Bản tin Covid-19 ngày 7.4: Việt Nam vượt 10 triệu ca nhiễm

07/04/2022 20:00 GMT+7

Bản tin Covid-19 ngày 7.4 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên . Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới.

Bản tin Covid-19 ngày 7.4 của Báo Thanh Niên có những thông tin đáng chú ý sau:

Công bố 90.228 ca Covid-19, 117.503 ca khỏi

Bản tin Bộ Y tế ngày 7.4.2022 cho biết tính từ 16h ngày 6.4 đến 16h ngày 7.4, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 45.886 ca nhiễm mới.Các Sở Y tế Bà Rịa - Vũng Tàu và Gia Lai đăng ký bổ sung 44.342 ca. Như vậy, tổng số ca nhiễm được công bố trong ngày là 90.228 ca.

Trong ngày có 117.503 ca được công bố khỏi bệnh.

Bản tin cũng thông báo về 21 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay lên 42.733 ca.

Ngày 7.4: Công bố 90.228 ca Covid-19, 117.503 ca khỏi | Việt Nam vượt 10 triệu ca nhiễm

Thông tin về 90.228 ca nhiễm vừa được công bố như sau:

  • 2 ca nhập cảnh
  • 45.884 ca ghi nhận trong nước (giảm 3.240 ca so với ngày trước đó) tại 63 tỉnh, thành phố (có 33.715 ca trong cộng đồng). Gồm: Hà Nội (3.635), Bắc Giang (2.267), Phú Thọ (2.174), Yên Bái (2.167), Nghệ An (1.965), Quảng Ninh (1.956), Lào Cai (1.826), Đắk Lắk (1.619), Bắc Kạn (1.523), Vĩnh Phúc (1.299), Quảng Bình (1.217), Cao Bằng (1.103), Tuyên Quang (1.102), Lạng Sơn (1.087), Thái Bình (1.078), Thái Nguyên (958), Bắc Ninh (917), Hà Giang (897), Hải Dương (867), TP.HCM (864), Gia Lai (846), Hưng Yên (842), Quảng Trị (747), Sơn La (730), Lâm Đồng (714), Vĩnh Long (678), Bình Định (635), Bình Dương (599), Hà Tĩnh (575), Lai Châu (569), Hòa Bình (543), Hà Nam (539), Tây Ninh (537), Bình Phước (532), Bến Tre (530), Quảng Ngãi (499), Ninh Bình (474), Đà Nẵng (472), Cà Mau (457), Điện Biên (440), Nam Định (438), Đắk Nông (363), Bà Rịa - Vũng Tàu (278), Quảng Nam (241), Thừa Thiên-Huế (235), Phú Yên (234), Hải Phòng (231), Thanh Hóa (218), Khánh Hòa (208), Bình Thuận (194), Trà Vinh (167), An Giang (129), Kiên Giang (118), Bạc Liêu (92), Long An (76), Kon Tum (41), Cần Thơ (40), Ninh Thuận (27), Đồng Nai (23), Sóc Trăng (17), Đồng Tháp (16), Hậu Giang (12), Tiền Giang (7).
  • Ngày 7.4.2022, Sở Y tế Bà Rịa - Vũng Tàu đăng ký bổ sung 32.342 ca, Sở Y tế Gia Lai đăng ký bổ sung 12.000 ca trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Đắk Lắk (-445), Bắc Ninh (-440), Hà Nội (-402).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Gia Lai (+846), Quảng Ngãi (+499), Bình Dương (+186).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 55.374 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.070.692 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 110/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 101.849 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

  • Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.062.951 ca, trong đó có 8.392.249 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
  • Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.514.982), TP.HCM (600.037), Nghệ An (410.099), Bình Dương (380.590), Vĩnh Phúc (351.349).

