Bản tin Covid-19 ngày 24.9: Cả nước thêm hàng ngàn ca | Bao giờ lao động được trở lại TP.HCM?
24/09/2021 20:00 GMT+7
Bản tin Covid-19 của Báo Thanh Niên trực tiếp lúc 20 giờ ngày 24.9.2021 tại địa chỉ thanhnien.vn, YouTube, Facebook của Báo Thanh Niên, trang Báo Thanh Niên trên 2 mạng xã hội Lotus và TikTok. Biên tập viên Trúc Huỳnh sẽ đồng hành cùng quý vị trong bản tin hôm nay.
Tự động phát
Bản tin Covid-19 ngày 24.9.2021 của Báo Thanh Niên sẽ có những thông tin đáng chú ý sau:
Cả nước thêm hàng ngàn ca bệnh mới
Bản tin Bộ Y tế tối 24.9 cho biết tính từ 17h ngày 23.9 đến 17h ngày 24.9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 8.537 ca nhiễm mới, 12.371 ca khỏi bệnh.
- Trong ngày, tổng hợp số liệu tử vong do các Sở Y tế công bố trên cdc.kcb.vn ghi nhận 203 ca tử vong tại 12 tỉnh, thành phố nâng tổng số bệnh nhân tử vong lên 18.220 ca.
Thông tin về 8.537 ca nhiễm mới được công bố trong tối 24.9 như sau:
- 7 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
- 8.530 ca ghi nhận trong nước (giảm 935 ca so với ngày trước đó) tại 34 tỉnh, thành phố (có 4.068 ca trong cộng đồng). Gồm: TP.HCM (3.786), Bình Dương (2.978), Đồng Nai (803), Kiên Giang (203), Long An (194), Tiền Giang (112), An Giang (90), Cần Thơ (57), Tây Ninh (53), Đồng Tháp (40), Đắk Lắk (33), Bình Thuận (24), Khánh Hòa (19), Bình Định (18), Ninh Thuận (16), Hà Nam (15), Bà Rịa - Vũng Tàu (13), Vĩnh Long (11), Quảng Bình (9), Phú Yên (9), Quảng Ngãi (7), Hà Nội (5), Cà Mau (6), Đắk Nông (4), Đà Nẵng (4), Thừa Thiên Huế (4), Quảng Trị (4), Hậu Giang (4), Bến Tre (3), Bình Phước (2), Trà Vinh (1), Nghệ An (1), Thanh Hóa (1), Bạc Liêu (1).
- Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: TP.HCM (-1.266), Tây Ninh (-33), Đắk Nông (-29).
- Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Bình Dương (214), Tiền Giang (45), Đồng Nai (43).
- Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 9.894 ca/ngày.
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 736.972 ca nhiễm, đứng thứ 46/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 155/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 7.489 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27.4.2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 732.492 ca, trong đó có 500.680 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Có 16/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Phú Thọ, Ninh Bình, Nam Định, Bắc Giang, Thái Bình, Lạng Sơn.
+ Có 5 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Quảng Ninh, Lào Cai, Hà Tĩnh, Kon Tum, Hải Dương.
+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (362.493), Bình Dương (193.235), Đồng Nai (43.925), Long An (31.425), Tiền Giang (13.643).
- Tổng số ca đã được điều trị khỏi: 505.859
Theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 4.873 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 2.946
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.016
- Thở máy không xâm lấn: 125
- Thở máy xâm lấn: 755
- ECMO: 31
Trong ngày, tổng hợp số liệu tử vong do các Sở Y tế công bố trên cdc.kcb.vn ghi nhận 203 ca tử vong tại 12 tỉnh, thành phố. Gồm: TP.HCM (140), Bình Dương (30), Đồng Nai (15), Long An (7), Cần Thơ (3), An Giang (2), Trà Vinh (1), Đà Nẵng (1), Kiên Giang (1), Bến Tre (1), Bạc Liêu (1), Thanh Hóa (1).
- Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 226 ca.
- Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 18.220 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn so với tỉ lệ 2,1% trên thế giới.
- Trong 24 giờ qua, cả nước đã thực hiện 176.138 xét nghiệm cho 422.688 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện 17.615.727 mẫu cho 50.727.067 lượt người.
- Trong ngày 23.9 có 593.903 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 36.793.910 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 29.534.498 liều, tiêm mũi 2 là 7.259.412 liều.
Lên phương án đón người lao động trở lại TP.HCM
Sở GTVT TP.HCM vừa trình UBND TP phương án phối hợp vận chuyển người lao động tại các tỉnh, thành về TP.HCM.
Theo đó, từ ngày 1.10, TP.HCM sẽ triển khai các phương án phối hợp vận chuyển người lao động (thuộc các doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn TP.HCM, bao gồm công nhân, chuyên gia) tại các tỉnh, thành phố có nhu cầu trở lại TP.HCM.
