Bản tin Covid-19 ngày 2.12: Cả nước 13.698 ca mới | Dịch bệnh vẫn còn phức tạp

02/12/2021 20:00 GMT+7

Bản tin Covid-19 ngày 2.12 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên. Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới. 

Bản tin Covid-19 ngày 2.12 của Báo Thanh Niên có những tin tức đáng chú ý sau:

Cả nước 13.698 ca nhiễm mới, 13.258 ca khỏi

Bản tin Bộ Y tế tối 2.12 cho biết tính từ 16h ngày 1.12 đến 16h ngày 2.12, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 13.698 ca nhiễm mới, 13.258 ca khỏi bệnh.Trong ngày ghi nhận thêm 210 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay lên 25.658 ca.

Ngày 2.12: Cả nước 13.698 ca Covid-19, 13.258 ca khỏi | TP.HCM 1.738 ca

Thông tin về 13.698 ca nhiễm mới như sau:

  • 21 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
  • 13.677 ca ghi nhận trong nước (giảm 829 ca so với ngày trước đó) tại 60 tỉnh, thành phố (có 7.538 ca trong cộng đồng). Gồm: TP.HCM (1.738), Cần Thơ (985), Tây Ninh (768), Sóc Trăng (747), Bà Rịa - Vũng Tàu (637), Đồng Tháp (606), Vĩnh Long (594), Bến Tre (507), Bình Thuận (502), Hà Nội (499), Cà Mau (496), Bạc Liêu (492), Đồng Nai (475), Bình Phước (472), Bình Dương (414), Kiên Giang (405), Khánh Hòa (394), Hậu Giang (296), An Giang (271), Trà Vinh (202), Lâm Đồng (197), Tiền Giang (176), Bình Định (169), Thừa Thiên Huế (143), Hà Giang (120), Thanh Hóa (94), Bắc Ninh (94), Thái Nguyên (87), Đắk Nông (86), Đà Nẵng (82), Long An (81), Nghệ An (69), Ninh Thuận (68), Quảng Nam (66), Nam Định (63), Đắk Lắk (58), Hưng Yên (55), Hòa Bình (47), Phú Yên (44), Hải Dương (39), Quảng Ngãi (38), Hải Phòng (37), Tuyên Quang (33), Lạng Sơn (29), Gia Lai (27), Thái Bình (26), Vĩnh Phúc (24), Phú Thọ (20), Bắc Giang (19), Quảng Ninh (16), Quảng Bình (15), Quảng Trị (14), Cao Bằng (12), Yên Bái (8 ), Lào Cai (7), Hà Nam (5), Kon Tum (5), Sơn La (2), Điện Biên (1), Bắc Kạn (1).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Đắk Lắk (-284), Bình Dương (-228), Bà Rịa - Vũng Tàu (-119).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Bạc Liêu (+80), Bến Tre (+88), TP.HCM (+83).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 13.568 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.266.288 ca nhiễm, đứng thứ 35/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 149/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 12.846 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

  • Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.261.035 ca, trong đó có 1.002.493 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
  • Có 1 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Bắc Kạn.
  • Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (473.871), Bình Dương (283.287), Đồng Nai (88.230), Long An (38.404), Tây Ninh (30.125).

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:

  • Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 13.258 ca
  • Tổng số ca được điều trị khỏi: 1.005.310 ca

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.600 ca, trong đó:

  • Thở ô xy qua mặt nạ: 4.387 ca
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.359 ca
  • Thở máy không xâm lấn: 162 ca
  • Thở máy xâm lấn: 677 ca
  • ECMO: 15 ca

Từ 17h30 ngày 1.12 đến 17h30 ngày 2.12 ghi nhận 210 ca tử vong, gồm:

