Bản tin Covid-19 ngày 26.1: Cả nước thêm 15.954ca mới | TP.HCM sẽ tiêm vắc xin xuyên tết
Bản tin Covid-19 ngày 26.1 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên . Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới.
Tự động phát
Bản tin Covid-19 ngày 26.1 của Báo Thanh Niên có những tin tức đáng chú ý sau:
Cả nước ghi nhận thêm 15.954 ca Covid-19 mới, 20.540 ca khỏi bệnh
Bản tin Bộ Y tế tối 26.1.2022 cho biết tính từ 16h ngày 25.1 đến 16h ngày 26.1, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 15.954 ca nhiễm mới, 20.540 ca khỏi bệnh.
Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 166 ca mắc Covid-19 do biến thể Omicron.
Bản tin cũng thông báo về 155 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay lên 37.165 ca.
Ngày 26.1 Cả nước 15.954 ca Covid-19, 20.540 ca khỏi | Hà Nội 2.884 ca | TP.HCM 121 ca |
Thông tin về 15.954 ca nhiễm mới như sau:
- 69 ca nhập cảnh
- 15.885 ca ghi nhận trong nước (tăng 186 ca so với ngày trước đó) tại 61 tỉnh, thành phố (có 10.571 ca trong cộng đồng). Gồm: Hà Nội (2.884), Đà Nẵng (991), Bắc Ninh (865), Hải Phòng (702), Thanh Hóa (587), Quảng Nam (572), Bắc Giang (485), Vĩnh Phúc (465), Bình Định (433), Hòa Bình (425), Quảng Ngãi (396), Hưng Yên (387), Hải Dương (370), Nam Định (360), Bình Phước (315), Bến Tre (301), Quảng Ninh (297), Nghệ An (294), Thái Bình (270), Phú Thọ (270), Thừa Thiên Huế (255), Cà Mau (244), Thái Nguyên (235), Lâm Đồng (229), Lào Cai (202), Kon Tum (192), Lạng Sơn (154), Vĩnh Long (153), Khánh Hòa (145), Sơn La (140), Hà Nam (137), Tây Ninh (136), Hà Tĩnh (131), Ninh Bình (121), TP.HCM (121), Quảng Bình (121), Quảng Trị (120), Điện Biên (117), Bà Rịa - Vũng Tàu (115), Tuyên Quang (110), Hà Giang (109), Yên Bái (100), Trà Vinh (96), Bình Thuận (87), Bình Dương (76), Đắk Nông (69), Cao Bằng (62), Hậu Giang (57), Đồng Tháp (54), Cần Thơ (44), Đồng Nai (39), Long An (39), An Giang (37), Lai Châu (32), Ninh Thuận (29), Kiên Giang (28), Sóc Trăng (26), Tiền Giang (26), Bắc Kạn (23), Gia Lai (3), Đắk Lắk (2).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Hưng Yên (-236), Thanh Hóa (-98), Phú Thọ (-93).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Bắc Ninh (+305), Quảng Nam (+271), Hà Tĩnh (+131).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 15.574 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 2.187.481 ca nhiễm, đứng thứ 28/224 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 143/224 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 22.161 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):
- Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 2.180.679 ca, trong đó có 1.921.792 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
- Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (513.091), Bình Dương (292.660), Hà Nội (117.268), Đồng Nai (99.756), Tây Ninh (87.571).
Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hằng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 20.540 ca
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 1.924.609 ca
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 4.402 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 3.006 ca
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 645 ca
- Thở máy không xâm lấn: 118 ca
- Thở máy xâm lấn: 616 ca
- ECMO: 17 ca
Từ 17h30 ngày 25.1 đến 17h30 ngày 2.1 ghi nhận 155 ca tử vong, gồm:+ Tại TP.HCM (8) trong đó có 5 ca từ các tỉnh chuyển đến như sau: Tiền Giang (1), Sóc Trăng (1), Đồng Tháp (1), An Giang (1), Bình Phước (1).+ Tại các tỉnh, thành phố khác: Hà Nội (19), Đồng Nai (11 ca trong 02 ngày), Vĩnh Long (9), Khánh Hòa (7 ca trong 02 ngày), Bà Rịa - Vũng Tàu (7), Kiên Giang (7), Cần Thơ (7), Bắc Ninh (6), Đồng Tháp (6), An Giang (6), Bến Tre (6), Bạc Liêu (5 ca trong 2 ngày), Sóc Trăng (5), Huế (5), Đà Nẵng (5), Quảng Ngãi (4 ca trong 2 ngày), Bình Thuận (4), Hậu Giang (4), Trà Vinh (3), Bình Phước (3), Tiền Giang (3), Lạng Sơn (2 ca trong 2 ngày), Bình Định (2), Hà Giang (2), Đắk Lắk (2), Tây Ninh (2), Cà Mau (2), Hải Dương (1), Ninh Bình (1), Đắk Nông (1).
