Bản tin Covid-19 ngày 27.1: Cả nước thêm 15.727 ca | Đề nghị không “ngăn sông cấm chợ” dịp tết

27/01/2022 20:00 GMT+7

Bản tin Covid-19 ngày 27.1 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên . Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới .

Bản tin Covid-19 ngày 27.1 của Báo Thanh Niên có những tin tức đáng chú ý sau:

Cả nước ghi nhận thêm 15.727 ca Covid-19 mới, 21.002 ca khỏi bệnh

Bản tin Bộ Y tế tối 27.1.2022 cho biết tính từ 16h ngày 26.1 đến 16h ngày 27.1, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 15.727 ca nhiễm mới, 21.002 ca khỏi bệnh.

Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 166 ca mắc Covid-19 do biến thể Omicron.

Bản tin cũng thông báo về 126 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay lên 37.291 ca.

Bản tin Covid-19 ngày 27.1: Cả nước thêm 15.727 ca | Đề nghị không “ngăn sông cấm chợ” dịp tết

Thông tin về 15.727 ca nhiễm mới như sau:

  • 55 ca nhập cảnh.
  • 15.672 ca ghi nhận trong nước (giảm 213 ca so với ngày trước đó) tại 63 tỉnh, thành phố (có 10.627 ca trong cộng đồng). Gồm: Hà Nội (2.907), Đà Nẵng (873), Bắc Ninh (794), Thanh Hóa (727), Hải Phòng (719), Quảng Nam (527), Nam Định (469), Vĩnh Phúc (462), Bình Định (437), Hải Dương (417), Hòa Bình (414), Đắk Lắk (378), Quảng Ngãi (374), Hưng Yên (372), Phú Thọ (347), Nghệ An (316), Bình Phước (293), Quảng Ninh (275), Bắc Giang (272), Lâm Đồng (235), Thừa Thiên-Huế (220), Thái Bình (207), Gia Lai (183), Sơn La (170), TP.HCM (168), Lạng Sơn (167), Cà Mau (165), Hà Giang (144), Hà Nam (139), Tây Ninh (135), Phú Yên (129), Quảng Bình (123), Ninh Bình (115), Khánh Hòa (113), Vĩnh Long (112), Thái Nguyên (111), Bến Tre (105), Tuyên Quang (100), Lào Cai (100), Quảng Trị (96), Đắk Nông (95), Bình Dương (92), Lai Châu (90), Trà Vinh (82), Điện Biên (81), Cao Bằng (80), Bình Thuận (66), Bạc Liêu (64), Yên Bái (63), Kon Tum (62), Bà Rịa - Vũng Tàu (57), Đồng Nai (55), Đồng Tháp (50), Hậu Giang (49), Hà Tĩnh (48), Long An (41), An Giang (40), Bắc Kạn (34), Kiên Giang (32), Ninh Thuận (26), Cần Thơ (26), Sóc Trăng (22), Tiền Giang (7).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Bắc Giang (-213), Bến Tre (-196), Kon Tum (-130).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Đắk Lắk (+376), Gia Lai (+180), Thanh Hóa (+140).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 15.437 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 2.203.208 ca nhiễm, đứng thứ 28/224 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 143/224 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 22.320 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay): Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 2.196.351 ca, trong đó có 1.942.794 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (513.259), Bình Dương (292.752), Hà Nội (120.175), Đồng Nai (99.811), Tây Ninh (87.706).

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hằng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:

  • Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 21.002 ca
  • Tổng số ca được điều trị khỏi: 1.945.611 ca

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 4.485 ca, trong đó:

  • Thở ô xy qua mặt nạ: 2.767 ca
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 614 ca
  • Thở máy không xâm lấn: 115 ca
  • Thở máy xâm lấn: 582 ca
  • ECMO: 17 ca

Từ 17h30 ngày 26.1 đến 17h30 ngày 27.1 ghi nhận 126 ca tử vong, gồm:+ Tại TP.HCM (11) trong đó có 7 ca từ các tỉnh chuyển đến như sau: Tây Ninh (2), Tiền Giang (1), Bình Thuận (1), Long An (1), Lâm Đồng (1), Bà Rịa - Vũng Tàu (1).

