Bản tin Covid-19 ngày 6.4: Cả nước hơn 9,9 triệu ca | “Điểm nóng” Hà Nội đã qua đỉnh dịch

06/04/2022 20:00 GMT+7

Bản tin Covid-19 ngày 6.4 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên . Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới.

Bản tin Covid-19 ngày 6.4 của Báo Thanh Niên có những thông tin đáng chú ý sau:

Công bố 58.424 ca Covid-19, 130.273 ca khỏi

Bản tin Bộ Y tế ngày 6.4 cho biết tính từ 16h ngày 5.4 đến 16h ngày 6.4, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 49.124 ca nhiễm mới, Sở Y tế Quảng Ninh đăng ký bổ sung 9.300 ca. Như vậy, tổng số ca nhiễm được công bố trong ngày là 58.424 ca.

Có tổng cộng 130.273 ca được công bố khỏi bệnh.

Bản tin cũng thông báo về 31 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay lên 42.712 ca.

Ngày 6.4: Công bố 58.424 ca Covid-19, 130.273 ca khỏi | Hà Nội 4.037 ca | TP.HCM 1.075 ca

Thông tin về 58.424 ca nhiễm vừa được công bố như sau:

  • 0 ca nhập cảnh.
  • 49.124 ca ghi nhận trong nước (giảm 5.871 ca so với ngày trước đó) tại 61 tỉnh, thành phố (có 35.177 ca trong cộng đồng). Gồm: Hà Nội (4.037), Nghệ An (2.302), Phú Thọ (2.257), Yên Bái (2.230), Bắc Giang (2.160), Đắk Lắk (2.064), Quảng Ninh (1.968), Lào Cai (1.760), Vĩnh Phúc (1.590), Quảng Bình (1.494), Bắc Kạn (1.406), Bắc Ninh (1.357), Lạng Sơn (1.287), Tuyên Quang (1.167), Thái Bình (1.115), TP.HCM (1.075), Cao Bằng (997), Thái Nguyên (977), Hải Dương (945), Hưng Yên (942), Hà Giang (902), Vĩnh Long (819), Sơn La (787), Lai Châu (781), Lâm Đồng (765), Quảng Trị (718), Bến Tre (702), Tây Ninh (691), Hà Tĩnh (651), Cà Mau (638), Hòa Bình (612), Bình Định (593), Hà Nam (570), Nam Định (569), Ninh Bình (563), Đà Nẵng (539), Bình Phước (526), Điện Biên (506), Bình Dương (413), Thừa Thiên-Huế (399), Bà Rịa - Vũng Tàu (352), Phú Yên (312), Đắk Nông (276), Hải Phòng (271), Thanh Hóa (268), Quảng Nam (248), Trà Vinh (224), Bình Thuận (218), Khánh Hòa (184), Kiên Giang (162), An Giang (146), Đồng Nai (136), Bạc Liêu (114), Long An (108), Sóc Trăng (78), Kon Tum (47), Ninh Thuận (35), Đồng Tháp (32), Cần Thơ (17), Hậu Giang (17), Tiền Giang (5).
  • Ngày 6.4.2022, Sở Y tế Quảng Ninh đăng ký bổ sung 9.300 ca trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Quảng Ngãi (-1.504), Hà Nội (-1.162), Hà Giang (-1.122).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Bắc Ninh (+626), Bến Tre (+557), Lạng Sơn (+411).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 60.366 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 9.980.464 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 110/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 100.939 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

  • Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 9.972.725 ca, trong đó có 8.274.746 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
  • Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.511.347), TP.HCM (599.173), Nghệ An (408.134), Bình Dương (379.991), Quảng Ninh (318.188).

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hằng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:

  • Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 130.273 ca
  • Tổng số ca được điều trị khỏi: 8.277.563 ca

Số bệnh nhân đang thở ô xy là 1.577 ca, trong đó:

  • Thở ô xy qua mặt nạ: 1.071 ca
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 248 ca
  • Thở máy không xâm lấn: 51 ca
  • Thở máy xâm lấn: 206 ca
  • ECMO: 1 ca

Từ 17h30 ngày 5.4 đến 17h30 ngày 6.4 ghi nhận 31 ca tử vong tại: Bến Tre (4), Kiên Giang (4), Đồng Nai (3), Bình Dương (2), Hà Nội (2), Khánh Hòa (2), Lâm Đồng (2), Quảng Ngãi (2), Bắc Kạn (1), Bạc Liêu (1), Đà Nẵng (1), Đắk Lắk (1), Đắk Nông (1), Gia Lai (1), Hòa Bình (1), Phú Thọ (1), Phú Yên (1), Quảng Ninh (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 37 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 42.712 ca, chiếm tỉ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/227 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 25/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ tư ASEAN).

Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện là 38.801.422 mẫu tương đương 84.789.075 lượt người, tăng 43.569 mẫu so với ngày trước đó.

Trong ngày 5.4 có 211.704 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 207.235.119 liều, trong đó:

  • Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 190.037.121 liều: Mũi 1 là 71.250.992 liều; Mũi 2 là 68.084.404 liều; Mũi 3 là 1.505.474 liều; Mũi bổ sung là 14.958.539 liều; Mũi nhắc lại là 34.237.712 liều.
  • Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.197.998 liều: Mũi 1 là 8.811.947 liều; Mũi 2 là 8.386.051 liều.

Khi nào cần sử dụng hộ chiếu vắc xin?

Ngày 6.4.2022, Bộ Y tế có thông tin mới nhất về “chức năng” của hộ chiếu vắc xin Covid-19, sau khi nhiều người dân nêu câu hỏi “hộ chiếu vắc xin dùng để làm gì?”.

Khi nào cần sử dụng hộ chiếu vắc xin Covid-19?

Theo Bộ Y tế, từ 15.4, Việt Nam cấp “hộ chiếu vắc xin” Covid-19 trên cả nước.

Đại diện Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế), cho biết hộ chiếu vắc xin được hiểu là giấy chứng nhận tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 hoặc/và giấy xác nhận đã khỏi bệnh Covid-19.

Hộ chiếu vắc xin được sử dụng để chứng minh lịch sử tiêm chủng (số mũi vắc xin phòng Covid-19 đã tiêm, thời điểm tiêm...) hoặc khỏi bệnh Covid-19 của cá nhân.

Hộ chiếu vắc xin không thay thế cho các giấy tờ có giá trị xuất, nhập cảnh khác như hộ chiếu, thị thực, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế, giấy thông hành, thẻ tạm trú, thẻ thường trú, giấy miễn thị thực… khi ra nước ngoài.

Với người Việt Nam không ra nước ngoài, người dân không cần phải sử dụng hộ chiếu vắc xin, không phải sử dụng hộ chiếu vắc xin khi đi lại vì đã có chứng nhận tiêm chủng trên nền tảng quản lý tiêm chủng như PC-COVID, Sổ Sức khỏe điện tử.

Với người từ nước ngoài đến Việt Nam, hộ chiếu vắc xin nước ngoài được coi là hợp lệ và được sử dụng trực tiếp trên lãnh thổ Việt Nam nếu được công nhận chính thức hoặc tạm thời bởi Chính phủ Việt Nam.

Đến ngày 22.3, Việt Nam đã đạt được thỏa thuận về công nhận hộ chiếu vắc xin lẫn nhau với 17 quốc gia. Việt Nam cũng đang tạm thời công nhận mẫu giấy chứng nhận tiêm vắc xin của 79 quốc gia, vùng lãnh thổ, được giới thiệu chính thức đến Bộ Ngoại giao.

Đại diện Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết người mang hộ chiếu vắc xin của các nước này vào Việt Nam và của Việt Nam đến các nước này được áp dụng các biện pháp y tế như người đã tiêm vắc xin ở sở tại. Việc công nhận này bao gồm việc miễn thủ tục chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự khi sử dụng giấy tờ này tại nước tiếp nhận.

Về triển khai cấp hộ chiếu vắc xin, tạo điều kiện thuận lợi khi người Việt Nam nhập cảnh quốc gia khác, trước đó, Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo tại Công văn số 6891 ngày 25.9.2021 và 7937 ngày 29.10.2021 về việc công nhận hộ chiếu vắc xin, do Bộ Ngoại giao đầu mối.

Hiện tại, có 127/196 quốc gia, vùng lãnh thổ đang áp dụng xác nhận tiêm vắc xin Covid-19 hộ chiếu vắc xin Covid-19; 69 quốc gia không áp dụng hoặc đã bãi bỏ điều kiện này đối với đối tượng nhập cảnh.

