Bản tin Covid-19 ngày 20.7: TP.HCM tận dụng thời gian vàng, dốc toàn lực “bóc” F0, F1

20/07/2021 20:00 GMT+7

Bản tin Covid-19 của Báo Thanh Niên trực tiếp lúc 20 giờ ngày 20.7.2021 tại địa chỉ thanhnien.vn, kênh YouTube và Facebook của Báo Thanh Niên, trang Báo Thanh Niên trên 2 mạng xã hội Lotus và TikTok. Biên tập viên Yến Thi sẽ đồng hành cùng quý vị trong bản tin hôm nay .

Bản tin  Covid-19 ngày 20.7 của Báo Thanh Niên gồm có những nội dung sau:

Ngày 20.7: Cả nước thêm 4.795 ca mắc Covid-19, 396 bệnh nhân khỏi bệnh

Bản tin dịch Covid-19 của Bộ Y tế tối 20.7 cho biết cả nước có thêm 2.640 ca mắc Covid-19. Nâng tổng số ca mắc trong ngày là 4.795 ca. Trong ngày cũng có 396 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.
Thông tin cụ thể về 4.795 ca mắc mới được công bố trong ngày 20.7 như sau:
+ 6 ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
+ 4.789 ca ghi nhận trong nước; trong đó có 728 ca trong cộng đồng. Cụ thể: TP.HCM (3.322), Bình Dương (578), Đồng Nai (162), Tiền Giang (133), Đồng Tháp (66), Đà Nẵng (61), Khánh Hoà (53), Hà Nội (46), Long An (46), Cần Thơ (45), Vĩnh Long (43), Phú Yên (39), Bến Tre (34), Bà Rịa-Vũng Tàu (26), Ninh Thuận (22), Kiên Giang (20), Bình Thuận (14), Hậu Giang (10), Đắk Lắk (10), Vĩnh Phúc (9), An Giang (8 ), Nghệ An (8 ), Bình Phước (6), Bạc Liêu (4), Bắc Ninh (4), Lâm Đồng (3), Quảng Nam (3), Bình Định (3), Hưng Yên (3), Quảng Ngãi (2), Kon Tum (2), Lạng Sơn (1), Gia Lai (1), Bắc Giang (1), Đắk Nông (1).
Đến thời điểm này, Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng 62.820 bệnh nhân Covid-19; trong đó 60.735 ca ghi nhận trong nước và 2.085 ca nhập cảnh. 
- Số lượng ca mắc mới ghi nhận trong nước tính từ ngày 27.4 đến nay là 59.165 ca.
- Số ca điều trị khỏi: 11.443 ca.

106 bệnh nhân Covid-19 nặng tại TP.HCM hồi phục kỳ diệu

Số ca Covid-19 phát hiện trong bệnh viện tại TP.HCM có xu hướng giảm

Tại cuộc họp về công tác phòng chống dịch Covid-19 với UBND quận Tân Bình (TP.HCM) vào sáng 20.7, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết số ca bệnh Covid-19 phát hiện thông qua công tác tầm soát tại các bệnh viện có chiều hướng giảm trong những ngày gần đây.
Cụ thể, ông Nguyễn Thành Phong cho biết sáng 20.7, ngành y tế báo cáo chỉ có 8% số ca bệnh phát hiện thông qua công tác tầm soát tại các bệnh viện. So với những ngày trước, con số này là hơn 20%.
Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh trọng tâm trong những ngày giãn cách xã hội là xét nghiệm để phát hiện sớm và bóc tách F0, F1. Đồng thời, siết chặt quản lý nghiêm khu cách ly, khu phong tỏa bởi nếu buông lỏng thì sẽ lãng phí công sức.

Số ca Covid-19 tại TP.HCM phát hiện trong bệnh viện đang có xu hướng giảm

Ông Nguyễn Thành Phong đề nghị quận Tân Bình giao một phó chủ tịch UBND quận điều hành công tác xét nghiệm, chứ không thể giao về cho Trung tâm Y tế quận bởi trung tâm y tế không thể chỉ đạo chủ tịch phường.
Các phường nắm rõ "vùng đỏ", "vùng xanh", kết hợp test nhanh với PCR, trả kết quả kịp thời, không để ứ đọng trong xét nghiệm. Tương tự như cấp thành phố, hiện Phó chủ tịch UBND TP.HCM Ngô Minh Châu đang được giao điều hành công tác xét nghiệm của toàn thành phố.
Liên quan đến cách ly F1 tại nhà, ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu chỉ áp dụng đối với các F1 đáp ứng đủ điều kiện bởi “F1 mà trong khu nhà trọ san sát nhau thì chuyển thành F0 rất nhanh”. Khi cách ly F1 tại nhà phải kèm theo hướng dẫn cụ thể, F1 trong vùng nguy cơ rất cao thì không thể cách ly tại nhà mà phải cách ly tập trung để hạn chế dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
Đòng thời, ông Phong yêu cầu làm tốt 3 vấn đề gồm: chữa trị kịp thời và hạn chế F0 chuyển nặng, cung ứng thực phẩm và giải quyết bức xúc kịp thời. Trong đó, tăng cường vận động người dân cùng phối hợp, chia sẻ với quận để thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

TP.HCM hiện có bao nhiêu xe cứu thương chuyển bệnh nhân Covid-19?