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hằng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:

  • Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 117.503 ca
  • Tổng số ca được điều trị khỏi: 8.395.066 ca

Số bệnh nhân đang thở ô xy là 1.674 ca, trong đó:

  • Thở ô xy qua mặt nạ: 1.149 ca
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 259 ca
  • Thở máy không xâm lấn: 58 ca
  • Thở máy xâm lấn: 207 ca
  • ECMO: 1 ca

Từ 17h30 ngày 6.4 đến 17h30 ngày 7.4 ghi nhận 21 ca tử vong tại: Kiên Giang (4), Cao Bằng (2), Sóc Trăng (2), Thái Bình (2), TP.HCM (2), Vĩnh Long (2), Bắc Giang (1), Bắc Kạn (1), Bình Phước (1), Đồng Nai (1), Đồng Tháp (1), Gia Lai (1), Lâm Đồng (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 34 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 42.733 ca, chiếm tỉ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 25/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện là 38.852.277 mẫu tương đương 84.845.790 lượt người, tăng 50.855 mẫu so với ngày trước đó.

Trong ngày 6.4 có 144.240 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 207.379.359 liều, trong đó:

  • Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 190.175.683 liều: Mũi 1 là 71.253.350 liều; Mũi 2 là 68.090.339 liều; Mũi 3 là 1.505.479 liều; Mũi bổ sung là 14.970.123 liều; Mũi nhắc lại là 34.356.392 liều.
  • Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.203.676 liều: Mũi 1 là 8.815.144 liều; Mũi 2 là 8.388.532 liều.

“Cơ chế” Covid-19 gây rối loạn tình dục ở nam giới như thế nào?

Theo thông tin từ thạc sĩ, bác sĩ Trịnh Kiên Cường (chuyên khoa Nam học), Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, đến thời điểm hiện tại, tác động và mối liên quan trực tiếp giữa vi rút SARS-CoV-2 đến hoạt động tình dục vẫn chưa được đánh giá đầy đủ. Tuy nhiên, có thể dễ dàng nhận thấy những ảnh hưởng mà Covid-19 gián tiếp tác động tới sức khoẻ tình dục của lứa đôi.

“Cơ chế” Covid-19 gây rối loạn tình dục ở nam giới như thế nào?

Với những băn khoăn về sự cố sức khỏe tình dục liên quan Covid-19 từ một số trường hợp nam giới đã đề nghị tư vấn, bác sĩ Trịnh Kiên Cường chia sẻ dịch bệnh đã khiến công việc, cuộc sống của mỗi người bị ảnh hưởng, căng thẳng thần kinh và không ít người đã gặp phải các vấn đề tâm lý như trầm cảm, lo lắng và thất vọng.

Mặt khác, việc hạn chế các hoạt động, giãn cách kéo dài trong thời gian dịch bệnh đã khiến mọi người ít có sự gặp gỡ, giao lưu.

Các yếu tố vừa nêu đã ảnh hưởng không nhỏ tới chuyện “yêu” của lứa đôi, đặc biệt là những cặp đôi buộc phải xa nhau vì dịch bệnh.

Về chuyên khoa, bác sĩ Trịnh Kiên Cường giải thích dịch Covid-19 có thể gây rối loạn chức năng tình dục thông qua rối loạn tâm lý và sức khỏe tâm thần.

Như đã biết, phản ứng tình dục của con người được điều khiển bởi các chất dẫn truyền thần kinh khác nhau và các hormone (đặc biệt là testosterone). Trong đó, Serotonin và Dopamine là 2 chất dẫn truyền thần kinh liên quan mạnh mẽ nhất đến phản ứng tình dục. Hệ thống Serotonergic đóng vai trò chủ yếu ức chế ham muốn tình dục, cực khoái và xuất tinh với sự tham gia của hồi hải mã và hạch hạnh nhân.

Chuyên gia nam học cho hay Dopamine đóng vai trò trung tâm kích thích thông qua con đường mesolimbic (hệ thống trung não hồi viền). Nếu hệ thống kích thích và ức chế tình dục mất cân bằng sẽ gây ra rối loạn chức năng tình dục và những tác động tiêu cực đến chức năng tình dục do trầm cảm, lo lắng thì đã được nhiều nghiên cứu trước đó công nhận.

Trầm cảm là một trong những bệnh tâm thần phổ biến nhất với hơn 264 triệu người mắc trên toàn thế giới. Bệnh gây ra những thay đổi bất thường tại các chất dẫn truyền thần kinh, là một yếu tố nguy cơ chính gây rối loạn chức năng tình dục. Ước tính 40% nam giới trầm cảm giảm hứng thú hoặc kích thích tình dục, 20% giảm, vắng (mất, giảm) cực khoái hoặc xuất tinh.

