Bản tin Covid-19 ngày 2.3: Cả nước 151.852 ca | Số ca nhiễm mới liên tục phá “đỉnh”
Bản tin Covid-19 ngày 2.3 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên . Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới.
Tự động phát
Bản tin Covid-19 ngày 2.3 của Báo Thanh Niên có những thông tin đáng chú ý sau:
Công bố 151.852 ca Covid-19, 36.902 ca khỏi
Bản tin Bộ y tế ngày 2.3.2022 cho biết tính từ 16h ngày 1.3 đến 16h ngày 2.3, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 110.301 ca nhiễm mới.
Ngoài ra, Sở Y tế Nam Định đăng ký bổ sung 20.866 ca, Sở Y tế Bắc Giang đăng ký bổ sung 12.691 ca và Sở Y tế Thái Nguyên đăng ký bổ sung 7.994 ca.
Như vậy, tổng số ca nhiễm được công bố là 151.852 ca. Trong ngày có 36.902 ca được công bố khỏi bệnh.
Bản tin cũng thông báo về 114 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 40.452 ca.
Ngày 2.3: Công bố 151.852 ca Covid-19, 36.902 ca khỏi | Hà Nội 15.114 ca | TP.HCM 2.746 ca |
Thông tin về 151.852 ca vừa được công bố như sau:
- 21 ca nhập cảnh.
- 110.280 ca ghi nhận trong nước (tăng 11.537 ca so với ngày trước đó) tại 63 tỉnh, thành phố (có 74.166 ca trong cộng đồng). Gồm: Hà Nội (15.114), Bắc Ninh (4.698), Nghệ An (4.329), Quảng Ninh (3.992), Sơn La (3.672), Hưng Yên (3.458), Lạng Sơn (3.186), Nam Định (3.176), Phú Thọ (2.993), Vĩnh Phúc (2.934), Lào Cai (2.756), TP.HCM (2.746), Thái Nguyên (2.684), Đắk Lắk (2.667), Hòa Bình (2.599), Bắc Giang (2.546), Hải Phòng (2.510), Hải Dương (2.318), Yên Bái (2.293), Ninh Bình (2.293), Quảng Bình (2.270), Tuyên Quang (2.237), Hà Giang (2.179), Khánh Hòa (2.076), Thái Bình (2.058), Bình Phước (1.699), Điện Biên (1.572), Đà Nẵng (1.458), Cao Bằng (1.438), Đắk Nông (1.391), Thanh Hóa (1.389), Bình Định (1.380), Hà Nam (1.345), Bắc Kạn (1.224), Cà Mau (1.180), Lai Châu (1.151), Bà Rịa - Vũng Tàu (1.123), Gia Lai (1.093), Quảng Trị (1.084), Lâm Đồng (1.059), Bình Dương (1.033), Phú Yên (968), Hà Tĩnh (797), Quảng Ngãi (465), Tây Ninh (452), Bến Tre (419), Quảng Nam (396), Bình Thuận (395), Thừa Thiên-Huế (331), Bạc Liêu (283), Vĩnh Long (276), Trà Vinh (234), Kon Tum (200), Đồng Nai (189), Cần Thơ (156), Long An (150), Kiên Giang (41), An Giang (30), Sóc Trăng (28), Ninh Thuận (27), Đồng Tháp (20), Hậu Giang (12), Tiền Giang (8 ).
- Ngày 23.2022, Sở Y tế Nam Định đăng ký bổ sung 20.866 ca, Sở Y tế Bắc Giang đăng ký bổ sung 12.691 ca và Sở Y tế Thái Nguyên đăng ký bổ sung 7.994 ca trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin.
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Lào Cai (-642), Gia Lai (-299), Cao Bằng (-280).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Hà Nội (+1.791), Thanh Hóa (+896), Bắc Ninh (+765).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 88.033 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 3.709.481 ca nhiễm, đứng thứ 30/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 142/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 37.552 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):
- Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 3.702.080 ca, trong đó có 2.513.968 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
- Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (538.861), Hà Nội (300.387), Bình Dương (299.327), Đồng Nai (101.588), Tây Ninh (91.384).
Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hằng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 36.902 ca
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 2.516.785 ca
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.949 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 3.238 ca
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 337 ca
- Thở máy không xâm lấn: 77 ca
- Thở máy xâm lấn: 288 ca
- ECMO: 9 ca
Từ 17h30 ngày 1.3 đến 17h30 ngày 2.3 ghi nhận 114 ca tử vong, gồm:
- Tại TP.HCM (2) từ các địa phương khác chuyển đến, gồm: An Giang (1), Tiền Giang (1).