Người lao động về thành phố phải đáp ứng các điều kiện: Có kế hoạch làm việc (được các doanh nghiệp, hợp tác xã có văn bản xác nhận hoặc gửi thông báo); Đã tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi thứ nhất đủ 14 ngày sau khi tiêm hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 có xác nhận của cơ quan y tế đủ điều kiện tham gia hoạt động; Có kết quả xét nghiệm (SARS-CoV-2) âm tính còn hiệu lực theo quy định của ngành y tế và được UBND tỉnh/thành phố nơi cư trú cho phép di chuyển (đối với địa phương là vùng cam, vùng đỏ).
|
Theo phương án mà Sở GTVT TP xây dựng, hế hoạch đón người lao động bằng đường bộ được thực hiện theo 3 phương thức:
Thứ nhất là đơn vị sử dụng lao động sẽ tự tổ chức bằng cách gửi phương án vận chuyển đến các cơ quan đầu mối (UBND TP.Thủ Đức, các quận, huyện, Ban quản lý Khu chế xuất và công nghiệp thành phố, Ban quản lý Khu công nghệ cao, Ban quản lý dự án, tổng công ty thuộc UBND TP hoặc các bộ, ngành quản lý) để rà soát, tổng hợp gửi Sở GTVT TP xem xét, tổ chức triển khai.
Phương tiện vận chuyển là xe ô tô trên 10 chỗ có đăng ký kinh doanh. Sở GTVT sẽ cấp giấy nhận diện có mã QR cho phương tiện; thông báo đến các tỉnh thành phố kế hoạch vận chuyển. Các phương tiện trả khách tại Bến xe miền Đông hoặc Bến xe miền Tây khi vào TP.HCM. Người lao động di chuyển từ bến xe về nơi cư trú/lưu trú bằng xe taxi đã được Sở cấp phép hoặc phương tiện trung chuyển đã được doanh nghiệp đăng ký trong phương án. Chi phí vận chuyển do đơn vị sử dụng lao động tự chi trả hoặc thỏa thuận với người lao động.
Phương thức 2, Ban quản lý Khu chế xuất, Ban quản lý Khu công nghệ cao... làm đầu mối tổng hợp nhu cầu của các đơn vị mà mình quản lý để phối hợp với Công ty cổ phần xe khách Phương Trang xây dựng kế hoạch vận chuyển. Khi được chấp thuận triển khai, xe chỉ được trả khách tại địa điểm đã đăng ký trong kế hoạch.
Phương thức 3: Tổ chức tuyến vận tải hành khách cố định xuất phát từ bến xe khách liên tỉnh của các tỉnh, thành phố đến Bến xe miền Đông và Bến xe miền Tây. Tần suất hoạt động tối đa 4 chuyến/ngày/tuyến. Đơn vị vận chuyển là các đơn vị kinh doanh vận tải theo tuyến cố định đảm nhận khai thác trên từng tuyến do Sở GTVT TP.HCM thống nhất với Sở GTVT tỉnh, thành phố liên quan và cấp giấy nhận diện QR code cho phương tiện trước khi thực hiện kế hoạch vận chuyển. Chi phí vận chuyển sẽ theo giá vé doanh nghiệp kê khai, niêm yết phù hợp quy định.Sở GTVT dự kiến giai đoạn 1 (từ ngày 1 - 31.10) sẽ triển khai tổ chức vận chuyển bằng đường bộ theo các phương thức 1 và phương thức 2. Giai đoạn 2 (từ ngày 1.11) sẽ đồng thời triển khai cả 3 phương thức.
Đối với phương án vận chuyển người lao động bằng đường sắt và đường hàng không, TP.HCM sẽ thực hiện theo kế hoạch, phương án của Bộ GTVT đảm bảo yêu cầu an toàn phòng chống dịch Covid-19 và phù hợp nhu cầu của các địa phương nơi đi/nơi đến.
Đối với người lao động, Sở GTVT TP.HCM yêu cầu khi mua vé và lên phương tiện phải xuất trình các giấy tờ sau: Bản chụp giấy đề nghị kèm danh sách người lao động của đơn vị tiếp nhận người lao động; Bản chính giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (theo phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên) được thực hiện trong vòng 72 giờ (kể từ khi lấy mẫu) và Giấy xác nhận đã được tiêm 1 mũi vắc xin đã được 14 ngày hoặc giấy xác nhận là người khỏi bệnh Covid-19 của cơ quan có thẩm quyền.
Dự kiến phương án lưu thông tại TP.HCM từ ngày 1.10
Sở GTVT TP.HCM vừa có ý kiến, xây dựng dự thảo gửi UBND TP.HCM về phương án tổ chức lưu thông tại TP.HCM từ ngày 1.10 tới. Theo đó, Sở GTVT TP.HCM yêu cầu người ngồi trên phương tiện phải đảm bảo các điều kiện được phép lưu thông của ngành y tế, tuân thủ 5K, thực hiện khai báo trên địa chỉ suckhoe.dancuquocgia.gov.vn, hoặc ứng dụng VNEID.
Đối với hoạt động vận tải bằng ô tô, đơn vị vận tải phải đảm bảo các điều kiện theo Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động giao thông vận tải an toàn trong công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.
