Bản tin Covid-19 ngày 27.4: Cả nước hơn 10,6 triệu ca | Tạm dừng khai báo y tế với người nhập cảnh
Bản tin Covid-19 ngày 27.4 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên . Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới .
Tự động phát
Bản tin Covid-19 ngày 27.4 của Báo Thanh Niên có những thông tin đáng chú ý sau:
Công bố 11.313 ca Covid-19, 46.907 ca khỏi
Bản tin Bộ Y tế ngày 27.4.20220 cho biết tính từ 16h ngày 26.4 đến 16h ngày 27.4, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 8.004 ca nhiễm mới, Sở Y tế Quảng Ninh đăng ký bổ sung 3.309 ca. Như vậy, tổng số ca nhiễm được công bố trong ngày là 11.313 ca.
Có thêm 46.907 ca được công bố khỏi bệnh.
Bản tin cũng thông báo về 5 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay lên 43.034 ca.
Ngày 27.4: Công bố 11.313 ca Covid-19, 46.907 ca khỏi | Hà Nội 921 ca | TP.HCM 48 ca |
Thông tin về 11.313 ca nhiễm vừa được công bố như sau:
- 0 ca nhập cảnh.
- 8.004 ca ghi nhận trong nước (giảm 427 ca so với ngày trước đó) tại 58 tỉnh, thành phố (có 6.688 ca trong cộng đồng). Gồm: Hà Nội (921), Phú Thọ (544), Nghệ An (351), Yên Bái (350), Đắk Lắk (327), Quảng Ninh (304), Vĩnh Phúc (299), Lào Cai (297), Hải Dương (292), Tuyên Quang (250), Gia Lai (245), Quảng Bình (230), Thái Nguyên (227), Bắc Kạn (213), Thái Bình (202), Nam Định (179), Bắc Giang (177), Hưng Yên (174), Lâm Đồng (169), Bến Tre (161), Bắc Ninh (148), Lạng Sơn (139), Cao Bằng (125), Ninh Bình (121), Hà Giang (116), Đà Nẵng (110), Sơn La (105), Hà Nam (96), Hải Phòng (90), Vĩnh Long (86), Quảng Trị (84), Hòa Bình (83), Lai Châu (79), Điện Biên (75), Bình Phước (61), Tây Ninh (58), Quảng Ngãi (49), Bình Định (48), TP.HCM (48), Thanh Hóa (47), Bà Rịa - Vũng Tàu (45), Đắk Nông (41), Khánh Hòa (35), Quảng Nam (29), Bình Dương (28), Cà Mau (23), Phú Yên (20), Đồng Tháp (20), Bình Thuận (19), Thừa Thiên-Huế (15), Kiên Giang (14), Long An (9), An Giang (9), Trà Vinh (8) , Đồng Nai (3), Bạc Liêu (3), Hậu Giang (2), Cần Thơ (1).
- Ngày 27.4.2022, Sở Y tế Quảng Ninh đăng ký bổ sung 3.309 ca trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin.
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Phú Thọ (-158), Hà Tĩnh (-116), Quảng Ninh (-104).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Lâm Đồng (+169), Bến Tre (+144), Quảng Bình (+72).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 9.460 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.631.516 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 107.469 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):
- Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.623.767 ca, trong đó có 9.160.315 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
- Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.583.541), TP.HCM (608.160), Nghệ An (480.717), Bắc Giang (385.033), Bình Dương (383.309).
Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hằng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 46.907 ca
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 9.163.132 ca
Số bệnh nhân đang thở ô xy là 624 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 512 ca
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 47 ca
- Thở máy không xâm lấn: 12 ca
- Thở máy xâm lấn: 52 ca
- ECMO: 1 ca
Từ 17h30 ngày 26.4 đến 17h30 ngày 27.4 ghi nhận 5 ca tử vong tại: Bến Tre (1), Đắk Lắk (1), Đồng Nai (1), Sóc Trăng (1), Vĩnh Long (1).
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 7 ca.
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.034 ca, chiếm tỉ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 25/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).
Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện là 39.493.305 mẫu tương đương 85.792.898 lượt người.
