Bản tin Covid-19 ngày 20.4: Cả nước 10,5 triệu ca | Nới lỏng tối đa các biện pháp phòng dịch
Bản tin Covid-19 ngày 20.4 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên . Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới .
Tự động phát
Bản tin Covid-19 ngày 20.4 của Báo Thanh Niên có những thông tin đáng chú ý sau:
Cả nước 13.271 ca Covid-19, 2.540 ca khỏi
Bản tin Bộ y tế ngày 20.4.2022 cho biết tính từ 16h ngày 19.4 đến 16h ngày 20.4, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 13.271 ca nhiễm mới, 2.540 ca khỏi bệnh.
Bản tin cũng thông báo về 7 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong lên 42.982 ca.
Ngày 20.4: Cả nước 13.271 ca Covid-19, 2.540 ca khỏi | Hà Nội 1.039 ca | TP.HCM 179 ca |
Thông tin về 13.271 ca nhiễm mới như sau:
- 0 ca nhập cảnh.
- 13.271 ca ghi nhận trong nước (giảm 229 ca so với ngày trước đó) tại 61 tỉnh, thành phố (có 10.436 ca trong cộng đồng). Gồm: Hà Nội (1.039), Phú Thọ (880), Bắc Giang (586), Gia Lai (561), Quảng Ninh (551), Vĩnh Phúc (518), Yên Bái (506), Nghệ An (504), Tuyên Quang (437), Bắc Kạn (418), Đắk Lắk (415), Lào Cai (404), Thái Nguyên (351), Hải Dương (344), Quảng Bình (340), Thái Bình (273), Lâm Đồng (263), Hưng Yên (258), Bắc Ninh (255), Nam Định (244), Lạng Sơn (231), Bà Rịa - Vũng Tàu (221), Cao Bằng (216), Ninh Bình (207), Hòa Bình (180), Hà Giang (180), TP.HCM (179), Đắk Nông (172), Hà Tĩnh (169), Quảng Nam (167), Sơn La (163), Lai Châu (154), Bình Phước (150), Hà Nam (143), Bình Dương (136), Đà Nẵng (129), Điện Biên (119), Bình Định (118), Tây Ninh (114), Vĩnh Long (112), Bến Tre (108), Quảng Trị (108), Quảng Ngãi (104), Cà Mau (72), Hải Phòng (69), Phú Yên (63), Thanh Hóa (55), Thừa Thiên Huế (47), Khánh Hòa (47), Long An (38), Bình Thuận (35), Kiên Giang (20), An Giang (19), Bạc Liêu (18), Sóc Trăng (17), Trà Vinh (17), Cần Thơ (10), Kon Tum (8), Đồng Nai (5), Hậu Giang (3), Ninh Thuận (1).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: TP.HCM (-378), Hải Dương (-187), Yên Bái (-99).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Gia Lai (+280), Lâm Đồng (+263), Bắc Giang (+243).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 16.429 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.502.590 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 110/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 106.186 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):
- Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.494.842 ca, trong đó có 9.065.417 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
- Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.536.828), TP.HCM (607.699), Nghệ An (477.687), Bình Dương (383.022), Bắc Giang (381.519).
Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hằng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 2.540 ca
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 9.068.234 ca
Số bệnh nhân đang thở ô xy là 896 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 646 ca
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 112 ca
- Thở máy không xâm lấn: 26 ca
- Thở máy xâm lấn: 109 ca
- ECMO: 3 ca
Từ 17h30 ngày 19.4 đến 17h30 ngày 20.4 ghi nhận 7 ca tử vong tại: Bình Định (1), Cần Thơ (1), Đắk Lắk (1), Đồng Tháp (1), Gia Lai (1), Lạng Sơn (1), Vĩnh Long (1).- Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 15 ca.
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 42.982 ca, chiếm tỉ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 25/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).
Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện là 39.432.762 mẫu tương đương 85.724.870 lượt người.
Trong ngày 19.4 có 291.030 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 210.107.957 liều, trong đó:
- Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 192.760.088 liều: Mũi 1 là 71.415.924 liều; Mũi 2 là 68.553.334 liều; Mũi 3 là 1.505.660 liều; Mũi bổ sung là 15.086.305 liều; Mũi nhắc lại là 36.198.865 liều.
- Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.259.049 liều: Mũi 1 là 8.836.829 liều; Mũi 2 là 8.422.220 liều.
- Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 88.820 liều (mũi 1).
Nới lỏng tối đa các biện pháp phòng dịch
Tình hình dịch Covid-19 trong nước đã giảm sâu, các chuyên gia cho rằng đến lúc nới lỏng hơn nữa các biện pháp phòng dịch để thuận lợi trong các hoạt động.
Nới lỏng tối đa các biện pháp phòng dịch Covid-19 |
Đợt dịch Covid-19 do biến thể Omicron tại TP.HCM gia tăng bắt đầu từ trung tuần tháng 2.2022. Từ vài chục ca dương tính/ngày đến trung tuần tháng 3 số ca tăng dần lên 10.000 ca/ngày và tổng số ca cách ly, chăm sóc điều trị trong ngày 17.3 là khoảng 100.000 ca. Số ca nằm viện tăng lên trên 5.000 - 6.000 ca/ngày, số ca nặng thở ô xy và thở máy xâm lấn cũng gia tăng.
Sau đó, số ca mắc Covid-19 tại TP.HCM đã quay đầu đi xuống. Đến ngày 18.4, tổng số ca cách ly, chăm sóc và điều trị tại bệnh viện chỉ còn 10.000 ca, bằng 1/10 so với cùng kỳ tháng trước. Đáng lưu ý, số ca tử vong không gia tăng, mỗi ngày chỉ từ 1 - 2 ca, nhiều ngày không có ca nào. Đặc biệt, 12 ngày qua, TP.HCM không có ca tử vong do Covid-19.
TS-BS Nguyễn Thành Dũng, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, cho biết ca bệnh nhập viện giảm rất nhiều so với hồi tháng 3, có thể đã giảm chạm đáy, điều này cũng có thể miễn dịch cộng đồng đã rất cao. Nếu không có biến chủng mới nữa thì tình hình dịch bệnh là ổn.
Theo Bộ Y tế, tại Việt Nam dịch bệnh cơ bản đang được kiểm soát trên cả nước. Từ cuối tháng 12.2021, sau khi ghi nhận ca mắc đầu tiên biến thể Omicron, số mắc cả nước tăng cao nhất trong 3 tuần đầu của tháng 3.2022 do Omicron đã chiếm chủ đạo về số mắc, sau đó giảm mạnh từ cuối tháng 3 đến nay.
Theo BS Trương Hữu Khanh, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại TP.HCM, dịch bệnh hiện nay “không có gì để nói” nữa, do đó các thủ tục liên quan đến xét nghiệm Covid-19 nên bỏ hết, chỉ ai có nghi ngờ thì mới làm. BS Khanh cho rằng sau đợt nghỉ lễ 30.4 khó có thể xảy ra nguy cơ bùng dịch như năm 2021 nếu có thì đã xảy ra vào dịp nghỉ lễ giỗ Tổ vừa qua vì miễn dịch cộng đồng đã cao. Vấn đề hiện nay là tiếp tục bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ. Cụ thể là tiêm mũi 4 cho những người nguy cơ. Phát hiện ca nặng để điều trị thuốc kháng vi rút. Ưu tiên xét nghiệm cho người có khả năng mắc Covid-19 nặng. Còn lại, mọi việc giờ cứ bình thường để phát triển kinh tế. Khẩu trang và rửa tay là biện pháp phòng ngừa thông thường dễ thực hiện.
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Trường ĐH Y Dược TP.HCM, cho rằng tình hình dịch bệnh giảm qua ghi nhận thực tế và phù hợp với dự báo, quy luật của dịch. Khi tỉ lệ nhiễm và tiêm chủng cao thì thời gian này có thể xem có miễn dịch cộng đồng và không bùng dịch. Trong tương lai, dù có dịch đi nữa thì tỉ lệ chuyển nặng và tử vong cũng không cao. Vì vậy, PGS-TS Dũng đề xuất nên tận dụng cơ hội để mở cửa những hoạt động trước đây “e dè” như du lịch, khách quốc tế có thể “thả lỏng” việc xét nghiệm. Các trường học cho đi học bình thường, các hoạt động ngoại khóa mở ra cho trẻ em tham gia. Nhóm trẻ em tiêm ngừa rồi có thể không bắt đeo khẩu trang. Những biện pháp phòng chống dịch không hiệu quả, tốn thời gian, cản trở cuộc sống thì nghiên cứu bỏ đi, như khai báo khi vào siêu thị, sân bay, ngân hàng… Các app khai báo y tế nếu áp dụng không hiệu quả thì nên bỏ.
