Bản tin Covid-19 ngày 27.12: Cả nước 14.872 ca | Biến thể Omicron xâm nhập TP.HCM là tin sai sự thật
Bản tin Covid-19 ngày 27.12 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên. Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới .
Tự động phát
Bản tin Covid-19 ngày 27.12 của Báo Thanh Niên có những tin tức đáng chú ý sau:
Cả nước 14.872 ca Covid-19, 11.374 ca khỏi
Bản tin Covid-19 tối 27.12 cho biết tính từ 16h ngày 26.12 đến 16h ngày 27.12, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 14.872 ca nhiễm mới, 11.374 ca khỏi bệnh.
Bản tin cũng thông báo về 204 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay lên 31.418 ca.
Ngày 27.12: Cả nước 14.872 ca Covid-19, 11.374 ca khỏi | Hà Nội 1.948 ca | TP.HCM 560 ca |
Thông tin về 14.872 ca nhiễm mới như sau:
- 5 ca nhập cảnh.
- 14.867 ca ghi nhận trong nước (giảm 315 ca so với ngày trước đó) tại 59 tỉnh, thành phố (có 10.418 ca trong cộng đồng). Gồm: Hà Nội (1.948), Tây Ninh (943), Hải Phòng (931), Vĩnh Long (892), Khánh Hòa (791), Cần Thơ (711), Đồng Tháp (701), Bạc Liêu (595), TP.HCM (560), Trà Vinh (544), Bình Định (501), Cà Mau (433), Thừa Thiên-Huế (381), Bắc Ninh (326), Bến Tre (281), Lâm Đồng (263), Thanh Hóa (249), Hưng Yên (234), Sóc Trăng (223), Đồng Nai (216), An Giang (213), Kiên Giang (204), Quảng Ngãi (201), Bà Rịa - Vũng Tàu (162), Bình Thuận (140), Gia Lai (136), Đắk Lắk (134), Tiền Giang (134), Sơn La (126), Hà Giang (122), Phú Yên (112), Quảng Ninh (103), Đắk Nông (98), Hà Nam (98), Quảng Nam (96), Nghệ An (93), Đà Nẵng (86), Vĩnh Phúc (85), Nam Định (78), Bình Dương (77), Hậu Giang (63), Thái Nguyên (59), Ninh Thuận (56), Quảng Trị (53), Phú Thọ (50), Hòa Bình (45), Long An (45), Thái Bình (42), Bắc Giang (40), Bình Phước (30), Tuyên Quang (28), Kon Tum (24), Cao Bằng (22), Yên Bái (21), Lào Cai (19), Hà Tĩnh (18), Quảng Bình (14), Điện Biên (9), Lai Châu (8 ).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Bình Định (-299), Bình Dương (-153), Bến Tre (-149).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Hải Phòng (+664), Phú Yên (+110), Sơn La (+107).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 15.851 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.666.545 ca nhiễm, đứng thứ 31/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 144/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 16.900 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):
- Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.660.900 ca, trong đó có 1.256.797 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
- Có 1 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Bắc Kạn.
- Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (500.617), Bình Dương (290.240), Đồng Nai (97.043), Tây Ninh (71.537), Đồng Tháp (41.816).
Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 11.374 ca
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 1.259.614 ca
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 7.636 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 5.378 ca
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.178 ca
- Thở máy không xâm lấn: 156 ca
- Thở máy xâm lấn: 905 ca
- ECMO: 19 ca
Từ 17h30 ngày 26.12 đến 17h30 ngày 27.12 ghi nhận 204 ca tử vong, gồm:
- Tại TP.HCM (30) trong đó có 6 ca từ các tỉnh chuyển đến như sau: Đồng Nai (2), Tiền Giang (2), Long An (1), Đồng Tháp (1).
- Tại các tỉnh, thành phố khác: An Giang (22), Đồng Nai (17), Bình Dương (15), Tây Ninh (14), Sóc Trăng (13), Tiền Giang (13), Vĩnh Long (12), Kiên Giang (12), Bà Rịa - Vũng tàu (11), Cần Thơ (11), Bến Tre (8), Cà Mau (7), Bạc Liêu (6), Khánh Hoà (3), Bình Thuận (3), Trà Vinh (3), Quảng Nam (1), Bình Định (1), Nghệ An (1), Đắk Lắk (1).