Tại các tỉnh, thành phố khác: Hà Nội (31), Vĩnh Long (11), Sóc Trăng (6), Đồng Tháp (6), An Giang (6), Hậu Giang (5), Hải Phòng (4 ca trong 2 ngày), Bắc Ninh (4), Bình Thuận (4), Tiền Giang (4), Kiên Giang (4), Khánh Hòa (3), Bình Dương (3), Cần Thơ (3), Cà Mau (3), Hải Dương (2), Thái Nguyên (2), Đà Nẵng (2), Bình Phước (2), Tây Ninh (2), Bạc Liêu (2), Quảng Ninh (1), Bình Định (1), Nam Định (1), Ninh Bình (1), Đắk Lắk (1), Bến Tre (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 146 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 37.291 ca, chiếm tỷ lệ 1,7% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 25/224 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 128/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 24/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay là 32.053.283 mẫu tương đương 76.975.916 lượt người.

Trong ngày 26.1 có 930.725 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 179.593.670 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 78.987.718 liều, tiêm mũi 2 là 73.908.501 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 liều cơ bản) là 26.697.451 liều.

Bộ Y tế hỏa tốc đề nghị không ‘ngăn sông cấm chợ’ dịp Tết Nguyên đán

Bộ Y tế vừa có văn bản hỏa tốc gửi UBND các tỉnh, thành phố trong cả nước về việc tăng cường phòng chống dịch Covid-19 dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần và mùa lễ hội đầu năm 2022.

Trong văn bản do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn ký ban hành, Bộ Y tế nêu rõ trước diễn biến dịch Covid-19 phức tạp và để tăng cường phòng chống dịch trong mùa đông - xuân nhất là dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 và mùa lễ hội đầu năm 2022, sự gia tăng đi lại giao lưu của người dân sẽ làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành chỉ đạo UBND các cấp, các Sở, ban, ngành và các tổ chức chính trị triển khai các giải pháp "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch" theo Nghị quyết 128 của Chính phủ.

Bộ Y tế hỏa tốc đề nghị không ‘ngăn sông cấm chợ’ dịp Tết Nguyên đán

Thực hiện nghiêm công văn số 375 của Bộ Y tế, "tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong nước về quê dịp Tết, không ngăn sông cấm chợ, tổ chức chăm lo cho người dân đón Tết, vận động người dân trở lại làm việc ngay sau kỳ nghỉ, nhất là việc hỗ trợ người lao động trở lại thành phố lớn đảm bảo an toàn, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội".

Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành chỉ đạo Sở Y tế xây dựng trình UBND tỉnh, thành phê duyệt kế hoạch phòng chống dịch bệnh năm 2022 tổ chức triển khai thực hiện sớm nhất có thể, phân công cụ thể các đơn vị liên quan theo từng nội dung và địa bàn phụ trách.

Tăng cường triển khai công tác phòng chống dịch bệnh nguy hiểm, dịch bệnh mùa Đông – Xuân, tập trung giám sát các trường hợp mắc bệnh lây truyền qua đường hô hấp, nhất là Covid-19 và biến thể mới, kịp thời lấy mẫu xét nghiệm để chẩn đoán sớm tác nhân gây bệnh, triển khai xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch phát triển lây lan trong cộng đồng.

Sở Y tế tiếp tục tập trung chỉ đạo, triển khai "thần tốc" và "thần tốc hơn nữa" trong việc tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 3 cho người 18 tuổi trở lên và mũi 2 cho trẻ em từ 12-17 tuổi. Đặc biệt chú ý tổ chức tiêm an toàn, thuận lợi cho người có nguy cơ cao, rà soát không để bỏ sót đối tượng chưa được tiêm chủng và đối tượng chưa được tiêm đủ liều vắc xin để tập trung tiêm đủ liều cho các đối tượng từ 12 tuổi trở lên trong thời gian ngắn nhất.

Bộ Y tế cũng đề nghị các tỉnh, thành chỉ đạo Sở GD-ĐT triển khai quyết liệt các hoạt động vệ sinh phòng bệnh tại cơ sở giáo dục, phối hợp với ngành y tế tổ chức tốt chiến dịch tiêm vắc xin cho trẻ em tại trường học. Xây dựng kế hoạch và chuẩn bị kỹ các hoạt động để mở cửa các cơ sở giáo dục, đào tạo, các trường học trở lại trong thời gian tới đảm bảo an toàn.