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 150 ca.
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 37.165 ca, chiếm tỷ lệ 1,7% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 25/224 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 128/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 24/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).
Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay là 32.010.511 mẫu tương đương 76.930.534 lượt người.
Trong ngày 25.1 có 1.442.562 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 178.818.612 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 78.945.692 liều, tiêm mũi 2 là 73.967.094 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 liều cơ bản) là 25.905.826 liều.
TP.HCM tiêm vắc xin Covid-19 xuyên tết, không phân biệt thường trú, tạm trú
Ngày 26.12, Sở Y tế TP.HCM cho biết, trước các diễn biến mới của dịch bệnh Covid-19, sự xuất hiện của biến thể Omicron, để thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, TP.HCM tiếp tục đẩy mạnh tiêm vắc xin Covid-19 liều bổ sung và nhắc lại (mũi 3) để tăng cường miễn dịch, hiệu quả phòng bệnh cho người dân.
Theo đó, TP.HCM tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân bằng cách vẫn tiếp tục tổ chức tiêm vắc xin Covid-19 trong suốt kỳ nghỉ Tết Nguyên đán trên địa bàn 22 quận, huyện và TP.Thủ Đức.
TP.HCM sẽ tiêm vắc xin Covid-19 xuyên Tết, không phân biệt thường trú hay tạm trú |
Người dân đang ở tại thành phố, bất kể là thường trú hay tạm trú có nhu cầu tiêm vắc xin Covid-19 có thể đến bất kỳ điểm tiêm nào trên địa bàn để được tiêm chủng (không cần đăng ký danh sách trước). TP.HCM sẽ nỗ lực bao phủ vắc xin Covid-19 trong cộng đồng đến hết tháng 2.2022 theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Theo Sở Y tế TP.HCM, trong bối cảnh Tết Nguyên đán Nhâm Dần đang cận kề, TP.HCM đã ghi nhận 87 ca nhiễm biến thể Omicron từ các trường hợp nhập cảnh và 5 ca trong cộng đồng.
Mặt khác, trong thời gian qua, hầu hết các trường hợp tử vong do Covid-19 trên địa bàn thành phố ghi nhận đa số ở người thuộc nhóm nguy cơ như người lớn tuổi, người có bệnh nền, người chưa tiêm vắc xin Covid-19 hoặc tiêm chưa đủ liều.
Ngoài ra, hiệu quả vắc xin Covid-19 có thể giảm dần theo thời gian, vì vậy việc tiêm mũi 3 sẽ giúp tăng khả năng bảo vệ của cơ thể trước biến thể Omicron và các biến thể khác của Covid-19.
TP.HCM tiêm vắc xin Covid-19 xuyên tết |
DUY TÍNH |
Sở Y tế cũng khuyến cáo, người đã từng mắc Covid-19 trước đó thì vẫn nên tiêm vắc xin, vì thực tế cho thấy vẫn có khả năng tái nhiễm biến thể Omicron, vẫn có nguy cơ bị bệnh nặng, nguy cơ truyền vi rút cho người khác. Tiêm đủ liều vắc xin, cho dù đã bị nhiễm Covid-19 hay chưa, là cách tốt nhất để bảo vệ cơ thể với biến thể Omicron để không bị bệnh nặng, không phải nhập viện và giảm nguy cơ tử vong.
Tính đến ngày 26.1, TP.HCM đã tiêm hơn 19,9 triệu liều vắc xin Covid-19. Trong đó, có hơn 8,1 triệu liều mũi 1, hơn 7,28 triệu liều mũi 2 và hơn 4,5 triệu liều mũi 3.
Hà Nội yêu cầu các đơn vị y tế sẵn sàng ứng phó biến chủng Omicron dịp tết
Mới đây, Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các đơn vị chủ động ứng phó với dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là biến chủng Omicron trong dịp Tết sau khi Hà Nội công bố việc đã ghi nhận 14 ca mắc Covid-19 thuộc biến thể Omicron.
