Bản tin Covid-19 ngày 22.3: Cả nước hơn 8,3 triệu ca | TP.HCM không còn xã, phường “vùng cam”

22/03/2022 20:00 GMT+7

Bản tin Covid-19 ngày 22.3 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên . Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới.

Bản tin Covid-19 ngày 22.3 của Báo Thanh Niên có những thông tin đáng chú ý sau:

Công bố 249.153 ca Covid-19, 186.137 ca khỏi

Bản tin Bộ Y tế ngày 22.3.2022 cho biết tính từ 16h ngày 21.3 đến 16h ngày 22.3, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 130.735 ca nhiễm mới.

Các Sở Y tế Thái Bình, Hưng Yên, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc đăng ký bổ sung thêm 118.418 ca. như vậy, tổng số ca nhiễm được công bố là 249.153 ca.Có thêm 186.137 ca được công bố khỏi bệnh.

Bản tin cũng thông báo về 65 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay lên 42.014 ca.

Ngày 22.3: Công bố 249.153 ca Covid-19, 186.137 ca khỏi | Hà Nội 16.014 ca | TP.HCM 1.094 ca

Thông tin về 249.153 ca nhiễm vừa được công bố như sau:

  • 4 ca nhập cảnh.
  • 130.731 ca ghi nhận trong nước (giảm 978 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 83.731 ca trong cộng đồng). Gồm: Hà Nội (16.014), Phú Thọ (5.920), Nghệ An (4.820), Lào Cai (4.544), Hải Dương (4.219), Bắc Giang (3.949), Yên Bái (3.933), Vĩnh Phúc (3.892), Lạng Sơn (3.657), Tuyên Quang (3.569), Đắk Lắk (3.478), Bắc Ninh (3.473), Sơn La (3.338), Hưng Yên (3.327), Hòa Bình (3.324), Thái Bình (3.120), Cà Mau (3.053), Cao Bằng (2.910), Quảng Bình (2.882), Thái Nguyên (2.859), Quảng Ninh (2.682), Lâm Đồng (2.349), Bắc Kạn (2.262), Lai Châu (2.216), Điện Biên (2.204), Hà Giang (1.987), Bình Định (1.959), Quảng Trị (1.895), Hà Nam (1.809), Bến Tre (1.748), Tây Ninh (1.714), Nam Định (1.515), Bình Dương (1.512), Vĩnh Long (1.465), Ninh Bình (1.403), Kon Tum (1.283), Đắk Nông (1.217), TP.HCM (1.094), Bà Rịa - Vũng Tàu (1.060), Trà Vinh (1.039), Bình Phước (1.033), Khánh Hòa (1.013), Quảng Ngãi (1.002), Hà Tĩnh (989), Thanh Hóa (979), Hải Phòng (776), Đà Nẵng (747), Phú Yên (739), Bình Thuận (672), Thừa Thiên-Huế (632), Quảng Nam (348), Bạc Liêu (228), An Giang (161), Long An (150), Kiên Giang (146), Đồng Nai (98), Cần Thơ (96), Sóc Trăng (74), Ninh Thuận (57), Hậu Giang (50), Đồng Tháp (30), Tiền Giang (17).
  • Ngày 22.3.2022, Sở Y tế Thái Bình đăng ký bổ sung 35.000 ca, Sở Y tế Hưng Yên đăng ký bổ sung 33.331 ca, Sở Y tế Quảng Ninh đăng ký bổ sung 26.400 ca và Sở Y tế Vĩnh Phúc đăng ký bổ sung 23.687 ca trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Gia Lai (-2.793), Hà Nội (-1.902), Bắc Kạn (-1.422).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Cao Bằng (+646), Lâm Đồng (+620), Hải Dương (+599).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 153.717 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 8.338.914 ca nhiễm, đứng thứ 14/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 121/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 84.367 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

  • Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 8.331.240 ca, trong đó có 4.465.988 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
  • Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.204.100), TP.HCM (585.328), Bình Dương (363.521), Nghệ An (356.071), Hải Dương (303.433).

