Bản tin Covid-19 ngày 30.7: Dịch bệnh chưa hạ nhiệt, nhiều nơi chuẩn bị tiếp tục giãn cách

30/07/2021 20:00 GMT+7

Bản tin Covid-19 của Báo Thanh Niên trực tiếp lúc 20 giờ ngày 30.7.2021 tại địa chỉ thanhnien.vn, kênh YouTube và Facebook của Báo Thanh Niên, trang Báo Thanh Niên trên 2 mạng xã hội Lotus và TikTok. Biên tập viên Yến Thi sẽ đồng hành cùng quý vị trong bản tin hôm nay.

Bản tin Covid-19 ngày 30.7.2021 của Báo Thanh Niên sẽ có những thông tin đáng chú ý sau:

Cả nước tiếp tục ghi nhận thêm hàng ngàn ca bệnh

Bản tin dịch Covid-19 tối 30.7 của Bộ y tế cho biết tính từ 6h đến 19h ngày 30.7 trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 3.657 ca mắc mới, nâng tổng số bệnh nhân trong ngày lên 8.649 ca. Bộ Y tế cũng công bố thêm 139 ca Covid-19 tử vong từ ngày 16-30.7 tại 9 tỉnh, thành phố, nâng tổng số ca bệnh tử vong lên 1.161 người. Trong ngày cũng có 3.704 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.
Thông tin về 8.649 ca mắc mới được công bố trong ngày 30.7 gồm:
- 27 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh
- 8.622 ca ghi nhận trong nước, trong đó có 1.702 ca trong cộng đồng. Gồm: TP.HCM (4.282), Bình Dương (1.920), Long An (469), Đồng Nai (360), Tiền Giang (242), Khánh Hòa (217), Cần Thơ (174), Đồng Tháp (157), Hà Nội (144), Bà Rịa-Vũng Tàu (133), Bến Tre (97), Tây Ninh (88), Đà Nẵng (65), Phú Yên (40), Trà Vinh (36), Hậu Giang (28), Bình Định (17), Kiên Giang (17), Bình Thuận (17), An Giang (16), Vĩnh Long (15), Quảng Nam (13), Bình Phước (12), Ninh Thuận (11), Vĩnh Phúc (9), Đắk Lắk (8 ), Hà Tĩnh (7), Gia Lai (6), Quảng Ngãi (6), Đắk Nông (4), Thái Nguyên (3), Lạng Sơn (2), Hòa Bình (2), Nam Định (1), Lâm Đồng (1), Thanh Hóa (1), Hải Dương (1), Bắc Ninh (1).
- Tính đến nay, Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng 137.062 ca mắc Covid-19; trong đó có 2.235 ca nhập cảnh và 134.827 ca mắc trong nước.
- Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27.4 đến nay là 133.257 ca.
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 35.484 ca.
- Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 411 ca.
- Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 21 ca.
- Trong ngày 30.7, Tiểu ban điều trị Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 thông báo có 139 ca bệnh tử vong do Covid-19 (từ thứ 1.023 đến thứ 1.161) từ ngày 16 đến 30.7 tại 9 tỉnh, thành phố, gồm:
+ Tại TP.HCM từ ngày 18-30.7: 122 ca
+ Tại Long An từ ngày 22-29.7: 6 ca
+ Tại Khánh Hòa từ ngày 28-29.7: 3 ca
+ Tại Bến Tre từ ngày 28-29.7: 2 ca
+ Tại Bình Dương từ ngày 16-17.7: 2 ca
+ Tại Đồng Nai ngày 29.7: 1 ca
+ Tại Vĩnh Long ngày 29.7: 1 ca
+ Tại Cần Thơ ngày 20.7:1 ca
+ Tại Vĩnh Phúc ngày 30/7: 1 ca 

TP.HCM sẽ siết chặt việc đi lại, có thể giãn cách 2 tuần nữa

Làm việc với đoàn Công tác trung ương do Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu vào sáng 30.7, Chủ tịch UBND TP.HCM ông Nguyễn Thành Phong đã có báo cáo về tình hình dịch bệnh Covid-19 tại TP.HCM sau hơn 60 ngày ngày giãn cách xã hội theo nhiều cấp độ.
Theo Chủ tịch Nguyễn Thành Phong, trong thời gian TP.HCM thực hiện Chỉ thị 16 tăng cường, TP.HCM đã ra quy định yêu cầu mọi người dân không ra đường từ sau 18 giờ chiều hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau; quy định này được thực hiện nghiêm. Tuy nhiên, thời gian còn lại là từ 6 giờ sáng đến trước 18 giờ chiều thì nhiều người vẫn ra đường mà không có lý do cần thiết.
Ông Nguyễn Thành phong cho biết TP.HCM có thể sẽ phải kéo dài giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng chính phủ thêm 2 tuần nữa từ sau ngày 1.8. TP.HCM sẽ áp dụng mọi biện pháp để đảm bảo thực thi triệt để các biện pháp siết chặt Chỉ thị 16/2020, đặc biệt là từ sau 6 giờ sáng đến 18 giờ chiều mỗi ngày. Các lực lượng chức năng sẽ tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm trường hợp cố tình vi phạm.

