Bản tin Covid-19 ngày 21.9: Tết Trung thu đặc biệt giữa đại dịch
21/09/2021 20:00 GMT+7
Bản tin Covid-19 của Báo Thanh Niên trực tiếp lúc 20 giờ ngày 21.9.2021 tại địa chỉ thanhnien.vn, YouTube, Facebook của Báo Thanh Niên, trang Báo Thanh Niên trên 2 mạng xã hội Lotus và TikTok. Biên tập viên Trúc Huỳnh sẽ đồng hành cùng quý vị trong bản tin hôm nay.
Tự động phát
Bản tin Covid-19 ngày 21.9.2021 của Báo Thanh Niên sẽ có những thông tin đáng chú ý sau:
Cả nước vẫn phát hiện hàng ngàn ca nhiễm mới
Bản tin Bộ Y tế ngày 21.9 cho biết tính từ 17h ngày 20.9 đến 17h ngày 21.9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 11.692 ca nhiễm mới, 11.017 ca khỏi bệnh.
Trong ngày, tổng hợp số liệu tử vong do các Sở Y tế công bố trên cdc.kcb.vn ghi nhận 240 ca tử vong tại 11 tỉnh, thành phố nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 tử vong lên 17.545 ca.
Thông tin về 11.692 ca nhiễm mới được công bố trong ngày 21.9 như sau:
- 5 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
- 11.687 ca ghi nhận trong nước (tăng 3.019 ca so với ngày trước đó) tại 34 tỉnh, thành phố (có 6.835 ca trong cộng đồng). Gồm: TP.HCM (6.521), Bình Dương (3.609), Đồng Nai (590), Long An (254), Kiên Giang (134), An Giang (121), Tiền Giang (105), Tây Ninh (59), Cần Thơ (43), Đồng Tháp (27), Bình Định (22), Khánh Hòa (18), Đà Nẵng (15), Bình Thuận (15), Cà Mau (14), Bà Rịa - Vũng Tàu (13), Hà Nội (12), Hà Nam (12), Quảng Bình (12), Ninh Thuận (11), Bình Phước (11), Đắk Nông (10), Đắk Lắk (10), Phú Yên (10), Quảng Ngãi (9), Vĩnh Long (6), Hậu Giang (6), Thanh Hóa (4), Bạc Liêu (4), Lâm Đồng (3), Nghệ An (3), Quảng Nam (2), Trà Vinh (1), Bến Tre (1).
- Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Đồng Nai (-279), Tiền Giang (-106), Đắk Lắk (-103).
- Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Bình Dương (2.199), TP.HCM (1.350), Tây Ninh (27).
- Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 10.330 ca/ngày.
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 707.436 ca nhiễm, đứng thứ 47/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 156/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 7.189 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 702.972 ca, trong đó có 470.164 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Có 18/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Hải Dương, Phú Thọ, Ninh Bình, Nam Định, Bắc Giang, Kon Tum, Thái Bình, Lạng Sơn.
+ Có 3 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Quảng Ninh, Lào Cai, Hà Tĩnh.
+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (348.220), Bình Dương (183.314), Đồng Nai (41.432), Long An (30.850), Tiền Giang (13.375).
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 475.343
Theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 5.133 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 3.210
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 892
- Thở máy không xâm lấn: 160
- Thở máy xâm lấn: 838
- ECMO: 33
Trong ngày, tổng hợp số liệu tử vong do các Sở Y tế công bố trên cdc.kcb.vn ghi nhận 240 ca tử vong tại 11 tỉnh, thành phố. Gồm: TP.HCM (184), Bình Dương (41), Kiên Giang (3), Bình Thuận (3), Long An (2), Khánh Hòa (1), Hà Tĩnh (1), An Giang (1), Đà Nẵng (1), Bình Phước (1), Tiền Giang (2).
- Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 229 ca.
- Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 17.545 ca, chiếm tỉ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn so với tỉ lệ 2,1% trên thế giới.
- Trong 24 giờ qua, cả nước đã thực hiện 199.004 xét nghiệm cho 393.435 lượt người. Số lượng xét nghiệm Covid-19 từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện 17.036.205 mẫu cho 49.303.660 lượt người.
- Trong ngày 20.9 có 502.493 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 35.071.714 liều, trong đó tiêm 1 mũi vắc xin Covid-19 là 28.288.007 liều, tiêm mũi 2 là 6.783.707 liều.