Khu vực phong tỏa: Chỉ cho phép lưu thông các loại xe công vụ, phục vụ công tác phòng chống dịch, vận tải hàng hóa (lương thực, thực phẩm, gas, dược phẩm, thiết bị y tế, thiết bị hỗ trợ ngành y tế, điện, nước, xe xử lý sự cố hệ thống thông tin, hạ tầng kỹ thuật đô thị; tang lễ, xe vận chuyển đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế phục vụ phòng chống dịch, người dân kết thúc thời gian cách ly tập trung, F0.
Khu vực nguy cơ: Ngoài các xe được phép lưu thông tại khu vực phong tỏa, bổ sung thêm xe của: shipper, xe chở hàng hóa, dịch vụ liên quan trực tiếp đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm…), chứng khoán; bưu chính; viễn thông; dịch vụ hỗ trợ vận chuyển; phục vụ sản xuất, xuất nhập khẩu hàng hóa; khám chữa bệnh.
Xe chở thiết bị, vật liệu phục vụ xây dựng, sửa chữa các công trình công cộng, công trình hạ tầng kỹ thuật được phép thi công; dịch vụ bảo trì, sửa chữa, ứng cứu hệ thống hạ tầng trang thiết bị của các cơ quan, tòa nhà, chung cư…; xe taxi được cấp phép hoạt động (có mã QR).
Xe đưa người dân TP về quê và xe đón người dân trở lại TP theo kế hoạch; xe vận chuyển công nhân, chuyên gia được cấp phép hoạt động. Trường hợp khu vực nguy cơ có những tuyến đường liên quận cắt ngang, bắt buộc có lộ trình cho tất cả các loại xe quá cảnh đi qua.
Khu vực bình thường mới: Ngoài các loại xe được phép đi lại tại khu vực nguy cơ, bổ sung thêm xe buýt và xe khách hợp đồng; bến khách ngang sông, bến thủy nội địa và tuyến du lịch đường thủy. Đối với xe khách hợp đồng sẽ được cấp phép hoạt động (có mã QR) để kiểm soát số lượng. Đối với xe buýt sẽ được hoạt động trên từng tuyến cụ thể qua các thông báo của Sở GTVT.
Về hoạt động hàng hóa, đối với khu vực nguy cơ, bình thường mới: xe tải nhẹ chở hàng hóa được phép hoạt động 24/24h cho đến khi có thông báo mới. Xe tải nặng hoạt động theo quyết định số 23/2018/QĐ-UBND năm 2018. Việc vận chuyển hàng hóa từ các điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa vào các điểm phân phối phải tuân thủ theo phương án điều phối của Sở Công thương TP, Ban Quản lý khu chế xuất và khu công nghiệp theo thẩm quyền quản lý.
Về hoạt động vận tải khách: xe buýt, xe taxi, xe hợp đồng đến 9 chỗ (xe công nghệ), xe hợp đồng và xe du lịch phục vụ hoạt động du lịch được phép hoạt động với số lượng, tần suất hoạt động phù hợp với thực tế theo công bố của Sở GTVT và được kiểm soát thông qua mã QR.
Xe vận chuyển công nhân, chuyên gia phải được Sở GTVT cấp giấy nhận diện có mã QR thông qua các đơn vị đầu mối.
Cho phép trạm thu phí đường bộ hoạt động trở lại đối với khu vực bình thường mới.
Hoạt động vận tải hàng hóa: Lưu thông đến và ngang qua TP.HCM phải có mã QR.
Có lộ trình quá cảnh qua TP.HCM, thì không được dừng, đỗ phương tiện, trừ khi phương tiên bị hưu hỏng, sự cố kỹ thuật, sức khỏe của người trên phương tiện…
Phương tiện vận chuyển hàng hóa đến TP.HCM phải tập trung tại các đầu mối, điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa được phép hoạt động.
Xe đưa rước công nhân, chuyên gia được hoạt động với điều kiện: Người trên xe đã tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 1 đủ 14 ngày sau khi tiêm hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 có xác nhận của cơ quan y tế, có kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính còn hiệu lực theo quy định.
Người dân từ các tỉnh vào TP.HCM để khám chữa bệnh (ngoại trừ trường hợp cấp cứu) phải có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 còn hiệu lực 72 giờ. Đồng thời, phải đảm bảo một trong các điều kiện: có giấy chuyển viện hoặc giấy hẹn tái khám; xác nhận của chính quyền địa phương (cấp phường, xã) về cho phép di chuyển đến TP.HCM để khám chữa bệnh. Giấy xác nhận có thể hiện đầy đủ thông tin về: người đi khám bệnh, người chạy xe và phương tiện.
Hoạt động đi, đến sân bay Tây Sơn Nhất thực hiện theo công văn 8272 của Bộ GTVT ban hành ngày 11.8.2021 và công văn 8573 của Bộ GTVT ngày 18.8.2021.