TP.HCM sẽ siết chặt việc đi lại ban ngày, có thể giãn cách 2 tuần nữa để chống Covid-19

Bệnh viện Chợ Rẫy mở rộng gấp 3 lần khu hồi sức bệnh nhân Covid-19

Ngày 30.7.2021, TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới của Bệnh viện Chợ Rẫy, cho bết lượng bệnh nhân nhiễm Covid-19 nặng vẫn liên tục được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy. Đến nay, Bệnh viện Chợ Rẫy đang điều trị gần 150 bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch.
Trước đây khoa Bệnh Nhiệt đới chỉ có một tầng thuộc khu E, sau khi lượng bệnh nhân Covid-19 nặng tăng cao, bệnh viện đã triển khai thêm một tầng nữa nhưng vẫn không đủ chỗ để tiếp nhận bệnh nhân.
Hiện nay, tình hình dịch bệnh còn phức tạp, số lượng bệnh nặng vẫn tiếp tục tăng, Ban lãnh đạo bệnh viện tiếp tục triển khai thêm một tầng hồi sức dành cho các bệnh nhân này. Như vậy, hiện nay khoa Bệnh Nhiệt đới có 3 tầng thuộc khu E để tiếp nhận điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch với quy mô từ 100 tăng lên hơn 200 giường.

Bệnh viện Chợ Rẫy mở rộng gấp 3 lần khu hồi sức bệnh nhân Covid-19

TP.HCM đề xuất hỗ trợ lao động tự do chưa đăng ký tạm trú

Ngày 29.7, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM đã có công văn đề nghị UBND các quận, huyện và TP.Thủ Đức rà soát, nắm chắc số liệu lao động tự do gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 (ngoài 6 nhóm ngành nghề lao động tự do đã được quy định tại Công văn 2209/2021 của UBND TP.HCM về triển khai chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 09/2021 của HĐND TP.HCM).
Cụ thể, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM đề nghị UBND các quận, huyện và TP.Thủ Đức tiếp tục rà soát kỹ, thống kê đầy đủ, nắm chắc (hạn chế tối đa việc phát sinh về sau) số liệu lao động tự do ngoài 6 nhóm đã được quy định hỗ trợ.
Liên quan việc áp dụng điều kiện lao động tự do để nhận hỗ trợ cần có "cư trú hợp pháp tại địa phương" (thường trú, hoặc tạm trú được cơ quan công an xác nhận) trong thời gian nhận được nhiều phản hồi, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cũng đề xuất những trường hợp lao động tự do chưa đăng ký tạm trú theo quy định sẽ giao các quận huyện và TP.Thủ Đức rà soát, hỗ trợ từ các nguồn vận động hợp pháp của cơ sở để chia sẻ khó khăn với người lao động.

TP.HCM đề xuất hỗ trợ lao động tự do chưa đăng ký tạm trú gặp khó khăn vì Covid-19

Khẩu trang y tế vứt tràn lan sát khu dân cư ở TP.HCM

Khu đất trống ở ấp 6C, xã Vĩnh Lộc A, H.Bình Chánh, TP.HCM, quá nhiều khẩu trang y tế không rõ nguồn gốc bị vứt bỏ khiến người dân vô cùng bức xúc, lo lắng khi đại dịch Covid-19 đang diễn biến cực kỳ căng thẳng.
Người dân nơi đây cho biết, khu vực này là nơi cấm đổ rác, các trường hợp vi phạm vứt rác tại đây sẽ bị phạt nặng.
Ông Phan Long Thành, trưởng ấp 6C, xã Vĩnh Lộc A xác nhận vụ việc khẩu trang bị vứt tại khu vực này xảy ra từ chiều 29.7.2021.
Trước đó, lợi dụng đường vắng, có người thiếu ý thức đã vứt một bao tải bên trong có chứa khẩu trang y tế chưa rõ nguồn gốc. Lúc này, trâu nhà dân đi ăn cỏ đã giẫm đạp khiến bao tải bị rách, khẩu trang văng ra.
Ông Thành cho biết, hôm nay chính quyền địa phương sẽ huy động người đến thu gom xử lý.