Tại Việt Nam, người nhập cảnh không cần phải có xác nhận đã tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 hoặc đã khỏi Covid-19, nhưng cần thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch (xét nghiệm, khai báo y tế và kiểm dịch y tế tại cửa khẩu; theo dõi sức khoẻ và áp dụng các biện pháp phòng Covid-19).

Dịch Covid-19 “hạ nhiệt”, Hà Nội sẽ mở lại nhiều dịch vụ

Sáng 6.4.2022, tại hội nghị giao ban công tác quý 1.2022, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết trong quý 1, Hà Nội đã nỗ lực, thúc đẩy kiểm soát dịch bệnh, phục hồi kinh tế - xã hội mạnh mẽ, hiệu quả.

Đã qua đỉnh dịch Covid-19, Hà Nội sẽ mở lại nhiều dịch vụ

Lãnh đạo TP.Hà Nội khẳng định thành phố đã qua đỉnh dịch Covid-19. Hà Nội từng có số ca mắc tăng rất cao, đã có những lo lắng về quá tải của y tế cơ sở. Tuy nhiên, Sở Y tế và các ngành đã phối hợp nhịp nhàng. Các trạm y tế phường dù nhiều cán bộ mắc Covid-19 nhưng đã được các lực lượng, đoàn thể, mạng lưới bác sĩ đồng hành… chi viện kịp thời.

Chiến dịch tiêm vắc xin mùa xuân ở Hà Nội với các tổ lưu động đã đến tận nhà hoàn thành tiêm cho gần 120.000 người có nguy cơ cao chưa được tiêm. Hà Nội cũng đã tiêm trên 16 triệu mũi vắc xin phòng Covid-19, người từ 12 tuổi trở lên cơ bản đạt 99,5%. Mũi 3 đã tiêm hơn 86%...

Dù số ca mắc của Hà Nội hiện là 1,5 triệu ca, song cả hệ thống đã căng mình, nỗ lực cao độ và kiểm soát, hạn chế tỉ lệ chuyển tầng, tỉ lệ tử vong thấp nhất cả nước.

Từ nền tảng kiểm soát tốt dịch bệnh, Thường trực Thành ủy thống nhất sẽ cho mở thêm một số dịch vụ nữa để phục hồi sản xuất kinh doanh.

Ngoài các nhiệm vụ phát triển kinh tế, lãnh đạo Hà Nội cũng yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện không quên nhiệm vụ chống dịch khi SARS-CoV-2 đang có biến thể mới. Đồng thời cần tiếp tục kiểm soát từ sớm, từ xa, chủ động phòng ngừa hiệu quả.

Hiện tại, Hà Nội vẫn chưa cho mở lại các dịch vụ karaoke, bar, spa, massage...

Nghiên cứu mới: Covid-19 có thể lây nhiễm với giọt bắn siêu nhỏ

Vi rút SARS-CoV-2 có thể lây nhiễm chỉ với một giọt bắn siêu nhỏ có kích thước tương đương tế bào máu. Với người nhiễm không triệu chứng, cơ thể họ vẫn có thể thải ra lượng lớn vi rút.

Nghiên cứu mới: Covid-19 có thể lây nhiễm với giọt bắn siêu nhỏ

Theo nhật báo The Indian Express (của Ấn Độ), một nghiên cứu do các nhà khoa học tại Học viện Hoàng gia London (ICL, Anh) thực hiện mà các tình nguyện viên sẽ chủ động cho nhiễm vi rút SARS-CoV-2. Hình thức nghiên cứu này đã gây tranh cãi vì cố tình để người tham gia nhiễm mầm bệnh, ngay cả khi có các biện pháp an toàn nhưng vẫn có một số rủi ro, đặc biệt là với các chủng vi rút mới.

Tuy nhiên, nghiên cứu dạng này lại rất có giá trị vì giúp các nhà khoa học có thể hiểu rõ được diễn biến bệnh và cách chúng ảnh hưởng đến cơ thể người. Với phần lớn các nghiên cứu khác, người bệnh chỉ tìm đến bác sĩ hay các nhà khoa học khi đã xuất hiện triệu chứng. Do đó, những gì xảy ra vào những ngày trước đó sẽ không được quan sát đầy đủ.

Nghiên cứu bắt đầu từ tháng 3.2021 với 36 tình nguyện viên. Tuổi của họ từ 18 đến 30, chỉ được phép tham gia khi không có bất kỳ yếu tố nguy cơ mắc Covid-19 nghiêm trọng như thừa cân, suy giảm chức năng gan, thận, có vấn đề về tim, phổi, bệnh về máu và một số vấn đề sức khỏe khác.