Quận Tân Bình giăng dây đầu ngõ, ngăn “chui hẻm” né chốt kiểm soát Covid-19

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại TP.HCM, từ ngày 16.7, quận Tân Bình “tăng cấp” kiểm soát người dân ra đường không lý do bằng hàng loạt chốt chặn ngay hẻm ra vào. Ở một số hẻm, lực lượng chức năng cũng giăng dây phong tỏa để ngăn chặn tình trạng chui hẻm né chốt kiểm soát Covid-19.
Thượng tá Nguyễn Thành Lợi, Trưởng Công an Q.Tân Bình, cho biết toàn quận hiện có 76 chốt kiểm soát và 20 điểm kiểm soát trên địa bàn để kiểm tra người dân ra đường không lý do. Nhiều hẻm có đường thông với hẻm khác được giăng dây để người dân đi đường khác, buộc qua chốt kiểm soát đầu hẻm trước khi ra các tuyến đường liên phường, liên quận.

Quận Tân Bình giăng dây đầu ngõ, ngăn “chui hẻm” né chốt kiểm soát Covid-19

Theo Trưởng Công an quận Tân Bình, sau khi công an quận tham mưu UBND, các chốt kiểm soát từ hẻm và giăng dây các hẻm không cần thiết được thực hiện ngay từ 16.7 để tăng cấp độ kiểm soát.
Trước đó, chủ tịch UBND của 15 phường đã khảo sát, xác định từ phường mình đi ra có bao nhiêu hẻm nối ra đường để đi sang phường khác. Từ đó, chính quyền xác định cần thiết mở bao nhiêu hẻm, cần thiết rào bao nhiêu hẻm. Có những hẻm không cần thiết, đường nhỏ có thể thông được đường lớn trong nội bộ phường đó thì rào chắn lại bớt.
Tại 76 chốt kiểm soát có lực lượng công an là điểm trưởng, ngoài ra còn có các lực lượng quân sự, mặt trận, bảo vệ dân phố, hội cựu chiến binh, tổ dân phố tiến hành kiểm soát người ra vào, chỉ giải quyết theo đúng Chỉ thị 16. Những trường hợp không đúng Chỉ thị 16 thì không được ra vào, trường hợp không chấp hành sẽ bị xử lý.
Đặc biệt, tại các chốt, UBND phường bố trí cán bộ là người có nhà ở hoặc đang lưu trú gần chốt, biết rõ người dân đi ra đi vào là ai, biết rõ trong phường các điểm buôn bán thực phẩm để yêu cầu người dân chỉ mua thực phẩm gần nhà, trong địa bàn phường.  

Sau vụ tranh cãi “bánh mì không phải lương thực”, Khánh Hòa ra công văn về hàng thiết yếu

Ngay sau vụ việc Phó chủ tịch phường Vĩnh Hòa (TP.Nha Trang, Khánh Hòa) nói "bánh mì không thiết yếu" và thu xe của một thanh niên đi mua bánh mì, Sở Công thương Khánh Hòa đã ra công văn khẩn số 1153/SCT-TMXNK ngày 19.7.

Theo đó, hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đang có diễn biến phức tạp, để chủ động thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19, hạn chế nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng, Sở công Thương hướng dẫn về hàng hóa thiết yếu khi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15 và 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Công văn nêu rõ, hàng hóa thiết yếu là những hàng hóa bao gồm: thứ nhất là hàng thực phẩm tươi sống: thịt (các sản phẩm từ thịt), thủy sản (các sản phẩm từ thủy sản); rau, củ, quả (các sản phẩm từ rau, củ, quả); trái cây, trứng (các sản phẩm từ trứng).

Thứ hai là hàng công nghệ phẩm: Bánh, kẹo, muối, bột nêm, gia vị; nước mắm, đường, dầu thực vật, sửa các loại; mì gói các loại và một số mặt hàng lương thực, thực phẩm khác phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu hàng ngày của người dân: Nước uống, nước ngọt đóng chai, lon, thùng.