Shipper TP.HCM nhìn lại một năm khó khăn vì Covid-19

Anh Đinh Ngọc Bền (43 tuổi, TP. Thủ Đức) từng là chủ một doanh nghiệp tư nhân về thiết bị máy tính trước khi trở thành một shipper gần 4 năm nay.

Do gặp biến cố kinh doanh, công ty anh phá sản. Với anh, nghề tài xế công nghệ như một công việc giúp anh lấy lại được sự cân bằng trong cuộc sống.

'Nhờ làm shipper tôi mới sống được qua dịch Covid-19"

Theo nền tảng "Việc Làm Tốt" thống kê, ngay cả khi TPHCM áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, nhu cầu đăng tin tuyển đối tác của các hãng xe công nghệ chưa hề giảm. Ngay khi hoạt động sản xuất phục hồi, nhu cầu này liên tục tăng.

Khảo sát trong nửa tháng 1.2022 cho thấy, có khoảng 22% lao động nghỉ việc sau tết nếu các doanh nghiệp không trả thưởng Tết, lương tháng 13; đặc biệt là những lao động cộng tác với doanh nghiệp dưới 2 năm.

Nhu cầu đăng tin tuyển đối tác của các hãng xe công nghệ chưa hề giảm ngay cả khi TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội

lê nam

Con số này sẽ giảm một nửa trong trường hợp doanh nghiệp vẫn trả thưởng và lương tháng 13 dù mức thưởng không được như kỳ vọng. Tuy nhiên, ngành shipper và tài xế công nghệ có đặc thù là quan hệ với công ty theo hình thức đối tác, khó để áp dụng lương thưởng như người lao động thông thường.

Tài xế công nghệ, shipper là công việc "hot" nhất năm qua trong các ngành lao động phổ thông

lê nam

Kết quả khảo sát người tìm việc trên trang "Việc Làm Tốt", người lao động đã bắt đầu quay trở lại tìm việc từ đầu tháng 1.2022. Trong đó, có 64% người thất nghiệp vẫn ở tại nơi thành phố/địa phương làm việc trước đó, khoảng 20% người tìm việc hiện vẫn ở quê và đang tìm kiếm cơ hội để quay trở lại các thành phố hay khu công nghiệp.

Người lao động phổ thông nói chung và lực lượng tài xế công nghệ nói riêng đều mong mỏi dịch bệnh được kiểm soát, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp tốt hơn và được tăng lương trở lại trong năm mới.

Mẹ bỏ đi, cha mất vì Covid-19, chị gái đi làm gồng gánh nuôi 2 em

Lần cuối cùng gặp cha của em Cẩm Nhi (18 tuổi, ngụ ở ấp 1, xã Qui Đức H. Bình Chánh, TP.HCM) là cái tết cách đây 2 năm. Những tưởng tết năm nay, cha con sẽ được sum vầy, ai ngờ cuộc điện thoại cuối cùng của hai cha con lại từ trong bệnh viện điều trị Covid-19 ở TP. Thủ Đức.

Nhi là chị cả trong gia đình có 3 chị em, dưới em có hai em gái, một em 14 tuổi và một em 12 tuổi.

Mẹ bỏ đi, cha mất vì Covid-19, chị gái đi làm gồng gánh nuôi 2 em

Suốt 2 năm nay, Nhi làm công nhân nhà máy lắp ráp linh kiện điện tử, tính cả tiền tăng ca thì một tháng được khoảng 6 triệu đồng. Làm được bao nhiêu, Nhi đưa hết cho bà ngoại để nuôi hai em.

Nhi nghỉ học sớm để đi làm có tiền cho hai em gái đi học đầy đủ

lê nam

Nhiều năm trước, cha mẹ của Nhi làm ăn đổ nợ, hai người thường mâu thuẫn nên mẹ Nhi bỏ đi, để lại 3 chị em ở với ông bà ngoại. Cha em ở nhà được một thời gian cũng đi làm xa, thỉnh thoảng mới về. Nhi nghỉ học từ năm lớp 6 để đi làm có tiền phụ ông bà nuôi hai em. Thấy các cháu ngày càng lớn nên bà ngoại có dựng cho ba chị em một căn nhà nhỏ sát bên để ở. Ngày ngày hai ông bà làm vườn, bán thêm hàng chợ để kiếm tiền, giúp Nhi chăm sóc hai em.

