Bản tin Covid-19 ngày 28.4: Cả nước hơn 10,6 triệu ca | 3,5 triệu người đã có hộ chiếu vắc xin
Bản tin Covid-19 ngày 28.4 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên . Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới .
Tự động phát
Bản tin Covid-19 ngày 28.4 của Báo Thanh Niên có những thông tin đáng chú ý sau:
Cả nước 7.116 ca Covid-19, 79.171 ca khỏi
Bản tin Bộ Y tế ngày 28.4.2022 cho biết tính từ 16h ngày 27.4 đến 16h ngày 28.4, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 7.116 ca nhiễm mới, 79.171 ca khỏi bệnh.
Bản tin cũng thông báo về 3 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong vì Covid-19 tại Việt Nam lên 43.037 ca.
Ngày 28.4: Cả nước 7.116 ca Covid-19, 79.171 ca khỏi | Hà Nội 913 ca | TP.HCM 82 ca |
Thông tin về 7.116 ca nhiễm mới như sau:
- 0 ca nhập cảnh.
- 7.116 ca ghi nhận trong nước (giảm 888 ca so với ngày trước đó) tại 58 tỉnh, thành phố (có 5.862 ca trong cộng đồng). Gồm: Hà Nội (913), Phú Thọ (475), Vĩnh Phúc (418), Yên Bái (305), Nghệ An (292), Lào Cai (288), Hải Dương (261), Quảng Ninh (252), Tuyên Quang (246), Thái Bình (224), Đắk Lắk (214), Thái Nguyên (209), Bắc Kạn (173), Hưng Yên (165), Nam Định (164), Quảng Bình (157), Bắc Ninh (147), Lâm Đồng (132), Đắk Nông (123), Hà Giang (118), Cao Bằng (112), Hà Tĩnh (102), Hà Nam (101), Lạng Sơn (92), Lai Châu (91), Ninh Bình (88), Quảng Trị (83), TP.HCM (82), Sơn La (81), Hòa Bình (80), Đà Nẵng (80), Vĩnh Long (74), Bình Phước (71), Bắc Giang (70), Điện Biên (66), Bình Định (58), Bến Tre (55), Thanh Hóa (54), Bình Dương (51), Bà Rịa - Vũng Tàu (47), Phú Yên (41), Tây Ninh (35), Cà Mau (32), Quảng Ngãi (31), Hải Phòng (30), Khánh Hòa (28), Đồng Tháp (23), Bình Thuận (18), Quảng Nam (18), Thừa Thiên Huế (17), Kiên Giang (9), An Giang (5), Long An (4), Kon Tum (3), Trà Vinh (2), Đồng Nai (2), Cần Thơ (2), Hậu Giang (2).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Gia Lai (-245), Đắk Lắk (-113), Bắc Giang (-107).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Vĩnh Phúc (+119), Hà Tĩnh (+102), Đắk Nông (+82).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 8.758 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.638.632 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 107.538 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):
- Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.630.883 ca, trong đó có 9.239.486 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
- Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.584.454), TP.HCM (608.242), Nghệ An (481.009), Bắc Giang (385.103), Bình Dương (383.360).
Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hằng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 79.171 ca
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 9.242.303 ca
Số bệnh nhân đang thở ô xy là 629 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 517 ca
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 47 ca
- Thở máy không xâm lấn: 12 ca
- Thở máy xâm lấn: 52 ca
- ECMO: 1 ca
Từ 17h30 ngày 27.4 đến 17h30 ngày 28.4 ghi nhận 3 ca tử vong tại: Kiên Giang (1), Lâm Đồng (1), Tây Ninh (1).
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 7 ca.
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.037 ca, chiếm tỉ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 25/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).
Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện là 39.495.440 mẫu tương đương 85.795.583 lượt người.
Trong ngày 27.4 có 327.296 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 213.645.290 liều, trong đó:
- Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 195.134.871 liều: Mũi 1 là 71.440.954 liều; Mũi 2 là 68.627.272 liều; Mũi 3 là 1.505.909 liều; Mũi bổ sung là 15.225.865 liều; Mũi nhắc lại là 38.334.871 liều.
- Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.360.022 liều: Mũi 1 là 8.898.577 liều; Mũi 2 là 8.461.445 liều.
- Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 1.150.397 liều (mũi 1).
Hơn 3,5 triệu người Việt Nam đã có hộ chiếu vắc xin
Theo thông tin từ Bộ Y tế, cập nhật đến chiều 28.4.2022, đã có hơn 3,5 triệu người Việt Nam đã có hộ chiếu vắc xin. Con số này tăng thêm khoảng 800.000 người so với thống kê cách đó 2 ngày.