Thứ ba, về lương thực bao gồm: gạo tẻ, gạo nếp, vừng, đậu, ngô, khoai, sắn, bột, tinh bột (các sản phẩm từ bột, tinh bột). Thứ tư là nhóm thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh gồm khẩu trang, sản phẩm dùng để rửa tay, tắm giặt, gội; nước kháng khuẩn, giấy vệ sinh.

Thứ năm là nhóm nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, dịch vụ phục vụ sản xuất, lưu thông gồm: Xăng dầu, gas, khí đốt và các loại nguyên liệu, vật liệu khác phục vụ sản xuất; Dịch vụ cung cấp điện, nước cho sản xuất và đời sống. Và sau cùng là nhóm thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y.

Trước đó, mạng xã hội lan truyền clip tranh cãi giữa Phó chủ tịch UBND P.Vĩnh Hòa, TP.Nha Trang (đại diện chốt kiểm soát dịch bệnh) với nam thanh niên (công nhân làm thuê) đi mua bánh mì để ăn, chuẩn bị làm việc tăng ca. Trong quá trình tranh cãi, nam thanh niên bị thu giữ giấy tờ và xe máy vì Phó chủ tịch phường cho rằng bánh mì không phải hàng thiết yếu. Sau đó, Chủ tịch UBND TP.Nha Trang yêu cầu khẩn trương trả lại xe cho thanh niên nói trên.

Ông Nguyễn Hải Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, đề nghị chủ dự án bố trí công việc cho thanh niên bị oan trong câu chuyện 'bánh mì không phải là hàng thiết yếu' và sáng nay, thanh niên này đã nhận việc mới.
Ngoài ra, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh cho biết trong buổi họp giao ban Tỉnh ủy sáng nay 20.7, ông đã chỉ đạo Chủ tịch UBND TP.Nha Trang làm ngay thư xin lỗi đối với anh Trần Văn Em, vì để xảy ra vụ việc tịch thu xe khi anh này đi mua bánh mì. Thư xin lỗi phải gửi tận tay anh Em và công khai để nhân dân biết, giám sát và chia sẻ cùng tỉnh trong thời điểm dịch Covid-19 đang rất phức tạp như hiện nay.

Chủ tịch UBND thành phố Nha Trang gửi thư xin lỗi thanh niên “đi mua bánh mì bị thu xe”

Ngay sau đó, ông Nguyễn Sỹ Khánh, Chủ tịch UBND TP.Nha Trang, đã có thư xin lỗi gửi anh Trần Văn Em. 
"Trước hết, Chủ tịch UBND TP.Nha Trang xin lỗi và nhận khuyết điểm trong công tác quán triệt, lãnh đạo tổ chức thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn TP, nhất là đã để xảy ra vụ việc nêu trên", bức thư viết.
Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa cho biết thêm, ngoài thư xin lỗi của TP.Nha Trang, Tỉnh ủy Khánh Hòa còn yêu cầu xử lý nghiêm cán bộ vi phạm, cụ thể là cá nhân ông Trần Lê Hữu Thọ, Phó chủ tịch UBND P.Vĩnh Hòa và tổ công tác chốt kiểm soát dịch của phường trong ngày xảy ra vụ việc.

