Bản tin Covid-19 ngày 21.1: Cả nước 15.935 ca mới | Omicron lây nhanh ở nhóm chưa tiêm đủ vắc xin
Bản tin Covid -19 ngày 21.1 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên . Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới.
Tự động phát
Bản tin Covid-19 ngày 21.1 của Báo Thanh Niên có những tin tức đáng chú ý sau:
Cả nước ghi nhận thêm 15.935 ca Covid-19, 33.034 ca khỏi bệnh
Bản tin Bộ Y tế ngày 21.1.2022 cho biết tính từ 16h ngày 20.1 đến 16h ngày 21.1, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 15.935 ca nhiễm mới, 2.256 ca khỏi bệnh. Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 133 ca mắc Covid-19 do biến thể Omicron.
Bản tin cũng thông báo về 177 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay lên 36.443 ca.
Ngày 21.1: Cả nước 15.935 ca Covid-19, 33.034 ca khỏi | Hà Nội 2.805 ca | TP.HCM 227 ca |
Thông tin về 15.935 ca nhiễm mới như sau:
- 34 ca nhập cảnh
- 15.901 ca ghi nhận trong nước (giảm 736 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 10.912 ca trong cộng đồng). Gồm: Hà Nội (2.805), Đà Nẵng (964), Hải Phòng (796), Hưng Yên (685), Bến Tre (618), Thanh Hóa (509), Quảng Ngãi (482), Bình Phước (475), Bình Định (420), Bắc Ninh (418), Quảng Ninh (369), Khánh Hòa (346), Quảng Nam (344), Hải Dương (341), Cà Mau (319), Bắc Giang (299), Vĩnh Phúc (280), Thừa Thiên Huế (280), Thái Nguyên (268), Vĩnh Long (263), Trà Vinh (240), Tây Ninh (237), Nghệ An (233), Lâm Đồng (231), TP.HCM (227), Nam Định (223), Phú Thọ (209), Hòa Bình (208), Thái Bình (187), Ninh Bình (151), Lào Cai (134), Tuyên Quang (129), Hà Nam (128), Bà Rịa - Vũng Tàu (127), Điện Biên (115), Bạc Liêu (113), Lạng Sơn (112), Đắk Nông (101), Gia Lai (99), Sơn La (99), Hà Giang (99), Bình Dương (95), Quảng Bình (90), Hậu Giang (87), Phú Yên (84), Yên Bái (84), Đồng Tháp (81), Kon Tum (73), Kiên Giang (72), Bình Thuận (71), Cần Thơ (61), Quảng Trị (56), Sóc Trăng (55), Hà Tĩnh (52), Đồng Nai (51), Cao Bằng (51), An Giang (39), Ninh Thuận (31), Tiền Giang (28), Long An (22), Lai Châu (22), Bắc Kạn (13).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Khánh Hòa (-233), Bình Định (-101), Trà Vinh (-92).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Hưng Yên (+56), Hải Phòng (+50), Phú Thọ (+45).
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 2.110.737 ca nhiễm, đứng thứ 28/224 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 143/224 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 21.386 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):
- Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 2.104.196 ca, trong đó có 1.794.363 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
- Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (512.422), Bình Dương (292.400), Hà Nội (102.715), Đồng Nai (99.581), Tây Ninh (86.790).
Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế):
Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 2.256 ca
Tổng số ca được điều trị khỏi: 1.797.180 ca
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 4.567 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 3.082 ca
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 739 ca
- Thở máy không xâm lấn: 132 ca
- Thở máy xâm lấn: 594 ca
- ECMO: 20 ca
Từ 17h30 ngày 20.1 đến 17h30 ngày 21.1 ghi nhận 177 ca tử vong, gồm:
- Tại TP.HCM (8 ) trong đó có 1 ca từ Long An chuyển đến.
- Tại các tỉnh, thành phố khác: Hà Nội (33 ca trong 2 ngày), Đồng Nai (21 ca trong 2 ngày), Sóc Trăng (14 ca trong 2 ngày), Vĩnh Long (13), Đồng Tháp (9), Kiên Giang (8 ), Cần Thơ (8 ), Huế (7), An Giang (7), Tiền Giang (7), Hải Phòng (6 ca trong 2 ngày), Bến Tre (4), Hậu Giang (4), Bình Phước (3), Tây Ninh (3), Bình Dương (3), Bạc Liêu (3), Cà Mau (3), Bình Định (2), Lâm Đồng (2), Ninh Bình (2), Bắc Ninh (1), Quảng Ninh (1), Trà Vinh (1), Hải Dương (1), Hà Giang (1), Đà Nẵng (1), Bình Thuận (1).