Huyện Cần Giờ xây dựng kế hoạch cho học sinh đi học trở lại
Ngày 24.9, trao đổi với báo chí, ông Lê Minh Dũng, Bí thư Huyện uỷ Cần Giờ (TP.HCM), cho biết huyện này đang xây dựng kế hoạch cho học sinh đi học trở lại sau ngày 30.9 để trình UBND thành phố và Sở GD-ĐT phê duyệt.
Dự kiến từ ngày 1.10, huyện Cần Giờ triển khai giai đoạn 1 kế hoạch phòng chống Covid-19, phục hồi kinh tế, nới dần một số hoạt động theo lộ trình trong đó có giáo dục. Huyện sẽ rà soát điều kiện từng trường học, số lượng giáo viên được tiêm vắc xin đủ 2 mũi, tham khảo ý kiến phụ huynh….
Lãnh đạo huyện Cần Giờ cho hay việc học trực tuyến đối với những học sinh khối lớp nhỏ tương đối khó khăn. Kế hoạch cho học sinh trở lại trường ngoài các biện pháp phòng chống dịch bệnh thì phải căn cứ vào bộ tiêu chí an toàn từ trường học, giáo viên, học sinh. Trước tiên, huyện sẽ ưu tiên cho khối lớp 1, 2, đầu cấp, cuối cấp.
|
Trước đó, vào ngày 9.9, Sở GD-ĐT đã có tờ trình với UBND thành phố về phương án mở cửa lại trường học. Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, để mở cửa trở lại các ngành hoạt động, phục hồi kinh tế… phải tính toán cho học sinh quay trở lại trường. Đây là điều kiện rất quan trọng giúp các địa phương sớm ổn định, giúp phụ huynh yên tâm đi làm. Việc tận dụng “khoảng thời gian vàng” để học sinh đi học trở lại, được học trực tiếp vừa là điều kiện rất cần thiết để đảm bảo chất lượng giáo dục vừa là điều kiện để ổn định xã hội.
Khi TP.Thủ Đức và các quận, huyện được xác định là an toàn trong phòng, chống Covid-19 theo các tiêu chí chung của thành phố, UBND cấp quận, huyện xây dựng kế hoạch mở cửa trường học với các yêu cầu cơ bản. Cụ thể: địa phương phải xác định là an toàn trong phòng, chống Covid-19; Cơ sở giáo dục được đánh giá an toàn theo bộ tiêu chí an toàn phòng, chống Covid-19 trong trường học; Đội ngũ giáo viên phải được tiêm đủ 2 mũi vắc xin trước ngày đến trường ít nhất 2 tuần; Chỉ tổ chức học trực tiếp cho những học sinh trong địa bàn và trên tinh thần tự nguyện.
Ngoài ra, các trường vẫn tiếp tục tổ chức tốt dạy học trên môi trường internet, qua truyền hình… để đáp ứng yêu cầu của những học sinh không thể học trực tiếp cũng như bổ trợ, song hành cùng học trực tiếp trên lớp.
Theo thống kê của Sở GD-ĐT, huyện Cần Giờ có khoảng 13.000 học sinh từ tiểu học đến THPT và khoảng 1.400 giáo viên, nhân viên làm việc tại 26 trường học, trong đó 98% giáo viên đã được tiêm vắc xin. Nếu đảm bảo các điều kiện về an toàn và thỏa mãn yêu cầu của bộ tiêu chí an toàn trường học và được UBND TP phê duyêt thì học sinh huyện Cần Giờ sẽ là những học sinh đi học trở lại sớm nhất trên địa bàn TP.HCM.
Việt Nam sản xuất thành công lô vắc xin Sputnik V đầu tiên
Hôm nay, 24.9, Công ty Vắc xin và sinh phẩm số 1 (VABIOTECH - Bộ Y tế) chính thức công bố sản xuất thành công lô vắc xin phòng Covid-19 Sputnik V (Gam-COVID-Vac) đầu tiên tại Việt Nam.
VABIOTECH cho biết, lô vắc xin Covid-19 Sputnik V đầu tiên sản xuất tại VABIOTECH có mã số SV-030721M đã được Viện Nghiên cứu quốc gia về dịch tễ học và vi sinh vật Gamalaya (Nga) phân tích, thẩm định và đánh giá đáp ứng yêu cầu của tài liệu quy chuẩn.
Lô vắc xin này được sản xuất ngày 26.8 vừa qua tại Việt Nam, từ bán thành phẩm do phía Nga cung cấp.
TS Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch VABIOTECH, cho biết: “Chúng tôi rất vui công bố sản xuất thành công lô vắc xin Sputnik V đầu tiên tại Việt Nam. Lô vắc xin này đã được phía Nga phân tích và đánh giá đáp ứng yêu cầu quy chuẩn. Với lô vắc xin đầu tiên này sẽ giúp cho người dân Việt Nam sớm tiếp cận được nguồn vắc xin chất lượng, góp phần đẩy lùi dịch bệnh Covid-19”.
|
Theo kế hoạch, vắc xin Sputnik V do VABIOTECH sản xuất sẽ được sử dụng trong chương trình tiêm chủng toàn dân tại Việt Nam. Công suất tai VABIOTECH dự kiến đạt 5 triệu liều/tháng.
