Bản tin Covid-19 ngày 29.1: Cả nước 15.150 ca mới | Dòng người về quê ăn tết đông đột biến

29/01/2022 20:00 GMT+7

Bản tin Covid-19 ngày 29.1 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên . Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới.

Bản tin Covid-19 ngày 29.1 của Báo Thanh Niên có những thông tin đáng chú ý sau:

Cả nước ghi nhận thêm 15.150 ca Covid-19 mới, 12.353 ca khỏi bệnh

Bản tin Bộ Y tế tối 29.1.2022 cho biết tính từ 16h ngày 28.1 đến 16h ngày 29.1, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 15.150 ca nhiễm mới, 12.353 ca khỏi bệnh.

Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 166 ca mắc Covid-19 do biến thể Omicron.

Bản tin cũng thông báo về 115 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay lên 37.547 ca.

Thông tin về 15.150 ca nhiễm mới như sau:

  • 50 ca nhập cảnh
  • 15.100 ca ghi nhận trong nước (tăng 208 ca so với ngày trước đó) tại 61 tỉnh, thành phố (có 10.187 ca trong cộng đồng). Gồm: Hà Nội (2.806), Bắc Ninh (992), Đà Nẵng (865), Thanh Hóa (732), Hải Phòng (663), Quảng Nam (601), Nam Định (505), Bình Định (419), Hòa Bình (414), Bắc Giang (407), Phú Thọ (397), Hưng Yên (369), Hải Dương (363), Vĩnh Phúc (347), Nghệ An (314), Thái Nguyên (295), Đắk Lắk (271), Thái Bình (265), Bình Phước (250), Thừa Thiên-Huế (230), Quảng Ninh (210), Lâm Đồng (190), Lào Cai (188), TP.HCM (166), Hà Nam (158), Quảng Trị (130), Tây Ninh (130), Cà Mau (126), Tuyên Quang (126), Sơn La (123), Điện Biên (108), Bến Tre (108), Lạng Sơn (106), Vĩnh Long (105), Hà Tĩnh (104), Bà Rịa - Vũng Tàu (104), Hà Giang (103), Ninh Bình (102), Quảng Bình (100), Yên Bái (98), Khánh Hòa (94), Kiên Giang (88), Gia Lai (79), Kon Tum (74), Đắk Nông (70), Quảng Ngãi (62), Cao Bằng (61), Trà Vinh (59), Bình Thuận (56), Đồng Tháp (54), Long An (44), An Giang (37), Bạc Liêu (35), Lai Châu (32), Hậu Giang (31), Ninh Thuận (30), Cần Thơ (29), Đồng Nai (27), Bình Dương (24), Sóc Trăng (18), Tiền Giang (6).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Quảng Ngãi (-279), Quảng Ninh (-133), Hà Nội (-79).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Đắk Lắk (+270), Thái Nguyên (+171), Thanh Hóa (+150).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 15.213 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 2.233.287 ca nhiễm, đứng thứ 31/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 144/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 22.628 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay): Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 2.226.343 ca, trong đó có 1.959.780 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (513.578), Bình Dương (292.823), Hà Nội (125.866), Đồng Nai (99.859), Tây Ninh (87.962).

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:

  • Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 12.353 ca
  • Tổng số ca được điều trị khỏi: 1.962.597 ca

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.869 ca, trong đó:

  • Thở ô xy qua mặt nạ: 2.650 ca
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 551 ca
  • Thở máy không xâm lấn: 144 ca
  • Thở máy xâm lấn: 505 ca
  • ECMO: 19 ca

Từ 17h30 ngày 28.1 đến 17h30 ngày 29.1 ghi nhận 115 ca tử vong, gồm: Tại TP.HCM (5) trong đó có 3 ca từ các tỉnh chuyển đến như sau: Tây Ninh (1), Trà Vinh (1), Đồng Tháp (1).