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hằng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:

  • Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 186.137 ca
  • Tổng số ca được điều trị khỏi: 4.468.805 ca

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 4.225 ca, trong đó:

  • Thở ô xy qua mặt nạ: 3.503 ca
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 316 ca
  • Thở máy không xâm lấn: 99 ca
  • Thở máy xâm lấn: 301 ca
  • ECMO: 6 ca

Từ 17h30 ngày 21.3 đến 17h30 ngày 22.3 ghi nhận 65 ca tử vong tại: Hà Nội (5), Bắc Ninh (4), Cao Bằng (4 ca trong 2 ngày), Đồng Nai (4), Quảng Ninh (4), Bến Tre (3), Bình Dương (3), Hà Tĩnh (3), Hải Dương (3), Hậu Giang (3), Kiên Giang (3), Hà Nam (2), Nam Định (2), Nghệ An (2), Phú Thọ (2), Quảng Bình (2), Tây Ninh (2), Trà Vinh (2), Bắc Kạn (1), Bạc Liêu (1), Bình Thuận (1), Đắk Lắk (1), Điện Biên (1), Gia Lai (1), Hải Phòng (1), Lạng Sơn (1), Quảng Ngãi (1), Thái Nguyên (1), Thừa Thiên Huế (1), TP.HCM (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 67 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 42.014 ca, chiếm tỉ lệ 0,5% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 129/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 24/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện là 37.302.627 mẫu tương đương 83.048.614 lượt người.

Trong ngày 21.3 có 201.193 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 202.029.331 liều, trong đó:

  • Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 184.966.534 liều: Mũi 1 là 70.946.442 liều; Mũi 2 là 67.892.827 liều; Mũi 3 là 1.496.242 liều; Mũi bổ sung là 14.660.747 liều; Mũi nhắc lại là 29.970.276 liều.
  • Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.062.797 liều: Mũi 1 là 8.754.946 liều; Mũi 2 là 8.307.851 liều.

TP.HCM không còn xã, phường “vùng cam”

Theo báo cáo về đánh giá cấp độ dịch Covid-19 ngày 21.3.2022 của Sở Y tế TP.HCM cho thấy từ 14.3 - 20.3, TP.HCM không còn phường, xã ở cấp độ 3, 4 (tức “vùng cam”, “vùng đỏ”).

TP.HCM không còn xã, phường “vùng cam” Covid-19

Đây là lần đầu tiên kể từ khi thay đổi cách đánh giá cấp độ dịch, TP.HCM không ghi nhận địa phương thuộc “vùng cam”. Đánh giá này căn cứ trên số liệu báo cáo của quận, huyện và TP.Thủ Đức.

Trong 312 xã, phường, có 300 địa phương ở cấp độ 1 (tăng 11 địa phương so với tuần trước). Toàn thành phố chỉ có 12 phường, xã ở cấp độ 2 (giảm 9 địa phương so với tuần trước).

Tính đến 18 giờ ngày 20.3, TP.HCM có gần 584.000 trường hợp mắc Covid-19. Hiện tại, thành phố đang điều trị cho gần 5.000 bệnh nhân, trong đó có 408 trẻ em dưới 16 tuổi, 87 bệnh nhân nặng đang thở máy, 3 bệnh nhân can thiệp ECMO. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại TP.HCM đến nay là gần 20.500 ca, trong ngày 20.3 thành phố chỉ có 2 ca tử vong.

Về tiêm vắc xin phòng Covid-19, TP.HCM đã tiêm hơn 8,1 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 mũi 1; khoảng 7,3 triệu mũi 2; và gần 5 triệu liều vắc xin mũi 3.

TP.HCM đề xuất thay đổi tiêu chí an toàn phòng Covid-19 trong trường học

Ngày 21.3.2022, Sở GD-ĐT và Sở Y tế đã có dự thảo trình UBND TP.HCM, trong đó đề xuất thay đổi, bổ sung nhiều tiêu chí trong bộ tiêu chí an toàn phòng Covid-19 trong trường học. Các đề xuất cụ thể gồm: bổ sung học sinh vào đối tượng tính tỉ lệ tiêm vắc xin, thay đổi tỉ lệ tiêm vắc xin theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

TP.HCM đề xuất thay đổi tiêu chí an toàn phòng Covid-19 trong trường học

Cụ thể, về tỉ lệ tiêm vắc xin, Sở GD-ĐT kiến nghị ở mức 75%, còn Sở Y tế kiến nghị mức cao hơn với 95%.

Tiêu chí tỉ lệ tiêm vắc xin trong nhà trường trước đây chỉ tính trên cán bộ, giáo viên, nhân viên, nay tính cả học sinh. Điều chỉnh này dựa theo cách đánh giá của ngành y tế về mức độ nguy cơ theo tỉ lệ tiêm vắc xin của người dân trên một địa bàn. Trong trường học, tiêu chí này là tổng số người trong trường nên phải gồm cả học sinh.