Trong ngày 26.4 có 256.268 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 213.317.994 liều, trong đó:
- Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 194.952.182 liều: Mũi 1 là 71.439.602 liều; Mũi 2 là 68.623.069 liều; Mũi 3 là 1.505.891 liều; Mũi bổ sung là 15.220.699 liều; Mũi nhắc lại là 38.162.921 liều.
- Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.357.398 liều: Mũi 1 là 8.896.813 liều; Mũi 2 là 8.460.585 liều.
- Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 1.008.414 liều (mũi 1).
Tạm dừng khai báo y tế Covid-19 với người nhập cảnh
Bộ Y tế vừa có văn bản hỏa tốc gửi UBND tỉnh, thành phố về việc tạm dừng áp dụng khai báo y tế tại cửa khẩu đối với Covid-19.
Tạm dừng khai báo y tế Covid-19 với người nhập cảnh từ 0 giờ ngày 27.4 |
Văn bản của Bộ Y tế gửi đến các UBND tỉnh, thành phố có hoạt động kiểm dịch y tế gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Quảng Trị, Đà Nẵng, Kon Tum, Khánh hòa, Đồng Nai, TP.HCM, An Giang, Tây Ninh, Bình Thuận, Thừa Thiên Huế, Điện Biên, Tiền Giang, Quảng Bình, Quảng Nam, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Bình Định, Thanh Hóa, Long An, Đắc Nông, Lâm Đồng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Phú Yên, Kiên Giang, Lai Châu, Nghệ An, Đồng Tháp, Nam Định, Bình Phước, Sơn La, Cà Mau, Cao Bằng, Hà Giang, Thái Bình, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Gia Lai, Đắk Lắk, Bình Dương, Trà Vinh, Vĩnh Long.
Văn bản của Bộ Y tế cho biết hiện nay, dịch Covid-19 đã ghi nhận tại hầu hết các nước trên thế giới, đã có vắc xin phòng bệnh đặc hiệu và có hiệu quả với các chủng vi rút SARS-CoV-2 hiện đang lưu hành. Trong thời gian gần đây, dịch đã có xu hướng giảm cả số mắc và tử vong trên phạm vi toàn cầu.
Tại Việt Nam, Bộ Y tế cho biết dịch Covid-19 đã được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc với tỉ lệ bao phủ vắc xin phòng Covid-19 cao.
Căn cứ tình hình dịch Covid-19 và Nghị định số 89/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm về kiểm dịch y tế biên giới, Bộ Y tế đề nghị UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện các nội dung, cụ thể như sau:
- Tạm dừng việc áp dụng khai báo y tế với Covid-19 tại tất cả các cửa khẩu của Việt Nam đối với người nhập cảnh kể từ 00 giờ 00 phút ngày 27.4.2022.
- Duy trì giám sát hành khách nhập cảnh tại các cửa khẩu theo quy định tại Nghị định số 89/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm về kiểm dịch y tế biên giới.
- Chủ động cập nhật các tài liệu truyền thông, khuyến cáo phòng, chống dịch Covid-19 phù hợp với tình hình hiện nay và chủ động đưa tin kịp thời.
- Bộ Y tế tiếp tục cập nhật, cung cấp thông tin về hình hình dịch bệnh trên thế giới và trong nước để có các biện pháp phòng chống dịch phù hợp.
Trước đó, như Báo Thanh Niên đã đưa tin, tại hội nghị trực tuyến quán triệt việc 'làm sạch' dữ liệu tiêm chủng Covid-19 và hướng dẫn triển khai các nhiệm vụ của Tổ Công tác triển khai Đề án 06 do liên Bộ Y tế - Bộ Công an tổ chức kết nối đến hơn 11.000 điểm cầu trên toàn quốc đã diễn ra sáng 26.4, GS.TS Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế - cho biết Bộ Y tế đã giao Cục Y tế Dự phòng có văn bản hướng dẫn các địa phương trong việc từng bước thực hiện bình thường hóa. Đây là điểm rất quan trọng.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết tới đây, Việt Nam sẽ bỏ khai báo y tế nội địa. Việc này là từng bước để đưa cuộc sống trở lại bình thường; không thực hiện khai báo y tế vì sẽ không thực hiện truy vết nữa.
Thêm một đoạn đường Lê Lợi được gỡ rào chắn
Ngày 27.4.2022, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM chính thức hoàn thành công tác tái lập, bàn giao lại thành phố mặt bằng đoạn từ ngã tư Lê Lợi - Nguyễn Huệ đến ngã tư Lê Lợi - Pasteur.