Shipper tại TP.HCM sẽ tự chủ động test Covid-19
UBND TP.HCM vừa ban hành văn bản khẩn về việc tạo điều kiện thuận lợi cho công tác xét nghiệm của shipper, tiến tới quản lý bằng công nghệ.
Theo chỉ đạo mới nhất của UBND TP, việc thực hiện xét nghiệm Covid-19 đối với nhân viên giao hàng có ứng dụng công nghệ được tập trung thực hiện tại các trạm y tế lưu động trên địa bàn thành phố sẽ kéo dài đến hết ngày 21.9.
Trong 2 ngày 22, 23.9, các doanh nghiệp và shipper tiến hành tập huấn công tác xét nghiệm Covid-19 và cập nhật thông tin xét nghiệm Covid-19 trên các ứng dụng của doanh nghiệp hoặc sử dụng ứng dụng do Sở Thông tin và Truyền thông hướng dẫn. Về bộ xét nghiệm nhanh kháng nguyên sẽ do Sở Y tế cung cấp trên cơ sở số lượng đăng ký của shipper với Sở Công thương theo nguyên tắc mẫu gộp ba người, 3 ngày/1lần. Các doanh nghiệp quản lý shipper nhận bộ xét nghiệm nhanh Covid-19 kháng nguyên tại Sở Công thương. Trong thời gian này, các shipper có thể sử dụng kết quả xét nghiệm còn giá trị.
Kế từ ngày 24 - 30.9, các doanh nghiệp quản lý shipper chịu trách nhiệm tổ chức xét nghiệm Covid-19 và cập nhật kết quả vào Kho dữ liệu dùng chung của thành phố theo hướng dẫn của Sở Thông tin và Truyền thông để phục vụ công tác phòng chống dịch. UBND TP giao Sở Công thương hướng dẫn, yêu cầu các doanh nghiệp ký cam kết và chịu trách nhiệm về công tác tổ chức và kết quả xét nghiệm Covid-19. Trường hợp các shipper không đáp ứng đủ các điều kiện như trên sẽ không được tham gia hoạt động.
Được biết, chiều nay (21.9), Sở Công thương và các sở, ngành liên quan sẽ tổ chức cuộc họp trực tuyến với các doanh nghiệp cung cấp ứng dụng công nghệ giao hàng để phổ biến phương án tổ chức và tập huấn xét nghiệm nhanh Covid-19 cho lực lượng shipper công nghệ.
Trước đó, theo thông tin từ Sở Công thương, giai đoạn trước ngày 16.9, có 20.000 shipper được đăng ký hoạt động, Sở Công thương sắp xếp các shipper xét nghiệm Covid-19 tại các trạm y tế lưu động, nơi shipper sinh sống với khung giờ từ 5 - 6 giờ sáng.
Tuy nhiên, sau khi TP.HCM cho phép các shipper hoạt động liên quận, đã có khoảng 82.000 shipper đăng ký hoạt động trở lại. Việc gia tăng đột biến khiến các trạm y tế quá tải, dẫn đến tình trạng hàng trăm shipper xếp hàng dài chờ xét nghiệm Covid-19 từ sáng sớm, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh. Để tạm thời giải quyết, Sở Công thương đã làm việc với Sở Y tế, Công an TP.HCM thống nhất bổ sung thành 312 trạm y tế phường, xã và 500 trạm y tế lưu động đươc tổ chức xét nghiệm cho các shipper. Thời gian xét nghiệm từ 6 - 21 giờ hằng ngày và không nhất thiết phải xét nghiệm Covid-19 trên địa bàn cư trú.
Không chờ kết quả PCR, mổ khẩn cứu thanh niên bị đứt lìa tay
Ngày 21.9, Bệnh viện Quân y 175 thuộc Bộ Quốc phòng vừa thực hiện ca phẫu thuật cứu sống tính mạng bệnh nhân bị máy cắt giấy cắt cả hai tay, trong đó cánh tay trái bị đứt lìa bị bỏ lại tại nhà, tay phải đứt gần lìa.
Theo đó, 20.9, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân nam (27 tuổi) nhập viện trong tình trạng sốc, tụt huyết áp do mất máu quá nhiều.