Còn BS Nguyễn Đắc Thọ, nguyên Phó giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM, cho rằng miễn dịch cộng đồng đã cao. Tuy nhiên, phải xem các biến thể mới chứ không thể nói trước được có bùng dịch trong thời gian tới hay không. Theo ông, biện pháp phòng chống dịch là tập trung vào người nhóm nguy cơ và có việc làm thiết thực.
Theo Bộ Y tế, các hướng dẫn về cách ly y tế đang được nới lỏng phù hợp diễn biến dịch. Trong hướng dẫn mới nhất ngày 15.4.2022 về điều chỉnh định nghĩa ca bệnh Covid-19 và biện pháp y tế đối với ca bệnh Covid-19 và người tiếp xúc gần (F1) của Bộ Y tế, F1 không còn phải cách ly.
Về lý do điều chỉnh “nới lỏng” cách ly y tế với F1, Bộ Y tế cho biết hiện nay tiêm vắc xin Covid-19 đã bao phủ cao trên phạm vi toàn quốc; tỉ lệ mắc bệnh nặng và tử vong liên quan Covid-19 giảm sâu, phần lớn các ca mắc không có biểu hiện triệu chứng, triệu chứng nhẹ, dịch bệnh Covid-19 đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước.
Bộ Y tế cũng đã có nới lỏng một số quy định về xét nghiệm, chứng nhận tiêm vắc xin Covid-19 với người nhập cảnh. Hiện tại, theo hướng dẫn mới nhất (ngày 17.3.2022), người nhập cảnh chỉ yêu cầu có xét nghiệm SARS-CoV-2. Nếu có xét nghiệm âm tính thì được phép rời khỏi nơi lưu trú và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định. Các trường hợp nhập cảnh, trẻ dưới 2 tuổi không bắt buộc phải xét nghiệm...
TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho rằng việc nới lỏng đó là hoàn toàn phù hợp. Vì dịch bệnh Covid-19 đã diễn ra 2 năm, và theo quy luật, thường vi rút sẽ “lui” dần. Ngoài ra, miễn dịch cộng đồng rộng vì lượng người nhiễm nhiều, khoảng 1/10 dân số, là con số thống kê, đếm được. Nhưng thực tế chắc cao hơn nhiều, có thể đến 50% dân số, vì nhiều người không triệu chứng hoặc nhẹ nên không thông báo cơ quan y tế; cùng với đó Việt Nam bao phủ vắc xin với tỉ lệ rất cao, do đó có miễn dịch cộng đồng. Ông Nga cũng đề xuất riêng đeo khẩu trang và rửa tay xà phòng hiện vẫn nên áp dụng. Đó là thói quen vệ sinh cá nhân tốt mà mỗi cá nhân nên duy trì.
Hai kịch bản khi vi rút gây bệnh Covid-19 có xu hướng giảm độc lực
Tình hình dịch Covid-19 trong nước đã giảm sâu, các chuyên gia cho rằng đến lúc nới lỏng hơn nữa các biện pháp phòng dịch để thuận lợi trong các hoạt động. Theo thông tin từ Bộ Y tế, Việt Nam sẽ xây dựng song song hai kịch bản.
Hai kịch bản khi vi rút gây bệnh Covid-19 có xu hướng giảm độc lực |
Kịch bản thứ nhất
Kịch bản thứ nhất là khi Covid-19 trở thành bệnh lưu hành, bình thường mới.GS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (của Bộ Y tế), cho biết với kịch bản này, biến thể Omicron xuất hiện phổ biến trong cộng đồng và sẽ dần giảm bớt độc lực.