  • Tại TP.HCM (80) trong đó có 9 ca từ các tỉnh chuyển đến như sau: Long An (2), Đồng Nai (2), Bình Dương (1), Đồng Tháp (1), Kiên Giang (2), Sóc Trăng (1).
  • Tại các tỉnh, thành phố khác: Đồng Nai (23), Cần Thơ (16), An Giang (14), Kiên giang (12), Long An (11), Tây Ninh (8), Bình Dương (8), Tiền Giang (8), Bạc Liêu (6), Đồng Tháp (5), Sóc Trăng (4), Bình Thuận (3), Khánh Hoà (2), Gia Lai (2), Trà Vinh (2), Hà Nội (1), Hà Giang (1), Lâm Đồng (1), Bình Phước (1), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Bến Tre (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 179 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 25.658 ca, chiếm tỉ lệ 2% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 33/234 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 133/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 9/49 (xếp thứ 5 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 27/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 6 ASEAN).

Trong 24 giờ qua, cả nước đã thực hiện 193.475 xét nghiệm cho 392.175 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện 26.514.129 mẫu cho 68.989.197 lượt người.

Trong ngày 1.12 có 1.714.026 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 125.164.684 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 72.427.696 liều, tiêm mũi 2 là 52.736.988 liều.

Trường học TP.HCM rục rịch đón học sinh quay lại

Sắp tới đây sẽ không còn cảnh tượng những dãy bàn ghế dựng ngược, những lớp học khóa và những hành lang vắng bóng học sinh sau nhiều tháng trường học phải đóng cửa vì dịch bệnh Covid-19.

Trường học TP.HCM rục rịch đón học sinh quay lại thích nghi an toàn với Covid-19

Sau khi Sở GD-ĐT TP.HCM có quyết định về việc cho học sinh đi học trở lại. Trong chiều 1.12.2021, tại trường THPT Nguyễn Du (ở quận 10) đã rục rịch chuẩn bị để đón học sinh quay lại trường.

Ngoài công tác làm vệ sinh thường xuyên, trong chiều 1.12.2021, trường cũng đã phun khử khuẩn các phòng học cũng như khuôn viên trường.

Theo hiệu trưởng Huỳnh Thanh Phú, những ngày sắp tới, nhà trường sẽ tập huấn cho các thầy cô, phụ huynh và học sinh về công tác phòng dịch Covid-19.

Trong quá trình học sinh đến trường, nếu có biểu hiện khác thường sẽ được đưa xuống phòng y tế test nhanh Covid-19. Sau đó, nếu xuất hiện dương tính thì trường sẽ thực hiện các bước như cơ quan y tế .

Để đảm bảo an toàn và đề phòng các trường hợp có thể xay ra, trường cũng đã tự trang bị các bộ đồ bảo hộ, bộ xét nghiệm nhanh.

Đặc biệt, trường cũng đã bố trí cho các lớp tới trường và ra về bằng các cổng khác nhau. Điều này để phân tán lượng học sinh trong một thời điểm.

Trước đó, ngày 1.12.2021, UBND TP.HCM đã ban hành kế hoạch tổ chức học tập trực tiếp tại các cơ sở giáo dục sau thời gian học sinh ngừng đến trường vì dịch Covid-19.

Theo đó, việc tổ chức cho học sinh đi học trực tiếp thực hiện theo giai đoạn như sau: Giai đoạn 1 từ ngày 13.12 đến 25.12 thí điểm dạy học trực tiếp 2 tuần đối với tất cả học sinh lớp 1, lớp 9, lớp 12. Từ tuần thứ hai là trẻ mẫu giáo 5 tuổi.

Giai đoạn hai từ ngày 27.12, Sở GD-ĐT tổ chức hội nghị sơ kết rút kinh nghiệm 2 tuần dạy trực tiếp và tham mưu UBND TP.HCM xem xét và quyết định mở rộng dần đối tượng hoặc tổ chức học trực tiếp toàn thành phố từ ngày 3.1.2022.

TP.HCM nỗ lực phục hồi sau đại dịch

Chiều 2.12.2021, tại hội nghị Thành ủy TP.HCM lần thứ 10, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho biết hội nghị đã xem xét, thảo luận và cơ bản đồng tình chủ đề của thành phố năm 2022 là: Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp. Toàn hệ thống chính trị sẽ tập trung nỗ lực cao nhất phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2022 từ 6%-6,5%.

