Bản tin Covid-19 ngày 30.11: Cả nước thêm 13.972 ca | Chi viện phía Nam chống dịch
Bản tin Covid-19 ngày 30.11 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên. Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới .
Tự động phát
Bản tin Covid-19 ngày 30.11 của Báo Thanh Niên có những tin tức đáng chú ý sau:
Cả nước 13.972 ca nhiễm mới, 14.624 ca khỏi
Bản tin Bộ Y tế tối 30.11 cho biết tính từ 16h ngày 29.11 đến 16h ngày 30.11, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 13.972 ca nhiễm mới, 14.624 ca khỏi bệnh.Trong ngày ghi nhận 197 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 25.252 ca.
Ngày 30.11: Cả nước 13.972 ca Covid-19, 14.624 ca khỏi | TP.HCM 1.497 ca |
Thông tin về 13.972 ca nhiễm mới như sau:
- 6 ca cách ly ngay nhập cảnh.
- 13.966 ca ghi nhận trong nước (tăng 208 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 7.549 ca trong cộng đồng). Gồm: TP.HCM (1.497), Cần Thơ (981), Bà Rịa - Vũng Tàu (860), Tây Ninh (727), Sóc Trăng (714), Bình Dương (626), Đồng Tháp (602), Bình Thuận (592), Vĩnh Long (571), Bạc Liêu (537), Đồng Nai (514), Bình Phước (459), Bến Tre (439), Kiên Giang (426), Cà Mau (377), Hà Nội (367), Khánh Hòa (350), An Giang (294), Hậu Giang (286), Lâm Đồng (219), Tiền Giang (200), Bình Định (186), Trà Vinh (165), Hải Phòng (154), Đắk Lắk (140), Đắk Nông (124), Thừa Thiên Huế (119), Gia Lai (101), Nghệ An (90), Thanh Hóa (89), Bắc Ninh (85), Long An (80), Hà Tĩnh (78), Đà Nẵng (75), Quảng Ngãi (71), Hà Giang (65), Nam Định (64), Hải Dương (62), Ninh Thuận (61), Thái Nguyên (57), Quảng Nam (47), Phú Yên (44), Phú Thọ (39), Hòa Bình (37), Quảng Trị (36), Vĩnh Phúc (35), Quảng Ninh (33), Tuyên Quang (29), Thái Bình (27), Yên Bái (23), Lạng Sơn (20), Hưng Yên (18), Cao Bằng (17), Quảng Bình (17), Hà Nam (16), Kon Tum (8 ), Bắc Giang (7), Điện Biên (3), Lào Cai (2), Bắc Kạn (2), Ninh Bình (1), Sơn La (1).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Hà Giang (-98), An Giang (-81), Bình Dương (-71).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Bà Rịa - Vũng Tàu (+212), Tiền Giang (+150), Sóc Trăng (+126).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 13.002 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.238.082 ca nhiễm, đứng thứ 35/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 149/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 12.560 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):
- Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.232.852 ca, trong đó có 986.531 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
- Có 2 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Bắc Kạn, Lai Châu.
- Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (470.458), Bình Dương (282.231), Đồng Nai (87.246), Long An (38.241), Tiền Giang (28.628).
Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 14.624 ca
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 989.348 ca
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 5.788 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 3.743 ca
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.272 ca
- Thở máy không xâm lấn: 156 ca
- Thở máy xâm lấn: 602 ca
- ECMO: 15 ca
Từ 17h30 ngày 29.11 đến 17h30 ngày 30.11 ghi nhận 197 ca tử vong, gồm:
- Tại TP.HCM (76) trong đó có 17 ca từ các tỉnh chuyển đến như sau: Long An (5), Bình Dương (4), An Giang (2), Bến Tre (1), Đồng Tháp (1), Nam Định (1), Tây Ninh (1), Tiền Giang (1), Vĩnh Long (1).
- Tại các tỉnh, thành phố khác: Bình Dương (22), Cần Thơ (18), An Giang (14), Kiên Giang (13), Đồng Nai (11), Bình Thuận (7), Đồng Tháp (7), Tây Ninh (6), Tiền Giang (5), Bạc Liêu (4), Khánh Hòa (3), Cà Mau (3), Sóc Trăng (2), Bến Tre (2), Bình Định (2), Long An (1), Hậu Giang (1).
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 162 ca.