Bà ngoại dựng cho 3 em một căn nhà nhỏ ở sát bên

lê nam

Bà Lê Thị Kim Kiết (63 tuổi, bà ngoại của 3 đứa trẻ) không cầm được nước mắt mỗi khi nhắc đến cậu con rể hiền lành, chịu khó, mới mất vì Covid-19 hồi cuối tháng 8.2021 vừa qua.

"Trời tôi nói thiệt chứ, thằng rể mất tôi thương nó lắm, tại vì con gái mình bỏ thằng rể đi vậy. Thương nó lắm, cả gia đình ai cũng thương nó, nó hiền lắm", bà Kiết tâm sự.

Bà Kiết và em Cẩm Nhi

lê nam

Thông qua chương trình “Cùng con đi tiếp cuộc đời” do Báo Thanh Niên tổ chức, bạn đọc Quách Gia Mẫn nhận bảo trợ cho em Phạm Thị Như Thảo (em út trong nhà) mỗi tháng chu cấp 2,5 triệu đồng đến năm 18 tuổi. Số tiền này giúp Nhi vơi bớt một phần gánh nặng kinh tế. Trong khi em Phạm Thị Như Hảo, do làm khai sinh trễ nên lẽ ra năm nay học lớp 5 nhưng mới học lớp 3, chưa có nhà bảo trợ.

Phải nghỉ học từ sớm, phải vất vả đi làm từ khi chưa trưởng thành, Nhi chưa từng một lần mong ước gì cho bản thân. Ước nguyện lớn nhất của em là có đủ tiền để cho các em ăn học.

Hơn 5,6 triệu người trên toàn thế giới đã tử vong vì Covid-19

Đến 17 giờ chiều 27.1 (theo giờ Việt Nam), theo cập nhật từ Đại học Johns Hopkins của Mỹ, toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng hơn 362.697.000 ca nhiễm Covid-19, hơn 5.627.000 ca tử vong và hơn 9.887.895.000 liều vắc xin Covid-19 đã được phân bổ.

  • Với hơn 72.910.000 trường hợp mắc bệnh, Mỹ là quốc gia dẫn đầu thế giới về số ca nhiễm Covid-19.Mỹ cũng đã ghi nhận 876.066 bệnh nhân tử vong.
  • Ấn Độ xếp thứ hai với hơn 40.371.000 ca nhiễm và 491.700 người tử vong vì Covid-19.
  • Kế tiếp là Brazil với hơn 24.560.000 ca Covid-19 và 624.717 ca tử vong vì Covid-19.
  • Pháp xếp ở vị trí thứ tư với hơn 17.849.000 ca nhiễm Covid-19 cùng 130.739 ca tử vong.
  • Vương Quốc Anh xếp thứ năm với hơn 16.260.000 ca nhiễm và 155.221 ca tử vong.

Biến thể Omicron 'tàng hình' lây lan ở nhiều nước

Các dấu hiệu ban đầu cho thấy BA.2 dường như đang lan rộng ngay cả ở các nước mà dòng Omicron gốc (BA.1) đang phổ biến.

Tại Đan Mạch, BA.2 hiện chiếm gần như một nửa số mẫu xét nghiệm. Vào tuần cuối cùng của tháng 12, chủng này chiếm 20% tổng số ca mắc tại đây, theo dữ liệu của Viện Statens Serum Institut (SSI).

Vào tuần thứ 2 của tháng 1, con số này đã tăng lên 45%. Trong cùng khoảng thời gian đó, tần suất tương đối của BA.1 đã giảm xuống.

Biến thể Omicron "tàng hình" lây lan ở nhiều nước

Theo SSI, phân tích ban đầu của BA.2 trong nước "không cho thấy có sự khác biệt nào về tỉ lệ nhập viện". Cũng chưa rõ mức độ hiệu quả của các loại vắc xin hiện có đối với biến thể phụ.