Đây là mục tiêu, chỉ tiêu phấn đấu có cơ sở và niềm tin khi sự đồng tâm, hiệp lực rất mạnh, sự khát khao hồi phục và phát triển rất lớn.

Trong các nhiệm vụ, giải pháp đặt ra cho năm 2022, TP.HCM tập trung ưu tiên trước hết cho công tác phòng, chống, kiểm soát dịch Covid-19; kiên trì, chủ động, nhất quán với phương châm: thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả; từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

TP.HCM triển khai tiêm lô vắc xin Pfizer ngừa Covid-19 được gia hạn thêm 3 tháng với 210.000 liều

Ngày 2.12, bác sĩ Lê Hồng Nga - Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (gọi tắt là HCDC) có công văn gửi UBND quận, huyện và thành phố Thủ Đức; Phòng Y tế, Trung tâm y tế quận, huyện và Thủ Đức; Các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn TP.HCM về sử dụng vắc xin Pfizer nhập khẩu lô 123002 (là lô vắc xin Pfizer được gia hạn sử dụng thêm 3 tháng).

TP.HCM triển khai tiêm lô vắc xin Pfizer ngừa Covid-19 được gia hạn thêm 3 tháng với 210.000 liều

Theo HCDC, căn cứ công văn của Cục Quản lý Dược về việc tăng hạn dùng của vắc xin Comirnaty (Pfizer); căn cứ công văn ngày 29.11 của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương về việc hạn sử dụng vắc xin Pfizer nhập khẩu lô 124001 và 123002; căn cứ công văn số 8948 ngày 1.12.2021 của Sở Y tế về việc hạn sử dụng vắc xin Pfizer lô 123002, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM thông tin đến các đơn vị một số nội dung như sau:

Vắc xin Pfizer lô 123002 áp dụng hạn dùng là ngày 28.2.2022, sau khi rã đông vắc xin được bảo quản ở nhiệt độ từ 2 - 8 độ C và sử dụng trong vòng 31 ngày (ngày rã đông 26.11.2021).

Các đơn vị tiêm chủng tiếp nhận thông tin và tư vấn cụ thể đến đối tượng được tiêm, phụ huynh học sinh, người giám hộ, không để xảy ra tình trạng hiểu sai về hạn dùng của vắc xin.Sau khi nhận được vắc xin phân bổ các đơn vị khẩn trương tiếp nhận, hoàn thành việc tiêm chủng trong thời gian sớm nhất, sử dụng vắc xin an toàn, hiệu quả, đúng đối tượng, mục đích, không để xảy ra tình trạng phải hủy bỏ vắc xin do hết hạn sử dụng.

Theo thông tin mà phóng viên Báo Thanh Niên nhận được, TP.HCM triển khai tiêm vắc xin Pfizer lô 123002 được gia hạn thêm 3 tháng với 210.000 liều.

Trước đó, như Báo Thanh Niên đã đưa tin, ngày 1.12, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam đưa ra thông cáo báo chí cho biết vắc xin Covid-19 của Pfizer/BionTech, Mỹ (vắc xin Covid-19 Pfizer) đủ điều kiện kéo dài thời gian sử dụng đến 9 tháng, thay vì 6 tháng như trước đây.

Vắc xin Covid-19 Pfizer sau khi được phê duyệt khẩn cấp, nhà sản xuất tiếp tục nghiên cứu độ ổn định theo hướng dẫn đối với thuốc mới cũng như sản phẩm sinh học; nghiên cứu được tiến hành trên các dải nhiệt độ bảo quản khác nhau, kết quả cho thấy vắc xin đã có độ ổn định, đảm bảo chất lượng, hạn dùng đến 9 tháng, thậm chí dài hơn kể từ ngày sản xuất, khi được bảo quản ở âm 90 độ C đến âm 60 độ C. Sau khi đã đủ cơ sở dữ liệu về hạn sử dụng trong vòng 9 tháng, nhà sản xuất đã nộp hồ sơ phê duyệt tăng hạn sử dụng lên 9 tháng.