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 25.252 ca, chiếm tỉ lệ 2% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 33/234 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 133/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 9/49 (xếp thứ 5 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 27/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 6 ASEAN).
Trong 24 giờ qua, cả nước đã thực hiện 150.753 xét nghiệm cho 209.639 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện 26.163.025 mẫu cho 68.317.914 lượt người.
- Trong ngày 29.11 có 2.235.445 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 122.083.464 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 71.143.392 liều, tiêm mũi 2 là 50.940.072 liều.
Vắc xin Covid-19 Pfizer được tăng hạn sử dụng thêm 3 tháng
Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương vừa có quyết định phân bổ vắc xin phòng Covid-19 Pfizer. Cụ thể, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cấp 2,96 triệu liều vắc xin Pfizer 124001 và 113002 cho trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành để triển khai tiêm chủng cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi. Theo thông tin tại giấy chứng nhận xuất xưởng vắc xin, sinh phẩm, 2 lô vắc xin này có hạn sử dụng ngày 30.11.2021.
Vắc xin Covid-19 Pfizer được tăng hạn sử dụng thêm 3 tháng |
Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, căn cứ vào văn bản số 12926/QLD-KD ngày 22.10.2021 của Cục Quản lý Dược (thuộc Bộ Y tế) về việc tăng hạn dùng của vắc xin Comirnaty (Pfizer) nhập khẩu về Việt Nam (áp dụng hạn dùng mới là 9 tháng đối với các lô vắc xin có hạn dùng 6 tháng in trên nhãn, tức tăng 3 tháng), thời gian áp dụng từ ngày 22.10.2021. Cùng với đó là văn bản ngày 29.11.2021 của Công ty TNHH Pfizer Việt Nam khẳng định hạn dùng của 2 lô vắc xin 124001 và 123002 là ngày 28.2.2022.
Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đề nghị trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh thành phố thông báo tới các đơn vị, điểm tiêm chủng áp dụng hạn dùng của 2 lô vắc xin Pfizer 114001 và 123002 là ngày 28.2.2022, đồng thời chỉ đạo cán bộ y tế tư vấn kỹ cho đối tượng tiêm chủng đầy đủ thông tin, tránh hiểu sai về hạn dùng của vắc xin.
Bên cạnh đó, trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh thành phố chỉ đạo các đơn vị khẩn trương tiếp nhận và tổ chức tiêm ngay số vắc xin được phân bố cho đối tượng trẻ em từ 12 đến 17 tuổi trên địa bàn, đảm bảo sử dụng vắc xin hiệu quả, đúng mục đích, đối tượng, hoàn thành trong thời gian sớm nhất, không để hủy bỏ vắc xin do hết hạn sử dụng.
Bộ Y tế điều 14 bệnh viện trung ương hỗ trợ TP.HCM và 10 tỉnh phía Nam điều trị Covid-19
Chiều 30.11.2021, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã ký quyết định phân công 14 bệnh viện tuyến trên trực tiếp hỗ trợ chuyên môn trong quản lý, điều trị Covid-19 tại TP.HCM và 10 tỉnh phía Nam.
Bộ Y tế điều 14 bệnh viện trung ương hỗ trợ TP.HCM và 10 tỉnh phía Nam điều trị Covid-19 |
Cụ thể, Bộ Y tế phân công các bệnh viện tuyến trên trực tiếp hỗ trợ chuyên môn trong quản lý, điều trị Covid-19 tại các tỉnh thành phố gồm:
Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, Bệnh viện Thống Nhất tiếp tục hỗ trợ chuyên môn về hồi sức tích cực cho các cơ sở y tế của TP.HCM.
Bệnh viện Đại học Y Hà Nội phụ trách hỗ trợ chuyên môn về hồi sức tích cực điều trị người bệnh Covid-19 cho các cơ sở y tế của tỉnh Bình Dương.
Bệnh viện Phổi Trung ương phụ trách hỗ trợ chuyên môn về hồi sức tích cực điều trị người bệnh Covid-19 cho các cơ sở y tế của tỉnh Đồng Nai.
Bệnh viện Lão khoa Trung ương hỗ trợ chuyên môn về hồi sức tích cực điều trị người bệnh Covid-19 cho các cơ sở y tế của tỉnh Đồng Tháp.