Cụ thể, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các đơn vị thường trực 4 cấp, bao gồm:
- Trực lãnh đạo, xử lý đường dây nóng
- Trực chuyên môn
- Trực hành chính - hậu cần
- Trực bảo vệ - tự vệ
Cùng với đó, các đơn vị phải có kế hoạch phòng, chống cháy nổ, thảm họa, tai nạn hàng loạt; phòng, chống rét cho người bệnh. Đồng thời, các đơn vị tuyến trên sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến dưới khi cần thiết.
Hà Nội yêu cầu các đơn vị y tế sẵn sàng ứng phó với biến chủng Omicron trong dịp Tết |
Sở Y tế Hà Nội đề nghị các bệnh viện phải tổ chức tốt công tác cấp cứu, khám, chữa bệnh cho người dân, bảo đảm người bệnh cấp cứu được khám và điều trị kịp thời, không được từ chối hoặc xử trí chậm trễ. Trong trường hợp trái tuyến, trái chuyên khoa thì cơ sở y tế phải xử lý cấp cứu ban đầu ổn định mới chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế khác. Từng đơn vị chuẩn bị thuốc, máu, dịch truyền, trang thiết bị và nguồn nhân lực để cấp cứu, khám, chữa bệnh, đặc biệt là cấp cứu tai nạn giao thông, ngộ độc thực phẩm.
Ngoài ra, Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm chế độ báo cáo hằng ngày và kịp thời báo cáo mọi diễn biến bất thường để có phương án chỉ đạo giải quyết kịp thời. Các đơn vị cần chủ động ứng phó với dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là biến chủng mới Omicron. Ngoài ra, có kế hoạch cụ thể về dự trữ thuốc, dịch truyền, ô xy, vật tư, hóa chất, giường bệnh, phương tiện cấp cứu và cấp cứu ngoại viện để sẵn sàng đáp ứng, bảo đảm tốt công tác thu dung, cấp cứu điều trị, cách ly người bệnh.
Trong hơn 160 ca nhiễm Covid-19 do biến thể Omicron tại 13 tỉnh, thành phố, Hà Nội có 14 ca; còn lại 149 ca ghi nhận tại 12 tỉnh, thành phố gồm: Quảng Nam, TP.HCM, Hải Dương, Hải Phòng, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Long An, Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang, Bình Dương.
Hơn 9,8 tỉ liều vắc xin Covid-19 đã được phân bổ trên toàn cầu
Đến 17 giờ chiều 26.1 (theo giờ Việt Nam), theo cập nhật từ Đại học Johns Hopkins của Mỹ, toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng hơn 358.832.000 ca nhiễm Covid-19, hơn 5.616.000 ca tử vong và hơn 9.850.294.000 liều vắc xin Covid-19 đã được phân bổ.
- Với hơn 72.178.000 trường hợp mắc bệnh, Mỹ là quốc gia dẫn đầu thế giới về số ca nhiễm Covid-19. Mỹ cũng đã ghi nhận 872.126 bệnh nhân tử vong.
- Ấn Độ xếp thứ hai với hơn 40.085.000 ca nhiễm và 491.127 người tử vong vì Covid-19.
- Kế tiếp là Brazil với hơn 24.342.000 ca Covid-19 và 624.129 ca tử vong vì Covid-19.
- Pháp xếp ở vị trí thứ tư với hơn 17.420.000 ca nhiễm Covid-19 cùng 130.481 ca tử vong.
- Vương Quốc Anh xếp thứ năm với hơn 16.158.000 ca nhiễm và 154.875 ca tử vong.
'Tích trữ điều dưỡng' trong đại dịch Covid-19, các nước giàu nhận chỉ trích
Hội đồng Điều dưỡng Quốc tế nói điều đó làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu nhân sự ở nước nghèo và làm tăng bất bình đẳng về sức khỏe. Liên đoàn này đại diện cho 27 triệu điều dưỡng, y tá và 130 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Giám đốc ICN Howard Catton cho biết: "Tôi thực sự lo sợ rằng giải pháp khắc phục nhanh này hơi giống như những gì chúng ta đã thấy với thiết bị bảo hộ cá nhân và vắc xin. Tức là các nước giàu đang sử dụng sức mạnh kinh tế của họ để mua và tích trữ. Và nếu như họ cũng làm vậy với lực lượng điều dưỡng, điều đó sẽ khiến tình trạng bất bình đẳng trở nên tồi tệ hơn, tình trạng thiếu hụt sẽ trở nên tồi tệ hơn đối với nhiều quốc gia".
Trước đại dịch, toàn cầu đã thiếu 6 triệu điều dưỡng, y tá. Theo số liệu của ICN, gần 90% tình trạng thiếu hụt đó xảy ra ở các nước có thu nhập trung bình và thấp.