Vào ngày 22.8.2021 và ngày 10.9.2021, lần lượt Cơ quan Quản lý dược và thực phẩm Mỹ (gọi tắt là FDA) và Cơ quan Quản lý dược châu Âu (gọi tắt là EMA) đã thông qua hạn sử dụng của vắc xin Pfizer từ 6 tháng lên 9 tháng.

Ngày 20.9.2021, WHO cũng đã có thư gửi UNICEF thông báo về việc tăng hạn sử dụng vắc xin Pfizer từ 6 tháng lên 9 tháng. Theo WHO, việc gia hạn sử dụng này được áp dụng chung trên toàn cầu trong tiêm chủng cho tất cả các nhóm đối tượng từ 12 tuổi trở lên. Việc gia hạn cũng đã được kiểm định khắt khe và đảm bảo chất lượng an toàn, hiệu quả. Từ thời điểm FDA và EMA phê duyệt, các lô vắc xin Pfizer đã sản xuất trước đây có hạn sử dụng 6 tháng thì tự động gia hạn lên 9 tháng. Các quốc gia trên thế giới vẫn giữ nguyên nhãn trên lọ vắc xin theo hạn sử dụng của nhà sản xuất và chỉ có thông báo riêng về tăng hạn sử dụng của vắc xin Pfizer lên 9 tháng…

Bộ Y tế không khuyến khích doanh nghiệp mua vắc xin Covid-19

Bộ Y tế vừa có Văn bản 10113 báo cáo Chính phủ về "Hướng dẫn các địa phương mua vắc xin phòng Covid-19".

Đủ nguồn miễn phí, Bộ Y tế không khuyến khích doanh nghiệp mua vắc xin Covid-19

Bộ Y tế cho biết hiện có 9 loại vắc xin phòng Covid-19 đã được phê duyệt cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam gồm: AstraZeneca, Sputnik V, Vero Cell, Comirnaty (Pfizer/BioNTech), Spikevax (Moderna), vắc xin của Janssen, Hayat-Vax của UAE, Abdala của Cu Ba và Covaxin của Ấn Độ.

Việt Nam là một trong những quốc gia phê duyệt có điều kiện nhiều loại vắc xin để phục vụ nhu cầu cấp bách phòng chống dịch Covid-19.

Theo Bộ Y tế, đến hết tháng 9.2021, vắc xin về chưa nhiều, đạt khoảng 56,9 triệu liều. Do đó một số địa phương, doanh nghiệp mong muốn và có nhu cầu nhập khẩu vắc xin.

Từ tháng 10.2021, vắc xin đã về nhiều. Đến ngày 16.11, số lượng vắc xin đã ký hợp đồng, có cam kết viện trợ, tài trợ trong năm nay khoảng 198,86 liều, trong đó số đã tiếp nhận khoảng 131 triệu liều.

Số còn lại dự kiến về khoảng 67,86 triệu liều trong tháng 11 và 12.

Ngoài ra, Việt Nam đang tiếp nhận thêm vắc xin từ nguồn viện trợ, tài trợ và nguồn mua thương mại của doanh nghiệp.

Như vậy, tổng số lượng vắc xin đã đáp ứng đủ để tiêm 2 liều cơ bản cho toàn bộ người từ 18 tuổi trở lên và nhóm từ 12 đến 17 tuổi (hiện sử dụng vắc xin của Pfizer/BioNTech) là 161 triệu liều. Số còn dư có thể sử dụng để tiêm mũi tăng cường, mũi 3 cho một số nhóm đối tượng theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và Bộ Y tế.

Về tổ chức tiêm vắc xin Covid-19, Bộ Y tế cho biết đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị tổ chức tiêm vắc xin miễn phí cho người dân, với các nguồn vắc xin do Bộ Y tế tổ chức mua, nhập khẩu, nhận viện trợ, tài trợ và vắc xin do doanh nghiệp tài trợ.