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 232 ca.
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 31.418 ca, chiếm tỷ lệ 1,9% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 27/234 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 131/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49 (xếp thứ 4 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 26/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 6 ASEAN).
Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện 29.897.856 mẫu cho 73.996.693 lượt người.
Trong ngày 26.12 có 725.301 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 146.335.052 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 77.138.616 liều, tiêm mũi 2 là 66.402.056 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 của vắc xin Abdala) là 2.794.380 liều.
TP.HCM: Thông tin 'phát hiện người nhiễm biến chủng Omicron' là thất thiệt
Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh một giấy xét nghiệm Covid-19 bằng phương pháp PCR với con dấu của Công ty TNHH Y tế Viễn Đông Việt Nam (Bệnh viện FV) với nội dung "xác nhận" một bệnh nhân nam (25 tuổi, ngụ Q5.TP.HCM) tái dương tính với biến chủng Omicron.
TP.HCM Thông tin 'phát hiện người nhiễm biến chủng Omicron' là thất thiệt |
Liên quan đến vụ việc, trả lời PV Thanh Niên, lãnh đạo BV FV khẳng định bệnh viện "không có bệnh nhân này và giấy xét nghiệm hoàn toàn là giả".
Trước đó, có một bệnh nhân khi đến khám tại một bệnh viện khác đã đưa ra giấy xét nghiệm này. Bệnh viện này đã nhanh chóng liên hệ Bệnh viện FV để xác minh và ngay lập tức được Bệnh viện FV thông báo đó chỉ là giấy xét nghiệm giả.
Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cũng cho biết Bệnh viện FV đã báo cáo nhanh về vụ việc, khẳng định thông tin trên giấy xét nghiệm là hoàn toàn thất thiệt.
Bệnh viện dã chiến số 12 - đơn vị được phân công tiếp nhận Bệnh nhân nhiễm Omicron tại TP.HCM, cũng khẳng định với PV Thanh Niên cho đến thời điểm này đều chưa tiếp nhận bệnh nhân nhiễm biến chủng Omicron nào.
HCDC bác bỏ tin Omicron xâm nhập TP.HCM: “Xét nghiệm PCR chỉ tìm ra bệnh, không xác định được biến thể"
Trưa 27.12.2021, Trung tâm Báo chí TP.HCM phát đi thông báo liên quan đến tin đồn về một người dân ở TP.HCM bị nhiễm Covid-19 biến chủng Omicron sau khi có kết quả xét nghiệm RT-PCR tại Bệnh viện FV.
HCDC bác bỏ tin Omicron xâm nhập TP.HCM- “Xét nghiệm PCR không thể tìm ra biến thể mới” |
Sở Y tế TP.HCM khẳng định nội dung này là sai sự thật, giấy xác nhận lan truyền là giả mạo. Đến nay, thành phố chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm biến chủng mới Omicron.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), muốn biết ca mắc Covid-19 thuộc biến chủng gì phải trải qua quy trình giải mã trình tự gien, không thể chỉ với xét nghiệm RT-PCR mà có thể xác định được. Hiện ở khu vực phía Nam chỉ có Viện Pasteur thực hiện quy trình giải mã trình tự gien đối với mẫu bệnh phẩm Covid-19.
Cũng trong sáng 27.12, Bệnh viện FV đã có báo cáo nhanh về sự việc này, trong đó bệnh viện khẳng định không cấp “Giấy Xác nhận dương tính Với Covid-19 bằng kỹ thuật PCR” mà chỉ cấp “Giấy xác nhận âm tính với Covid-19 bằng kỹ thuật PCR”.
Bệnh viện này cũng chỉ ra điểm bất thường trong giấy xác nhận giả mạo vừa thiếu, vừa thừa nhiều thông tin không phù hợp với mẫu của bệnh viện. Mặt khác, hiện bệnh viện này cũng chưa có sinh phẩm (bộ kit) xét nghiệm tìm Omicron.