Mừng rỡ vì một đoạn đường Lê Lợi thông thoáng sau nhiều năm thi công Metro |
Đây là một trong những đoạn công trường lớn thuộc gói thầu CP1a - tuyến đường sắt đô thị số 1 (tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên) trên đường Lê Lợi, quận 1.
Trước đó, ngày 15.4.2020, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM đã bàn giao 2.177 m2 mặt bằng Công viên Lam Sơn trước Nhà hát Thành phố (thuộc gói thầu CP1b) cho Trung tâm Quản lý hạ tầng thuộc Sở Xây dựng để thi công cải tạo công viên.
Đoạn thi công tiếp theo từ ngã tư Lê Lợi - Pasteur đến ngã tư Lê Lợi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa hiện đã hoàn thành công tác tháo dỡ rào chắn, tái lập mặt bằng. Công trình sẽ được nghiệm thu và bàn giao lại cho Sở GTVT TP.HCM để tổ chức lưu thông.
Nhiều người dân tỏ ra rất vui mừng vì từ khi đoàn đường này bị rào chắn để thi công, họ đã gặp không ít bất tiện.
Cũng theo lãnh đạo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, đoạn đường nối tiếp từ ngã tư Lê Lợi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa đến giữa ngã ba Lê Lợi - Phan Bội Châu dự kiến sẽ hoàn thành công tác thi công, tháo dỡ rào chắn vào tháng 6.
Tiếp đến, đoạn cuối cùng từ đoạn giao Lê Lợi - Phan Bội Châu đến chợ Bến Thành và toàn bộ khu vực xung quanh vòng xoay Quách Thị Trang sẽ hoàn tất công tác tái lập, hoàn trả mặt bằng vào lễ 2.9.
Như vậy, dự kiến muộn nhất là ngày 2.9, toàn bộ đường Lê Lợi sẽ được giải phóng sau 6 năm lô cốt “bủa vây” phục vụ thi công tuyến metro số 1.
Cũng trong ngày 27.4, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM cũng đã tổ chức lễ biểu dương cho 10 công nhân gương điển hình người lao động tiêu biểu trong công tác tái lập mặt bằng đường Lê Lợi.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Quốc Hiển, Phó giám đốc Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, cho biết gói thầu CP1a là một trong 4 gói thầu chính của tuyến metro số 1, khởi công từ cuối 2016.
Dự án chính thức được bàn giao mặt bằng từ trung tâm quản lý hạ tầng giao thông đường bộ - Sở GTVT, để triển khai thi công vào đầu năm 2017.
Đến nay, gói thầu CP1a đã cơ bản hoàn thành hầu hết hạng mục kết cấu chính, đạt hơn 95% tổng các hạng mục.
Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) có tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỉ đồng, dài gần 20 km từ depot Long Bình (thành phố Thủ Đức) đến ga Bến Thành (quận 1). Dự án đến nay đã hoàn thành hơn 90% tổng khối lượng thi công toàn tuyến.
Hiện UBND TP.HCM đã phê duyệt dự toán cho phụ lục hợp đồng số 19. Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM đang phối hợp với nhà thầu, liên danh tư vấn chung NJPT để ký kết hợp đồng số 19 để khởi động lại hoạt động đào tạo lái tàu vào quý 2, phục vụ công tác chạy thử nghiệm trong 1 năm từ khoảng quý 3.2023, trước khi đưa vào khai thác thương mại vào năm 2024.
Xây dựng mô hình “tháp 3 tầng” chăm sóc sức khỏe toàn diện hậu Covid-19
Ngày 26.4.2022, TS-BS Nguyễn Anh Dũng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết Sở Y tế TP.HCM đang triển khai các hoạt động chăm sóc sức khỏe người dân giai đoạn hậu Covid-19. Đây là hoạt động được lãnh đạo TP.HCM quan tâm, chỉ đạo từ đầu năm nay.
Xây dựng mô hình “tháp 3 tầng” chăm sóc sức khỏe toàn diện hậu Covid-19 |
Trong tuần này, Sở Y tế tổ chức nhiều cuộc họp tổ chuyên gia xây dựng Hướng dẫn xử trí các vấn đề sức khỏe sau mắc Covid-19 trong lĩnh vực nhi khoa, hô hấp, tim mạch và tâm thần.