Hơn 3,5 triệu người Việt Nam đã có hộ chiếu vắc xin |
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết thời gian qua với sự giúp đỡ của Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông và một số đơn vị liên quan, Bộ Y tế đã tích cực triển khai được dữ liệu phần mềm tiêm chủng quốc gia. Phần mềm đã phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, trong thực tiễn triển khai cũng nảy sinh nhiều vấn đề và còn những hạn chế nên kết quả cũng chưa đạt được như mong muốn.
Nguyên nhân theo Bộ trưởng Bộ Y tế, mặc dù Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhiều lần chỉ đạo đẩy mạnh việc cập nhật phần mềm tiêm chủng nhưng vẫn còn hơn 43 triệu mũi tiêm chưa đồng bộ được vấn đề tiêm chủng với dữ liệu dân cư quốc gia (sai thông tin gồm số định danh, ngày sinh, họ tên và thông tin khác...)
Vẫn còn những thông tin nhập vào còn thiếu, chưa phù hợp, chưa đúng và chưa đảm bảo được việc liên thông dữ liệu này. Đây chính là khó khăn, hạn chế không chỉ của trung ương mà còn của các địa phương; kể cả các bộ phận kỹ thuật cũng chưa thể kết nối được.
Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu trước 1.6.2022, các địa phương phải hoàn thành việc cập nhật đối với những mũi tiêm chưa được cập nhật lên hệ thống và phải xác thực, chính xác hoá các mũi tiêm đang sai thông tin.
Trả lời về việc 'làm sạch' dữ liệu tiêm chủng Covid-19 có ý nghĩa như thế nào, đại diện Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế cho biết:
Thứ nhất, dữ liệu tiêm chủng phải đầy đủ, chính xác mới cung cấp số liệu phục vụ cho việc chỉ đạo, điều hành công tác tiêm chủng Covid-19 của chính quyền các cấp.
Thứ hai, đối với người dân, việc khai báo thông tin tiêm chủng chính xác nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân về tiêm chủng, về việc có xác nhận hộ chiếu vắc xin phục vụ đi lại và giao thương quốc tế.
Theo quy định của Bộ Y tế, chỉ những người dân đã tiêm chủng, khai báo chính xác thông tin và thông tin được xác thực đúng với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư mới được các cơ sở tiêm chủng và Bộ Y tế ký xác nhận hộ chiếu vắc xin.
Hộ chiếu vắc xin điện tử là chứng nhận tiêm chủng Covid-19 điện tử do Bộ Y tế cấp cho người dân, sử dụng các tiêu chuẩn do Tổ chức Y tế thế giới và Liên minh Châu Âu ban hành hiện đang được sử dụng tại 62 quốc gia và trong thời gian tới sẽ có thêm các quốc gia khác sử dụng.
Thời hạn của hộ chiếu vắc xin điện tử là 12 tháng kể từ ngày cấp, đây là giải pháp kỹ thuật để đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin. Khi hết hạn, hệ thống sẽ tự động tạo mã QR mới.
Hơn 14.700 ca mắc sốt xuất huyết sau Covid-19
Trong văn bản gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường phòng chống sốt xuất huyết, Bộ Y tế nêu rõ trong những tuần gần đây, số mắc sốt xuất huyết có chiều hướng gia tăng ở một số địa phương và đã ghi nhận các trường hợp tử vong.
Hơn 14.700 ca mắc, 6 ca tử vong do sốt xuất huyết trên cả nước |
Theo báo cáo của các địa phương, từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 14.704 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 6 trường hợp tử vong tại Bình Dương (3), Đồng Tháp (1), Tây Ninh (1), Đồng Nai (1). So với cùng kỳ năm 2021 số mắc giảm nhẹ, tuy nhiên số tử vong tăng 1 trường hợp.
Bộ Y tế dự báo trong thời gian tới số mắc có xu hướng gia tăng do đang bắt đầu vào thời điểm mùa dịch, để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống, không để dịch bùng phát, hạn chế tối đa số mắc và tử vong, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo xây dựng và ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết lần thứ 12 (ngày 15.6.2022) và triển khai các hoạt động thiết thực nhằm truyền thông phòng chống sốt xuất huyết trước mùa dịch và phát huy vai trò của chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, người dân tích cực tham gia vào công tác phòng, chống sốt xuất huyết.
Các địa phương giao trách nhiệm cụ thể cho các cấp chính quyền có nhiệm vụ chỉ đạo và huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội phối hợp với ngành y tế triển khai у chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy đảm bảo tất cả các hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi để tiến hành các hình thức tiêu diệt lăng quăng bọ gậy.