Vắc xin Sputnik V phát triển dựa trên nền tảng véc tơ adenovirus được đăng ký đầu tiên trên thế giới, lịch tiêm là 2 mũi, khoảng cách giữa 2 mũi là 3 tuần.
Theo kết quả thử nghiệm lâm sàng được công bố trên Tạp chí The Lancet, vắc xin Sputnik V đạt hiệu quả lên tới 91,6%. Riêng đối với tình nguyện viên trên 60 tuổi, tỷ lệ này là 91,8%. Sau tiêm, 98 % tình nguyện viên có kháng thể chống lại SARS-CoV-2.
Tại Việt Nam, vắc xin Sputnik V đã được Bộ Y tế cấp phép ngày 23.3.2021.
Ngày 21.7 vừa qua, VABIOTECH đã chính thức công bố việc sản xuất thử nghiệm vắc xin Sputnik V tại Việt Nam.
Theo dữ liệu về tỷ lệ nhiễm SARS-CoV-2 ở những người được tiêm chủng vắc xin Sputnik V từ ngày 5.12.2020 đến ngày 31.3.2021 tại Nga, hiệu quả bảo vệ của Sputnik V là 97,6%. Vắc xin Sputnik V không ghi nhận dị ứng nghiêm trọng.
Nhiệt độ bảo quản của Sputnik V ở 2 - 8 độ C, có thể được bảo quản trong tủ lạnh thông thường (đáp ứng các yêu cầu về an toàn và vô trùng) mà không cần đầu tư thêm vào cơ sở hạ tầng dây chuyền lạnh.
TP.HCM đang nghiên cứu tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em
Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, trong ngày 23.9, TP.HCM tiêm 73.886 liều vắc xin Covid-19. Tính đến 7 giờ 30 sáng 24.9, TP.HCM đã tiêm tổng cộng hơn 9 triệu liều vắc xin Covid-19, trong đó hơn 1 triệu liều tiêm cho người trên 65 tuổi, người có bệnh nền.
Trong hơn 9 triệu liều vắc xin Covid-19 đã tiêm có gần 6,8 triệu mũi 1 và hơn 2,2 triệu mũi 2. Cũng có hơn 2,3 triệu liều vắc xin Vero Cell đã được tiêm.
TP.HCM cũng vừa tiếp nhận hơn 666.000 liều vắc xin Covid-19 do Bộ Y tế phân bổ, trong đó có hơn 620.000 liều vắc xin Pfizer và 46.000 liều vắc xin Covid-19 AstraZeneca. Như vậy, nhờ số vắc xin mới nhận cộng với số vắc xin còn trong kho (khoảng 700.000 liều, trong đó có 500.000 liều Vero cell), TP.HCM còn hơn 1,3 triệu liều vắc xin Covid-19 để tiêm mũi 1 và mũi 2 cho người dân. Tính đến 31.10, TP.HCM còn cần khoảng 4,6 triệu liều vắc xin Covid-19 nữa để tiêm phủ mũi 2.
Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), TP sẽ nới lỏng dần từng bước các hoạt động kinh tế theo lộ trình trên cơ sở kiểm soát rủi ro về dịch tễ và mức độ bảo vệ của người dân gồm căn cứ theo hai trụ cột là tiến độ tiêm vắc xin Covid-19 và an toàn của hệ thống y tế theo từng giai đoạn, địa bàn cụ thể. Các lộ trình nới lỏng cũng được xác định gồm giai đoạn từ 1.10.2021-31.10.2021, giai đoạn 1.11.2021 – 15.1.2022 và giai đoạn sau 15.1.2022. Trong thời gian tới, TP tiếp tục chiến dịch tiêm vắc xin, đảm bảo tiêm mũi 1 cho tất cả người trên 18 tuổi, tiêm mũi 2 cho toàn bộ người tiêm mũi 1, ưu tiên tuyến đầu, người có nguy cơ cao.
Cùng với đó, TP.HCM nghiên cứu phương án tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em, trẻ em có nguy cơ cao như có bệnh nền, béo phì.
HCDC khuyến cáo, sau khi tiêm vắc xin Covid-19, mỗi người cần tiếp tục phòng bệnh theo thông điệp 5K để bảo vệ cho bản thân và cộng đồng trước đại dịch Covid-19.
TP.HCM rút ngắn khoảng cách 2 mũi tiêm vắc xin AstraZeneca
Ngày 24.9, Văn phòng UBND TP.HCM có văn bản gửi Sở Y tế truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức về khoảng cách giữa 2 mũi tiêm vắc xin Covid-19 AstraZeneca.
Theo đó, UBND TP.HCM thống nhất đề xuất của Sở Y tế tại công văn 6791 ngày 21.9 và giao Sở Y tế chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện đúng theo quy định.