Sở Y tế TP.HCM đánh giá việc tạo dựng tài liệu giả và lan truyền thông tin giả mạo không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động phòng chống dịch Covid-19 của thành phố mà còn gây hoang mang cho người dân. Sở Y tế TP.HCM đề nghị người dân cập nhật, nắm bắt các thông tin từ nguồn chính thống; đồng thời không chia sẻ, lan truyền các thông tin bịa đặt, gây hoang mang dư luận.
Hà Nội yêu cầu bệnh viện không từ chối bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch
Mới đây, Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản 23401 chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh trong và ngoài công lập triển khai các giải pháp giảm tử vong do Covid-19.
Hà Nội yêu cầu bệnh viện không từ chối bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch |
Cụ thể, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu với ca bệnh nghi ngờ, ca bệnh xác định nhiễm Covid-19 cần được phân loại, đánh giá nguy cơ, chẩn đoán, đánh giá mức độ lâm sàng để phân luồng, chuyển tuyến, tiếp nhận, điều trị kịp thời.
Người bệnh đến khám chữa bệnh phải được sàng lọc kỹ, đặc biệt lưu ý hỏi về lịch sử tiêm chủng vắc xin Covid-19 (100% đối với người bệnh phải nhập viện, ghi nhận tại phiếu khám vào viện). Các cơ sở khám chữa bệnh sắp xếp luồng di chuyển, khu vực khám, buồng bệnh ưu tiên để bảo vệ nhóm nguy cơ cao: người trên 50 tuổi, mắc bệnh nền, chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi vắc xin phòng Covid-19.
Đặc biệt, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu mỗi cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 sẵn sàng điều trị 2 tầng để xử trí cấp cứu, điều trị người bệnh Covid-19 chuyển độ. Việc tiếp nhận bệnh nhân nặng, nguy kịch yêu cầu tất cả các bệnh viện không được từ chối, đảm bảo người bệnh được chuyển đến cấp cứu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gần nhất, sau khi ổn định, bệnh viện thực hiện khám, phân loại mức độ bệnh, đánh giá nguy cơ để phân luồng đến nơi điều trị phù hợp. Sở yêu cầu các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 cung ứng đầy đủ thuốc, vật tư tiêu hao, trang thiết bị, trang phục phòng hộ cá nhân; rà soát lại cơ sở hạ tầng, hệ thống ô xy (bình, bồn, chai, thiết bị phụ trợ) bảo đảm tồn trữ và cung cấp ô xy y tế cho người bệnh từ tuyến cơ sở đến các bệnh viện theo phân tầng điều trị.
Trước đó, ngày 16.12, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố, các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, bệnh viện trực thuộc trường đại học, y tế bộ ngành yêu cầu triển khai các biện pháp giảm nguy cơ tử vong người bệnh Covid-19 tại các cơ sở khám chữa bệnh. Trong đó, Bộ Y tế nhấn mạnh hiện chưa ghi nhận biến chủng Omicron tại Việt Nam, tuy nhiên nguy cơ xâm nhập và lây lan vào nước ta là rất lớn và cùng với các biến chủng đang lưu hành sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc Covid-19 ở người thuộc nhóm nguy cơ như người trên 50 tuổi, có bệnh nền, chưa được tiêm hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ. Vì vậy, việc quản lý, bảo vệ và phát hiện sớm người thuộc nhóm nguy cơ mắc Covid-19 để kịp thời theo dõi sức khỏe, điều trị sớm hạn chế tử vong là yêu cầu cấp thiết.
Tâm sự của các chiến sĩ trong đội công tác xử lý thi hài bệnh nhân Covid-19
Trong hai ngày 25 và 26.12.2021, hơn 150 chiến sĩ của Bộ Tư lệnh TP.HCM đã có hai ngày nghỉ đặc biệt tại Bà Rịa – Vũng Tàu.
Tâm sự của các chiến sĩ trong đội công tác xử lý thi hài bệnh nhân Covid-19 |
Đây là chuyến du lịch nhằm tri ân lực lượng trong đội công tác đặc biệt, chịu trách nhiệm tiếp nhận, xử lý, khâm liệm, vận chuyển, hỏa táng thi hài và bàn giao tro cốt bệnh nhân tử vong do Covid-19 về gia đình.
