Bản tin Covid-19 ngày 24.1: Cả nước 14.362 ca | Bộ Y tế cảnh báo "cuộc chiến vẫn còn dài"
Bản tin Covid-19 ngày 24.1 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên. Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới .
Tự động phát
Bản tin Covid-19 ngày 24.1 của Báo Thanh Niên có những tin tức đáng chú ý sau:
Cả nước 14.362 ca Covid-19, 36.331 ca khỏi
Bản tin của Bộ Y tế ngày 24.1.2022 cho biết tính từ 16h ngày 23.1 đến 16h ngày 24.1, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 14.362 ca nhiễm mới, 36.331 ca khỏi bệnh. Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 163 ca nhiễm Covid-19 do biến thể Omicron.
Bản tin cũng thông báo về 165 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay lên 36.884 ca.
Ngày 24.1: Cả nước 14.362 ca Covid-19, 36.331 ca khỏi | Hà Nội 2.801 ca | TP.HCM 97 ca |
Thông tin về 14.362 ca nhiễm mới như sau:
- 55 ca nhập cảnh.
- 14.307 ca ghi nhận trong nước (giảm 627 ca so với ngày trước đó) tại 61 tỉnh, thành phố (có 9.534 ca trong cộng đồng). Gồm: Hà Nội (2.801), Đà Nẵng (958), Hải Phòng (733), Hưng Yên (644), Thanh Hóa (585), Quảng Ninh (404), Quảng Ngãi (387), Bình Phước (382), Bình Định (363), Nam Định (355), Hải Dương (342), Bắc Ninh (335), Nghệ An (306), Vĩnh Phúc (297), Phú Thọ (295), Bắc Giang (292), Thái Nguyên (288), Hòa Bình (278), Quảng Nam (270), Thừa Thiên-Huế (259), Lâm Đồng (196), Cà Mau (191), Thái Bình (174), Khánh Hòa (159), Tây Ninh (158), Vĩnh Long (152), Quảng Bình (148), Bến Tre (134), Lạng Sơn (133), Quảng Trị (125), Hà Nam (124), Lào Cai (115), Hà Tĩnh (112), Sơn La (109), Ninh Bình (107), Hà Giang (106), Phú Yên (105), TP.HCM (97), Bà Rịa - Vũng Tàu (95), Yên Bái (95), Trà Vinh (93), Tuyên Quang (87), Gia Lai (86), Kon Tum (85), Kiên Giang (78), Hậu Giang (78), Cao Bằng (70), Bình Thuận (64), Bạc Liêu (60), Đắk Nông (51), Đồng Tháp (51), Điện Biên (44), Long An (40), An Giang (36), Bình Dương (31), Cần Thơ (29), Ninh Thuận (26), Lai Châu (26), Đồng Nai (23), Sóc Trăng (21), Tiền Giang (19).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Bến Tre (-213), Hà Nội (-166), Quảng Nam (-165).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Thanh Hóa (+96), Nam Định (+89), Quảng Trị (+65).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 15.734 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 2.155.784 ca nhiễm, đứng thứ 28/224 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 143/224 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 21.841 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27/4/2021 đến nay):
- Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 2.149.095 ca, trong đó có 1.838.363 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
- Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (512.871), Bình Dương (292.523), Hà Nội (111.428), Đồng Nai (99.686), Tây Ninh (87.289).
Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hằng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 36.331 ca
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 1.841.180 ca
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 4.484 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 2.676 ca
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 657 ca
- Thở máy không xâm lấn: 139 ca
- Thở máy xâm lấn: 631 ca
- ECMO: 19 ca
Từ 17h30 ngày 23.1 đến 17h30 ngày 24.1 ghi nhận 165 ca tử vong, gồm:
- Tại TP.HCM (6) trong đó có 4 ca từ các tỉnh chuyển đến như sau: Tiền Giang (2), Đồng Nai (1), Trà Vinh (1).
- Tại các tỉnh, thành phố khác: Bà Rịa - Vũng Tàu (21 ca trong 2 ngày), Đồng Nai (20 ca trong 2 ngày), Vĩnh Long (11), Kiên Giang (11), An Giang (10 ca trong 2 ngày), Hậu Giang (10 ca trong 2 ngày), Tiền Giang (9), Cần Thơ (9), Bình Định (7 ca trong 02 ngày), Đồng Tháp (7), Tây Ninh (6), Trà Vinh (4), Bình Thuận (4), Bắc Ninh (3), Bình Dương (3), Sóc Trăng (3), Hà Giang (2), Quảng Nam (2), Đà Nẵng (2), Bạc Liêu (2), Cà Mau (2), Hà Nam (1), Ninh Bình (1), Thừa Thiên-Huế (1), Hải Dương (1), Lạng Sơn (1), Thái Nguyên (1), Phú Yên (1), Đắk Nông (1), Lâm Đồng (1), Bình Phước (1), Bến Tre (1).