Còn đối với bậc mầm non và tiểu học, Sở GD-ĐT đề nghị tính tỉ lệ tiêm vắc xin trên đối tượng học sinh trong độ tuổi được khuyến cáo tiêm chủng, còn Sở Y tế đề nghị xét trên toàn bộ học sinh.

Bản dự thảo cũng bổ sung hướng dẫn cụ thể về thông khí tại các phòng trong cơ sở giáo dục và các trường phải có nhân viên phụ trách y tế trường học, được tập huấn mới được đánh giá là đạt. Sở cũng đề xuất bãi bỏ quy định về khoảng cách 1 m trong lớp và 2 m ngoài lớp; bỏ quy định về tiêu chí hoạt động trước, sau 16 giờ 30 tại cơ sở giáo dục mầm non.

Trước đó, theo tiêu chí cũ về khoảng cách học sinh, giáo viên phải giữ khoảng cách từ 1 m trở lên, còn nay được tính theo mật độ người/m2. Quy định mới yêu cầu đảm bảo 1,25 - 1,5 m2/người, tùy cấp học. Tiêu chí này kèm theo điều kiện về mức độ thoáng khí trong phòng học, phòng làm việc.

Theo bộ tiêu chuẩn quốc gia về trường học, diện tích phòng học cần đảm bảo tiêu chuẩn 1,25 m2 mỗi học sinh với cấp tiểu học; 1,5 m2 mỗi học sinh với cấp trung học.

Đặc biệt, ngoài 10 tiêu chí trong bộ tiêu chí an toàn trước đó thì trong dự thảo còn bổ sung tiêu chí 11 về việc tổ chức bán trú. Cụ thể, hoạt động bán trú phải tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch và đảm bảo khoảng cách tối thiểu 1 m khi học sinh ăn, ngủ.

Nhà trường phải thực hiện đầy đủ 8 nội dung tổ chức hoạt động ăn ngủ cho trẻ bao gồm:

  • Đảm bảo an toàn thực phẩm.
  • Khu vực chế biến có nơi rửa tay, đủ nước sạch, xà phòng.
  • Đủ dụng cụ ăn uống riêng cho trẻ.
  • Nước uống hợp vệ sinh.
  • Thực phẩm chế biến sẵn được vận chuyển an toàn, hợp vệ sinh.
  • Trường không tổ chức cho trẻ ăn tại nhà bếp hoặc nhà ăn; tổ chức ăn theo nhóm, lớp hoặc theo suất ăn riêng.
  • Trường hướng dẫn trẻ rửa tay, giữ vệ sinh khi ăn uống.
  • Đảm bảo thông thoáng, giãn cách trong giờ ngủ trưa.

Cách tính điểm của bộ tiêu chí mới vẫn được giữ nguyên. Các cơ sở giáo dục được đánh giá an toàn cao vẫn phải đạt 8 - 10 tiêu chí đầu, mức độ an toàn phải đạt từ 6 - 7 tiêu chí. Dưới 6 tiêu chí sẽ là cơ sở chưa đảm bảo an toàn.

Theo tờ trình, quy định tiêu chí bắt buộc của hoạt động dạy học là tiêu chí về thông khí; quy định tiêu chí bắt buộc của hoạt động bán trú là tiêu chí về hoạt động bán trú.

TP.HCM xem xét cho F1 Covid-19 đi học, đi làm bình thường

Chiều 21.3.2022, tại buổi họp báo định kỳ, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Thị Huỳnh Mai, cho biết Sở Y tế đã họp với các chuyên gia, bộ phận chuyên môn để đánh giá lại tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn. Dự kiến, Sở Y tế sẽ trình UBND TP.HCM cho phép F1 thuộc diện cần theo dõi, đã tiêm đủ 3 mũi vắc xin Covid-19 có thể quay lại làm việc, học tập bình thường.

TP.HCM xem xét cho F1 Covid-19 đi học, đi làm bình thường

Đề xuất này nhằm hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng sản xuất, gián đoạn việc học tập của các em học sinh. Các F1 này vẫn cần tự theo dõi sức khỏe và báo ngay cơ quan y tế gần nhất khi có triệu chứng bất thường.