Xác định tình huống khẩn cấp có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhân, các bác sĩ đã kích hoạt quy trình báo động đỏ (code red) để nhanh chóng tiến hành mổ cấp cứu cho bệnh nhân tại phòng mổ dã chiến mà không cần chờ kết quả xét nghiệm Covid-19 RT-PCR.
Trong quá trình can thiệp, bệnh nhân được chống sốc để xác định tổn thương toàn diện. Đội ngũ y bác sĩ đã cắt lọc nối lại mạch máu cố định xương tay phải cho bệnh nhân. Quá trình cấp cứu diễn ra trong vòng hơn một giờ đồng hồ, bệnh nhân qua khỏi cơn nguy kịch.
Theo bác sĩ Trần Đức Tài, Phó chủ nhiệm khoa Chi dưới, Bệnh viện Quân y 175, trường hợp cấp cứu này bệnh nhân không cần chờ kết quả xét nghiệm Covid-19 RT-PCR để tranh thủ khoảng thời gian vàng cứu cánh tay của bệnh nhân.
Sau phẫu thuật, tình trạng sốc của bệnh nhân được kiểm soát tốt. Tay bên trái đứt lìa cũng được kiểm soát tốt về tình trạng chảy máu. Còn cánh tay bên phải đã được nối lại những mạch thần kinh, kết lại xương để phục hồi sớm các chức năng cánh tay bên phải của bệnh nhân. Nếu kết hợp với vật lý trị liệu thì cánh tay phải của bệnh nhân có thể phục hồi gần như hoàn toàn.
Người dân TP.HCM có thể đăng ký tiêm vắc xin qua tổng đài 8066
Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM Võ Thị Trung Trinh vừa ký văn bản gửi UBND TP.HCM về triển khai Tổng đài tiếp nhận tin nhắn đăng ký tiêm vắc xin đối với người dân chưa tiêm mũi 1 vắc xin phòng Covid-19.
Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi về việc triển khai Tổng đài tiếp nhận đăng ký tiêm vắc xin Covid-19 đối với người dân chưa tiêm mũi 1, Sở Thông tin và Truyền thông đề xuất kế hoạch triển khai Tổng đài tiếp nhận đăng ký tiêm vắc xin.
Cụ thể như sau:
- Đối tượng sử dụng là người từ 18 tuổi trở lên, chưa tiêm mũi 1 vắc xin phòng Covid-19 và đang ở tại TP.HCM.
- Đầu số tiếp nhận tin nhắn SMS: 8066
- Cú pháp tin nhắn SMS: MUI1 HoTen NamSinh QuanHuyen
Ví dụ: MUI1 NguyenVanA 1960 BinhChanh
- Thời gian Tổng đài tiếp nhận bắt đầu lúc 10 giờ ngày 21.9.
Sau đó, danh sách đăng ký tiêm vắc xin của người dân sẽ được chuyển qua thư điện tử đến UBND các quận, huyện và TP.Thủ Đức.
Địa chỉ thư điện tử Tổng đài sử dụng để gửi danh sách đăng ký tiêm vắc xin cho các quận, huyện và thành phố Thủ Đức là [email protected]. Tần suất gửi danh sách đăng ký tiêm vắc xin là 1 giờ/lần.
Đồng thời, UBND các quận, huyện và TP.HCM tiếp nhận thông tin đăng ký tiêm vắc xin từ hệ thống Tổng đài và tổ chức tiêm theo Kế hoạch tiêm chủng của TP.HCM.
Người Đồng Nai từ vùng xanh sang vùng xanh có cần giấy xác nhận?
Sáng 21.9, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Đồng Nai, ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh đã giải thích lý do thắc mắc của nhiều người từ vùng xanh đi sang địa bàn vùng xanh khác phải xin giấy xác nhận để đi đường.
Cụ thể, từ ngày 20.9, các vùng xanh ở Đồng Nai được nới lỏng, tùy vào tỷ lệ tiêm vắc xin mà áp dụng Chỉ thị 15, Chỉ thị 19 hoặc bình thường mới. Để hướng dẫn người dân ở vùng xanh đi lại, tối 19.9 UBND Đồng Nai có ra văn bản 11339.