Bên cạnh đó, với miễn dịch có sẵn từ việc tiêm vắc xin Covid-19 và mắc bệnh, số trường hợp chuyển nặng và tử vong sẽ giảm. Đây là kịch bản có xu thế xảy ra nhiều hơn, đưa Covid-19 sang bệnh lưu hành, các hoạt động xã hội có thể trở về bình thường.
Kịch bản thứ hai
Kịch bản thứ hai là vẫn dự phòng nếu xuất hiện tình huống mới, chủng mới mang tính nghiêm trọng, không để bị động.
Với kịch bản thứ hai này, GS Lân cho hay đến nay hiểu biết về vi rút SARS-CoV-2 vẫn chưa được toàn diện. Khi giao lưu đi lại nhiều, việc xuất hiện liên tục các biến thể mới vẫn có khả năng xảy ra.
Các chủng này có thể hình thành do sự tương tác giữa các biến thể đã xuất hiện hoặc là chủng khác mới hơn. Chủng SARS-CoV-2 mới khi xuất hiện sẽ làm giảm đi hiệu lực bảo vệ của vắc xin, có thể làm lây lan mạnh hơn và tăng nguy cơ chuyển nặng.
Với kịch bản thứ hai này, Việt Nam sẽ triển khai lại các biện pháp phòng dịch cấp bách như đã từng thực hiện.
GS Phan Trọng Lân cũng khuyến cáo mặc dù thời điểm này đã có vắc xin, thuốc điều trị, kinh nghiệm điều trị và các biện pháp phòng chống dịch, nhưng ngành y tế phải thường xuyên cập nhật hơn nữa, kể cả về thuốc điều trị và đặc biệt là công nghệ vắc xin.
Trong khi đó, trao đổi với PV Báo Thanh Niên, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho rằng số ca mắc và tử vong do Covid-19 giảm là theo quy luật của một đợt dịch khi số người có miễn dịch tăng lên, ngăn chặn sự lây lan. Theo ông, việc tiêm phủ rộng 3 mũi vắc xin đã góp phần làm tăng miễn dịch cộng đồng, hạn chế sự lây lan của biến thể Omicron. Miễn dịch do vắc xin đã bảo vệ không để bệnh nặng xảy ra. Mặt khác, chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ (trong đó có tiêm vắc xin và điều trị sớm) giúp giảm ca nặng và tử vong trong nhóm này. Do đó, ngay cả khi ca F0 tăng rất cao thì ca nặng và tử vong hiện nay không cao như hồi tháng 7 - 9.2021.
TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu phân tích dịch giảm như hiện nay là giảm bền vững với biến chủng hiện nay. Có nghĩa là nếu xuất hiện biến chủng mới, có thể lại có 1 đợt dịch mới. Nhưng với chiến dịch tiêm vắc xin và bảo vệ người nguy cơ thì ngành y tế có thể hy vọng giữ thấp tỉ lệ tử vong. Tuy nhiên theo ông, phải qua 2 tuần sau kỳ nghỉ lễ 30.4 và 1.5 mới có thể biết được TP.HCM có giảm thêm số bệnh viện dã chiến hay không.
Cách kiểm tra tình trạng cấp hộ chiếu vắc xin
Theo thông tin từ Bộ Y tế, hộ chiếu vắc xin là chứng nhận tiêm chủng Covid-19 điện tử do Bộ Y tế cấp cho người dân, sử dụng các tiêu chuẩn do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Liên minh châu Âu (EU) ban hành, đang được sử dụng tại 62 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Cách kiểm tra tình trạng cấp hộ chiếu vắc xin Covid-19 |
Hộ chiếu vắc xin tạo điều kiện cho lao động, chuyên gia và nhà đầu tư đi lại, làm việc giữa các quốc gia trên thế giới đã công nhận lẫn nhau.
Người dân đã tiêm chủng và được cơ sở tiêm chủng cập nhật dữ liệu lên hệ thống, được xác thực đúng thông tin với "Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư" sẽ được cấp hộ chiếu vắc xin mà không phải làm thủ tục gì thêm.
Trong trường hợp tiêm chủng tại các cơ sở tiêm chủng khác nhau, các mũi tiêm sẽ được đơn vị tiêm cập nhật lên hệ thống.