Tại các tỉnh, thành phố khác: Hà Nội (27), Kiên Giang (11 ca trong 02 ngày), Cần Thơ ( , Tiền Giang (7), Đồng Tháp (6), Bà Rịa - Vũng Tàu (5), Hải Phòng (4), An Giang (4), Sóc Trăng (4), Bắc Ninh (4), Khánh Hoà (3), Đà Nẵng (3), Nam Định (2), Bình Thuận (2), Long An (2), Bến Tre (2), Trà Vinh (2), Lào Cai (2), Gia Lai (1), Đắk Lắk (1), Đắk Nông (1), Hải Dương (1), Hà Giang (1), Yên Bái (1), Lâm Đồng (1), Bình Phước (1), Vĩnh Long (1), Hậu Giang (1), Bạc Liêu (1), Cà Mau (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 136 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 37.547 ca, chiếm tỉ lệ 1,7% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 128/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 24/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay là 32.160.720 mẫu tương đương 77.143.753 lượt người.

Trong ngày 28.1 có 506.532 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 180.876.701 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 79.041.734 liều, tiêm mũi 2 là 74.099.772 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 liều cơ bản) là 27.735.195 liều.

Bến xe Miền Đông bất ngờ tăng lượng khách vào ngày giáp tết

Khác sự thưa thớt của những ngày trước, Bến xe Miền Đông tối 28.1.2022 (tức 26 tháng Chạp) trở nên nhộn nhịp hơn. Rất nhiều hành khách cùng hành lý, đồ đạc tới bến xe này để về các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và phía Bắc nghỉ Tết nguyên đán. Nhiều khu vực chờ ở gần các xe khách tập trung đông người đợi giờ lên xe. Một số thấy đông nên phải tìm vị trí thoáng hơn ở khu vực bán vé của Bến xe Miền Đông.

Mặc dù thất nghiệp từ đầu tháng Năm do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng bà Võ Thị Thu Hương vẫn cố gắng sắp xếp mua vé về quê đón tết. Nhìn lượng người đổ về bến xe ngày một nhiều, bà càng háo hức được sớm về quê.

"Tự nhiên thấy vui lên, thấy thành phố đông đúc, nó vui. Hồi giãn cách thấy thành phố thấy cảnh hơn quê của cô luôn, thực sự thấy tội" bà Hương chia sẻ.

Bến xe Miền Đông bất ngờ tăng lượng khách vào ngày giáp tết

Đa số hành khách đi về những ngày gần tết đều đặt vé trước đó nhiều ngày. Khi tới bến xe, họ chỉ cần đọc số điện thoại để lấy vé rồi ra xe. Mặc dù vậy, một số nhà xe hết vé chuyến sớm nên nhiều người phải chờ đi chuyến muộn hơn.

Một số nhà xe cho biết, lượng hành khách tới bến nhiều hơn vào giờ chiều. Một số nhà xe cũng đã hết vé trong hai ngày 28 và 29 nhưng vẫn còn vé vào ngày 30.1.2022. Theo thông báo trước đó từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì cán bộ, công chức, viên chức và người lao động sẽ bắt đầu nghỉ tết từ 29.1.2022 và đi làm trở lại vào ngày 7.2.2022.

Mong ngóng chờ lên chuyến bay về quê ăn tết ở Tân Sơn Nhất

Vào những ngày giáp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, rất đông người cùng lỉnh kỉnh đồ đạc, hành lý tiếp tục hướng về sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM để làm thủ tục lên máy bay về quê đón tết.

Nhà xa và phải đi xe buýt tới sân bay nên vợ chồng ông Lê Thanh Tiến đã tới sân bay trước nhiều giờ. Trong sân ga đông người xếp hàng chờ đợi nên hai vợ chồng ông quyết định ra phía ngoài ngồi chờ.

Ở trọ và buôn bán gần chợ Bình Điền, nhiều tháng dài dịch bệnh nên vợ chồng ông Tiền thất nghiệp, phải ở yên trong phòng trọ. Không những vậy, họ còn nhiễm Covid-19 nên phải điều trị tại bệnh viện dã chiến 2 tuần.