Theo TS-BS Nguyễn Anh Dũng, tiến độ thực hiện hoạt động chăm sóc sức khỏe người dân giai đoạn hậu Covid-19 được thực hiện như sau:
Quý 1/2022, xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch; thành lập tổ chuyên môn xây dựng “Hướng dẫn xử trí các vấn đề sức khỏe sau mắc Covid -19”.
Quý 2/2022, hoàn thành “Hướng dẫn xử trí các vấn đề sức khỏe sau mắc Covid-19”; thực hiện các tài liệu truyền thông dưới nhiều hình thức về các bệnh lý hậu Covid-19 để người dân tiếp cận bằng nhiều cách khác nhau.
Quý 4/2022, tổng kết đánh giá kết quả triển khai thực hiện kế hoạch.Các hoạt động chăm sóc sức khỏe người dân giai đoạn hậu Covid-19 của TP.HCM nhằm phát hiện sớm các ca mắc bệnh lý giai đoạn hậu Covid-19, can thiệp chăm sóc, điều trị kịp thời, hạn chế thấp nhất nguy cơ tử vong, ảnh hưởng sức khỏe, góp phần bảo đảm an sinh, bảo vệ lực lượng lao động, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân TP.HCM.
Về nội dung thực hiện cụ thể, theo TS-BS Dũng, Sở Y tế xây dựng Hướng dẫn tầm soát, phát hiện sớm, đánh giá nguy cơ, cách chăm sóc, điều trị hậu Covid-19; phát triển nền tảng số của TP.HCM về dữ liệu sức khỏe của người dân hậu Covid-19 (đây là một trong những dữ liệu quan trọng về sức khỏe ban đầu để tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân thành phố), chuyển đổi số hoạt động quản lý, chăm sóc sức khỏe người dân giai đoạn hậu Covid-19.
Mặt khác, TP.HCM thiết lập mô hình tháp 3 tầng chăm sóc sức khỏe cho người hậu Covid- 19. Tăng cường truyền thông và thực hiện nghiên cứu khoa học về sức khỏe cộng đồng toàn cầu: “Bệnh lý hậu Covid-19”. Tăng cường hợp tác quốc tế về các chương trình phục hồi sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân sau đại dịch Covid-19.
Các bệnh viện công, tư rà soát, sẵn sàng tầm soát đối với người dân từng mắc Covid-19. Xây dựng mô hình điều trị các bệnh lý hậu Covid-19 phù hợp khả năng điều trị tại các cơ sở khám, chữa bệnh.
Cụ thể, tầng 1 là Trung tâm y tế quận, huyện, TP.Thủ Đức, Trạm y tế phường, xã, thị trấn, phòng khám bác sĩ gia đình. Các nơi này tư vấn, theo dõi chăm sóc sức khỏe cho người có nguy cơ mắc bệnh lý hậu Covid-19 mức độ nhẹ.Tầng 2 là các bệnh viện đa khoa quận, huyện sẽ tư vấn, theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho người có nguy cơ mắc bệnh lý hậu Covid-19 mức độ trung bình.
Tầng 3 là bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối thực hiện tư vấn, theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho người có nguy cơ mắc bệnh lý hậu Covid-19 mức độ nặng, nguy kịch.
Sở Y tế yêu cầu các đơn vị cử nhân sự tham gia tập huấn các khóa đào tạo liên tục về chẩn đoán, hướng dẫn điều trị bệnh lý hậu Covid-19.
Tăng cường hội chẩn với bệnh viện tuyến trên, chuyển viện kịp thời trong trường hợp tình trạng người bệnh quá khả năng điều trị. Đảm bảo công tác thống kê số liệu về khám, chữa các bệnh lý sau mắc Covid-19 tại các đơn vị định kỳ hằng tháng, quý và cung cấp số liệu cho các cơ quan quản lý khi cần.PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM, cho rằng hiện Việt Nam chưa phân cấp rõ ràng về việc khám hậu Covid-19 và chi phí y tế tùy theo khả năng chi trả của người bệnh, điều này chưa tạo ra sự công bằng. Theo ông, với hậu Covid-19, nên khám từ tuyến dưới trở lên. Ví dụ như ở Anh, tất cả trường hợp liên quan Covid-19 đều khám ở y tế tuyến cơ sở, còn những ca bệnh nặng hơn như viêm cơ tim thì chuyển lên bệnh viện, nặng hơn nữa mới chuyển đến các trung tâm điều trị Covid-19.