Mỹ, Anh, Na Uy, Pháp, Ấn Độ và Thụy Điển đều đã ghi nhận số ca mắc BA.2 với tỷ lệ thấp hơn.

Hiện Cơ quan An ninh Y tế Anh (UHSA) đã xếp BA.2 vào loại biến thể đang được điều tra. Theo báo cáo của UHSA, phiên bản mới của Omicron lần đầu được phát hiện tại Anh vào hôm 6.12.2021.

Cho đến nay, Anh đã ghi nhận 426 trường hợp liên quan đến biến thể phụ này, trong đó tập trung đông nhất ở London.

Một điểm xét nghiệm Covid-19 ở London, Anh

reuters

Mỹ đã ghi nhận gần 100 trường hợp BA.2.

Giới chức y tế Anh cho rằng BA.2 có thể khó bị nhận dạng hơn vì nó không thể hiện dấu hiệu đặc trưng của Omicron khi xét nghiệm PCR.

Nhà virus học Tom Peacock từ Đại học Hoàng gia London cho biết: "Tôi nghĩ rằng kịch bản có thể xảy ra là BA.2 chỉ làm trầm trọng thêm đôi chút so với Omicron ở Anh".

Ông Peacock cũng cho biết BA.2 có thể có vài chục chỗ khác biệt về protein so với BA.1. Có nhiều báo cáo khác nhau về nơi BA.2 xuất hiện lần đầu tiên. Những nơi được nhắc đến gồm Nam Phi, Ấn Độ hoặc Philippines.

Số ca tử vong do Covid tại Mỹ vẫn tăng dù số ca nhiễm giảm

Theo thống kê của Reuters , trung bình có khoảng 2.380 người chết mỗi ngày, hầu hết chưa tiêm vắc xin và nhiễm biến thể Omicron. Số liệu này tăng 30% so với một tuần trước đó, và cao hơn số ca tử vong cao điểm do biến thể Delta gây ra.

Biến thể Omicron rất dễ lây lan và bắt đầu tăng mạnh vào tháng 12.2021 và đầu tháng 1 năm nay. Các hệ thống bệnh viện trên khắp nước Mỹ đều quá tải vì số bệnh nhân quá lớn.

Số ca tử vong do Covid tại Mỹ vẫn tăng dù số ca nhiễm giảm

Dù số ca bệnh trên toàn nước Mỹ giảm 12% trong 7 ngày qua, Wafaa El-Sadr, Giáo sư Dịch tễ học và Y học tại Đại học Columbia (New York), cảnh báo rằng không thể suy luận rằng sắp kết thúc đại dịch Covid-19.

“Tôi nghĩ nhiều người có cảm giác gần như dự đoán hoặc hy vọng rằng sẽ có một ngày Covid biến mất hoàn toàn. Có lẽ họ đang mơ rằng một ngày có thể thức dậy và nói “Hôm nay đã không còn Covid nữa, mới hôm qua vẫn còn Covid”, nhưng điều này rất khó xảy ra. Khả năng chúng ta xóa sạch được Covid là rất khó. Và vì vậy, tôi nghĩ rằng tương lại thực sự là tất cả chúng ta sẽ phải sống chung với Covid. Nhưng ngoài ra, làm thế nào để chúng ta giảm thiểu rủi ro, đặc biệt là đối với những đối tượng dễ tổn thương nhất, làm thế nào để chúng ta bảo vệ họ khỏi Covid và nhiều biến chứng của nó?”.

Biến chủng Omircon với khả năng lây lan mạnh vẫn là nỗi lo cho ngành Y tế nhiều nước.

ẢNH: REUTERS

Một nghiên cứu mới của Mỹ hôm 25.1 mang lại hy vọng khi nhận thấy biến thể Omicron dường như ít dẫn đến các ca nhiễm nặng so với các biến thể trước đó, thời gian phải nhập viện cũng ngắn hơn, ít cần sự chăm sóc đặc biệt và tỷ lệ tử vong ít hơn trong tổng thể các ca nhiễm.

Nghiên cứu cho biết mức độ bệnh nặng thấp hơn có thể liên quan đến tỷ lệ tiêm chủng cao, và những người từng bị nhiễm trước đây cũng vẫn được hệ miễn dịch bảo vệ.

Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 27.1 của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.