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 157 ca.
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 36.884 ca, chiếm tỉ lệ 1,7% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 25/224 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 128/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 24/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).
Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay là 31.903.505 mẫu tương đương 76.796.163 lượt người, tăng 34.524 mẫu so với ngày trước đó.
Trong ngày 23.1 có 882.832 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 176.429.307 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 78.894.694 liều, tiêm mũi 2 là 73.759.720 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 liều cơ bản) là 23.774.893 liều.
TP.HCM ghi nhận thêm 4 ca nhiễm biến thể Omicron
Ngày 23.1.2022, nguồn tin của Báo Thanh Niên cho biết TP.HCM vừa có kết quả giải trình tự gien vi rút trên mẫu bệnh phẩm ca nhiễm Covid-19 có nghi nhiễm biến thể Omicron.
TP.HCM ghi nhận thêm 4 ca nhiễm Covid-19 biến thể Omicron |
Kết quả phát hiện thêm 4 ca nhiễm biến thể Omicron, trong đó có 2 ca nhập cảnh và 2 ca cộng đồng. Như vậy, tính đến hiện nay, TP.HCM có 72 ca nhiễm biến thể Omicron, trong đó 67 ca nhập cảnh và 5 ca cộng đồng liên quan 1 ca nhập cảnh.
Theo thống kê của Bộ Y tế, đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 140 ca mắc Covid-19 do biến thể Omicron tại Hà Nội (14), Quảng Nam (27), TP.HCM (72), Hải Dương (1), Hải Phòng (1), Thanh Hóa (2), Đà Nẵng (8), Khánh Hòa (11), Long An (1), Quảng Ninh (2), Bình Dương (1).
Từ khi có dịch Covid-19 đến nay, TP.HCM có tổng cộng hơn 513.400 ca nhiễm Covid-19 và gần 20.300 ca tử vong. Hiện tại, TP.HCM chỉ còn hơn 2.600 ca nhập viện tầng 2, tầng 3; 184 ca cách ly tập trung và hơn 8.000 ca cách ly tại nhà. Bên cạnh đó, thành phố cũng đã tiêm gần đạt 20 triệu liều vắc xin Covid-19.
Bộ Y tế cảnh báo "cuộc chiến" với Covid-19 vẫn còn kéo dài
Thông tin của Bộ Y tế cho biết ngày 23.1 có 123 ca tử vong do Covid-19. Đây là số tử vong trong ngày thấp nhất trong khoảng 1 tháng vừa qua. Đặc biệt tại TP.HCM ngày 23.1 chỉ ghi nhận 6 ca tử vong (trong đó có 2 ca chuyển viện từ tỉnh thành khác đến).
Bộ Y tế cảnh báo "cuộc chiến" với Covid-19 vẫn còn kéo dài |
Theo Tiểu ban điều trị, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia, so với trung bình 7 ngày trước, số ca mới ngày 23.1 giảm 24,1%, số tử vong giảm 8,8%, số đang điều trị giảm 208,5%, số ca nặng giảm 16,2%.
So với tuần trước, Tiểu ban điều trị cho biết số mắc mới giảm 5,4%, số tử vong giảm 16,7%, số khỏi bệnh giảm 12,1%, số ca nặng, nguy kịch giảm 12,3%...
Hiện địa phương có nhiều ca nặng nhất vẫn là TP.HCM, tiếp theo là Hà Nội, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Bến Tre.
Bộ Y tế cũng cảnh báo, "cuộc chiến" phòng Covid-19 vẫn còn kéo dài; đáng lo ngại là sự xuất hiện của biến chủng Omicron, nếu biến thể mới này lan tràn sẽ dẫn đến nguy cơ quá tải hệ thống y tế.
Vì vậy, thời gian tới vẫn tập trung công tác phòng chống dịch; nâng cao năng lực điều trị, giảm nguy cơ các ca mắc Covid-19 chuyển nặng và tử vong. Đồng thời, có phương án sẵn sàng các trạm y tế lưu động tại các địa bàn khi dịch diễn biến phức tạp.
Bộ Y tế cũng nỗ lực bảo đảm đủ thuốc, trang thiết bị, vật tư cho điều trị; bảo đảm tất cả mọi người nhiễm vi rút SARS-CoV-2 đều được quản lý, chăm sóc y tế phù hợp, được tiếp cận dịch vụ y tế nhanh và sớm ngay tại địa bàn.