Theo BS Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch thường trực Liên chi hội Truyền nhiễm TP.HCM, hậu Covid-19 ở trẻ em ít và có vài hội chứng, gồm: hô hấp (dễ sổ mũi, ho...) có thể phát sau mắc Covid-19 và điều trị thông thường.Nổi mề đay, không thể xác định được do hậu Covid-19 hay bản thân trẻ nổi mề đay; điều trị là xổ giun, xem lại thức ăn, quần áo, môi trường và dùng thuốc chống mề đay. Tâm lý của trẻ bị áp lực do bị buộc ở trong phòng để không lây cho người khác, dẫn đến trẻ không giao tiếp với gia đình chứ không phải do Covid-19 và trẻ phải đi khám tâm lý. Trong thời gian trẻ mắc Covid-19 được “cưng chiều” cho xem ti vi nhiều dẫn đến mất ngủ nên cần tập lại; có trẻ nhức đầu có thể do xem tivi, chơi game nhiều hoặc do cận thị, căng thẳng, stress cần đi khám. Hậu Covid-19 cũng có thể làm trẻ “nhớ nhớ, quên quên” và cũng chỉ uống thuốc làm dịu thần kinh, vitamin nhóm B. Cũng có thể trẻ biếng ăn và uống thuốc 1 - 2 tuần sẽ ăn tốt lại. Tất cả những vấn đề trên liên quan tâm lý hơn là triệu chứng thực thể.
Hậu Covid-19 trẻ em còn có thể mắc hội chứng MIS-C, với các biểu hiện như sốt cao liên tục, mắt đỏ, môi đỏ, phát ban da, sưng đau hạch cổ và các triệu chứng tiêu hóa như ói, đau bụng, tiêu chảy. Các biến chứng nặng của MIS-C ở trẻ thường liên quan đến hệ tim mạch, bao gồm viêm động mạch vành và giảm chức năng co bóp của cơ tim. Biến chứng viêm mạch vành nếu không được điều trị kịp thời có thể để lại di chứng lâu dài trên hệ tim mạch như giãn động mạch vành, thiếu máu cơ tim.
Trẻ nghi mắc hội chứng MIS-C cần được theo dõi, điều trị tại các bệnh viện chuyên khoa nhi.Với người trưởng thành, hậu Covid-19 có rất nhiều triệu chứng, nhưng có 2 nhóm triệu chứng cần quan tâm là hô hấp và tim mạch.Về hô hấp hậu Covid-19, theo TS-BS Lê Thị Thu Hương, Trưởng khoa Nội hô hấp - Cơ xương khớp Bệnh viện Nhân dân Gia Định, nhiều bệnh lý trước đây người dân không đi khám do ngại tới nơi đông người thì nay đi khám nhiều; khá đa dạng như lao phổi mới phát hiện, hen không được kiểm soát (có thể có tiền căn từ trước hay không), bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính… Với bệnh nhân từng nhiễm Covid-19 nặng (có viêm phổi, hội chứng suy hô hấp cấp tính nặng - ARDS, phải nằm viện kéo dài, thở máy…) thì sau khỏi Covid-19 có thể gặp những vấn đề về hô hấp cần được theo dõi và điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa hô hấp.
Bác sĩ Hương khuyến cáo tránh nơi ô nhiễm môi trường, ngừng hút thuốc lá, ăn uống đủ chất, tập thể dục vừa sức, tiêm phòng các bệnh nhiễm trùng hô hấp như cúm, viêm phổi, ho gà… theo khuyến cáo của bác sĩ; khi có triệu chứng hô hấp cần đi khám hoặc nếu có bệnh hô hấp từ trước thì tái khám theo hẹn của bác sĩ.