Trước đó, ngày 9.9, Sở Y tế TP.HCM có văn bản kiến nghị Bộ Y tế cho phép rút ngắn khoảng cách giữa 2 mũi tiêm vắc xin Covid-19 AstraZeneca (hoặc Pfizer thay thế) từ 8 – 12 tuần xuống còn 6 tuần nhằm tăng cường độ bao phủ vắc xin trên địa bàn TP.
Ngày 20.9, Bộ Y tế có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố hướng dẫn về khoảng cách tiêm mũi 2 vắc xin Covid-19 AstraZeneca vì trước đó UBND tỉnh Long An và Sở Y tế TP.HCM đề xuất rút ngắn khoảng cách tiêm mũi 2 đối với người đã tiêm mũi 1 bằng vắc xin AstraZeneca.
|
Tại công văn này, Bộ Y tế cho biết, hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất vắc xin Covid-19 AstraZeneca là sau khi tiêm mũi 1 từ ngày thứ 22 thì hiệu lực bảo vệ của vắc xin đạt 69,2%; sau khi tiêm mũi 2 dưới 6 tuần đạt 55,1%, từ 6 - 8 tuần đạt 59,7% và sau 12 tuần đạt 80%. Cũng theo hướng dẫn của nhà sản xuất thì mũi 2 nên được tiêm trong khoảng từ 4 - 12 tuần sau mũi 1. Còn theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khoảng cách giữa 2 mũi vắc xin AtraZeneca từ 8 - 12 tuần. Bộ Y tế đã hướng dẫn tiêm mũi 2 vắc xin Covid-19 AstraZeneca hoặc vắc xin Pfizer (nếu thiếu AstraZeneca) là sau 8 - 12 tuần kể từ ngày được tiêm mũi 1 (quyết định số 3588 ngày 26.7 và công văn số 6030 ngày 27.7).
Do đó, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế tỉnh, thành phố căn cứ khuyến cáo của WHO, hướng dẫn của nhà sản xuất và hướng dẫn của Bộ Y tế về tiến độ tiêm chủng, hiệu lực của việc bảo vệ khi tiêm mũi 2 để tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố về thời gian tiêm vắc xin mũi 2 cho người đã tiêm mũi 1 bằng vắc xin Covid-19 AstraZeneca. Thời gian tối thiểu giữa hai mũi vắc xin phải đảm bảo tuân thủ theo hướng dẫn của nhà sản xuất và phù hợp với tình hình dịch bệnh, đáp ứng được công tác phòng chống dịch…
Ngày 21.9, Sở Y tế TP.HCM có văn bản gửi UBND TP.HCM đề xuất khoảng cách giữa 2 mũi tiêm vắc xin Covid-19 AstraZeneca là 6 tuần thay vì từ 8 - 12 tuần như trước đây sau khi có hướng dẫn của Bộ Y tế.
Theo Sở Y tế TP.HCM, nhằm đẩy nhanh tiến độ bao phủ vắc xin phòng Covid-19, căn cứ hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất vắc xin Covid-19 AstraZeneca, mũi 2 nên được tiêm trong khoảng từ 4 - 12 tuần sau mũi 1, Sở Y tế đề xuất UBND TP.HCM áp dụng đối với người tiêm mũi 1 bằng loại vắc xin AstraZeneca, thời gian khoảng cách tiêm mũi 2 bằng vắc xin AstraZeneca hoặc Pfizer tối thiểu là 6 tuần.
Nếu được UBND TP.HCM cho phép áp dụng khoảng cách tiêm mũi 2 như trên, Sở Y tế sẽ chỉ đạo các đơn vị tiêm chủng, khi thực hiện tiêm vắc xin mũi 2 bằng vắc xin AstraZeneca hoặc vắc xin Pfizer cho những người đã được tiêm mũi 1 bằng vắc xin AstraZeneca phải thông tin đầy đủ, giải thích rõ hiệu lực bảo vệ theo các thời điểm tiêm mũi 2, tính an toàn về khoảng cách tiêm mũi 2 để người dân biết và đồng thuận tham gia.
Shipper TP.HCM tắt app, nghỉ làm vì chưa được test Covid-19
Từ hơn 4 giờ sáng ngày 24.9.2021, ông Trần Văn Hùng, một shipper tại quận Gò Vấp tới một địa điểm lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 ở đường Quang Trung, quận Gò Vấp sau khi đã đăng ký. Tuy nhiên, tới nơi chờ tới gần 7 giờ mà vẫn chưa thể lấy mẫu xét nghiệm Covid-19.
Sau đó, ông được thông báo địa điểm này chưa sẵn sàng hoạt động vào buổi sáng. Các shipper chỉ có thể đăng ký xét nghiệm từ 4 giờ chiều hoặc đổi địa điểm xét nghiệm khác.
Tại một địa điểm xét nghiệm khác trên ở đường Phan Văn Hớn, quận 12, một số shipper cũng tới địa điểm mà công ty cung cấp những cũng đành phải ra về sau khi nghe thông báo.