Ngành y tế triển khai giám sát chặt chẽ việc xử lý triệt để ổ dịch sốt xuất huyết tại địa phương. Tổ chức phun hóa chất 100% các hộ gia đình thuộc khu vực ổ dịch. Đảm bảo phun hóa chất đúng kỹ thuật, đánh giá chỉ số véc tơ trước và sau phun để có chỉ định phun cụ thể. Xác định khu vực có nguy cơ cao để tổ chức phun hóa chất diệt muỗi chủ động phòng chống sốt xuất huyết.
Các địa phương tăng cường truyền thông phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, lồng ghép với truyền thông phòng chống Covid-19 và các hoạt động khác để người dân hưởng ứng tích cực các biện pháp phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng, chủ động tham gia thu dọn vật dụng phế thải chứa nước đọng, nơi lăng quăng bọ gậy, muỗi phát triển, đậy kín nắp và thả cá vào bể, các dụng cụ chứa nước sinh hoạt.
Các địa phương chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, đặc biệt tại các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân, tránh tình trạng bệnh nhân không được tư vấn, cấp cứu, điều trị và chuyển tuyến kịp thời, đồng thời có kế hoạch phân tuyến điều trị, hỗ trợ tuyến dưới, tránh tình trạng quả tải bệnh viện.
Các địa phương phải tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, giám sát, lồng ghép công tác chỉ đạo phòng, chống dịch sốt xuất huyết tại các điểm nóng, các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch với công tác phòng chống Covid-19, hỗ trợ tuyến dưới trong công tác phòng, chống dịch...
Bên cạnh đó là bố trí kinh phí cho công tác phòng chống sốt xuất huyết.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, tính đến giữa tháng 4, TP.HCM ghi nhận gần 4.500 ca mắc sốt xuất huyết Dengue, trong đó có 109 ca nặng đang điều trị tại các bệnh viện. Năm 2019, sốt xuất huyết bùng phát thành dịch với hơn 20.000 ca mắc thì số ca bệnh nặng cũng chỉ 38 ca. Bên cạnh đó, số ca mắc của năm 2022 đang gia tăng và cao hơn so với cùng kỳ năm 2020, 2021. Đồng thời theo ghi nhận tại các bệnh viện nhi trên địa bàn thành phố cho thấy trẻ nhập viện vì sốt xuất huyết đang gia tăng; đặc biệt là các trường hợp nặng bị tổn thương đa cơ quan như gan thận và phải thở máy, lọc máu. Hiện nay, nhóm tuổi bị mắc nặng hay gặp là từ 8 -13 tuổi.
Những ai nên kiểm tra sức khỏe hậu Covid-19?
Trong thời gian đầu triển khai tiêm vắc xin ngừa Covid-19, việc áp dụng các biện pháp khám sàng lọc đã giúp ngành y tế ghi nhận thực trạng các bệnh thường mắc tại Việt Nam đang là nguy cơ rất đáng báo động. Các bệnh lý này bao gồm: Tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, đái tháo đường không kiểm soát, rối loạn mỡ máu không kiểm soát, các trường hợp bị dị ứng với nhiều loại dị nguyên,… Những bệnh lý này là nguy cơ gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm khác nếu người bệnh không được kiểm soát đúng cách.
Những ai nên kiểm tra sức khỏe hậu Covid-19? |
Tình trạng người bệnh đến các bệnh viện để khám tổng quát sau nhiễm Covid-19 ngày càng gia tăng trong thời gian gần đây, đa phần tình trạng sức khỏe theo lời kể của người bệnh được ghi nhận là rất ổn định.
Một số trường hợp người bệnh trước đây chưa từng khám sức khỏe định kỳ nhưng do lo lắng sau khi mắc Covid-19 cơ thể bị ảnh hưởng nên đã đến khám tại các cơ sở y tế.
Qua quá trình thăm khám, nhiều người bệnh phát hiện mắc các bệnh thông thường là không ít, nguy hiểm hơn là nhiều trường hợp được ghi nhận mắc ung thư ở các giai đoạn.
Việc khám sức khỏe định kỳ trước nay đối với người Việt Nam vẫn chưa được chú trọng nhiều, nhất là người bệnh ở các tỉnh.
Các chuyên gia y tế cho rằng người bình thường độ tuổi trên 25 trở đi nên tầm soát sức khỏe ít nhất 1 lần mỗi năm và khuyến cáo 2 lần mỗi năm nếu đã hoặc đang điều trị một số bệnh lý mạn tính.