Nhiều nước phương Tây đã thuê quân nhân, tình nguyện viên và người về hưu để bù đắp thiếu hụt. Nhưng nhiều nước cũng dùng cách tuyển dụng từ bên ngoài để giải quyết vấn đề.
Điều dưỡng làm việc tại ICU của bệnh viện ở Canada |
reuters |
"Một số người nhìn vào tình trạng này và nói rằng các quốc gia giàu có đang giảm bớt chi phí đào tạo điều dưỡng và nhân viên y tế mới. Nhiều nước đã trả tiền cho giáo dục, đầu tư vào số điều dưỡng này và ngay sau khi họ được đào tạo, một nước giàu hơn sẽ đến tuyển dụng mà không trả chi phí đào tạo", ông Catton nói.
Ông nói thêm rằng một số y tá được tuyển đến các quốc gia giàu có đến từ vùng cận Sahara của châu Phi và một số vùng của Caribe. Các điều dưỡng thường bị hấp dẫn bởi mức lương cao hơn và phúc lợi tốt hơn so với ở quê nhà.
Bên cạnh đó, các y tá còn được tạo điều kiện thuận lợi bằng cách cung cấp tình trạng nhập cư ưu tiên.
Ông Catton cho biết: "Thứ mà Covid để lại là một cuộc khủng hoảng lực lượng y tế toàn cầu. Và cũng giống như đại dịch, chúng ta không thể tự mình giải quyết vấn đề đó cho chỉ một quốc gia, mà phải có sự nỗ lực hợp tác toàn cầu, một cách nghiêm túc chứ không phải hô hào".
Đặc phái viên WHO: Covid-19 'đầy bất ngờ, tinh ranh', nhiều biến thể mới sẽ xuất hiện
Ông Nabarro lưu ý rằng Covid-19 là “một virus mới, và chúng ta phải xem nó như một thứ có đầy những bất ngờ, rất quậy phá và khá tinh ranh". Vì vậy, mặc dù “đã có thể nhìn thấy kết thúc", chuyên gia này thận trọng cho rằng “vẫn chưa rõ bao lâu mới chấm dứt đại dịch, vẫn chưa rõ các khó khăn có thể xuất hiện trên đường thoát khỏi đại dịch”.
Ông Nabarro chỉ trích các lãnh đạo thế giới đang xem nhẹ đại dịch. Ông nhấn mạnh rằng giới lãnh đạo “không nên nói Covid-19 giống cúm mùa hoặc cho rằng nó đột nhiên yếu đi”.
Đặc phái viên WHO: Covid-19 'đầy bất ngờ, tinh ranh', nhiều biến thể mới sẽ xuất hiện |
Trước đó, Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid phát biểu rằng có thể xem nhiễm Covid-19 như bị cúm. Bình luận về việc này, ông Nabarro nói: “Tôi cứ thắc mắc, có điều gì những người đưa ra những dự đoán kinh ngạc này biết được mà tôi và các đồng nghiệp ở WHO chưa biết”.
Các tuyên bố của ông Nabarro dường như trái ngược với phát biểu của giám đốc khu vực châu Âu của WHO Hans Kluge hôm 24.1. Trong đó, ông Kluge dự đoán châu Âu đang “tiến đến kết thúc của đại dịch Covid-19” vì biến thể Omicron nhẹ hơn các biến thể trước đó.
Cùng ngày 24.1, Tổng giám đốc WHO cảnh báo về cách suy nghĩ “nguy hiểm" rằng Omicron là biến thể Covid-19 cuối cùng và thế giới đang tiến đến kết thúc của đại dịch.
"Có nhiều kịch bản khác nhau về cách mà đại dịch có thể diễn tiến, cũng như cách vượt qua giai đoạn cấp tính. Nhưng thật nguy hiểm nếu cho rằng Omicron sẽ là biến thể cuối cùng, nếu cho rằng chúng ta đang ở điểm kết của đại dịch. Ngược lại, các điều kiện hiện nay khắp thế giới là lý tưởng để nhiều biến thể hơn xuất hiện. Để thay đổi tiến trình của đại dịch, chúng ta phải thay đổi các điều kiện đang thúc đẩy nó”, ông Tedros nhấn mạnh.
Từ khi biến thể Omicron được phát hiện, thế giới đã ghi nhận tổng cộng 80 triệu ca Covid-19. Con số này cao hơn tổng số ca nhiễm Covid-19 trong năm 2020.
Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 26.1 của Báo Thanh Niên.
Bình luận (0)