GS-TS Đặng Vạn Phước, Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, cho biết Covid-19 ảnh hưởng trên người nguy cơ cao về tim mạch: lớn tuổi, huyết áp, tiểu đường, các bệnh lý phổi mãn tính… làm cho tình trạng bệnh nặng lên và nguy cơ tử vong.Những tổn thương đó từ từ giảm đi, có những người không bị ảnh hưởng về sau. Nhưng cũng có một số gặp vấn đề do Covid-19 gây bệnh nặng thêm ở phổi, tim, mạch máu… Covid-19 làm các bệnh sẵn hay người bệnh ngưng dùng thuốc các bệnh mạn tính làm bệnh nặng thêm như huyết áp xáo trộn, đường huyết không kiểm soát, nhịp tim nhanh, khó thở… và xảy ra một số di chứng. Bệnh nhân cần đến bác sĩ để được chẩn đoán, phân biệt là bệnh nền nặng lên qua đợt Covid-19 hay những tổn thương do hậu quả của vi rút gây bệnh Covid-19 trên tim, não, mạch máu… Điều này đòi hỏi thầy thuốc chuyên khoa đánh giá, phân biệt bệnh cũ - mới, có nghiêm trọng hay không, hay vì tâm lý bệnh nhân nói quá lên…
Ở góc độ tâm lý, chuyên gia tâm lý GS-TS Huỳnh Văn Sơn cho biết đang làm dự thảo đề án chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần hậu Covid-19 cho người dân TP.HCM. Theo ông, hậu Covid-19 tác động đến mọi thành phần trong xã hội.
Đối với trẻ em, có biểu hiện khó bảo, khó khăn trong học tập, chậm phát triển, chậm nói, có các biểu hiện lo âu hoặc gặp các rối nhiễu hành vi.Với thanh thiếu niên (dưới 18 tuổi): Các vấn đề thường gặp là quá lo âu, căng thẳng, mất động cơ trong học tập, thu mình, nghiện internet... Với người lớn (trên 18 tuổi): căng thẳng, nạn nhân của việc bị hành hung, trầm cảm và lo âu, hành vi nghiện ngập (trò chơi trực tuyến, mạng xã hội), rối loạn ăn uống hay giấc ngủ...
Các tổn thương, di chứng về tinh thần không chỉ xuất hiện ở người nhiễm Covid-19 mà còn lan ra các nhóm nhân viên y tế, tình nguyện viên tuyến đầu chống dịch, và từng người dân phải sống trong cách ly, phong tỏa. Giai đoạn sau dịch Covid-19, khi các vấn đề an sinh, kinh tế - xã hội, y tế của người dân đã đi vào ổn định, các cơn hoảng loạn, sự lo lắng kéo dài - những sang chấn tâm lý sẽ được tái hiện và thúc đẩy nhu cầu cần được hỗ trợ, can thiệp tâm lý. Đây là giai đoạn mà các chiến lược hỗ trợ, can thiệp tâm lý cho người trưởng thành, trẻ em và nhóm yếu thế trở nên cấp thiết. Những người yếu thế có hoàn cảnh khó khăn, thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo không có nơi nương tựa, phải mưu sinh vất vả ngoài đường trong thời gian giãn cách đã để lại nhiều hình ảnh, trường hợp đau khổ.
Dù rằng các chính sách hiện nay của địa phương đã tạo ra nơi cư trú tạm thời cho nhóm yếu thế, tuy nhiên khi dịch bệnh đã được kiểm soát thì liệu rằng họ có còn nơi nương tựa. Đây là một câu hỏi và cũng là trách nhiệm cần giải quyết không chỉ là của chính quyền thành phố mà của các nhà khoa học, các lực lượng xã hội và các bên có liên quan trong quá trình phát triển TP.HCM.
Vì thế, những dự báo về sang chấn tâm lý, các triệu chứng của PTSD (còn gọi là rối loạn stress sau sang chấn) của người dân rất quan trọng và cần thiết trong thực tế bởi đây là hành động chiến lược cho các kế hoạch phục hồi và phát triển, thể hiện quan điểm con người nhất là giá trị nhân văn. Đây cũng là yêu cầu lõi của chính sách an sinh xã hội và đáp ứng các nhu cầu chăm sóc con người, nhất là nhu cầu chăm sóc tinh thần trong bối cảnh hậu Covid-19.
Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 27.4 của Báo Thanh Niên.
Bình luận (0)