Trong chuyến đi đặc biệt này, ngoài các chiến sĩ trẻ còn có nhiều người đưa cả gia đình theo. Suốt một thời gian phải tạm xa gia đình để làm nhiệm vụ nên tranh thủ ngày nghỉ, họ cũng muốn dành thời gian bên con.
Thời điểm dịch bệnh Covid-19 căng thẳng nhất, những người chiến sĩ trong đội công đặc biệt vẫn cố gắng qua những khó khăn, thử thách để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Trong hai ngày nghỉ, các chiến sĩ trong đội công tác đặc biệt đã tiến hành dâng hương tại Khu Di tích lịch sử Minh Đạm và tham gia các hoạt động vui chơi, tắm biển tại thành phố Vũng Tàu.
Đặc biệt, trong tối 25.12 đã diễn ra buổi lễ tri ân, để một lần nữa nhìn lại các đóng góp của đội công tác đặc biệt trong suốt đợt dịch Covid-19 lần thứ tư.
Tại buổi lễ, bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết lãnh đạo thành phố vô cùng trân quý, cảm động trước những đóng góp, hy sinh của các chiến sĩ trong đợt dịch vừa qua.
Bên cạnh đó, Phó chủ tịch TP.HCM cũng hi vọng chương trình sẽ giúp các chiến sĩ có thêm động lực để thực hiện các nhiệm vụ trong thời gian tới.
Chương trình tham quan du lịch TP.HCM - Vũng Tàu dành cho cán bộ, đội ngũ, lực lượng thực hiện công tác đặc biệt được tổ chức dưới sự chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, Thường trực UBND TP.HCM, Sở Du lịch phối hợp với Bộ Tư lệnh TP.HCM.
Bên cạnh đó, chương trình còn nhận được sự phối hợp thực hiện của Tổng Công ty TNHH MTV Du lịch Thương mại Kỳ Hòa và Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Dịch vụ Du lịch Đất Việt.
Bỏ quy định khách bay từ TP.HCM, Cần Thơ phải test âm tính Covid-19 trong 72 giờ
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn vừa ký quyết định hướng dẫn bay nội địa tạm thời nhằm sửa đổi, bổ sung các điều khoản tại Quyết định 1840 ngày 20.10.2021 của Bộ GTVT.
Bỏ quy định khách bay từ TP.HCM, Cần Thơ phải test âm tính Covid-19 trong 72 giờ |
Cụ thể, trường hợp hành khách cư trú, lưu trú trước chuyến bay tại địa bàn có dịch ở cấp 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa); hành khách trên chuyến bay xuất phát từ địa bàn có dịch ở cấp 4, hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 theo phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên có giá trị trong vòng 72 giờ, thì phải thực hiện khai báo y tế theo quy định. Hành khách phải sử dụng ứng dụng PC-Covid và chịu trách nhiệm tính trung thực của các thông tin khai báo.
Đặc biệt, hành khách không được tham gia chuyến bay khi có các triệu chứng ho, sốt, khó thở, đau mỏi cơ, đau rát họng, mất vị giác…
Trước đó, theo Quyết định 1840, hành khách ở vùng dịch cấp 4, hoặc vùng cách ly y tế (phong toả), hoặc hành khách bay từ Tân Sơn Nhất, Cần Thơ phải có xét nghiệm âm tính trước khi lên máy bay.
Như vậy, với quy định mới nhất của Bộ GTVT, hành khách bay từ TP.HCM và Cần Thơ sẽ không cần xét nghiệm âm tính trong 72 giờ khi đi máy bay.
Ngoài ra, Bộ GTVT cũng cho phép tăng tần suất khai thác trên các đường bay nội địa từ 29.12.2021 đến hết ngày 16.2.2022 (chia 2 giai đoạn từ 29.12.2021 đến 18.1.2022 và từ 19.1.2022 đến 16.2.2022).
