Bản tin Covid-19 ngày 27.3: Cả nước vượt 9 triệu ca | Hậu Covid-19 còn khó lường

27/03/2022 20:00 GMT+7

Bản tin Covid-19 ngày 27.3 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên . Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới.

Bản tin Covid-19 ngày 27.3 của Báo Thanh Niên có những thông tin đáng chú ý sau:

Cả nước 91.916 ca Covid-19, 185.861 ca khỏi

Bản tin Bộ Y tế ngày 27.3.2022 cho biết tính từ 16h ngày 26.3 đến 16h ngày 27.3, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 91.916 ca nhiễm mới.

Trong ngày có 185.861 ca được công bố khỏi bệnh.

Bản tin cũng thông báo về 48 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay lên 42.306 ca.

Ngày 27.3: Cả nước 91.916 ca Covid-19, 185.861 ca khỏi | Hà Nội 10.252 ca | TP.HCM 849 ca

91.916 ca nhiễm mới ghi nhận trong nước (giảm 11.208 ca so với ngày trước đó) tại 61 tỉnh, thành phố (có 62.043 ca trong cộng đồng). Gồm: Hà Nội (10.252), Bắc Giang (3.997), Yên Bái (3.977), Nghệ An (3.976), Đắk Lắk (3.909), Phú Thọ (3.638), Lào Cai (3.430), Lạng Sơn (3.121), Thái Bình (2.798), Vĩnh Phúc (2.768), Quảng Ninh (2.553), Hà Giang (2.518), Quảng Bình (2.501), Thái Nguyên (2.435), Sơn La (2.206), Tuyên Quang (2.092), Cao Bằng (1.829), Bắc Kạn (1.786), Hải Dương (1.778), Bình Định (1.705), Cà Mau (1.660), Hưng Yên (1.493), Bình Dương (1.486), Quảng Trị (1.478), Hà Nam (1.432), Bắc Ninh (1.416), Lâm Đồng (1.370), Điện Biên (1.248), Lai Châu (1.231), Hòa Bình (1.197), Vĩnh Long (1.177), Bến Tre (972), Bình Phước (959), Ninh Bình (917), Tây Ninh (872), TP.HCM (849), Phú Yên (761), Đắk Nông (754), Kon Tum (750), Đà Nẵng (743), Thừa Thiên-Huế (681), Nam Định (655), Trà Vinh (626), Thanh Hóa (618), Quảng Ngãi (591), Bà Rịa - Vũng Tàu (583), Khánh Hòa (403), Hải Phòng (339), Quảng Nam (320), Bình Thuận (205), Bạc Liêu (173), Kiên Giang (148), Long An (146), An Giang (116), Cần Thơ (90), Đồng Nai (81), Ninh Thuận (31), Hậu Giang (27), Đồng Tháp (20), Sóc Trăng (15), Tiền Giang (14).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Gia Lai (-1.945), Bắc Ninh (-1.174), Phú Thọ (-1.041).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Hà Nội (+629), Đắk Lắk (+466), Bình Dương (+257).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 116.330 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 9.011.473 ca nhiễm, đứng thứ 14/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 121/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 91.225 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

  • Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 9.003.762 ca, trong đó có 5.349.161 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
  • Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.260.268), TP.HCM (591.198), Nghệ An (377.041), Bình Dương (372.549), Hải Dương (336.060).

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hằng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:

  • Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 185.861 ca
  • Tổng số ca được điều trị khỏi: 5.351.978 ca

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.447 ca, trong đó:

  • Thở ô xy qua mặt nạ: 2.868 ca
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 205 ca
  • Thở máy không xâm lấn: 74 ca
  • Thở máy xâm lấn: 295 ca
  • ECMO: 5 ca

Từ 17h30 ngày 26.3 đến 17h30 ngày 27.3 ghi nhận 48 ca tử vong tại: Đồng Nai (6), Đắk Lắk (5), Quảng Ninh (4), An Giang (3), Hà Tĩnh (3), Kiên Giang (3), Bạc Liêu (2), Bến Tre (2), Bình Dương (2), Cà Mau (2), Quảng Bình (2), Thái Nguyên (2 ca trong 2 ngày), Bắc Giang (1), Bình Phước (1), Điện Biên (1), Gia Lai (1), Hà Nội (1), Hải Dương (1), Lâm Đồng (1), Lạng Sơn (1), Ninh Bình (1), Phú Yên (1), Sóc Trăng (1), TP.HCM (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 61 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 42.306 ca, chiếm tỉ lệ 0,5% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 129/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 24/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện là 38.009.510 mẫu tương đương 83.920.695 lượt người.