Tết năm nay hai vợ chồng ông Tiến đã định không về khi nghe ở quê yêu cầu phải cách ly. Tuy nhiên, mấy ngày trước nghe thông tin tỉnh hủy bỏ việc cách ly đối với người dân nên hai người đã nhanh chóng mua vé để kịp về sum họp với gia đình.

"Thời gian đó dịch bệnh chết quá nhiều thấy lo. Hai vợ chồng cũng năm trong trường hợp bị F0 cả. Ở khu quận 8, gần chỗ chợ Bình Điền ấy, khu đó là khu bị nặng, chết nhiều. Mà người ta quá tải, kiểu mình xin đi mà người ta không cho đi nên mình lo. Đến lúc người ta cho mình đi viện mình mới thấy yên tâm" ông Tiến chia sẻ.

Mong ngóng chờ lên chuyến bay về quê ăn tết ở Tân Sơn Nhất

Nhiều hành khách ở sân bay Tân Sơn Nhất phải mệt mỏi chờ đợi do một số chuyến bay bị hoãn chuyến hàng tiếng đồng hồ.

Mặc dù mệt mỏi nhưng nhiều người cũng thông cảm vì nhu cầu của người dân về quê tăng cao, nhất là khi các tỉnh đều đã bỏ việc cách ly khi người ở vùng khác về tỉnh.

Bên cạnh đó, ai cũng háo hức được về quê để đón tết bên gia đình, người thân. Nhất là sau một năm dịch bệnh căng thẳng thì đối với nhiều người điều đó càng quý hơn.

Gần 1 tỉ liều vắc xin Covid-19 đã được phân bổ trên toàn cầu

Đến 17 giờ chiều 29.1 (theo giờ Việt Nam), theo cập nhật từ Đại học Johns Hopkins của Mỹ, toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng hơn 370.237.000 ca nhiễm Covid-19, hơn 5.651.000 ca tử vong và hơn 9.937.434.000 liều vắc xin Covid-19 đã được phân bổ.

  • Với hơn 74.067.000 trường hợp mắc bệnh, Mỹ là quốc gia dẫn đầu thế giới về số ca nhiễm Covid-19. Mỹ cũng đã ghi nhận 882.881 bệnh nhân tử vong.
  • Ấn Độ xếp thứ hai với hơn 40.858.000 ca nhiễm và 493.198 người tử vong vì Covid-19.
  • Kế tiếp là Brazil với hơn 25.050.000 ca Covid-19 và 626.170 ca tử vong vì Covid-19.
  • Pháp xếp ở vị trí thứ tư với hơn 18.596.000 ca nhiễm Covid-19 cùng 131.271 ca tử vong.
  • Vương Quốc Anh xếp thứ năm với hơn 16.447.000 ca nhiễm và 155.841 ca tử vong.

Vắc xin đã tăng cường, thuốc đã có, Anh mong chung sống bình thường với Covid-19

Không còn đòi hỏi đeo khẩu trang và thông hành vắc xin, khuyến nghị làm việc tại nhà cũng kết thúc hồi tuần trước. Anh hy vọng việc tiêm vắc xin tăng cường, các loại thuốc kháng virus và mức độ gây triệu chứng nhẹ của biến thể Omicron sẽ giúp các đợt bùng phát dịch nằm trong khả năng kiểm soát.

Hiện tại, Cơ quan An ninh Y tế Anh chuẩn bị chuyển trọng tâm sang hỗ trợ các đối tượng dễ bị tổn thương chứ không tập trung áp quy định chống dịch toàn quốc. Trưởng nhóm lập mô hình Covid-19 của chính phủ Anh Graham Medley cho biết chính phủ Anh đưa ra các biện pháp cứng rắn hơn hồi tháng 12.2021 vì khi đó chưa biết rõ về mức độ nghiêm trọng của Omicron và tác động của liều tiêm tăng cường.

Vắc xin đã tăng cường, thuốc đã có, Anh mong chung sống bình thường với Covid-19

“Khi khả năng miễn dịch của người dân tăng lên, mỗi làn sóng dịch mới sẽ không còn quá đáng ngại cho chính phủ. Tuy nhiên, tôi nghĩ điều mà chúng ta có thể khá chắc là sẽ có nhiều biện pháp được dỡ bỏ”, ông Graham Medley cho biết.