Đồng thời, đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, không để sót người có bệnh nền, tuổi cao; nhất là việc hoàn thành tiêm phủ mũi 3.
33 tỉnh, thành phố là “vùng xanh” Covid-19
Cập nhật cấp độ dịch Covid-19 của Bộ Y tế đến ngày 22.1.2022 cho thấy số tỉnh, thành vùng xanh vẫn là 33 địa phương. Số tỉnh, thành vùng vàng là 24, tăng 1 địa phương so với tuần trước. Tuy nhiên, số địa phương vùng cam lại giảm từ 7 xuống còn 6 tỉnh, thành.
33 tỉnh, thành phố có cấp độ dịch Covid-19 là “vùng xanh” |
Danh sách cụ thể 33 tỉnh, thành phố thuộc vùng xanh - cấp độ 1 gồm: An Giang, Bình Dương, Bình Thuận, Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Cà Mau, Hà Giang, Hà Nam, Hải Dương, TP.HCM, Kiên Giang, Kon Tum, Lai Châu, Long An, Lào Cai, Lạng Sơn, Nghệ An, Ninh Thuận, Phú Thọ, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Ninh, Sóc Trăng, Sơn La, Tuyên Quang, Thái Bình, Thái Nguyên, Tiền Giang, Điện Biên, Yên Bái, Đồng Nai, Đồng Tháp.
Tại TP.HCM, trong ba tuần liên tiếp thành phố duy trì vùng xanh, tương đương cấp độ 1. Để đạt được cấp độ này, TP.HCM đã đạt được 3 tiêu chí (gồm tỉ lệ ca mắc mới tại cộng đồng, độ phủ vắc xin và khả năng, thu dung điều trị) theo nghị quyết 128 của Chính phủ và hướng dẫn 4800 của Bộ Y tế.
24 tỉnh, thành phố thuộc vùng vàng - cấp độ 2 gồm: Bà Rịa- Vũng Tàu, Bạc Liêu, Bến Tre, Cần Thơ, Hà Nội, Bắc Ninh, Gia Lai, Hoà Bình, Hà Tĩnh, Hưng Yên, Hải Phòng, Hậu Giang, Khánh Hoà, Lâm Đồng, Nam Định, Ninh Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Thanh Hoá, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Đắk Nông.
6 tỉnh, thành phố thuộc vùng cam - cấp độ 3 gồm: Bình Phước, Bình Định, Thừa Thiên-Huế, Trà Vinh, Tây Ninh và Vĩnh Long.
Cập nhật cấp độ dịch tại 63 tỉnh, thành phố cũng cho biết hiện cả nước có 131 huyện, xã, phường thuộc vùng đỏ - cấp độ 4, trong số này có 8 huyện, gồm: Thái Nguyên (1), Bắc Kạn (1) và Hải Phòng (6). Số xã, phường thuộc vùng đỏ là 123, gồm: Hải Phòng (80), Vĩnh Long (17), Bắc Kạn (7), Cần Thơ (4), Trà Vinh (4), Đắk Lắk (4), Điện Biên (1), Sơn La (3), Gia Lai (1), Bình Định (1), Thanh Hoá (1).
Để biết được nơi mình đang sống thuộc nguy cơ nào, người dân truy cập vào bản đồ Covid-19 tại trang web capdodich.yte.gov.vn/map. Đây là trang web do Cục Công nghệ Thông tin (thuộc Bộ Y tế) quản lý.
Tại đây, người dân tìm kiếm địa phương mình đang sinh sống, làm việc bằng cách chọn trong danh sách ở góc trên của màn hình. Tiếp đến, chọn cấp độ hành chính quận/huyện/thành phố/thị xã và theo dõi chi tiết bên bảng thống kê cấp độ dịch theo từng xã/phường/thị trấn phía bên trái.
Theo Bộ Y tế, các địa phương căn cứ diễn biến tình hình dịch, thực hiện đánh giá cấp độ dịch trên Cổng thông tin điện tử của địa phương và Bộ Y tế để có các biện pháp tăng cường đối với công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn theo quy định tại Nghị quyết 128 của Chính phủ quy định tạm thời về "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và Quyết định 4800 của Bộ Y tế về hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ.
Khách du lịch tới TP.HCM phải đáp ứng những điều kiện gì?
UBND TP.HCM vừa ban hành Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 đối với hoạt động du lịch tại TP.HCM.