Trong ngày 26.3 có 141.599 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 205.002.757 liều, trong đó:

  • Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 187.860.318 liều: Mũi 1 là 71.207.845 liều; Mũi 2 là 67.991.955 liều; Mũi 3 là 1.501.462 liều; Mũi bổ sung là 14.817.244 liều; Mũi nhắc lại là 32.341.812 liều.
  • Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.142.439 liều: Mũi 1 là 8.789.313 liều; Mũi 2 là 8.353.126 liều.

Hậu Covid-19 khó lường, cần nâng cao ý thức phòng bệnh hơn trị bệnh

Trong thời gian gần đây, tại các cơ sở y tế và trong cộng đồng ghi nhận số lượng ca nhiễm lẫn ca tái nhiễm SARS-CoV-2 do biến thể Omicron tiếp tục gia tăng.

Hậu Covid-19 khó lường, cần nâng cao ý thức phòng bệnh hơn trị bệnh

Việc kiểm soát đại dịch trong thời kỳ bình thường mới đang gặp phải nhiều khó khăn nhất là việc thiếu hụt đội ngũ lao động cũng như tăng gánh nặng cho y tế địa phương.

Khi vi rút lây lan qua nhiều người theo thời gian, chúng thay đổi so với ban đầu, tạo nên các biến thể mới. Đó là sự tiến hóa tự nhiên. Một biến thể đáng chú ý khi nó dễ lây lan hơn, thay đổi biểu hiện lâm sàng hoặc làm giảm hiệu quả của các công cụ kiểm soát - chẳng hạn như các biện pháp y tế công cộng, chẩn đoán, điều trị và vắc xin.

Biến thể Omicron, biến thể B.1.1.529, được báo cáo lần đầu tiên cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vào ngày 24.11.2021 và được WHO phân loại là biến thể cần quan tâm. Kể từ khi biến thể Omicron của SARS-CoV-2 lần đầu tiên được phát hiện, số lượng người bị tái nhiễm Covid-19 đã tăng mạnh. Từ khoảng giữa tháng 11.2021, tỉ lệ tái nhiễm chiếm khoảng 1% các trường hợp Covid-19 được báo cáo, nhưng tỉ lệ hiện nay đã tăng lên khoảng 10%. Nguy cơ tái nhiễm cao hơn 16 lần trong khoảng thời gian từ giữa tháng 12.2021 đến đầu tháng 1.2022, khi Omicron thống trị.

Các nghiên cứu cho thấy tình trạng nhiễm vi rút trước đó có hiệu quả ngăn ngừa đến 90% với các biến thể Alpha, Beta hoặc Delta, nhưng nó chỉ có hiệu quả 56% đối với Omicron.

Omicron mang một số lượng lớn các đột biến trong protein của nó - mục tiêu chính của các phản ứng miễn dịch, ảnh hưởng đến khả năng nhận diện vi rút của kháng thể và ngăn chặn sự lây nhiễm. Omicron làm giảm hiệu lực của các kháng thể trung hòa trên diện rộng, nổi trội hơn bất kỳ biến thể SARS-CoV-2 đang lưu hành.

Theo khuyến cáo mới nhất của WHO, để bảo vệ bản thân khỏi nguy cơ lây nhiễm, các biện pháp cơ bản và hiệu quả vẫn là:

  • Giữ khoảng cách ít nhất 1 mét với những người khác
  • Đeo khẩu trang vừa vặn che miệng và mũi
  • Mở cửa sổ cho thoáng khí
  • Ho hoặc hắt hơi vào khuỷu tay cong hoặc khăn giấy
  • Vệ sinh tay thường xuyên với dung dịch sát khuẩn
  • Tiêm vắc xin ngay khi có thể.

Cơ chế tác động của biến thể Omicron, làm thế nào biến thể này “trốn” được hệ thống miễn dịch, vẫn chưa được làm rõ. Sự phức tạp nằm ở số lượng đột biến của nó.

Mặc dù ghi nhận tỉ lệ ca nhiễm Omicron trở nặng có thấp hơn so với các biến thể khác, nhưng người dân cũng không nên chủ quan. Các vấn đề của hội chứng hậu Covid-19 vẫn còn nhức nhối và thách thức nền y tế hiện nay. Vì vậy chúng ta cần nâng cao ý thức phòng bệnh hơn trị bệnh, tuân thủ các hướng dẫn của Bộ Y tế.