Hết hồn cảnh khẩu trang y tế vứt tràn lan sát khu dân cư

Bộ Y tế đề nghị TP.HCM ưu tiên tiêm vắc xin cho 3 nhóm đối tượng
Bộ trưởng Bộ Y tế vừa có công văn hỏa tốc số 6118/BYT-DP (Công văn 6118) ngày 29.7 gửi Chủ tịch UBND TP.HCM về việc tiêm vắc xin trong thời gian thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg.
Tại công văn trên, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND TP.HCM chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức tiêm chủng cho tất cả các trường hợp từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn; ưu tiên tiêm chủng cho lực lượng y tế tuyến đầu, người cao tuổi, các trường hợp có bệnh lý nền và đẩy nhanh việc tăng độ bao phủ tiêm chủng.
Lãnh đạo Bộ Y tế cũng đề nghị TP.HCM huy động tối đa nhân lực tham gia tiêm chủng bao gồm cả y tế nhà nước và tư nhân, các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh, y tế các ngành… tổ chức tiêm tại các cơ sở cố định và các điểm tiêm chủng lưu động tại các khu dân cư.

Bộ Y tế đề nghị TP.HCM ưu tiên tiêm vắc xin Covid-19 cho 3 nhóm đối tượng

8 nhóm dấu hiệu sau tiêm vắc xin Covid-19 cần được cấp cứu

Bộ Y tế vừa có hướng dẫn mới nhất về “Tổ chức buổi tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19” ban hành tại Quyết định 3588/QĐ-BYT (Quyết định 3588) ngày 26.7.2021.
Theo hướng dẫn tại Quyết định 3588, các điểm tiêm chủng thực hiện theo dõi người được tiêm ít nhất 30 phút sau tiêm chủng tại điểm tiêm.
Sau khi kết thúc thời gian theo dõi sau tiêm chủng tại điểm tiêm, cơ sở tiêm chủng cung cấp giấy xác nhận đã tiêm vắc xin Covid-19 theo mẫu quy định.
Sau tiêm vắc xin, mỗi người cần tự theo dõi trong 28 ngày sau tiêm chủng, đặc biệt trong vòng 7 ngày đầu.

8 nhóm dấu hiệu sau tiêm vắc xin Covid-19 cần được cấp cứu

 Trắng đêm đón hàng trăm công nhân từ Đồng Nai về Đắk Lắk
Từ khuya 29 đến rạng sáng 30.7.2021, hàng trăm người dân trở về Đắk Lắk từ tỉnh Đồng Nai bằng xe máy đã được lực lượng CSGT Đồng Nai dẫn đường, đưa về quê.
Điểm tiếp nhận công dân tại Đắk Lắk được diễn ra tại Trường THPT Dân tộc nội trú Nơ Trang Lơng ở phường Khánh Xuân, thành phố Buôn Ma Thuột.
Lực lượng CSGT, CSCĐ của tỉnh Đắk Lắk đã túc trực trên tuyến QL14, hướng dẫn đoàn vào vị trí tiếp nhận. Sở Y tế Đắk Lắk cũng bố trí hàng chục xét nghiệm viên, nhân viên y tế túc trực tại điểm tiếp nhận công dân để thực hiện công tác xét nghiệm nhanh Covid-19 cho các công dân từ Đồng Nai về.

Hơn 800 công nhân từ Đồng Nai về Đắk Lắk “chạy” dịch Covid-19 trong đêm mưa

Không chịu khai báo y tế, còn đe dọa 'xử' cán bộ chốt kiểm soát

Ngày 30.7.2021, Công an H.Hòa Vang đã xác định danh tính người phụ nữ gây rối ở chốt kiểm soát dịch Covid-19 giáp ranh giữa Quảng Nam và Đà Nẵng.
Trước đó, từ ngày 28.7, mạng xã hội lan truyền clip ghi lại cảnh người phụ nữ đi xe máy đến chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 giáp ranh giữa Quảng Nam và Đà Nẵng đã lớn tiếng, yêu cầu lực lượng chức năng cho qua.
Lực lượng công an làm nhiệm vụ tại chốt đã yêu cầu người phụ nữ khai báo y tế, viết rõ lý do đi vào tỉnh Quảng Nam. Tuy nhiên, người này không chấp hành và liên tục thách thức, lớn tiếng đe dọa cán bộ làm nhiệm vụ.
 