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 157 ca.
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 36.443 ca, chiếm tỉ lệ 1,7% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 25/224 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 128/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 24/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).- Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay là 31.776.560 mẫu tương đương 76.629.452 lượt người.
Trong ngày 20.1 có 1.151.381 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 173.708.365 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 78.752.251 liều, tiêm mũi 2 là 73.571.085 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 liều cơ bản) là 21.385.029 liều.
Omicron lây lan nhanh trong nhóm chưa tiêm đủ vắc xin Covid-19
Ngày 20.1, theo thông tin từ Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, vừa qua các nhà khoa học của viện này đã giải trình tự gien mẫu bệnh phẩm của các ca dương tính để xác định chủng gây bệnh, qua đó đã phát hiện các ca nhiễm Omicron đều là những trường hợp nhập cảnh.
Xét nghiệm Covid-19 tại HCDC |
Duy Tính |
“Kết quả giải trình tự gien, ngoài việc xác định chủng gây dịch, còn đánh giá xu hướng, diễn biến dịch - là một trong những yếu tố để chúng ta có giải pháp phòng chống dịch phù hợp. Ví dụ, hiện chưa phát hiện Omicron có độc lực mạnh, tuy nhiên khả năng lây lan mạnh hơn. Khi các ca mắc tăng nhanh cũng có thể gia tăng các ca nặng, gây quá tải hệ thống y tế”, một chuyên gia cho biết.
Kể từ khi ca nhiễm Omicron tại VN được công bố ngày 28.12.2021, đến ngày 19.1, VN ghi nhận 108 ca nhiễm biến chủng này, hầu hết là các ca nhập cảnh, được cách ly ngay. Riêng tại TP.HCM, đến thời điểm hiện tại đã có 68 ca nhiễm Omicron, trong đó có 3 ca nhiễm tại cộng đồng có liên quan 1 ca nhập cảnh. Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) đã ra thông báo truy tìm người trên chuyến bay từ Hàn Quốc về Cam Ranh (Khánh Hòa) và từ Cam Ranh về TP.HCM. HCDC cũng truy vết F1 của các ca này tại TP.HCM để cách ly tại nhà, lấy mẫu xét nghiệm.
Omicron lây lan nhanh trong nhóm chưa tiêm đủ vắc xin Covid-19 |
Nhiều ý kiến đặt vấn đề: Hiện nay “sống chung với dịch” thì có cần truy vết? Lý giải điều này, một chuyên gia dịch tễ học cho rằng với Omicron, hiện nay truy vết có thể không kịp với sự lây truyền của chủng này mà Mỹ, Anh là những ví dụ. Tuy nhiên PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng Trường ĐH Y Dược TP.HCM, thì cho rằng với Omicron phải truy vết đến khi không còn truy vết được nữa. VN cần truy vết để ca bệnh không gia tăng nhanh và kiểm soát được, vì nếu không sẽ dẫn đến quá tải và gây tổn thất nhân mạng, kèm theo hậu Covid-19 và gây ra các biến chủng mới.
“Rút kinh nghiệm từ đợt dịch thứ 4, việc truy vết hiện nay phải có trọng tâm với nhóm người nếu bị bệnh sẽ lây cho nhiều người khác (bác sĩ, nhân viên y tế, trại dưỡng lão…); tiếp xúc người già; người có triệu chứng…”, PGS-TS Dũng nói.
Bộ Y tế cho hay vẫn tiếp tục bám sát diễn biến tình hình dịch do Omicron gây ra tại VN; thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để cập nhật thông tin kịp thời, chính xác về biến chủng này. Bộ Y tế cảnh báo tốc độ lây nhiễm của Omicron cao gấp 7 lần trong nhóm chưa tiêm chủng vắc xin Covid-19 và gấp 3 lần với nhóm đã tiêm chủng đầy đủ, dẫn đến tăng rất nhanh số ca mắc, gây quá tải hệ thống y tế, con số tử vong sẽ tăng lên, vì vậy vẫn phải đặt trọng tâm cho công tác phòng, chống dịch. Theo Bộ Y tế, WHO tiếp tục đưa ra cảnh báo mới về Omicron đặc biệt nguy hiểm với người chưa tiêm vắc xin. WHO khẳng định làn sóng lây nhiễm gia tăng hiện nay là do Omicron có thể dần thay thế Delta, trở thành biến chủng lây nhiễm chủ đạo tại nhiều nước.