Trước đó, UBND TP.HCM đã có quyết định về việc các doanh nghiệp giao hàng thông qua ứng dụng công nghệ sẽ chịu trách nhiệm tổ chức xét nghiệm nhanh cho đội ngũ tài xế theo nguyên tắc mẫu gộp 3 người, 3 ngày/lần và cập nhật kết quả vào kho dữ liệu chung của thành phố. Thời gian bắt đầu thực hiện từ từ ngày 24.9 đến 30.9.
Theo đó, doanh nghiệp có thể chủ động chọn hai phương án. Một là Sở Y tế sẽ cung cấp miễn phí bộ xét nghiệm và doanh nghiệp tự bố trí nhân sự đi tập huấn, tổ chức các điểm xét nghiệm cho tài xế. Hai là doanh nghiệp ký hợp đồng dịch vụ trả phí với các cơ sở y tế để shipper tự đến điểm xét nghiệm Covid-19.
Đi xét nghiệm dịch vụ Covid-19, shipper ngỡ ngàng
Đến điểm xét nghiệm từ sáng sớm nhưng đã vài tiếng đồng hồ trôi qua, ông Hoàng Văn Hinh (57 tuổi, tài xế hãng Bee) vẫn đang phải ngồi giữa đám đông chờ đợi kết quả tại bệnh viện quận 1 (cơ sở 2, ở đường Trần Hưng Đạo, quận 1, TP.HCM).
Từ vài ngày qua, sau khi nhiều điểm xét nghiệm miễn phí lưu động tại các trạm y tế phường đã dừng hoạt động, nhiều shipper đã loay hoay tìm các điểm xét nghiệm dịch vụ để có giấy xét nghiệm Covid-19 mới được tiếp tục lưu thông trên đường.
|
Sáng 24.9, “biển shipper” đứng đông kín trước cổng viện quận 1 từ 6 giờ sáng để chờ được test nhanh Covid-19. Không ít người ngỡ ngàng vì những tưởng xét nghiệm dịch vụ mất phí sẽ không phải chờ đợi.
Vài ngày qua, các shipper đã phải tìm các cơ sở xét nghiệm dịch vụ để test nhanh, có giấy xác nhận kết quả âm tính và đi làm. Tuy nhiên, nhiều cơ sở không nhận test mẫu gộp khiến chi phí đội lên quá cao nên họ phải tập trung chờ đợi ở những nơi nhận test mẫu gộp như Bệnh viện quận 1.
Bác sĩ Nguyễn Tô Bảo Hoàng - Phó giám đốc Bệnh viện Q.1 (cơ sở 2), cho biết bệnh viện đưa ra chính sách xét nghiệm mẫu gộp và thiết lập quy trình xét nghiệm xét nghiệm hoàn chỉnh, nhanh chóng nhất có thể để hỗ trợ lực lượng shipper.
Do lượng người quá đông dồn vào buổi sáng ở Bệnh viện Q.1, CSGT P. Bến Thành (Q.1) và cảnh sát khu vực đã phải căng mình làm việc, nhắc nhở lực lượng tài xế đảm bảo giãn cách, không tập trung nói chuyện và đi liền sau khi nhận mẫu.
Không tiền mua thiết bị cho con học online, bà mẹ làng chài khóc nghẹn
'Mỗi lần không mượn được máy tính cho con học, con lại khóc, tôi thương lắm, lại ôm con khóc', chị Nguyễn Thị Hằng (36 tuổi), ở làng chài ven sông Hồng (thuộc xã Văn Đức, H.Gia Lâm, Hà Nội), nghẹn ngào chia sẻ.
Đã 2 tuần nay, Nguyễn Văn Phú (học sinh lớp 2 Trường tiểu học Văn Đức, xã Văn Đức, H.Gia Lâm) không có thiết bị để học trực tuyến vì nhà em ở trên sông Hồng. Con thuyền của gia đình cũng chính là ngôi nhà của em suốt bao năm qua. Bố làm nghề chài lưới trên sông, còn mẹ đi làm thuê ở làng gốm Bát Tràng với thu nhập chỉ khoảng 100.000 đồng/ngày, nên gia đình em gặp không ít khó khăn. Dịch Covid-19 ập đến, Hà Nội giãn cách xã hội nên em không được tới trường mà phải ở nhà học trực tuyến. Tuy nhiên, gia đình không thể mua được điện thoại hay máy tính để em học.
|
Chị Nguyễn Thị Hằng (mẹ Phú) nghẹn ngào chia sẻ: “Tôi cho con vào làng mượn máy tính của anh họ để học nhưng 1 tuần chỉ mượn được 1 - 2 buổi, vì anh cũng phải học. Mỗi lần không mượn được máy tính cho con để học, con lại khóc, tôi thương lắm, lại ôm con khóc”.
Chị Hằng cho biết ở trên sông, sóng cũng kém nên có mượn được về học thì rất phập phù. Cô giáo cũng gửi bài tập cho Phú để làm thêm. Cô gửi bài nào Phú tự làm bài đấy, nhưng vẫn không theo kịp chương trình. “Tôi cũng tự đặt câu hỏi ra cho con làm, nhưng mình làm sao dạy được bằng cô giáo. Con không hiểu được bài, nên không theo kịp các bạn”, chị Hằng buồn rầu nói.