Bộ Y tế kiến nghị với tốc độ triển khai tiếp nhận và tiêm vắc xin Covid-19 hiện nay, dự kiến trong tháng 12.2021, Bộ Y tế sẽ phân bố đầy đủ vắc xin cho các địa phương để tiêm đủ liều cơ bản cho người từ 18 tuổi trở lên, và tiếp tục tiêm vắc xin cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi.

Do vậy, tại thời điểm này, Bộ Y tế đề xuất Chính phủ cho phép trước mắt không khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp mua vắc xin phòng Covid-19.

Bộ Y tế cho biết đã trình Thủ tướng kế hoạch mua, sử dụng vắc xin phòng Covid-19 năm 2021 - 2022. Sau khi kế hoạch được phê duyệt, trên cơ sở nhu cầu thực tế, Bộ sẽ báo cáo Thủ tướng về chủ trương khuyến khích doanh nghiệp, địa phương mua, nhập khẩu vắc xin.

Trong số khoảng 198,86 liều vắc xin Covid-19 Việt Nam có trong năm 2021, Bộ Y tế mua 106,4 triệu liều, nguồn tài trợ trong nước 26,9 triệu liều và từ nguồn viện trợ khoảng 65,6 triệu liều (trong đó COVAX viện trợ 41,8 triệu liều; 23,8 triệu liều từ nguồn viện trợ song phương).

Số vắc xin này chưa bao gồm 5 triệu liều vắc xin Cu Ba đã có Nghị quyết số 109 ngày 20.9.2021 của Chính phủ cho phép mua nhưng chưa ký hợp đồng, dự kiến mua để tiêm cho trẻ em nếu được cấp phép sử dụng.

Có khoảng 71 triệu người từ 18 tuổi cần tiêm đủ liều cơ bản (2 hoặc 3 mũi, tùy vắc xin Covid-19 do các hãng sản xuất khuyến cáo).

Có khoảng 9,1 triệu trẻ em 12 - 17 tuổi cần tiêm đủ liều cơ bản (2 mũi vắc xin Pfizer).

HCDC hướng dẫn thủ tục chuyển tro cốt từ TP.HCM về các tỉnh, thành phố

Ngày 1.12.2021, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM đã có hướng dẫn thủ tục cấp giấy phép chuyển tro cốt, xương cốt, thi hài từ TP.HCM đi các tỉnh, thành phố bằng đường hàng không trong nước.

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM đề nghị người dân chuẩn bị trước hồ sơ, bản photo các loại giấy tờ và mang theo bản chính để đối chiếu khi nộp hồ sơ, như:

1.Vé máy bay (nếu có).

2. CMND/CCCD của người đứng đơn.

3. Giấy xác nhận mối quan hệ thân nhân (sổ hộ khẩu, giấy đăng ký kết hôn, giấy khai sinh), nếu không có thì làm giấy cam đoan mối quan hệ.

4. Giấy báo tử/ trích lục khai tử/ biên bản bàn giao thi hài cho thân nhân.

5. Hoá đơn hỏa táng/ giấy xác nhận hỏa táng/ biên bản bàn giao.

6. Giấy xác nhận nơi để tro cốt nếu gửi tại chùa hoặc nhà thờ.

7. Đơn đề nghị vận chuyển.

8. Giấy cam đoan vận chuyển tro cốt.

Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết thời gian trả giấy phép là 1 ngày tính từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ, trong giờ hành chính.

Địa điểm nhận và trả hồ sơ tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (125/61 Âu Dương Lân, phường 3, quận 8). Số điện thoại liên hệ: 028 3924 2717 (bấm số nội bộ 190).

California ghi nhận ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên ở Mỹ

Ngày 1.12, nhà chức trách y tế Mỹ thông báo mới phát hiện ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên tại nước này.

Mỹ phát hiện ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên ở California

Bệnh nhân này đã tiêm 2 liều vắc xin ngừa Covid-19 nhưng chưa tiêm liều tăng cường. Theo bác sĩ Anthony Fauci, chuyên gia dịch tễ học hàng đầu ở Mỹ, bệnh nhân này có triệu chứng nhẹ.