- Tại các tỉnh, thành phố khác: Hà Nội (18), Quảng Nam (11), Nam Định (7 ca trong 2 ngày), Đồng Nai (6 ca trong 2 ngày), Bắc Giang (5 ca trong 2 ngày), Đà Nẵng (5), Bình Định (4), Khánh Hòa (4), Quảng Ninh (4), Thái Nguyên (4), An Giang (3), Bà Rịa - Vũng Tàu (3), Đồng Tháp (3 ca trong 2 ngày), Hải Phòng (3), Hòa Bình (3), Phú Yên (3 ca trong 2 ngày), Quảng Ngãi (3), Bình Dương (2), Bình Phước (2), Hà Nam (2), Kiên Giang (2), Nghệ An (2), Ninh Bình (2), Vĩnh Long (2), Bạc Liêu (1), Bắc Ninh (1), Đắk Lắk (1), Gia Lai (1), Lâm Đồng (1), Lạng Sơn (1), Lào Cai (1), Sóc Trăng (1), Thái Bình (1).
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 97 ca.
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 40.452 ca, chiếm tỉ lệ 1,1% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 128/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 23/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).
Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện là 33.880.448 mẫu tương đương 79.510.748 lượt người.
Trong ngày 1.3 có 342.070 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 195.308.572 liều, trong đó:
- Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 178.521.464 liều: Mũi 1 là 70.749.702 liều; Mũi 2 là 67.470.940 liều; Mũi 3 là 1.444.775 liều; Mũi bổ sung là 14.000.910 liều; Mũi nhắc lại là 24.855.137 liều.
- Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 16.787.108 liều: Mũi 1 là 8.631.426 liều; Mũi 2 là 8.155.682 liều.
TP.HCM tăng lên gần 50.000 ca Covid-19 cách ly tại nhà
Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, ngày 2.3.2022, tổng số ca mắc Covid-19 trên địa bàn thành phố được xác định (theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế) là 2.022 ca và 2.666 ca test nhanh nghi ngờ. Như vậy, ngày 1.3, TP.HCM có tới 4.688 ca phải cách ly, chăm sóc và điều trị.
TP.HCM tăng lên gần 50.000 ca Covid-19 cách ly tại nhà |
Trong số ca xác định, có 1.493 ca sàng lọc tại bệnh viện, 418 ca phát hiện tại cộng đồng do các Trung tâm y tế lấy mẫu, 111 ca được lấy mẫu sau khi chuyển vào cơ sở cách ly tập trung quận, huyện và bệnh viện dã chiến.
Số ca có kết quả giải trình tự gien nhiễm biến chủng Omicron tại TP.HCM đến hiện nay 184 ca, trong đó 173 ca nhập cảnh và 11 ca cộng đồng.
Số ca mắc Covid-19 cộng dồn (Bộ Y tế công bố) tại TP.HCM là hơn 535.000 ca.
Trong ngày 2.3, số ca mắc Covid-19 nhập viện tầng 2, tầng 3 là 861 ca, nâng tổng số ca đang điều trị tại bệnh viện tầng 2, 3 là 4.020 ca. So với đầu tháng 2, số ca nhập viện chỉ dưới 1.000 ca, đây cũng là điều mà ngành y tế đã tiên lượng trước.
Số trẻ em dưới 16 tuổi đang điều trị tăng lên 303 ca (cộng dồn là gần 33.000 ca) và số phụ nữ mang thai đang điều trị là 36 ca (số cộng dồn là 4.159 ca).
Tính đến hiện tại, số ca đang cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung là 649 ca và số ca cách ly tại nhà tăng lên gần 50.000 ca.
Chính vì số ca mắc tăng nên số ca nhập viện gia tăng, và số ca nặng cũng có xu hướng gia tăng. Cụ thể, số ca nặng có hỗ trợ hô hấp là 303 ca và số ca đang thở máy xâm lấn là 50 ca. Nhưng số ca tử vong vẫn được kiểm soát từ 0 - 2 ca mỗi ngày.