Không khai báo y tế còn chửi bới chốt kiểm soát Covid-19 ở Quảng Nam

Bắt người lăng mạ cán bộ trực chốt kiểm soát Covid-19 gây xôn xao

Liên quan đến vụ không chấp hành khai báo y tế còn đạp vào người cán bộ ở chốt kiểm soát, sáng 30.7, Công an thành phố Long Khánh cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 2 tháng đối với Vũ Nhật Tân (38 tuổi, ngụ P.Xuân Tân, TP.Long Khánh) để điều tra về hành vi chống người thi hành công vụ. Các quyết định đã được Viện KSND cùng cấp phê chuẩn.
Trước đó, như Thanh Niên đã đưa tin, khoảng 8 giờ 22.7, Vũ Nhật Tân điều khiển xe máy chở Nguyễn Tiến Duy (21 tuổi) lưu thông trên đường Lê A theo hướng từ Quốc lộ 1 đi vào, đến cầu Bình Lộc, khu phố Suối Chồn, phường Bảo Vinh (TP.Long Khánh) thì gặp chốt kiểm soát dịch Covid-19 do Công an xã Bình Lộc phụ trách.
Tân và Duy dừng xe và khai báo y tế theo quy định. Tuy nhiên, dù chưa nêu được lý do chính đáng đi vào xã Bình Lộc và cũng chưa hoàn thành khai báo y tế nhưng Tân đã tự ý lấy xe ra với ý định tiếp tục di chuyển. Thấy vậy, lực lượng tại chốt đã yêu cầu Tân quay trở lại khu vực khai báo y tế để xác minh, làm rõ lý do đi vào xã Bình Lộc. Tuy nhiên, Tân lại thách thức, chống đối và không chấp hành yêu cầu; liên tục chửi bới, lăng mạ lực lượng chức năng.

Khởi tố, bắt giam người chửi cán bộ trực chốt kiểm soát Covid-19 gây xôn xao

 Ngấn lệ ngày về Bến Tre tránh dịch: "Ai rời Sài Gòn cũng nhớ "
Cho đến sáng 30.7.2021, hơn 300 đồng hương có mặt từ sớm để được trở về Bến Tre tránh dịch Covid-19. 
Với những chuyến xe nghĩa tình của Phương Trang, chị và bà con đang chuẩn bị cho chặng đường hồi hương, trở về quê cách ly tập trung theo quy định.
Ngày rời Sài Gòn, những cảm xúc nghẹn ngào tại mảnh đất lập nghiệp, với nhiều người thật khó diễn tả bằng lời.
Nằm trong Chương trình huy động 5.000 chuyến xe đưa đồng bào về các tỉnh Miền Trung, Miền Nam, Tây Nguyên về quê tránh dịch, Công ty Cổ phần Xe khách Phương Trang – FUTA Bus Lines (Công ty Phương Trang) tiếp tục phối hợp với các Cơ quan chức năng ở tỉnh Bến Tre và TP.HCM đưa hơn 300 công dân Bến Tre về lại quê nhà để tránh dịch Covid-19.

Ngấn lệ ngày về Bến Tre tránh dịch: "Nhớ chứ, ai rời Sài Gòn cũng nhớ"

Lên chùa nấu vạn phần cơm cho bệnh viện dã chiến Covid-19

Giữa lúc dịch bệnh Covid-19 đang căng thẳng tại TP.HCM, các bệnh viện dã chiến và các khu cách ly đã quá tải, hội thiện nguyện chùa Tường Nguyên theo sự chỉ đạo của Trung ương GHPGVN, GHPGVN TP.HCM cung cấp nhu yếu phẩm cũng như duy trì bếp ăn cho những người khó khăn tại khu cách ly, các Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19.
Mỗi ngày bếp ăn cung cấp từ 22.000 - 23.000 suất ăn cho Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19, Bệnh viện Trưng Vương, Bệnh viện Phục hồi chức năng quận 8, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM,... các khu cách ly ở Q.4, Q.7, H.Nhà Bè, H.Bình Chánh,... Hiện tại, đã chạm mốc gần 30.000 suất ăn mỗi ngày.

Xa gia đình cả tháng, lên chùa nấu vạn phần cơm cho bệnh viện dã chiến Covid-19 1

Hai bệnh viện chính hội thiện nguyện cung cấp thức ăn mỗi ngày là Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 8 với hơn 7.500 suất ăn chia thành 3 bữa. Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 10 với 3.000 suất ăn. Mỗi phần ăn kèm theo một hộp sữa, trái cây, bánh ngọt và nhu yếu phẩm.
Để bếp ăn hoạt động hiệu quả, đảm bảo suất ăn hàng ngày cho đội ngũ y bác sĩ, bếp ăn được chia thành nhiều nhóm nhỏ, phân theo từng khu vực riêng biệt để hoạt động như một dây chuyền khép kín.
Còn rất nhiều tin tức, phóng sự đáng chú ý khác trong Bản tin Covid-19 ngày 30.7 lúc 20 giờ trên các nền tảng của Báo Thanh Niên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.