Trình diễn khinh khí cầu đón khách quốc tế trở lại Đà Nẵng

Sáng 27.3.2022, Công ty cổ phần Đầu tư Khai thác Nhà ga Quốc tế Đà Nẵng (AHT) cùng Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng tổ chức Ngày hội khinh khí cầu tại Công viên APEC.

Trình diễn khinh khí cầu tại Công viên APEC đón khách quốc tế trở lại Đà Nẵng

Đây là sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động chào đón chuyến bay quốc tế đầu tiên trở lại Đà Nẵng sau hai năm Covid-19.

Khinh khí cầu được trình diễn theo hình thức bay treo, cột dây cố định, vị trí cao nhất của khinh khí cầu cao khoảng 40 mét so với mặt đất.

Trong đó 3 khinh khí cầu khổng lồ cao 22 mét, 12 khinh khí cầu mini cao 7-10 mét , 2 quả khinh khí cầu hơi cao 12 mét và 15 mét. Mỗi khinh khí cầu bay treo có thể chở được 3 - 4 người lớn hoặc 6 -7 trẻ em và diễn ra trong khoảng 4 - 5 phút/chuyến.

Dịp này, thành phố Đà Nẵng cùng các đơn vị dành rất nhiều tâm huyết tung ra các sản phẩm mới như tuyến đường biển Đà Nẵng – Lý Sơn, tháng 8 có đua thuyền buồm trên sông Hàn, cùng các sự kiện lớn như Diễn đàn Phát triển đường bay châu Á – Routes Asia 2022, Giải Golf Phát triển châu Á - ADT 2022 nằm trong hệ thống giải Asian Tour, giải golf chuyên nghiệp hàng đầu châu Á, Lễ hội Tuyệt vời Đà Nẵng 2022…

Cũng trong ngày 27.3, Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng tổ chức chào đón 2 chuyến bay đầu tiên trở lại Đà Nẵng sau khi thành phố mở cửa bầu trời quốc tế, với thông điệp “Chào mừng thế giới trở lại”.

Ngành hàng không và du lịch Đà Nẵng đang nhận được nhiều tín hiệu tích cực khi có 9 hãng hàng không dự kiến mở lại 10 đường bay quốc tế, kết nối du lịch Đà Nẵng với các thị trường Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Ấn Độ trong năm 2022.

Trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi sẽ tiêm vắc xin phòng Covid-19 ở đâu?

Ngày 27.3, theo hướng dẫn triển khai công tác chuẩn bị kế hoạch tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, các trường học tại TP.HCM đang lấy mã định danh cá nhân của học sinh, tiến hành nhập liệu phục vụ công tác tiêm chủng. Đây là điểm mới của chương trình tiêm chủng phòng Covid-19, ngành giáo dục sẽ chịu trách nhiệm nhập liệu trước và sau khi tiêm vắc xin cho trẻ thay vì lực lượng nhân viên ngành y tế như trước đây đối với học sinh từ 12 tuổi trở lên.

Trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi sẽ tiêm vắc xin phòng Covid-19 ở đâu?

Cũng về công tác chuẩn bị tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, ông Trịnh Duy Trọng - Trưởng phòng Chính trị tư tưởng Sở GD-ĐT TP.HCM lưu ý, các quận, huyện, các trường phải chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ. Sở GD-ĐT và Sở Y tế thống nhất tham mưu với UBND TP.HCM tổ chức mỗi trường là một điểm và thực hiện tiêm cho học sinh trường mình. Trong trường hợp bất khả kháng không thể tổ chức điểm tiêm tại trường thì học sinh mới tiêm ở điểm khác.

Trong các buổi giao ban về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong các nhà trường, ghi nhận từ các trường học, lãnh đạo phòng GD-ĐT các quận, huyện cho thấy ở khu vực tập trung dân nhập cư đang gặp khó khăn về việc nhập liệu mã định danh của trẻ ở lứa tuổi này.

Với những khó khăn mà phòng GD-ĐT các quận, huyện nêu ra, ông Dương Trí Dũng - Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho hay Sở sẽ phối hợp và làm việc với các sở ban ngành liên quan như với Sở Y tế, Công an TP, Sở Thông tin và Truyền thông để có giải pháp hỗ trợ phụ huynh, nhà trường trong việc chuẩn bị tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ.

Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 27.3 của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.