Khách du lịch tới TP.HCM phải đáp ứng những điều kiện gì? |
Bộ tiêu chí quy định đầy đủ yêu cầu đối với tất cả những thành phần của ngành du lịch như: hoạt động của cơ sở lưu trú du lịch, doanh nghiệp lữ hành và điểm tham quan du lịch.
Cụ thể, nếu cơ sở lưu trú đạt hết toàn bộ 10 tiêu chí liên quan đến khách lưu trú, công suất hoạt động, công tác vệ sinh khử khuẩn, quy trình xử lý các tình huống... sẽ được hoạt động và phải cam kết đảm bảo duy trì được các điều kiện an toàn. Cơ sở không đạt từ một tiêu chí thành phần trở lên sẽ không được hoạt động.
Tương tự, các doanh nghiệp cũng phải đảm bảo 10 tiêu chí an toàn về người lao động, khách du lịch, điểm đến trong chương trình, công tác vệ sinh khử khuẩn tại trụ sở, đường dây nóng thông tin hỗ trợ khách và quy trình xử lý các tình huống... thì mới được phép nhận khách, dẫn tour.
Trong đó, yêu cầu đối với khách du lịch được quy định rất chi tiết. Đối với khách nội địa, phải đảm bảo có mã QR xanh trên ứng dụng PC-Covid hoặc xuất trình một trong các giấy tờ gồm:
- Đã khỏi bệnh Covid-19.
- Đã tiêm ít nhất 2 mũi vắc xin hoặc 1 mũi vắc xin (đối với loại vắc xin 1 mũi) có hiệu lực đủ 14 ngày.
- Giấy xác nhận của cơ quan y tế về người thuộc diện phải tiêm vắc xin nhưng không thể tiêm do chống chỉ định.
- Trẻ em chưa đến tuổi tiêm vắc xin.
Đối với khách du lịch quốc tế, đối tượng từ 18 tuổi trở lên phải có hộ chiếu vắc xin hoặc chứng nhận tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 được cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam công nhận. Thời gian tiêm mũi 2 hoặc mũi 1 (đối với loại vắc xin tiêm 1 mũi) có hiệu lực đủ 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm xuất cảnh hoặc có chứng nhận đã khỏi bệnh Covid-19 (hoặc các giấy tờ tương đương xác nhận đã khỏi bệnh do cơ quan có thẩm quyền tại nước điều trị cấp và được Việt Nam công nhận). Thời gian từ lúc xuất viện tính đến thời điểm xuất cảnh không quá 6 tháng.
Đối với khách du lịch dưới 18 tuổi chưa tiêm vắc xin hoặc tiêm chưa đủ liều vắc xin Covid-19 được đi cùng bố mẹ, người giám hộ hợp pháp hoặc người chăm sóc đã tiêm đủ liều vắc xin (hoặc đã khỏi bệnh Covid-19). Đồng thời, đối tượng này phải thực hiện nghiêm các yêu cầu về xét nghiệm và các quy định về phòng, chống dịch theo quy định của Bộ Y tế.
Mới đây, Sở Du lịch TP.HCM đã có công văn xin ý kiến Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM về kế hoạch tổ chức lễ đón đoàn khách quốc tế du lịch đầu tiên đến thành phố. Dự kiến, sau khi kế hoạch Thí điểm tổ chức đón khách quốc tế đến TP.HCM năm 2022 được ban hành, buổi lễ đón đoàn khách đầu tiên sẽ diễn ra trong tháng 1, tại ga đến quốc tế - sân bay Tân Sơn Nhất. Đại diện TP.HCM là lãnh đạo Sở Du lịch sẽ đến chúc mừng và tặng hoa, quà cho đoàn khách được chọn, quy mô dự kiến 100 người.
Nỗi lòng người về quê đón tết trước giờ khởi hành
Chiều 23.1.2022, nhiều người lao động ở TP.HCM đã tới Bến xe Miền đông ở quận Bình Thạnh, TP.HCM để lên xe về quê đón Tết nguyên đán. Đối với nhiều người, năm vừa qua thực sự khó khăn khi dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nhiều tới công việc của họ.
Nỗi lòng người về quê đón tết trước giờ khởi hành ở Bến xe Miền Đông |
Làm ruộng ở quê không đủ ăn nên bà Trần Thị Thơ quyết định lên TP.HCM làm nghề giúp việc nhà. Tuy nhiên, làm được vài tháng thì TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội, bà không bắt được xe để về quê nên đành phải xin ở lại nhà chủ và chấp nhận làm việc không lương.
Ngày đón chuyến xe về quê, bà cũng chỉ còn một ít tiền công của mấy tháng sau dịch và một ít quà tết của chủ nhà cho. Đối với bà có thể cùng dòng người lên chuyến xe về tết đã là một niềm vui.