“Người này là một du khách trở về từ Nam Phi trong ngày 22.11 và nhận kết quả dương tính vào ngày 29.11. Hiện người này đang cách ly, tất cả tiếp xúc gần đều đã được truy vết và toàn bộ đều âm tính với Covid-19”, ông Fauci cho biết.

Trong nhiều ngày qua, nhà chức trách y tế Mỹ đã cảnh báo biến thể Omicron có khả năng đã có mặt tại Mỹ khi nhiều quốc gia khác cũng đã phát hiện biến thể này.

Bác sĩ Fauci cho biết có thể mất thêm 2 tuần hoặc dài hơn để xác định các thông tin về biến thể Omicron như khả năng lây nhiễm từ người sang người, mức độ nghiêm trọng, và khả năng vượt qua sự bảo vệ từ vắc xin.

“Như mọi người đã biết và chúng tôi đã nói, thông tin phân tử của loại đột biến này cho thấy nó có thể có khả năng truyền nhiễm cao hơn và nó có thể phá vỡ một số lớp bảo vệ của vắc xin, nhưng hiện chúng tôi chưa biết rõ lắm… Chúng ta cần phải chuẩn bị cho nguy cơ sức bảo vệ sẽ bị giảm sút", theo chuyên gia này.

Ngày 1.12, Tổng thống Joe Biden lặp lại khẳng định biến thể Omicron gây lo ngại, nhưng không phải lý do để hoảng hốt. Hồi đầu tuần này, ông Biden cho biết sẽ không phong tỏa nước Mỹ và cam kết công bố chiến lược chống Covid-19 trong mùa đông sắp tới vào ngày 2.12.

Nhóm khoa học Trung Quốc nói tìm ra kháng thể trung hòa mọi biến thể Covid-19, kể cả Omicron

Trong một nghiên cứu mới công bố hôm 30.11, nhóm khoa học gia Trung Quốc đến từ các trường đại học lớn như Đại học Trung Sơn (Quảng Châu) và Đại học Chiết Giang (Hàng Châu), cho rằng họ có thể nắm trong tay phương thuốc chữa trị Covid-19.

Nhà khoa học Trung Quốc nói có kháng thể trung hòa mọi biến thể Covid-19

Các nhà khoa học này khẳng định kháng thể 35B5 đơn dòng, qua thử nghiệm cả trong môi trường phòng thí nghiệm lẫn trên sinh vật sống, đã cho thấy khả năng trung hòa được virus gây Covid-19 loại hoang dã (không có biến thể) và cả các biến thể gây lo ngại.

Theo họ, kháng thể này cũng có hiệu quả đối với biến thể Delta, chủng virus gây Covid-19 trội hiện nay.

Nghiên cứu này giải thích: “35B5 trung hòa SARS-CoV-2 bằng cách nhắm vào một epitope [một phần của phân tử kháng nguyên mà kháng thể tự gắn vào] tránh được các vị trí đột biến phổ biến”.

Nói cách khác, kháng thể 35B5 tấn công một phần của virus Covid-19 không bị thay đổi trong các quá trình đột biến. Bằng cách này, kháng thể 35B5 đã chứng minh khả năng “trung hòa toàn diện” nhiều chủng virus gây Covid-19.

Các nhà khoa học lập luận rằng những phát hiện này có thể được “khai thác để thiết kế một vắc xin ngừa Covid-19 phổ quát". Đáng lưu ý, phần epitope mà kháng thể 35B5 nhắm đến cũng có mặt trong biến thể Omicron.

Nghiên cứu này có thể cực kì có giá trị khi biến thể Omicron đang gây báo động toàn cầu. Giới lãnh đạo và các nhà khoa học khắp thế giới đang lo ngại biến thể Omicron có thể chống lại hệ miễn dịch được tạo ra nhờ tiêm vắc xin hoặc từng nhiễm bệnh trước đó.

Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 2.12 của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.