Đề xuất trẻ dưới 12 tuổi không phải xét nghiệm Covid-19 khi bay
Bộ GTVT cho biết đã ban hành các Hướng dẫn tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải của 5 lĩnh vực (đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải, đường sắt, hàng không) đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid19.
Nhiều gia đình có trẻ dưới 12 tuổi khổ sở vì quy định phải xét nghiệm Covid-19 mới được đi máy bay |
lê nam |
Riêng với hàng không, Bộ GTVT đã ban hành Quyết định số 1840/QĐBGTVT ngày 20.10.2021 quy định tạm thời về tiếp tục triển khai các đường bay nội địa chở khách thường lệ.
Tuy nhiên, Bộ GTVT mới nhận được công văn của Vietnam Airlines về đề xuất xem xét không áp dụng quy định về lấy mẫu xét nghiệm đối với phi công, tiếp viên khi làm nhiệm vụ trên các chuyến bay nội địa. Đồng thời, báo chí cũng phản ánh về việc xem xét bỏ quy định xét nghiệm đối với trẻ dưới 12 tuổi khi đi máy bay.
Đề xuất trẻ dưới 12 tuổi không phải xét nghiệm Covid-19 khi bay |
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Bộ GTVT đề nghị Bộ Y tế có ý kiến và hướng dẫn cụ thể về quy định xét nghiệm đối với tổ bay trên các chuyến bay nội địa và đối với trẻ dưới 12 tuổi khi tham gia giao thông, có ý kiến gửi về Bộ trước 22.1.
Hơn 342 triệu ca nhiễm Covid-19 đã được ghi nhận trên toàn thế giới
Đến 17 giờ chiều 21.1 (theo giờ Việt Nam), theo cập nhật từ Đại học Johns Hopkins của Mỹ, toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng hơn 342.700.000 ca nhiễm Covid-19, hơn 5.574.000 ca tử vong và hơn 9.752.360.000 liều vắc xin Covid-19 đã được phân bổ.
- Với hơn 69.308.000 trường hợp mắc bệnh, Mỹ là quốc gia dẫn đầu thế giới về số ca nhiễm Covid-19. Mỹ cũng đã ghi nhận 860.248 người chết vì Covid-19.
- Ấn Độ xếp thứ hai với hơn 38.566.000 ca nhiễm và 488.396 người tử vong vì Covid-19.
- Kế tiếp là Brazil với hơn 23.595.000 ca Covid-19 và 622.476 ca tử vong vì Covid-19.
- Vương Quốc Anh xếp thứ tư với hơn 15.718.000 ca nhiễm và 153.710 ca tử vong.
- Pháp xếp ở vị trí thứ năm với hơn 15.715.000 ca nhiễm Covid-19 cùng 129.105 ca tử vong.
Thuốc Molnupiravir điều trị Covid-19 sẽ rẻ hơn nhiều
Các nước nghèo sẽ được mua thuốc điều trị Covid-19 của Merck với giá rẻ hơn. Một cơ quan do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn đã đạt được thỏa thuận với gần 30 nhà sản xuất thuốc để cung cấp thuốc này với chi phí thấp. Có cả hãng dược Việt Nam tham gia thỏa thuận này, theo AFP.
Thuốc kháng virus molnupiravir đã được Mỹ chấp thuận để sử dụng khẩn cấp từ tháng 12 năm ngoái.
Thuốc điều trị molnupiravir sẽ rẻ hơn nhiều |
Thuốc có thể giúp giảm đến 30% tỷ lệ tử vong và nhập viện ở những bệnh nhân có nguy cơ cao. Tuy nhiên, vì giá thành cao (gần 16 triệu đồng cho một liệu trình) khiến một số nước không có khả năng chi trả.
Giờ đây, thỏa thuận mới sẽ giảm mức giá này xuống còn khoảng 20 USD/liệu trình (khoảng 450.000 đồng) cho 105 quốc gia đang phát triển.
Thuốc molnupiravir sẽ có giá khoảng 450.000/liệu trình |
reuters |
Merck sẽ không nhận được bất kỳ khoản tiền bản quyền nào đối với phiên bản thuốc giá rẻ này nếu Covid-19 vẫn được Tổ chức Y tế Thế giới phân loại là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng.
Hiện vẫn chưa có thông tin về số lượng thuốc sẽ được sản xuất, nhưng nguồn cung dự kiến sẽ đáp ứng nhu cầu ở các nước đang phát triển.
Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 21.1 của Báo Thanh Niên.
Bình luận (0)