Như Báo Thanh Niên đã đưa tin, báo cáo đánh giá cấp độ dịch Covid-19 quy mô phường, xã, thị trấn trên địa bàn thành phố tuần lễ từ ngày 21 - 27.2 của Sở Y tế TP.HCM cho thấy có 222/312 địa phương đạt cấp độ 1 (tức “vùng xanh”), 77/312 địa phương đạt cấp độ 2 (tức “vùng vàng”), 13 địa phương tăng cấp độ dịch Covid-19 lên cấp độ 3 (tức “vùng cam”).
Cụ thể, 13 địa phương gồm: phường 5 (thuộc quận 5); 4 phường gồm: 5, 7, 11 và 12 (thuộc quận 10); phường 11 (thuộc quận 11); xã Vĩnh Lộc A và xã Vĩnh Lộc B (thuộc huyện Bình Chánh); xã Bà Điểm (thuộc huyện Hóc Môn) và 4 phường gồm: An Lợi Đông, An Phú, Tam Phú, Tăng Nhơn Phú B (thuộc thành phố Thủ Đức).
Nguyên nhân dẫn đến các phường tăng cấp độ dịch chủ yếu do số ca nhiễm tăng, tỉ lệ tiêm vắc xin không đạt và khả năng đáp ứng của hệ thống y tế cơ sở. So với tuần trước, số địa phương chuyển thành “vùng cam” ở thành phố có sự gia tăng đột biến, tuần trước chỉ có 1 phường “vùng cam”.
TP.HCM chỉ đạo khẩn về yêu cầu xét nghiệm học sinh F1
Chiều 2.3.2022, UBND TP.HCM có công văn khẩn gửi Sở GD-ĐT, Sở Y tế và UBND quận, huyện, TP.Thủ Đức về việc điều chỉnh các quy định trong xét nghiệm nhanh Covid-19 đối với học sinh F1 phải cách ly tại nhà.
TP.HCM chỉ đạo khẩn về yêu cầu xét nghiệm học sinh F1 |
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh F1 đi học trở lại sau khi hoàn thành cách ly tại nhà, UBND TP.HCM chỉ đạo xét nghiệm nhanh đối với toàn bộ trường hợp F1 của lớp có F0.
Phụ huynh tự xét nghiệm nhanh cho học sinh F1 tại nhà vào ngày thứ 5 nếu đã tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 hoặc ngày thứ 7 nếu chưa tiêm đủ.
Sau đó, phụ huynh thông báo kết quả xét nghiệm cho giáo viên chủ nhiệm lớp bằng cách gửi hình ảnh kết quả xét nghiệm. Trường hợp phụ huynh không có điều kiện xét nghiệm tại nhà thì có thể đưa học sinh đến trạm y tế để nhân viên y tế thực hiện.
Kết quả âm tính gửi đến giáo viên chủ nhiệm được xem như đủ điều kiện cho học sinh quay trở lại trường…
Bên cạnh đó, trạm y tế cấp xã hoặc cơ sở y tế phối hợp cơ sở giáo dục tổ chức xét nghiệm nhanh hoặc RT-PCR những trường hợp học sinh, giáo viên có triệu chứng nghi ngờ nhiễm Covid-19 (nếu có) của lớp có F0. Quy định trước đây là tổ chức xét nghiệm nhanh kháng nguyên mẫu gộp cho toàn bộ F1…
Cũng theo công văn khẩn, UBND TP.HCM đề nghị Sở GD-ĐT hướng dẫn, nhắc nhở nhà trường thực hiện đúng chỉ đạo, không được yêu cầu phụ huynh học sinh thực hiện thêm những xét nghiệm không cần thiết như yêu cầu xét nghiệm định kỳ hàng tuần, xét nghiệm RT-PCR để khẳng định âm tính.
Bộ Y tế đề nghị tăng cường kiểm tra niêm yết giá thuốc điều trị Covid-19
Ngày 1.3.2022, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên ký công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường các biện pháp quản lý đối với việc mua, bán, sử dụng thuốc điều trị Covid-19.
Bộ Y tế đề nghị tăng cường kiểm tra niêm yết giá thuốc điều trị Covid-19 |
Công văn được ban hành trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhu cầu sử dụng thuốc điều trị tăng cao. Mới đây, Bộ Y tế đã cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc cho 3 thuốc kháng vi rút có dược chất Molnupiravir điều trị Covid-19.
Để tránh việc mua, bán thuốc điều trị Covid-19 không có nguồn gốc xuất xứ, không đúng quy định về bán thuốc theo đơn, lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bất hợp lý nhằm trục lợi, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành chỉ đạo các đơn vị những biện pháp quản lý đối với việc mua, bán, sử dụng thuốc điều trị Covid-19.