Bệnh viện đa khoa Trung ương Thái Nguyên phụ trách hỗ trợ chuyên môn về hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 cho cơ sở y tế của tỉnh Long An.
Bệnh viện Hữu Nghị phụ trách hỗ trợ chuyên môn về hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 cho cơ sở y tế của tỉnh Tiền Giang.
Bệnh viện K phụ trách hỗ trợ chuyên môn về hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 cho cơ sở y tế của tỉnh Kiên Giang.
Bệnh viện E phụ trách hỗ trợ chuyên môn về hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 cho cơ sở y tế của tỉnh Tây Ninh.
Bệnh viện Nội tiết Trung ương phụ trách hỗ trợ chuyên môn về hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 cho cơ sở y tế của tỉnh Sóc Trăng.
Bệnh viện Nhi Trung ương phụ trách chuyên môn về hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 cho cơ sở y tế của tỉnh Vĩnh Long.
Bệnh viện Bạch Mai phụ trách hỗ trợ chuyên môn về hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 cho cơ sở y tế của tỉnh An Giang.
Bộ Y tế yêu cầu các Bệnh viện tuyến trên theo phân công chịu trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ đánh giá, tổ chức thu dung điều trị, các điều kiện hiện có về giường bệnh, hệ thống ô xy, trang thiết bị, thuốc, vật tư, nhân lực của các cơ sở y tế để xác định những khó khăn, bất cập và đề xuất với Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch tỉnh, thành phố để chỉ đạo và hỗ trợ khắc phục.
Bộ Y tế yêu cầu thành lập Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19; Đồng thời cử cán bộ y tế trực tiếp hướng dẫn chuyên môn tại chỗ, hội chẩn từ xa, tập huấn, đào tạo, nâng cao năng lực và giám sát chất lượng về cấp cứu, điều trị người bệnh Covid-19 cho các cơ sở y tế các tỉnh, thành phố.
Tổ chức giao ban hàng ngày để rút kinh nghiệm điều trị giữa bệnh viện tuyến trên và bệnh viện tuyến quận, huyện, thành phố được phân công. Phối hợp với Trung tâm cấp cứu 115 tỉnh, thành phố (nếu có) trong việc điều phối, chuyển tuyến kịp thời và phù hợp người bệnh Covid-19. Cùng đó hỗ trợ chuyên môn về hồi sức tích cực cho các tỉnh, thành phố trong thực hiện quản lý, điều trị người nghi mắc và mắc Covid-19.
WHO: Biến thể Omicron có nguy cơ lây nhiễm mạnh
Biến thể virus corona Omicron, với số lượng đột biến cao, có khả năng sẽ lây khắp thế giới và đặt ra nguy cơ lớn về lây nhiễm mạnh, có thể dẫn đến “hậu quả nghiêm trọng” ở nhiều nơi.
WHO: Biến thể Omicron có nguy cơ lây nhiễm mạnh, thế giới phải sẵn sàng |
Cảnh báo này được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra hôm 29.11. WHO cho biết chưa ghi nhận được ca tử vong liên quan biến thể Omicron. Tổ chức này nói sẽ cần nghiên cứu thêm để đánh giá khả năng biến thể này có thể vượt qua hàng rào miễn dịch do vắc xin hoặc nhiễm trước đó tạo ra hay không.
WHO cũng thúc giục 194 nước thành viên tăng tốc tiêm chủng cho các nhóm nguy cơ cao và dự trù kế hoạch để đảm bảo hệ thống y tế đứng vững.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đưa ra lời cảnh báo trên trong cuộc họp với bộ trưởng y tế các nước.
Cuộc họp này nhằm khởi động đàm phán thỏa thuận quốc tế nhằm ngăn chặn các đại dịch trong tương lai.
"Sự xuất hiện của biến thể Omicron có số đột biến cao cho thấy rõ tình huống hiện tại ngặt nghèo và mong manh ra sao. Omicron cho thấy lý do tại sao thế giới cần một thỏa thuận về đại dịch. Đó là vì hệ thống hiện tại của chúng ta không khuyến khích các quốc gia cảnh báo lẫn nhau về các mối nguy mà sớm muộn gì cũng sẽ lan tới các nước", tổng giám đốc WHO nhấn mạnh.
Thỏa thuận toàn cầu dự kiến có hiệu lực từ tháng 5.2024 này sẽ bao gồm các vấn đề như chia sẻ dữ liệu, trình tự gien của các virus mới xuất hiện, và thông tin về bất cứ vắc xin tiềm năng nào được nghiên cứu.