Các tình nguyện viên sẽ bị lây nhiễm Covid-19 bằng cách đưa một giọt chất lỏng chứa vi rút qua một chiếc ống nhỏ và đưa vào mũi. Tất cả được theo dõi y tế 24 giờ/ngày trong suốt 2 tuần tại phòng thí nghiệm ở Bệnh viện Tự do Hoàng gia ở thành phố London (Anh). Nhóm nghiên cứu cũng chuẩn bị sẵn thuốc kháng vi rút Remdesivir và kháng thể đơn dòng để phòng trường hợp có người chuyển biến nặng.

Theo tiến sĩ bệnh truyền nhiễm Christopher Chiu, tác giả chính của nghiên cứu tại Học viện Hoàng gia London (ICL), cho biết trong số những người tham gia, có 2 người đã không bị nhiễm bệnh. Những người còn lại chỉ bị triệu chứng nhẹ như nghẹt mũi, chảy nước mũi, hắt hơi và đau họng. Không ai bị vi rút lan đến phổi và cũng không có triệu chứng hậu Covid-19. Điều này có thể là do họ còn trẻ khỏe và chỉ lây nhiễm với lượng nhỏ vi rút.

Nghiên cứu đã rút ra những kết luận quan trọng như một giọt bắn chứa vi rút có đường kính 10 micrômét (µm), tương đương với kích thước tế bào máu, cũng đủ để lây bệnh cho người khỏe mạnh. 1 mét bằng 1 triệu micrômét. Một tình nguyện viên khỏe mạnh có thể khỏi Covid-19 trong 6,5 ngày. Tuy nhiên, một số có thể mất đến 12 ngày.

Ngoài ra, cũng theo The Indian Express, một số người có thể thải ra lượng lớn vi rút mà không triệu chứng gì. Nghiên cứu cũng một lần nữa cho thấy cho thấy việc mang khẩu trang để che mũi, miệng giúp hạn chế lây bệnh rất hiệu quả.

Giá xăng dầu thế giới tiếp đà giảm nhẹ

Giá dầu thô tiếp đà giảm gần 1% sáng 6.4.2022 sau khi mất hơn 1% trong phiên trước, hiện giao dịch trên mốc 100 USD/thùng.

Giá xăng dầu thế giới tiếp đà giảm nhẹ

Cả hai loại dầu đồng loạt giảm nhẹ, dầu WTI giao dịch ngưỡng 101 USD/thùng, dầu Brent chuẩn toàn cầu ở mức 105,7 USD/thùng.

Kết thúc phiên giao dịch khuya 5.4, giá dầu Brent giao sau giảm 0,8% xuống 106,64 USD/thùng, trong khi dầu thô WTI của Mỹ giảm 1,3% xuống 101,96 USD.

Giá dầu thế giới ngày 6.4 giảm nhẹ bởi áp lực đồng USD tăng mạnh ngày thứ tư liên tiếp lên mức cao nhất kể từ tháng 5.2020. Bên cạnh đó là tình hình phong tỏa chống dịch tại thị trường tiêu thụ nhiên liệu lớn như Trung Quốc vẫn tiếp tục căng thẳng, kéo dài.

Thị trường lo ngại nhu cầu tiêu thụ toàn cầu yếu đi do dịch bùng phát tại Trung Quốc và giá cả hàng hóa, giá nhiên liệu tăng mạnh khiến nhu cầu tiêu dùng giảm.

Trong khi đó, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã đề xuất áp dụng các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga về vấn đề ở Ukraine, gồm cả lệnh cấm nhập khẩu than của EU.

Theo Reuters, các nhà đầu tư đang trông chờ số liệu công bố dầu thô tồn của Mỹ. Theo cuộc thăm dò trước đó trên Reuters, tồn kho dầu thô Mỹ trong tuần trước khoảng 2,1 triệu thùng.

Theo thông tin Báo Thanh Niên ghi nhận trong nước, giá bán lẻ xăng dầu phổ biến trên thị trường ngày 6.4.2022 như sau: xăng E5 RON92 không cao hơn 27.309 đồng/lít; xăng RON95 không cao hơn 28.153 đồng/lít; dầu diesel 0.05S không cao hơn 25.080 đồng/lít; dầu hỏa không cao hơn 23.764 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 20.929 đồng/kg.

Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 6.4 của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.