Hộ chiếu vắc xin được hiển thị trên ứng dụng Sổ Sức khỏe điện tử, PC-Covid và tới đây sẽ có trên trang tra cứu Bộ Y tế (đang xây dựng và sẽ công bố trong thời gian tới). Người tiêm 1 mũi, trẻ từ 5 tuổi cũng được cấp hộ chiếu vắc xin sau khi tiêm vắc xin Covid-19.
Hộ chiếu vắc xin được sử dụng để chứng minh lịch sử tiêm chủng (số mũi vắc xin phòng Covid-19 đã tiêm, thời điểm tiêm...) hoặc khỏi bệnh Covid-19 của cá nhân.
Hộ chiếu vắc xin không thay thế cho các giấy tờ có giá trị xuất, nhập cảnh khác như hộ chiếu, thị thực, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế, giấy thông hành, thẻ tạm trú, thẻ thường trú, giấy miễn thị thực… khi ra nước ngoài.
Với người Việt Nam không ra nước ngoài, người dân không cần phải sử dụng hộ chiếu vắc xin, không phải sử dụng hộ chiếu vắc xin khi đi lại vì đã có chứng nhận tiêm chủng trên nền tảng quản lý tiêm chủng như PC-Covid, Sổ Sức khỏe điện tử.
Hiện tại, trên ứng dụng PC-Covid đã cập nhật có tính năng xem hộ chiếu vắc xin. Để biết đã được cấp hộ chiếu vắc xin hay chưa, người dùng cần thực hiện như sau:
- Tải ứng dụng PC-Covid.
- Nhập các dữ liệu cá nhân (số điện thoại, email) để nhận mã OTP, nhập mã OTP.
- Chọn vào biểu tượng có 4 hình tròn phía bên phải nút "quét QR".
- Vào mục Hộ chiếu vắc xin để nhận thông tin chứng nhận hộ chiếu.
Đến ngày 7.4, Việt Nam đạt được thỏa thuận về công nhận hộ chiếu vắc xin lẫn nhau với 19 quốc gia, vùng lãnh thổ gồm: Nhật Bản, Mỹ, Anh, Úc, Ấn Độ, Belarus, Campuchia, Philippines, Palestine, Maldives, New Zealand, Sri Lanka, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Singapore, Saint Lucia, Hàn Quốc, Iran và Malaysia.
Dịp lễ 30.4 - 1.5, người lao động có thêm 2 ngày nghỉ bù
Thông tin từ Bộ LĐ-TB-XH cho biết bộ luật Lao động năm 2019 quy định cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội (gọi chung là người lao động) được nghỉ làm Ngày chiến thắng 30.4 và Ngày quốc tế lao động 1.5. Trong 2 ngày nghỉ này, người lao động vẫn hưởng lương đầy đủ. Trường hợp trùng 2 ngày nghỉ cuối tuần, người lao động được nghỉ bù tương ứng vào ngày đi làm của tuần tiếp theo.
Dịp lễ 30.4 - 1.5, người lao động có thêm 2 ngày nghỉ bù |
Năm 2022, ngày 30.4 và ngày 1.5 trùng vào thứ Bảy và Chủ Nhật, nên người lao động được nghỉ bù vào thứ Hai (ngày 2.5) và thứ Ba (ngày 3.5) của tuần kế tiếp.
Như vậy, người lao động được nghỉ là 4 ngày, kéo dài từ ngày 30.4 - 3.5.
Bộ LĐ-TB-XH lưu ý lịch nghỉ này áp dụng với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của các cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.
Các cơ quan, tổ chức không thực hiện lịch nghỉ cố định 2 ngày thứ Bảy, Chủ Nhật hằng tuần, thì căn cứ vào chương trình, kế hoạch cụ thể của đơn vị để bố trí lịch nghỉ phù hợp.
Bộ LĐ-TB-XH khuyến khích khối doanh nghiệp và đơn vị ngoài nhà nước áp dụng theo lịch này và bố trí lịch làm việc phù hợp với thực tế đơn vị đảm bảo quyền lợi nghỉ lễ cho người lao động theo quy định. Trường hợp người lao động vẫn đi làm thì được tính là làm thêm ngày lễ tết với mức thù lao cao hơn ngày làm việc bình thường.
Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 20.4 của Báo Thanh Niên.
Bình luận (0)