Việc liên tục tập trung xử lý ổ dịch Covid-19 thay vì ngăn ngừa nhiễm bệnh cũng có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn. Khi các nguồn lực của Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh được chuyển hướng cho chiến dịch tiêm vắc xin tăng cường, hàng ngàn cuộc hẹn khám bệnh đã bị hoãn lại trong hệ thống bệnh viện công.

Bảng hiệu kêu gọi người dân tiêm liều tăng cường vắc xin ngừa Covid-19 ở Anh

the guardian

Đồng thời, tỉ lệ nhiễm Covid-19 của các nhân viên y tế và bệnh nhân cũng tạo gánh nặng lớn cho các bệnh viện.

Thủ tướng Anh Boris Johnson càng có động lực lớn hơn để bỏ các giới hạn chống Covid-19 khi mà cảnh sát đang điều tra các buổi tiệc được tổ chức tại tư dinh của ông ngay giữa thời kỳ phong tỏa chống Covid-19, đồng thời nhiều nghị sĩ Anh đòi hỏi nước này phải quay lại trạng thái gần như bình thường.

Các quốc gia mong muốn mở cửa kinh tế cũng đang theo dõi sát sao chuyển động tại Anh.

Biến thể Omicron 'sống' được bao lâu trên đồ nhựa, da?

Nhóm chuyên gia tại Đại học Y tỉnh Kyoto (Nhật Bản) nghiên cứu sử dụng mô hình da người và đánh giá tính ổn định trong môi trường của các biến chủng. Họ so sánh khả năng sống sót và lây nhiễm của chủng SARS-CoV-2 Vũ Hán và các biến chủng đáng quan ngại (Alpha, Beta, Delta, Omicron).

Kết quả cho thấy trên bề mặt nhựa, các biến thể được nghiên cứu đều có thời gian tồn tại lâu gấp 2 lần so với chủng gốc Vũ Hán và duy trì khả năng truyền nhiễm hơn 16 tiếng trên da người.

Biến thể Omicron "sống" được bao lâu trên đồ nhựa, da?

Trong đó, biến thể Omicron có thời gian sống sót bình quân trên da và bề mặt nhựa cao nhất. Biến chủng này có thể tồn tại trên bề mặt túi nilon hay đồ nhựa 193,5 giờ, tương đương với 8 ngày, và sống sót trên da người trong hơn 21 giờ.

Thời gian tồn tại trên bề mặt nhựa của các biến thể còn lại được ghi nhận là Alpha: 56 giờ; Beta: 191,3 giờ; Gamma 156,6 giờ và Delta là 114 giờ.

Trên các mẫu da, các biến thể này có thời gian sống sót trung bình lần lượt là Alpha: 19,6 giờ; Beta 19,1 giờ; Gamma 11 giờ và 16,8 giờ đối với Delta.

Tuy nhiên, tất cả chủng nCoV đều bị bất hoạt trên da sau 15 giây sử dụng nước rửa tay sát khuẩn có chứa cồn. Do đó, nhóm tác giả khuyến khích thói quen rửa sạch tay, khử khuẩn theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới.

Tất cả chủng nCoV, kể cả Omicron, đều bị bất hoạt trên da sau 15 giây sử dụng nước rửa tay sát khuẩn có chứa cồn

reuters

Nghiên cứu cũng chỉ ra tính ổn định cao trong môi trường của Omicron sẽ cho phép biến thể này thế chân Delta để trở thành biến thể Covid-19 trội và lây truyền nhanh hơn.

Thực tế, Omicron đã trở thành biến thể trội ở phần lớn các quốc gia châu Âu. Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh châu Âu, các nước có tỷ lệ ca nhiễm mới Omicron cao nhất là Phần Lan (99,9%), Bỉ (99,7%), Malta (99,3%) và Đan Mạch (98,8%).

Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 29.1 của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.