Mặc dù vậy, trong ngày về quê đón tết cũng có những người không thể mua được gói quà, thậm chí phải nhờ sự giúp đỡ của mọi người mới có thể mua được tấm vé về quê.
Những năm trước, bà Phượng thường bán vé số đến qua tết mới về quê thăm mẹ. Tuy nhiên, năm nay dịch bệnh phải nghỉ nhiều tháng. Cuối năm bà lại gặp chuyện, số tiền tích cóp bấy lâu cũng mất nên mà đành phải về sớm.
Một năm khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 bùng phát, nhưng những ngày tết đến, xuân về. Những người lao động đều nóng lòng được về quê với gia đình.
Còn khoảng một tuần nữa là tới tết nhưng hành khách tới Bến xe Miền Đông vẫn còn thưa thớt, việc mua vé cũng không khó khăn như những năm trước.
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch nên mọi hành khách tới bến xe đều phải khai báo y tế bằng điện thoại hoặc bằng giấy trước khi lên xe.
Theo thống kê của Bến xe Miền Đông, từ ngày 20.1 đến 22.1 có hơn 18.000 hành khách đi xe, đạt 18% so với cùng kỳ. Năm nay, giá vé tăng từ 20 đến 60% tùy tuyến đường và ngày đi.
Biến thể Omicron làm giảm hy vọng đạt miễn dịch cộng đồng với Covid-19
Biến thể Omicron không thể giúp nhiều quốc gia đạt miễn dịch cộng đồng trước Covid-19 như mong đợi trước đó.
Biến thể Omicron làm giảm hy vọng đạt miễn dịch cộng đồng với Covid-19 |
Khi biến thể Omicron mới lây lan nhanh chóng trên toàn thế giới, nhiều chuyên gia đã hy vọng biến thể này cuối cùng sẽ giúp tạo miễn dịch cộng đồng trước Covid-19. Tuy nhiên, hiện tại, các chuyên gia thừa nhận rằng Omicron sẽ không giúp tạo miễn dịch cộng đồng vì khả năng lây nhiễm cho những người đã tiêm vắc xin hoặc từng nhiễm bệnh trước đó của biến thể này còn vượt xa các biến thể trước.
“Một thách thức thực sự không lường trước được là virus đã đột biến quá nhanh trong liên quan đến hệ miễn dịch. Theo tôi phần lớn các nhà khoa học đã không nghĩ rằng những biến thể thoát hệ miễn dịch xuất hiện nhanh chóng như vậy. Trước đây chúng tôi cũng nghĩ là có thể có, nhưng phải cần một thời gian dài”, bà Erin Mordecal, Phó giáo sư sinh học thuộc Đại học Stanford, cho biết.
Các chuyên gia nhận định Omicron đã cung cấp thêm bằng chứng cho thấy virus corona sẽ tiếp tục tìm cách đột phá qua hệ thống miễn dịch của con người.
“Việc tái nhiễm bệnh cũng khiến chúng ta lo ngại vì nó có nghĩa là cho dù bạn không thấy triệu chứng thì bạn vẫn có thể lây cho người khác. Và dựa trên tốc độ lây truyền của virus và vẫn còn một lượng lớn dân số có thể nhiễm và bị bệnh, chúng tôi cho là rất đáng lo ngại”, Tiến sĩ David Wohl, chuyên gia bệnh truyền nhiễm thuộc trường Y đại học Bắc Carolina, nhận định.
Thay vì miễn dịch cộng đồng, nhiều chuyên gia khẳng định đang có thêm nhiều bằng chứng cho thấy các vắc xin và việc từng nhiễm bệnh có thể giúp tăng cường miễn dịch, giúp người nhiễm hoặc tái nhiễm Covid-19 không bị bệnh nặng.
“Tôi nghĩ một số dạng SARS-CoV-2 có khả năng sẽ tồn tại trong thời gian dài với chúng ta, nhưng hy vọng sẽ có các đợt bùng phát dịch nhẹ nhàng hơn, có ít ca nhập viện và tử vong hơn, trở nên giống dịch bệnh theo mùa hơn và có liên quan đến mùa bệnh cúm và bệnh cảm”, theo bà Mordecal.
Dù vẫn còn nhiều người giữ hy vọng đạt miễn dịch cộng đồng với Covid-19, các chuyên gia y tế cho rằng trong tương lai, dù Covid-19 không hoàn toàn bị tiêu diệt nhưng sẽ trở thành một thách thức kiểm soát được và không còn gây khủng hoảng.
Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 24.1 của Báo Thanh Niên.
Bình luận (0)