Văn bản quy định, người dân ở vùng xanh được tự do đi lại trong xã, phường vùng xanh. Nếu di chuyển qua xã, phường vùng xanh khác hoặc qua huyện, thành phố khác trong tỉnh thì phải được UBND xã hoặc huyện cấp giấy. Nguyên tắc chỉ được đi qua vùng xanh, nếu qua vùng đỏ, cam, vàng thì không được quay về lại vùng xanh.
|
Quy định này khiến nhiều người dân thắc mắc, vì sao dân vùng xanh với nhau lại không cho tự do qua lại. Không liên kết nhiều vùng xanh nhỏ thành vùng xanh lớn để thuận tiện việc đi lại, hoạt động phát triển kinh tế.
Theo ông Cao Tiến Dũng việc cấp giấy này để chứng minh một người dân là người vùng xanh. Tránh trường hợp người dân ở vùng đỏ, cam, vàng đi qua vùng xanh.
Cũng theo ông Dũng, Đồng Nai đang mở dần từng bước nhằm hạn chế rủi ro có thể xảy ra. Do ậy, việc cấp giấy cũng nhằm mục đích kiểm soát người dân tốt hơn, hạn chế tình trạng người dân không có công việc cần thiết cũng đi sang các vùng xanh khác, không quản lý được.
Tấp nập hàng “tiếp tế” ở cửa ngõ Đông Hà ngày giãn cách
Những ngày này tại các chốt phòng chống Covid-19 đặt ở cửa ngõ TP.Đông Hà (thuộc tỉnh Quảng Trị) tấp nập người và hàng hóa tiếp tế cho địa bàn thành phố trong thời gian giãn cách theo Chỉ thị 16/2020 của Thủ tướng chính phủ để phòng, chống Covid-19.
Toàn thành phố Đông Hà thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 từ ngày 16.9. Cũng từ thời điểm này, các địa phương giáp ranh đã lập hàng chục chốt phòng chống Covid-19 để kiểm soát người vào ra thành phố.
Để đảm bảo phòng dịch, chợ Đông Hà, cũng đã đóng cửa từ 18 giờ ngày 18.9. Việc mua bán gặp nhiều bất tiện khiến việc tiếp tế vào thành phố diễn ra khá tấp nập tại các điểm chốt đặt ở cửa ngõ.
|
Tại điểm chốt Covid-19 do UBND H.Cam Lộ lập trên Quốc lộ 1 đoạn qua xã Thanh An những ngày qua, người dân đến chốt để giao, nhận hàng hóa rất đông. Người nhận từ Đông Hà ra, người giao từ các huyện Cam Lộ, Gio Linh, Vĩnh Linh vào. Lực lượng trực chốt yêu cầu người giao hàng đặt hàng tại điểm cố định rồi quay về, lúc này người nhận hàng sẽ tới chỗ tấm lót nhận hàng rồi đi.
Lực lượng CSGT trực chốt tại H.Cam Lộ mong mỏi người dân cần chủ động trong việc xin giấy đi đường mới có thể ra được chốt và khi đã ở chốt cửa ngõ Đông Hà. Điều quan trọng nhất là có ý thức chấp hành các nội dung hướng dẫn của cán bộ chốt, để người được an toàn mà hàng cũng nhận đủ.
Cô bé không tay không chân vỡ òa nhận máy tính học online
Đã vào năm học mới nhưng cô bé chim cánh cụt Hoài Thương (ở H. Củ Chi, TP.HCM) vẫn chưa có máy tính để học trực tuyến.
Chiếc máy tính còn hoạt động tốt duy nhất trong nhà đang được nhường lại cho người chị Nguyễn Vũ Quỳnh Như đang học y tá tại Trường ĐH Văn Lang (TP.HCM).
|
Phía góc nhà, bộ máy tính bàn cũ bật hồi lâu vẫn chưa lên, chuột máy tính cũng đã hỏng, Hoài Thương nôn nao muốn được chạm vào bàn phím để vào lớp trực tuyến cùng các bạn.