Cụ thể, đường bay Hà Nội - TP.HCM sẽ tăng lên 25 chuyến khứ hồi/ngày giai đoạn 29.12.2021 đến 18.1.2022 và 52 chuyến khứ hồi/ngày từ 19.1.2022 đến 16.2.2022.
Tương tự, các chặng bay khác như TP.HCM - Đà Nẵng tăng tương ứng 20 chuyến khứ hồi/ngày và 27 chuyến khứ hồi/ngày.
Đường bay Hà Nội - Đà Nẵng tăng 20 chuyến khứ hồi/ngày cả 2 giai đoạn. Đường bay TP.HCM - Hải Phòng/Nghệ An/Thanh Hoá tăng tương ứng 9 chuyến khứ hồi và 14 chuyến khứ hồi/ngày. Đường bay Hà Nội, TP.HCM đi, đến Phú Quốc, Khánh Hoà tăng tương ứng 14 chuyến khứ hồi và 27 chuyến khứ hồi.
Đường bay TP.HCM - Bình Định tăng tương ứng 9 chuyến khứ hồi và 18 chuyến khứ hồi/ngày. Các đường bay khác tổng cộng 9 chuyến khứ hồi/ngày/đường bay.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng giao Cục Hàng không Việt Nam tiếp tục theo dõi tình hình thị trường, diễn biến dịch bệnh Covid-19 tại các địa phương và trên toàn quốc để đề xuất, báo cáo Bộ GTVT điều chỉnh tần suất trên các đường bay trong dịp tết Dương lịch và tết Nguyên đán năm 2022 (nếu cần thiết) trước ngày 13.1.2022.
Trường hợp điều chỉnh kế hoạch khai thác, Bộ GTVT sẽ ban hành quyết định điều chỉnh bổ sung hoặc văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện.
Người Sài Gòn nhìn lại những khoảnh khắc khó quên của đợt dịch thứ tư
Những bức ảnh của Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á ghi lại khoảnh khắc sinh tử, vươn lên trong đại dịch Covid-19 lần thứ tư khiến bất kỳ ai nhìn lại đều lặng người, rưng rưng nước mắt.
Người Sài Gòn lặng người nhìn lại những khoảnh khắc khó quên của đợt dịch thứ 4 |
Nhiều cảm xúc nghẹn ngào của người dân TP.HCM có được trong buổi triển lãm hai bộ ảnh mới nhất, đồng thời ra mắt hai tập sách ảnh thứ 15 và 16 của nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Á tại TP.HCM vào sáng 25.12.2021.
Hai chủ đề khác nhau "Chúng tôi là Việt Nam" và "Sài Gòn ngoan cường", cách tác nghiệp cũng khác nhưng khi cùng ra mắt, hai bộ ảnh đã cộng hưởng, mang đến cho người xem luồng năng lượng mạnh mẽ và ấm áp, quý giá trong những ngày cuối năm 2021.
"Phải nói cảm xúc cuốn thứ 2 nói chuyện với Á là rơi nước mắt. Vì có nhiều cái thăng trầm, làm cho mọi người cảm thấy đau khổ lắm. Thôi thì cái gì cũng qua, mình với tư cách một người làm nhiếp ảnh chỉ mong ghi lại những hình ảnh để cho mọi người thấy tình đoàn kết quan trọng, mọi người kết nối với nhau để vượt qua đại dịch, đó là điều mà Á ghi nhận rất đắt giá, nói lên giá trị Việt Nam, tinh thần Việt Nam rất ngoan cường", Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á nói.
Chứng kiến những khoảnh khắc con người giữa lằn ranh sinh tử đã qua để thấy trân trọng từng phút giây được sống và yêu thương trong cuộc đời.
Chị Nguyễn Thị Hoan (47 tuổi, TP. Thủ Đức) bày tỏ: "Mình cảm thấy mình nên làm những hành động có ý nghĩa hơn, để làm sao cố gắng trân trọng khoảnh khắc mình đang có sự tự do, kẻo nhỡ có ngày hôm sau y như thế có hối hận cũng không làm được việc gì nữa".