Thông tin vụ 'hoa khôi' khoe tiêm vắc xin Covid-19 không cần đăng ký

Mới đây, mạng xã hội lan truyền thông tin một cô gái khoe được tiêm vắc xin phòng Covid-19 loại "xịn" mà không cần đăng ký, khiến cộng đồng mạng xôn xao.
Theo đó, tài khoản Facebook của một cô gái đăng tải dòng trạng thái: Dịch bệnh càng ngày càng đáng sợ, kể cả Astra cũng được, nhưng 2 vợ chồng cứ muốn chờ vắc xin Pfizer để tiêm. Đúng như sự mong đợi, tối hôm qua vừa đọc báo Hà Nội giãn cách thì ông ngoại gọi mai tiêm luôn nhé mà thở phào nhẹ nhõm.
Hoàn thành mũi 1, vậy là cũng có nhiều chút yên tâm giữa đại dịch càng ngày càng đáng sợ. Cảm ơn oba ngoại lúc nào cũng kịp thời lúc các con cần”.
Cô gái trẻ lên mạng xã hội khoe được tiêm vắc xin
Cô gái trẻ lên mạng xã hội khoe được tiêm vắc xin "xịn" mà không cần đăng ký
ẢNH CHỤP MÀN HÌNH
Dòng trạng thái kèm hình ảnh một cô gái đang tiêm vắc xin, cùng 2 tấm giấy xác nhận đã tiêm vắc xin phòng Covid-19, do Bệnh viện Hữu Nghị (Bộ Y tế) cấp.
Đáng chú ý, khi nhiều bạn bè vào bình luận, hỏi về thủ tục đăng ký thế nào để được tiêm vắc xin phòng Covid-19 thì tài khoản này trả lời là cô được tiêm không phải do tự đăng ký và nếu chờ đăng ký thì không biết bao giờ mới được tiêm.
Câu chuyện này khiến cộng đồng mạng phẫn nộ. Nhiều ý kiến cho rằng, các cơ quan chức năng cần vào cuộc làm rõ “cô gái này là con cháu đồng chí nào” khi không cần đăng ký mà được tiêm vắc xin, trong khi nhiều người đang chờ đợi để đăng ký tiêm.
Liên quan đến sự việc này, trưa 20.7, trao đổi với Thanh Niên, PGS-TS Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị, khẳng định không có chuyện tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại bệnh viện mà không cần đăng ký.
Theo Phó giáo sư Nguyễn Thanh Hà, trường hợp này là con của một GS-TS làm giảng viên tại Học viện Quân y 103, và chính bố cô gái này đã đăng ký tiêm vắc xin cho con. Bố của cô gái giảng dạy cho 1 bác sĩ của Bệnh viện Hữu Nghị và bố cô đã đăng ký để cô tiêm rồi.
Theo ông Hà, xét theo quy định của Bộ Y tế, cô gái này có thi hoa khôi, và là phóng viên báo chí, cũng thuộc diện ưu tiên tiêm vắc xin. Cụ thể, lực lượng bác sĩ, y tế được ưu tiên đầu tiên; sau đó đến công an, quân đội; tiếp đó là ngoại giao; rồi đến lực lượng phóng viên, báo chí,...
Hỏi về việc cô gái này không tiêm vắc xin Astrazeneca mà lựa chọn vắc xin Pfizer để tiêm, ông Hà cho biết tại bệnh viện không có chuyện lựa chọn, và không được phép. Tại Bệnh viện Hữu Nghị, thời điểm đó đã tiêm hết vắc xin Astrazeneca, và được phân bổ vắc xin Pfizer.

Bộ Xây dựng hỗ trợ TP.HCM xây dựng bệnh viện dã chiến Covid-19

Siêu thị bớt "nóng" sau 12 ngày TP.HCM giãn cách

Sáng 20.7, TP.HCM bước vào ngày thứ 12 thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16. Trái ngược với những ngày đầu hay cuối tuần qua, khách đến siêu thị, cửa hàng thực phẩm khá vắng. Lúc 11 giờ trưa, tại siêu thị Lotte Mart Nguyễn Hữu Thọ (Q.7, TP.HCM), không còn cảnh xếp hàng rồng rắn nữa. Chị Ngọc, một khách hàng có mặt tại đây cho biết, khi chị vào đến cổng để khai báo y tế thì phía trước chị không còn ai và cả phía sau cũng không có người nào. Vào trong khu thực phẩm thiết yếu, số lượng khách đang mua sắm khá ít nên chị Ngọc cũng nhanh chóng mua được nhiều loại sản phẩm cho gia đình.

Kệ chanh không hạt đầy ắp với giá 29.900 đồng/kg - đây là sản phẩm được nhiều người mua sử dụng để tăng cường sức khỏe trong mùa dịch

Tại Lotte Mart, hầu như có đầy đủ các loại rau xanh như rau cải, bầu, bí, xà lách, nấm, đậu cô ve, ớt chuông... Thậm chí các loại rau thơm như tía tô, rau quế, thì là cũng đầy đủ, riêng hành lá và rau ngò khoảng 11 giờ là hết hàng. 
Ngày thứ 12 giãn cách tại TP.HCM: Bất ngờ siêu thị vắng khách, hàng hóa đầy kệ - ảnh 2

Quầy hải sản, cá sát bên cũng có nhiều loại cho khách hàng lựa chọn như tôm thẻ, tôm càng, cá hố, cá nục, cá bạc má...

 
Ngày thứ 12 giãn cách tại TP.HCM: Bất ngờ siêu thị vắng khách, hàng hóa đầy kệ - ảnh 4

Rau xanh khá phong phú với giá ổn định và đa số được gói sẵn trong túi như cải ngọt 500 g giá 17.900 đồng, rau muống 300 g giá 17.900 đồng...

Tại Lotte Mart có nhiều loại rau xanh với giá cao thấp khác nhau, như rau thủy canh cao giá hơn rau bình thường. Trong hình là cải thìa giống Nhật trồng thủy canh có giá 15.900 đồng/gói 200 g (tương đương gần 80.000 đồng/kg) trong khi cải thìa bình thường cũng tại siêu thị này có giá 21.000 đồng/gói 450 g (khoảng 46.000 đồng/kg)

Còn rất nhiều tin tức, phóng sự đáng chú ý khác trong Bản tin  Covid-19 ngày 20.7 lúc 20 giờ trên các nền tảng của Báo Thanh Niên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.