Trong 8 năm đến trường vừa qua, Hoài Thương trở thành một nữ sinh đặc biệt với thầy cô, bạn bè. Em sinh ra thiếu may mắn khi không đủ tay chân do bị ảnh hưởng của chất độc da cam. Mẹ phải nghỉ làm công ty ở nhà chăm em. Bố Thương làm công nhân, lương được 6 triệu đồng/tháng. Chị lớn đang học năm 3 đại học, bố mẹ phải vay tiền Hội Liên hiệp Phụ nữ xã để đóng học phí. Nghĩ đến hoàn cảnh gia đình, cô bé chẳng dám mơ có một bộ máy tính mới…
|
Lắng nghe câu chuyện của cô bé “chim cánh cụt”, chiều 20.9.2021, đại diện Trung tâm Công tác Xã hội Công đoàn thành phố - Liên đoàn Lao động TP.HCM đã trao tặng suất học bổng cho bé Hoài Thương một bộ máy vi tính qua sử dụng và 10 triệu đồng để bé tiếp tục theo kịp chương trình học.
Đội mưa tặng quà cho trẻ mồ côi cha mẹ vì Covid-19
Chiều 19.9, các trẻ em mồ côi cha hoặc mồ côi mẹ do Covid-19, cũng như trường hợp các em thiếu nhi có hoàn cảnh gia đình khó khăn trên địa bàn P.Tân Hưng Thuận, Q.12 (TP.HCM) đã nhận những phần quà trung thu trao tận tay từ các bạn đoàn viên thanh niên P.Tân Hưng Thuận.
Sau khi chuẩn bị các phần quà cho các em thiếu nhi gồm: Bánh trung thu, lồng đèn, sữa và các phần bánh kẹo khác bỏ vào các túi xách một cách tươm tất do các bạn đoàn viên thanh niên P.Tân Hưng Thuận (Q.12) chuẩn bị. Các bạn trẻ đoàn viên bắt đầu di chuyển xe máy trên các con đường, hẻm nhỏ, để đến tặng quà cho các em thiếu nhi trên địa bàn, dù bên ngoài trời đang đổ mưa.
Các phần quà trung thu trao tặng các em thiếu nhi năm nay diễn ra trong hoàn cảnh khá đặc biệt khi TP.HCM đang thực hiện giãn cách để phòng, chống dịch Covid-19.
Ông Nguyễn Hoàng Nhật Huy, Bí Thư đoàn P.Tân Hưng Thuận (Q.12) cho biết hiện nay trên toàn phường có 5 em mồ côi do Covid-19. Ngoài quà trung thu thì 5 trường hợp này thường xuyên nhận được sự chăm lo từ địa phương và các nhà hảo tâm trong thời gian vừa qua.
Trong thời gian tới ông Huy cho biết sẽ cố gắng vận động thêm các nguồn quỹ, qua đó để trao tặng thêm các phần quà thiết thực cho các em. “Không chỉ đoàn phường mà cả hệ thống chính trị để giúp cho các em không chỉ miếng ăn, giấc ngủ mà ngay cả chuyện học hành, sinh hoạt xã hội để chung tay giúp các em vượt qua nghịch cảnh này. Cùng nhau hướng tới một tương lai tươi sáng hơn”, ông Huy nói.
Trung thu đặc biệt của những F0 nhí ở Bệnh viện dã chiến
Chiều tối 20.9.2021, các bác sĩ, điều dưỡng ở Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 7 tại TP.Thủ Đức (tại TP.HCM) đã tự tay đem những phần quà Trung thu tặng hơn 300 thiếu nhi là những F0 đang cách ly điều trị tại đây.
Để có được những phần quà Trung thu cho các bé gồm đèn lồng, bánh kẹo, sữa, các bác nhân viên y tế tại bệnh viện đã kêu gọi sự giúp đỡ từ các mạnh thường quân rồi tự tay lắp ráp, phân chia và đem từng phần quà đến trao tận tay các bé.
Theo bác sĩ Phạm Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 7, những ngày qua, các bác sĩ, điều dưỡng đã tận dụng khoảng thời gian nghỉ ngơi để chuẩn bị các phần quà Trung thu cho hàng trăm em nhỏ đang cách ly điều trị tại bệnh viện với mong muốn mang đến một tinh thần tích cực, giảm bớt đi mệt mỏi cho các em.
Đang phải cách ly điều trị Covid-19 và lần đầu tiên đón Trung thu xa gia đình nhưng khi nhận được những phần quà từ tay các nhân viên y tế, những em nhỏ ở Bệnh viện dã chiến số 7 rất bất ngờ và vui mừng.
Hiện nay, Bệnh viện dã chiến số 7 có hơn 300 thiếu nhi độ tuổi từ 1 đến 16 tuổi là F0 đang cách ly điều trị Covid-19.