Anh Phạm Quang Anh, chủ một công ty may mặc tại TP.HCM, là một trong những nhân vật xuất hiện trong bộ ảnh Sài Gòn ngoan cường. Giúp hàng trăm nhân công giữ được việc làm có thu nhập suốt 5 tháng dịch, đưa nhiều đơn hàng trong và ngoài nước về để duy trì sản xuất khiến cho hình ảnh ông chủ trẻ như một điểm sáng lạc quan giữa lúc gian nan nhất.
"Mình thấy may mắn vì công ty mình đi qua mùa dịch, vượt qua khó khăn, toàn bộ nhân viên và các hoạt động công ty vẫn phát triển và ổn định. Cho dù khó khăn dịch bệnh chúng ta vẫn tiếp tục lao động sản xuất, tiếp tục sống và hướng tới những điều tốt đẹp phía trước", anh Quang Anh nói.
Triển lãm hơn 100 bức ảnh trong hai cuốn sách “Sài Gòn ngoan cường” và “Chúng tôi là Việt Nam” sẽ kéo dài từ ngày 25 đến 27.12 tại Nhà Văn hóa Thanh niên TP.HCM. Trước đó, triển lãm diễn ra từ ngày 17 đến ngày 19.12 tại Trung tâm Thông tin Văn hóa Hồ Gươm (Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Nghiên cứu: virus Covid-19 có thể lan đến tim, não, tồn tại trong nhiều tháng
Nghiên cứu vừa được Viện Y tế quốc gia Mỹ công bố cho thấy virus SARS-CoV-2 có thể lây lan từ đường hô hấp sang tim, não và hầu như mọi cơ quan trong cơ thể chỉ sau vài ngày.
Nghiên cứu: virus Covid-19 có thể lan đến tim, não, tồn tại trong nhiều tháng |
Theo hãng tin Bloomberg hôm 26.12, nghiên cứu này cũng cho thấy loại virus corona gây Covid-19 còn có thể tồn tại ở các cơ quan cơ thể suốt nhiều tháng sau khi đã được xem là khỏi bệnh.
Nhóm tác giả nghiên cứu nhận định rằng việc virus tồn tại lâu trong cơ thể có khả năng góp phần khiến các triệu chứng kéo dài ở những người từng nhiễm Covid-19. Tình trạng này thường được biết đến với tên gọi Covid kéo dài (long Covid).
Ông Ziyad Al-Aly, giám đốc trung tâm dịch tễ lâm sàng tại Hệ thống Chăm sóc sức khỏe cựu chiến binh St. Louis ở Missouri (Mỹ), người đứng đầu các nghiên cứu về tác động lâu dài của Covid-19, nhận xét: “Nghiên cứu này có thể giúp giải thích vì sao tình trạng Covid kéo dài có thể xảy ra cả ở những người chỉ bị triệu chứng nhẹ hoặc không biểu hiện triệu chứng”.
Nghiên cứu được dựa trên việc lấy mẫu và phân tích mô khi giám định pháp y 44 bệnh nhân tử vong sau khi nhiễm Covid-19 tại Mỹ năm 2020.
Các nhà khoa học phát hiện rằng ARN của SARS-CoV-2 xuất hiện tại nhiều nơi trong cơ thể, kể cả những khu vực ở não, vào thời điểm lên đến 230 ngày sau khi có triệu chứng.
Phân tích cho thấy dù SARS-CoV-2 tập trung nhiều ở đường hô hấp và phổi nhưng virus này cũng có thể sớm phân tán đến các tế bào khắp cơ thể, kể cả ở não, theo các tác giả.
Các tác giả cho rằng đây là phân tích toàn diện nhất cho đến nay về cơ chế SARS-CoV-2 lây lan và tồn tại trong cơ thể. Giới chuyên môn cho rằng việc hiểu rõ cơ chế tồn tại của virus cũng như phản ứng của cơ thể đối với các vùng tập trung virus có thể cải thiện việc chăm sóc người bệnh, nhất là những người bị ảnh hưởng bởi Covid kéo dài.
Nghiên cứu đã được đăng trên chuyên san Nature.
Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 27.12 của Báo Thanh Niên.
Bình luận (0)