Omicron được công bố lần đầu hôm 24.11 tại Nam Phi, và số ca nhiễm đang tăng nhanh tại đây.
Biến thể này cũng đã lan sang nhiều nước và vùng lãnh thổ khác. Trong số đó, nhiều nơi đã áp đặt các hạn chế đi lại. Nhật Bản hôm 29.11 đã nối gót Israel trong việc đóng cửa biên giới với người nước ngoài.
Các vắc xin Covid-19 hiện tại có còn hiệu quả trước biến thể Omicron?
Ngày 29.11, giáo sư Abdool Karim, chuyên gia cấp cao về bệnh truyền nhiễm ở Nam Phi, cho biết các vắc xin ngừa Covid-19 hiện tại vẫn có khả năng bảo vệ tốt, làm giảm số bệnh nặng và nhập viện vì biến thể Omicron.
Các vắc xin Covid-19 hiện có vẫn hiệu quả trước biến thể Omicron |
“Dựa vào những gì chúng ta biết, vào việc các biến thể gây lo ngại khác đã phản ứng ra sao với miễn dịch từ vắc xin, chúng ta có thể trông đợi là vắc xin vẫn có hiệu quả cao trong việc giảm số ca nhập viện và bệnh nặng, và mức độ bảo vệ có lẽ vẫn mạnh mẽ”, theo ông Karim.
Ông Karim nhấn mạnh vẫn còn quá sớm để khẳng định biến thể Omicron gây ra nhiều triệu chứng lâm sàng nghiêm trọng hơn các biến thể trước đó.
Tuy nhiên, theo ông, khả năng lây lan của biến thể Omicron có thể cao hơn: “Sẽ nhanh chóng có nhiều ca nhiễm hơn, đã có các bằng chứng cho thấy chuyện đó. Nếu chuyện đó xảy ra tôi nghĩ số ca nhiễm hằng ngày sẽ lên đến hơn 10.000 vào cuối tuần này".
Hôm 28.11, Nam Phi ghi nhận tổng cộng 2.858 ca nhiễm Covid-19 mới trong vòng 24 giờ.
Sau khi biến thể Omicron được phát hiện ở phía nam châu Phi, các quốc gia khắp thế giới siết chặt lệnh hạn chế đi lại với khu vực châu Phi và công bố các biện pháp mới nhằm ngăn chặn biến thể này lây lan, kể cả ở những người đã tiêm ngừa.
Bộ trưởng Y tế Nam Phi Joe Phaahla nhấn mạnh chính phủ nước này đang làm mọi cách có thể để giúp các cơ sở y tế sẵn sàng đương đầu với biến thể mới.
“Chúng tôi biết rằng ca nhiễm sẽ tăng, mọi người sẽ nhiễm bệnh. Nhiều người sẽ bị nặng, đặc biệt là những người chưa tiêm ngừa. Nhưng chúng tôi cũng biết là sẽ có người đã tiêm ngừa Covid-19 rồi vẫn nhiễm bệnh và các cơ sở y tế nên sẵn sàng", ông Phaahla nhấn mạnh.
Trước đó, bà Angelique Coetzee, một trong những vị bác sĩ đầu tiên phát hiện ra biến thể Omicron trong số các bệnh nhân ở Nam Phi, nhận định các triệu chứng do biến thể này gây ra là nhẹ và có thể được chữa trị tại nhà.
Bà cảnh báo về sự cường điệu trên truyền thông về biến thể Omicron:
“Khi chứng kiến các triệu chứng nhẹ, thì tôi có thể nói là không có lý do gì để lo lắng cả vì không có bệnh nhân mắc bệnh nặng. Nhưng sự cường điệu đang xảy ra trên các phương tiện truyền thông và trên toàn thế giới chẳng có tương quan gì với bệnh cảnh lâm sàng”.
Theo bà Coetzee, bệnh nhân khiến bà nghi ngờ về biến thể mới đã đến khám trong ngày 18.11 và cực kì mệt mỏi trong vòng 2 ngày vì đau đầu và những cơn đau khắp cơ thể. Sau đó, số bệnh nhân nhập viện với các triệu chứng tương tự ngày càng tăng.
Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 30.11 của Báo Thanh Niên.
Bình luận (0)