Riêng đối với các bệnh nhân là F0 vẫn phải thực hiện cách ly tại nhà theo quy định của Bộ Y tế.

Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM thông tin qua nghiên cứu, người nhiễm biến chủng Omicron sẽ có lượng kháng thể nhất định và giảm dần trong 90 ngày sau khi khỏi bệnh. Những trường hợp tái nhiễm gần đây có thể do họ nhiễm biến chủng Delta trước đó rồi dương tính trở lại với biến chủng mới.

Bên cạnh đó, qua quản lý, giám sát, biến thể BA.2 của chủng Omicron đang thay thế dần những chủng vi rút trước đây, chiếm đa số những ca mắc mới. Đa số người nhiễm biến thể BA.2 chọn cách ly, điều trị tại nhà và thường âm tính trong vòng 5 ngày.

Sưu tầm hàng ngàn tờ giấy đi đường, phiếu đi chợ thời Covid

Từng tham gia tuyến đầu chống dịch, làm công tác vận chuyển thiết bị y tế và thuốc men cho bệnh viện dã chiến, lương thực thực phẩm cho các cán bộ lão thành cách mạng, ông Huỳnh Minh Hiệp (49 tuổi, quận Phú Nhuận) suốt nhiều tháng qua đã quyết định tìm kiếm và lưu giữ lại tất cả các loại giấy đi đường, phiếu đi chợ, thẻ tình nguyện viên, các món đồ thời Covid diễn ra 2 năm qua tại TP.HCM.

Sưu tập hàng ngàn tờ giấy đi đường, phiếu đi chợ thời Covid

"Giữ lại phiếu đi chợ, thẻ tình nguyện viên của các thanh niên tình nguyện, y bác sĩ tuyến đầu cũng như giấy đi đường, thẻ mời tiêm chích, thẻ hoàn thành các ly… tôi cũng giữ lại hết để sau này tôi thành lập một bảo tàng để mọi người đến và thấy cơn đại dịch rất kinh khủng", ông Hiệp nói.

Ban đầu, bộ sưu tập chỉ là những giấy tờ của cá nhân, bạn bè xung quanh. Sau đó, ông còn lặn lội đi nhiều tình thành để tìm kiếm các thể loại giấy tờ, đồ đạc trong những ngày cả nước chống dịch. Càng đi nhiều, ông càng hứng thú. Càng sưu tầm, ông càng phát hiện ra nhiều loại giấy tờ độc đáo thời Covid.

"Trong bộ sưu tập tôi có những phiếu rất lạ như phiếu cắt cỏ cho bò ăn ở Tây Ninh.Ở quận 7, quận Tân Phú có phiếu đủ điều kiện tập thể dục tại công viên, những phiếu rất lạ, tôi đã giữ lại cho thế hệ sau", ông Hiệp chia sẻ.

Đây không phải lần đầu ông Hiệp thực hiện sưu tầm các món đồ độc lạ. Trước đó, ông Hiệp đã từng sưu tầm các thể loại poster phim chiếu rạp, hiện vật cải lương trước năm 1975, các món đồ, hiện vật Sài Gòn xưa (trước năm 1975) hay sưu tầm tiền cổ... Đến thời Covid, nhiều người lại đặt dấu hỏi lớn khi không hiểu ông Hiệp sưu tầm những thứ đồ đạc vụn vặt này để làm gì.

Một sáng cuối tuần giữa tháng 3, ông Thế Kiệt, đang công tác tại Ủy ban kiểm tra Quận ủy Q. Phú Nhuận tiện đường đi làm đã mang vội ít giấy tờ và đồ đạc cá nhân thời chống dịch, đóng góp vào bộ sưu tập của ông Hiệp.

Anh Võ Hồ, cán bộ đoàn phường 4, quận 5 cũng mang theo một xe kỉ vật thời Covid như túi cấp cứu, bình ô xy có van đồng hồ, bình phun khử khuẩn cho các gia đình F0 hay cả cuộn dây giăng còn xài dang dở.

Đến nay, bộ sưu tập vẫn đang tiếp tục được bổ sung khi nhiều người ở Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Tiền Giang… biết được ý tưởng sưu tầm kỉ vật thời Covid-19 của ông Hiệp gửi về. Ông dự định sẽ tổ chức một buổi triển lãm vào ngày 27.4, đúng một năm ngày bùng phát đợt dịch 4 tại TP.HCM nếu như tình hình dịch bệnh không quá căng thẳng.

Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 22.3 của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.