biết đang qua nhà xe tại Q.Tân Bình để nhận hàng tiếp tế từ quê gửi lên. Dù vậy, anh cũng không đưa ra được tin nhắn của nhà xe hẹn tới nhận hàng mà phải nhờ bạn chuyển tin nhắn sang vì “đi lấy giùm bạn”.

Mặc áo Grab qua chốt, nam thanh niên ‘đứng hình’ khi CSGT kêu mở app

Được giao hàng liên quận, shipper Sài Gòn ‘nổ’ cuốc gấp đôi!

Theo thông báo mới từ UBND TP.HCM, từ 0 giờ ngày 16.8 đến hết 15.9, đội ngũ shipper có quản lý ứng dụng công nghệ tại TP.HCM được lưu thông, vận chuyển hàng hóa thiết yếu liên quận, huyện, TP.Thủ Đức.
Ngay sau thông báo của UBND TP.HCM, các ứng dụng gọi xe và giao hàng như GoJek, Grab, Ahamove... đã lập tức mở rộng phạm vi trên ứng dụng, khởi động lại dịch vụ giao hàng liên quận.
Hoạt động của shipper được nới lỏng, tài xế có nhiều cơ hội nhận đơn hơn, giá cước cũng vì thế mà "hạ nhiệt". Đại diện các hãng gọi xe, giao nhận hàng hoá cho biết đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho tài xế để tạo điều kiện cho lực lượng shipper tham gia đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân trong thời gian TP.HCM tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội.
 

Được giao hàng liên quận: Shipper Sài Gòn ‘nổ’ cuốc gấp đôi!

Giao thuốc đến tận nhà cho bệnh nhân Covid-19 có HIV

Đã hơn 1 tuần nay, anh Lý Thiên Huy (30 tuổi, ở Q.6, TP.HCM) nhận nhiệm vụ làm tình nguyện viên giao hàng cho cho chương trình “Tủ thuốc nhân ái” của phòng khám “Nhà Mình”. Đây là chương trình giao thuốc tận nhà cho bệnh nhân Covid-19 kiêm nhiễm HIV đang cách ly y tế tại nhà.
Chủ nhân dự án là anh Nguyễn Anh Phong (42 tuổi, ngụ Q.8, TP.HCM). Anh Phong có hơn 10 năm tham gia và đóng góp tích cực vào các hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ cho những người nhiễm HIV/ AIDS tại TP.HCM. Năm 2017, anh Phong cùng một số y bác sĩ thành lập phòng khám mang tên “Nhà Mình” ở số 951, đường Ba Đình, phường 10, Q.8, TP.HCM. Rất nhiều trường hợp đã được hỗ trợ tiếp tục duy trì điều trị ARV, hỗ trợ các trường hợp sau phơi nhiễm và các chi phí khẩn cấp khi người bệnh tìm đến phòng khám.
Những ngày TP.HCM thực hiện giãn cách, nhóm của anh thực hiện nhiều chuyến xe trao lương thực đến các hộ dân vùng ven gặp khó khăn và những bệnh nhân sống với HIV, nay lại là F0 Covid-19 đang điều trị tại nhà. Đồng cảm với hoàn cảnh của nhiều người khi không thể mua thuốc, các trạm y tế phường quá tải, anh bàn với nhiều bác sĩ thành lập ngay chương trình “Vòng tay áo trắng”, nổi bật là “Tủ thuốc nhân ái”.

Chạy quanh thành phố giao thuốc đến tận nhà cho bệnh nhân Covid-19 có HIV

Mỗi túi thuốc trao đến các F0 có HIV bao gồm những loại thuốc cơ bản điều trị triệu chứng của Covid-19 như ho, sốt, vitamin C, kit test Covid và máy đo nồng độ bão hoà ôxy trong máu SpO2.
Mỗi ngày, chương trình bắt đầu từ 8 giờ sáng đến 18 giờ chiều. Sau 1 tuần triển khai, dự án đã hỗ trợ gần 100 trường hợp, giúp các bệnh nhân HIV có thuốc, máy đo SPO2 và một số lương thực, thực phẩm thiết yếu.
Còn rất nhiều tin tức, phóng sự đáng chú ý khác trong Bản tin Covid-19 hôm nay ngày 18.8 lúc 20 giờ trên các nền tảng của Báo Thanh Niên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.