Bộ đề nghị các tỉnh, thành chỉ đạo Sở Y tế chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến cho các cơ sở y tế, cơ sở kinh doanh dược và người dân về việc mua, bán, sử dụng thuốc điều trị Covid-19 đúng quy định.
Ngoài việc tăng cường tập huấn cho các cơ sở y tế, cơ sở kinh doanh dược trên địa bản các quy định về kê đơn, bán thuốc theo quy định, Bộ Y tế đề nghị chỉ đạo hệ thống kiểm nghiệm tăng cường lấy mẫu để giám sát chất lượng thuốc, phát hiện thuốc không đạt chất lượng, không có nguồn gốc xuất xứ và xử lý nghiêm theo quy định; báo cáo kết quả về Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược).
Các tỉnh, thành chỉ đạo các cơ quan chức năng, quản lý thị trường tăng cường thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện và ngăn chặn các hoạt động mua, bán thuốc điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thuốc giả, thuốc nhập lậu; mua bán thuốc không đúng quy định về bán thuốc.
Các địa phương kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc niêm yết giá bán và bán thuốc đúng giá niêm yết; kiểm tra hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm thuốc trên thị trường để đầu cơ, găm hàng, lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán thuốc điều trị Covid-19 bất hợp lý. Trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm có dấu hiệu hình sự thì kịp thời lập hồ sơ chuyển sang cơ quan Công an để xử lý theo quy định.
Bên cạnh đó, các địa phương chỉ đạo các cơ sở tham gia chuỗi cung ứng thuốc điều trị Covid-19 có trách nhiệm hướng dẫn đầy đủ cho người dân về sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn. Tuân thủ đầy đủ các quy định về mua, bán thuốc điều trị Covid-19 và bán theo đúng giá thuốc đã niêm yết, kê khai; thực hiện đầy đủ các yêu cầu thực hành tốt bảo quản thuốc (GSP), thực hành tốt phân phối thuốc (GDP), thực hành tốt bán lẻ thuốc (GPP) theo đúng quy định của Bộ Y tế và các quy định khác trong kinh doanh dược...
Những lưu ý khi dùng thuốc Molnupiravir điều trị Covid-19
Ca mắc Covid-19 tăng nhanh chóng tại Hà Nội và nhiều địa phương khác, cùng đó số F0 điều trị tại nhà cũng tăng lên, nhiều người trong số này đã tìm mua thuốc Molnupiravir để 'dự phòng' hoặc sử dụng. Để dùng thuốc an toàn, F0 cần phải lưu ý những thông tin sau:
Chợ truyền thông buồn hiu, tiểu thương nghỉ tết cả tháng vì “đói” khách |
Đối tượng nào dùng Molnupiravir?
Theo cập nhật hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế, thuốc Molnupiravir được chỉ định cho bệnh nhân Covid-19 người lớn từ 18 tuổi trở lên mức độ nhẹ đến trung bình và có ít nhất một yếu tố nguy cơ làm bệnh tiến triển nặng.
Thời gian sử dụng Molnupiravir
Thuốc Molnupiravir sử dụng trong vòng 5 ngày kể từ khi khởi phát các triệu chứng hoặc có kết quả xét nghiệm dương tính.
Riêng bệnh nhân cần nhập viện đã được khởi trị Molnupiravir trước đó có thể tiếp tục sử dụng thuốc để hoàn thành phác đồ điều trị 5 ngày tùy theo quyết định của bác sĩ điều trị.
Những đối tượng cần lưu ý khi dùng thuốc Molnupiravir
- Phụ nữ có khả năng mang thai, phụ nữ trong độ tuổi sinh sản nên sử dụng biện pháp tránh thai phù hợp và có hiệu quả trong quá trình điều trị và trong vòng 4 ngày sau khi sử dụng liều Molnupiravir cuối cùng.
- Đối với phụ nữ cho con bú, không khuyến cáo cho con bú trong thời gian điều trị và trong vòng 4 ngày sau khi sử dụng liều Molnupiravir cuối cùng.
- Đối với nam giới trong độ tuổi sinh sản sử dụng biện pháp tránh thai phù hợp và hiệu quả trong thời gian điều trị và ít nhất 3 tháng sau liều Molnupiravir cuối cùng…
5 "KHÔNG" cần nhớ liên quan đến thuốc Molnupiravir
- Molnupiravir không được sử dụng quá 5 ngày liên tiếp.