Theo bác sĩ Phạm Thanh Hải, Trung thu năm nay là một mùa Trung thu đặc biệt đối với các thiếu nhi ở Bệnh viện Dã chiến vì phải sống xa gia đình. Do đó, đội ngũ nhân viên y tế muốn mang đến cho các bé một không khí Trung thu gần với không khí gia đình nhất. Mỗi món quà tuy nhỏ bé, đơn giản nhưng chứa đựng tình cảm của đội ngũ nhân viên y tế, hy vọng mang đến niềm vui, tinh thần lạc quan cho các em giữa mùa dịch.
Chú bộ đội, chị Hằng rước đèn giữa phố vắng trong đêm Trung thu
Vào lúc 19 giờ ngày 20.9 (tức 14.8 âm lịch), phố phường tại TP.HCM đã rục rịch tổ chức đón trăng rằm sớm.
Khác hẳn mọi năm, đoàn rước đèn trung thu không rồng rắn nối đuôi nhau trên đường phố tấp nập xe cộ hay ngõ hẻm đông người. Năm nay, chỉ có chú bộ đội, chị Hằng chú Cuội và đoàn thanh niên rước đèn. Các em nhỏ phải đứng ở trong nhà hoặc trên lầu nhìn xuống để đảm bảo giãn cách. Tất cả tạo nên một mùa Trung thu vắng lặng, khác lạ chưa từng có.
|
Các con hẻm đang phong tỏa ở P.4, Q.5 tối 20.9 râm ran tiếng nhạc trung thu vui nhộn, với chiếc đèn xe lon khổng lồ tự chế lốc cốc vang vọng. Tuy nhiên, trẻ con chỉ luẩn quẩn quanh nhà để đảm bảo giãn cách xã hội phòng dịch Covid-19.
Suốt gần một tuần nay, các chú bộ đội cùng đoàn thanh niên phường đã tất bật chuẩn bị lồng đèn, quà bánh để giúp các em thiếu nhi có một đêm hội trăng rằm tươm tất, dù là chỉ được ngắm đoàn rước đèn từ sau cánh cửa hay trên ban công.
|
Đoàn phường cùng các chú bộ đội đã đến nhà chị Lê Huỳnh Anh Thư (36 tuổi) để trao lồng đèn cho các cháu nhỏ, đồng thời gửi lời động viên đến gia đình. Chị Anh Thư là người mẹ sinh năm đầu tiên ở Việt Nam vừa cùng cả gia đình vượt qua cơn Covid-19, chỉ có riêng bà nội là không qua khỏi.
Sau hơn nửa tháng từ khi chữa khỏi Covid-19, chị Thư vẫn nghẹn ngào mỗi lần nhắc lại biến cố mà gia đình mình vừa trải qua. Đầu tháng 8, chị Thư, mẹ chồng và năm con của chị được phát hiện dương tính với Covid-19. Bảy thành viên trong nhà được đi cách ly cùng nhau nhưng chỉ có sáu người trở về.
|
Không chỉ có gia đình chị Như, nhân dịp Tết Trung thu, đoàn P.4, Q.5 còn đến những gia đình có người thân qua đời vì Covid-19 để tặng quà, hỗ trợ và động viên các em vượt qua nỗi đau mất mát.
"Đoàn phường đã chia sẻ và dành những phần quà nho nhỏ dành cho các em. Động viên chủ yếu là các phần dụng cụ học tập tới từ các mạnh thường quân, nhà tài trợ và cũng như là một phần của đoàn thanh niên phường trong đó. Tính tới thời điểm này, đoàn phường ghi nhận được ba trường hợp, và sắp tới có thể là sẽ ghi nhận hơn nhiều là các em học sinh, thanh thiếu nhi và đoàn viên thanh niên có cha mẹ và người thân mất trong đại dịch", anh Đông Hồ chia sẻ.
Còn rất nhiều tin tức, phóng sự đáng chú ý khác trong Bản tin Covid-19 ngày 21.9 lúc 20 giờ trên các nền tảng của Báo Thanh Niên.
di biến động dân cư
vắc xin Covid-19
Covid-19
giãn cách xã hội
Bản tin Covid-19 hôm nay
bản tin Covid-19
Bình luận (0)