Trường hợp người bệnh sau nhiễm Covid-19, việc khám sức khỏe tổng quát là cần thiết nếu người khám thuộc nhóm nguy cơ mắc các bệnh lý nền trước đây hoặc có những triệu chứng khó chịu của hội chứng hậu Covid-19 như đau tức ngực, khó thở, ho, sợ lạnh, hồi hộp, tim đập nhanh, mất ngủ, đau mỏi cơ,… hoặc cảm thấy bất kỳ triệu chứng bất thường mà trước đây chưa được ghi nhận. Hoặc trường hợp có ghi nhận một số bất thường về chỉ số mạch, huyết áp khi đến các điểm tiêm vắc xin mà trong suốt thời gian căng thẳng của dịch bệnh chưa thể đến các cơ sở y tế để kiểm tra.
Kiểm tra sức khỏe định kỳ, kiểm tra sức khỏe tổng quát sẽ giúp phát hiện sớm nhiều bệnh lý và giúp kiểm soát sớm tình trạng bệnh, tránh các biến chứng nặng của bệnh. Một số ví dụ điển hình như sau:
1. Tăng huyết áp
Bệnh lý tăng huyết áp không còn là bệnh lý hiếm gặp trong đời sống hằng ngày của xã hội hiện đại. Phát hiện và kiểm soát bệnh lý tăng huyết áp giúp người bệnh tránh khỏi các biến chứng của bệnh như đột quỵ, suy tim,…
Bệnh lý đái tháo đường là một bệnh lý chuyển hóa không mấy xa lạ đối với đại đa phần người dân. Việc phát hiện và kiểm soát sớm bệnh lý đái tháo đường tránh các biến chứng bệnh lên hệ thần kinh, mạch máu và nhất là thận, nặng nề hơn là một số tình trạng gặp biến chứng nặng do nhiễm trùng trên người bệnh đái tháo đường dẫn đến việc phải cắt cụt chi,…
3. Rối loạn chuyển hóa
Hội chứng rối loạn chuyển hóa bao gồm rất nhiều nguy cơ cho cơ thể như rối loạn chuyển hóa mỡ có khả năng gây hình thành cục máu đông dẫn đến đột quỵ ở tim hoặc não. Rối loạn chuyển hóa axit uric gây biến chứng lắng đọng tinh thể urat tại các khớp gây nên bệnh gout hoặc lắng đọng ở tim, thận gây các biến chứng nguy hiểm khác.
4. Bệnh lý nội tiết
Bệnh lý tuyến giáp như cường giáp, suy giáp, bướu tuyến giáp cần được kiểm soát tránh tình trạng suy kiệt hoặc béo phì, thậm chí là ung thư nếu không kiểm tra định kỳ.
Người bệnh sau nhiễm Covid-19 cần kiểm tra một số vấn đề về chức năng hô hấp hoặc người bệnh nếu có than phiền bất kỳ triệu chứng nào về hậu Covid-19 (trong khoảng thời gian trên 3 tuần) không thuyên giảm thì cũng nên đến khám sức khỏe tổng quát để được tầm soát sức khỏe kịp thời.
Người bệnh cần nhịn ăn 6 - 8 tiếng (chỉ sử dụng nước lọc), mang theo các kết quả kiểm tra sức khỏe trước đó (trong vòng 6 tháng) để bác sĩ có thể thuận tiện theo dõi bệnh và xác định người bệnh nên được chỉ định những kiểm tra cụ thể nào.
Người bệnh cần trả lời đúng về tình trạng sức khỏe hiện tại để bác sĩ có thể kiểm soát tốt nhất các bệnh lý (nếu có) hoặc các triệu chứng cần được chú ý.
Khi được tư vấn, nếu có thắc mắc nào cần hỏi, đừng ngần ngại đặt câu hỏi để được bác sĩ giải thích rõ ràng. Tránh tình trạng hoang mang sau khi khám bệnh mà không hiểu về các kết quả bình thường hoặc bất thường.
Việc duy trì thói quen khám sức khỏe định kỳ trong thời đại ngày nay là vô cùng cần thiết. Ngoài ra, việc sinh hoạt, tập luyện, làm việc và ăn uống đúng cách luôn là một trong những biện pháp duy trì sức khỏe và phòng ngừa bệnh tật tốt nhất. Hãy lắng nghe cơ thể để có thể chăm sóc bản thân bạn tốt hơn để làm việc và học tập hiệu quả, nâng cao chất lượng cuộc sống từng ngày.
Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 28.4 của Báo Thanh Niên.
Bình luận (0)