- Molnupiravir không được sử dụng để dự phòng sau hay trước phơi nhiễm để phòng Covid-19.
- Không sử dụng Molnupiravir cho phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú, trẻ em dưới 18 tuổi do quan ngại nguy cơ độc tính trên thai nhi, trên xương, sụn của thuốc.
- Người dân không nên lo lắng, không tự ý mua, sử dụng thuốc Molnupiravir trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên thị trường, chỉ sử dụng các thuốc đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành để đảm bảo chất lượng, hiệu quả điều trị và sức khỏe của chính mình.
- Việc sử dụng thuốc không đúng chỉ định sẽ ảnh hưởng tới việc điều trị bệnh đồng thời tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe do nguy cơ về các phản ứng có hại của thuốc.
Chợ truyền thông buồn hiu, tiểu thương nghỉ tết cả tháng vì “đói” khách
Nhiều sạp hàng “cửa đóng then cài”, thậm chí treo biển cho thuê hoặc sang sạp. Đây là tình hình chung của nhiều tiểu thương tại chợ An Đông 2 (quận 5, TP.HCM) trong tình cảnh bán buôn ế ẩm sau 5 tháng mở cửa trở lại.
Chợ truyền thông buồn hiu, tiểu thương nghỉ tết cả tháng vì “đói” khách |
Sáng 1.3.2022, hoạt động đóng hàng gửi đi các tỉnh tại chợ này khá nhộn nhịp, chủ yếu là bỏ sỉ áo quần và thực phẩm khô về các tỉnh miền Tây.
Tuy nhiên, càng vào sâu bên trong chợ càng đìu hiu. Người bán nhiều hơn khách mua, các hàng bán đồ ăn chủ yếu phục vụ tiểu thương của chợ, tầng bán quần áo hầu như chỉ vài ba quầy hoạt động. Nhiều người đến chợ chỉ để canh quầy hay “bầu bạn” với chiếc điện thoại từ sáng đến chiều.
Không chỉ riêng chợ An Đông 2, tình hình bán buôn ở chợ Tân Bình cũng lâm vào cảnh “ngoài đông trong vắng”, chủ yếu là chủ sạp và nhân công đóng hàng chuyển đi các tỉnh. Nhiều chủ sạp buộc phải đóng cửa để giảm các chi phí như điện, nước hay tiền thuê nhân công.
Chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình) cũng chẳng khá hơn. Chợ “đói” khách, tiểu thương đã khó lại càng thêm khó. Đi một vòng quanh chợ, không khó để bắt gặp các bảng cho thuê hoặc sang sạp, có bảng đã treo từ năm ngoái tới nay.
Trong khi những tiểu thương lớn tuổi, không rành công nghệ đành ngồi “chịu trận” nhìn lượng khách ngày một giảm, thì những người trẻ chọn cách vừa bán trực tiếp tại chợ, vừa bán qua mạng. Nhờ vậy mà hoạt động đóng hàng vẫn diễn ra, dù cho thu nhập chỉ bằng 60 - 70% so với bình thường.
Bán quần áo ở chợ Phạm Văn Hai đã 13 năm nay, chị Tuyết Mơ cho biết dù kinh nghiệm đầy mình nhưng vẫn ế, và vì yêu nghề nên mới bám trụ tới hôm nay.
Dịch bệnh Covid-19 ở TP.HCM những ngày đầu tháng 3.2022 vẫn có dấu hiệu phức tạp khi số ca nhiễm mới lại tăng lên mức vài ngàn ca mỗi ngày. Vốn trước kia, nhiều người đã không còn chọn chợ truyền thống để mua sắm, sau 2 năm dịch bệnh thói quen mua sắm của người dân đã thay đổi rất nhiều, tình hình các chợ càng thêm ảm đạm.
Thêm nữa, sức mua sau tết giảm mạnh nên dù tiểu thương cũng cố gắng áp dụng hình thức kinh doanh online, nhưng mãi lực tại các chợ cũng còn thấp.
Như bao người, những tiểu thương các chợ truyền thống cũng đều mong dịch bệnh Covid-19 sẽ sớm được đẩy lùi; bởi nếu cứ kéo dài thì khó sẽ càng thêm khó.
Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 2.3 của Báo Thanh Niên.
Bình luận (0)