Bên cạnh đó sự sụt giảm của testosterone ở nam giới cũng đã có những nghiên cứu đánh giá khi mắc SARS-CoV-2. Những rối loạn chức năng tình dục có thể gặp như: rối loạn ham muốn, rối loạn cương dương; rối loạn xuất tinh và cực khoái.

Ngược lại, bác sĩ Trịnh Kiên Cường cũng cho hay có một số cặp đôi sẽ tăng thời gian ở bên nhau do chuyển sang làm việc bán thời gian tại nhà, đây là điều kiện để các cặp đôi sống chung có nhiều thời gian kết nối với nhau hơn và cùng tham gia vào hoạt động tình dục.

Trong trường hợp này, những lợi ích mà hoạt động tình dục mang lại trong mùa dịch được thể hiện một cách rõ rệt. Theo đó, hoạt động tình dục được sử dụng như một “phương tiện” để giảm bớt những căng thẳng, lo lắng hoặc vượt qua sự buồn chán trong dịch Covid-19.

Nam giới cần đi khám về sức khỏe sinh sản khi có những biểu hiện sau:

  • Có triệu chứng viêm tinh hoàn.
  • Có sử dụng các thuốc kháng vi rút.
  • Tinh dịch ít và loãng hơn bình thường.
  • Quan hệ tự nhiên (không dùng biện pháp tránh thai) trên 1 năm mà chưa có con
  • Rối loạn về tình dục gồm: rối loạn cương dương, rối loạn xuất tinh, rối loạn ham muốn.

Tổn thương tim mạch ở trẻ hậu Covid-19

Liên quan đến vấn đề hậu Covid-19 ở trẻ, thời gian qua, nhiều trường hợp trẻ nhập viện cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng Thành phố trong tình trạng tim chậm, mạch đập nhanh, bác sĩ phát hiện các bất thường tim mạch, thậm chí có trường hợp bị sốc tim, viêm cơ tiêm.

Tổn thương tim mạch ở trẻ hậu Covid-19

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cho biết có 2 giai đoạn trẻ bị viêm cơ tim do Covid-19.

Một là trong giai đoạn cấp tính, thường ở ngày thứ 3-5 sau khi trẻ phát hiện bệnh. Tuy nhiên, theo thống kê của bệnh viện, tỉ lệ trẻ bị tổn thương tim trong giai đoạn này khá thấp, chỉ khoảng 5 trường hợp trong số 165 trẻ bệnh nặng thở ô xy mask và 1.850 trường hợp nhập viện.

Trong khi đó, tỉ lệ trẻ bị tổn thương tim trong giai đoạn hậu Covid-19 chiếm khoảng 15%. Trong số này chủ yếu là các tổn thương tim cận lâm sàng, men tim tăng, rối loạn nhịp tim... tỉ lệ trẻ bị viêm cơ tim, tràn dịch màng tim phải can thiệp ECMO rất thấp.

Tổn thương tim mạch ở trẻ liên quan đến hội chứng viêm đa hệ thống thường xuất hiện 2-6 tuần sau khỏi Covid-19. Bệnh có thể xảy ra với trẻ có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng trong giai đoạn mắc Covid-19.

Nếu trẻ được chẩn đoán sớm, phát hiện sớm và điều trị đúng thì diễn tiến thường thuận lợi, trẻ phục hồi tốt. Tuy nhiên, có thể tử vong nếu trẻ không được điều trị kịp thời.

Do đó, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến khuyến cáo phụ huynh cần chú ý các triệu chứng như nổi ban đỏ hoặc xung huyết giác mạc; phù nề niêm mạc miệng, bàn tay, chân; rối loạn tiêu hóa như nôn, đau bụng, tiêu chảy... để đưa trẻ đến cơ sở y tế kịp thời thăm khám, can thiệp.

“Oằn mình” nuôi 3 con thơ sau nỗi đau mất vợ và cha ruột

Ngày 6.4.2022, Báo Thanh Niên tiếp tục tổ chức lễ ký kết bảo trợ cho trẻ em nhỏ mồ côi vì dịch Covid-19 từ nguồn tiền bạn đọc đóng góp và của các nhà hảo tâm.