Ở làng chài này không riêng Phú bị học bập bõm như vậy, mà có không ít học sinh cũng rơi vào cảnh tương tự. Em Nguyễn Đức Anh, học sinh lớp 2 Trường tiểu học Văn Đức, cho biết nhà có 3 anh em đều phải học trực tuyến, nhưng có duy nhất 1 chiếc điện thoại, nên chỉ thỉnh thoảng em mới mượn được của anh để học.
Chị Nguyễn Thị Tẹo (mẹ Đức Anh) cho biết gia đình chị sống lênh đênh trên thuyền mấy chục năm qua. Chị sinh ra lớn lên ở làng chài, bố mẹ chị hiện đã lên bờ sinh sống nhưng chị lấy chồng cùng cảnh, nên vẫn theo chồng sống ở đây. “Chồng tôi lênh đênh trên sông nước suốt ngày, còn tôi đi làm thuê nhưng dịch phải nghỉ. 3 cháu đang tuổi ăn học, mà không đủ thiết bị để dùng”, chị kể.
Xử phạt chủ quán vịt quay ở Đông Hà mở bán ngày giãn cách
Ngày 24.9.2021, Công an TP.Đông Hà đã xử lý chủ tiệm vịt quay Hải Béo vì mở cửa bán cho khách mang về trong lúc toàn thành phố đang giãn cách theo Chỉ thị 16/2020 của Thủ tướng chính phủ để phòng chống Covid-19.
Vào sáng 23.9, tổ tuần tra Công an TP.Đông Hà trong lúc đang làm nhiệm vụ trên địa bàn về giãn cách xã hội đã phát hiện quán Hải Béo do anh Chu Văn Hải làm chủ đang mở cửa và phục vụ bán hàng cho khách đem về.
Sau khi kiểm tra thủ tục hành chính, tổ tuần tra xác định anh Chu Văn Hải không trình được các loại giấy tờ liên quan về các điều kiện cần và đủ để kinh doanh.
Ngoài ra, quán cũng chưa có các biện pháp phòng, chống dịch khi kinh doanh bán hàng cho khách. Tổ tuần tra đã lập biên bản đối với anh Chu Văn Hải về hành vi không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền dịch bệnh Covid-19.
Chủ quán Hải Báo còn bị lập biên bản về hành vi không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng theo Nghị định số 117/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Chật vật xin vào thành phố ở cửa ngõ Đà Nẵng
Dưới cơn mưa như trút nước do ảnh hưởng của bão số 6, người dân mắc kẹt ở tỉnh Quảng Nam không được vào Đà Nẵng vì thiếu giấy tờ, sau khi được lực lượng chức năng giải thích, hướng dẫn các quy định của UBND TP.Đà Nẵng, nhiều người buồn bã quay đầu xe… tuy nhiên nhiều người tỏ ra rất bức xúc vì quá khổ sở với việc đi xin giấy tờ để được ra vào TP.Đà Nẵng.
|
Sau khi Sở Y tế TP.Đà Nẵng ban hành công văn gửi các sở, ban, ngành, địa phương về việc hướng dẫn người dân ra, vào thành phố. Những ngày qua, đã có rất nhiều phương tiện di chuyển đến chốt kiểm soát dịch Trạm cửa ô Hòa Phước (xã Hòa Phước, H.Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) để quay trở về nhà sau nhiều tháng mắc kẹt ở tỉnh Quảng Nam vì dịch bệnh Covid-19.
Ngày 23.9.2021, dưới cơn mưa tầm tã, PV Thanh Niên có mặt tại chốt kiểm soát dịch Trạm cửa ô Hòa Phước để ghi nhận tình hình người dân ra vào TP.Đà Nẵng. Theo quan sát, có rất nhiều phương tiện từ hướng TX.Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) không được qua chốt kiểm soát dịch vì những trường hợp này không có văn bản cho phép của UBND TP.Đà Nẵng.
|
Giữa quốc lộ 1 đông đúc xe cộ xếp hàng chờ qua chốt kiểm soát dịch và dòng người từ tỉnh Quảng Nam vẫn ùn ùn đến chốt kiểm soát dịch cửa ngõ Đà Nẵng lại phải ngậm ngùi quay về vì thiếu giấy tờ. Với họ chưa bao giờ đoạn đường từ quê ra TP.Đà Nẵng lại xa và khó khăn đến vậy.
Còn rất nhiều tin tức, phóng sự đáng chú ý khác trong Bản tin Covid-19 ngày 24.9 lúc 20 giờ trên các nền tảng của Báo Thanh Niên.
Covid-19
giãn cách xã hội
vắc xin Covid-19
bản tin Covid-19
di biến động dân cư
Bản tin Covid-19 hôm nay
xét nghiệm cho shipper
phòng chống Covid-19
Bình luận (0)