“Oằn mình” nuôi 3 con thơ sau nỗi đau mất vợ và cha ruột

Trong những ngày dịch Covid-19 căng thẳng, ông Nguyễn Hữu Liêm liên tiếp chịu nỗi đau mất đi người thân bị nhiễm bệnh, hết cha ruột rồi đến vợ, để lại những lo toan về cuộc sống cùng 3 người con đang tuổi ăn học.

Bản thân ông Liêm sau một vụ tai nạn thì sức khỏe yếu và mất dần khả năng lao động nên chỉ có thể nhận hàng về gia công. Trước khi mất, vợ ông làm công nhân giày da, là trụ cột kinh tế của cả nhà. Dịch bệnh cướp đi sinh mạng của người vợ, cuộc sống gia đình lâm vào cảnh khó khăn, bế tắc. Ông chưa thể tìm được việc làm để chi trả sinh hoạt phí và tiền học cho con.

Ông Nguyễn Hữu Liêm là một trong những trường hợp có con rơi vào cảnh mồ côi do Covid-19 vừa nhận được bảo trợ từ chương trình Cùng con đi tiếp cuộc đời của Báo Thanh Niên.

Ngày 6.4.2022, Báo Thanh Niên đã tổ chức lễ ký kết bảo trợ cho trẻ em mồ côi từ nguồn tiền bạn đọc đóng góp, từ nhiều đơn vị bảo trợ và nhà hảo tâm.

4 triệu chứng phổ biến nhất của biến thể XE

Như Báo Thanh Niên đã đưa tin, mới đây đã xuất hiện một biến thể Covid-19 tái tổ hợp mới ở Anh, còn dễ lây lan hơn cả Omicron. Nhưng các nhà nghiên cứu vẫn chưa xác định được biến thể này nguy hiểm cỡ nào.

4 triệu chứng phổ biến nhất của biến thể Covid-19 mới XE

Theo nhật báo Anh Express, biến thể mới được đặt tên là "XE", nhưng vẫn còn rất ít thông tin về nó.

Trong khi Cơ quan An ninh Y tế Anh (UKSHA) đang tiến hành các nghiên cứu sâu hơn để làm sáng tỏ các đặc điểm của biến thể này, nhưng các triệu chứng của nó dường như không khác so với biến thể hiện có của Omicron.

Dữ liệu sơ bộ của UKSHA cho thấy biến thể XE có tốc độ tăng trưởng tương tự như của biến thể BA.2. Hơn nữa, chưa có bằng chứng cho thấy các triệu chứng của nó khác với chủng Omicron ban đầu, với các triệu chứng giống như cảm lạnh.

Theo thông tin từ Express, phân tích của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ đã chỉ ra 4 triệu chứng phổ biến nhất của biến thể này bao gồm:

  1. Mệt mỏi
  2. Nghẹt mũi
  3. Chảy nước mũi
  4. Đau nhức toàn thân

Nhật báo Ấn Độ Times of India dẫn thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), biến thể mới của XE đã được phát hiện và điều đáng lưu tâm là biến thể này có tốc độ lây truyền cao hơn nhiều so với biến thể Omicron - vốn đã nổi tiếng là siêu lây . Điều đáng báo động là biến thể Omicron với mức lây thấp hơn 10 lần so với biến thể này - đã gây ra làn sóng Covid-19 thứ 3 trên toàn thế giới ngay trong thời gian ngắn, mặc dù không gây bệnh nặng.

Biến thể XE được cho là sự tái tổ hợp của Omicron BA1 và BA2. Sự tái tổ hợp giữa các chủng vi rút không phải là mới. Biến thể tái tổ hợp xảy ra khi người bệnh nhiễm từ 2 biến thể, các biến thể này tái tổ hợp với nhau bằng cách chia sẻ vật liệu di truyền.

Theo WHO, biến thể đáng lo ngại là biến thể có sự thay đổi cấu trúc gien - có thể gây nguy hiểm cho nhân loại và có tốc độ phát triển cao. Các nhà khoa học đang chờ đợi thêm thông tin chi tiết xem có sự khác biệt đáng kể nào về sự lây truyền và mức độ nghiêm trọng giữa các chủng Omicron trước đây và chủng tái tổ hợp này hay không.

Theo báo cáo, biến thể XE có khả năng lây truyền cao gấp 10 lần so với biến thể Omicron - vốn lây lan nhanh hơn tất cả các chủng Covid-19 từ trước đến nay.

Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 7.4 của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.