Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 14.6: TP.HCM tiếp tục giãn cách, dồn lực bảo vệ 'mục tiêu đặc biệt'

14/06/2021 19:37 GMT+7

Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 14.6 của Báo Thanh Niên trực tiếp lúc 20 giờ tại địa chỉ thanhnien.vn, kênh YouTube và Facebook của Báo Thanh Niên , trang Báo Thanh Niên trên mạng xã hội TikTok. Biên tập viên Trúc Huỳnh sẽ đồng hành cùng quý vị trong bản tin hôm nay.

Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay ngày 14.6.2021 của Báo Thanh Niên sẽ có những thông tin đáng chú ý sau:

Việt Nam thêm hàng trăm bệnh nhân Covid-19 mới

Bản tin tối 14.6 của Bộ Y tế cho biết cả nước có thêm 80 ca mắc Covid-19; trong đó 5 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh; tại 4 tỉnh, thành phố; 75 ca ghi nhận trong nước tại 5 tỉnh, thành phố gồm: TP.HCM (26 ca), Bắc Giang (29 ca), Bắc Ninh (8 ca), Hà Tĩnh (11 ca), Nghệ An (1 ca). Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng 10.730 ca mắc Covid-19.

Chủng virus Delta gây Covid-19 ở TP.HCM nguy hiểm như thế nào?

Trong ngày 14.6, Việt Nam ghi nhận thêm 272 ca mắc mới:
+ 6 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại TP.HCM (4 ca), Tây Ninh (1 ca), Khánh Hòa (1 ca).
+ 266 ca ghi nhận trong nước tại Bắc Giang (121 ca), TP.HCM (82 ca), Hà Tĩnh (22 ca), Bắc Ninh (17 ca), Tiền Giang (14 ca), Bình Dương (4 ca), Hà Nội (4 ca), Bắc Kạn (1 ca), Nghệ An (1 ca).

Sau 2 tuần giãn cách xã hội, tình hình dịch Covid-19 ở TP.HCM hiện ra sao?

Thêm bệnh nhân Covid-19 tử vong

Chiều 14.6.2021, Tiểu ban điều trị - Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 thông báo 2 bệnh nhân Covid-19 tử vong thứ 60 và 61 tại Việt Nam. Đây là hai bệnh nhân nữ, có bệnh lý nền nặng liên quan đến Covid-19.
Ca tử vong thứ 60 là BN8512, bệnh nhân nữ, 87 tuổi, có địa chỉ tại thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, là mẹ của BN8231. Bệnh nhân tử vong với chẩn đoán: Viêm phổi ARDS do SARS-CoV-2, sốc nhiễm khuẩn trên bệnh nền suy tim, tăng huyết áp, Parkinson.
Ca tử vong thứ 61 là BN4731, 60 tuổi, có địa chỉ tại Đống Đa, thành phố Hà Nội. Bệnh nhân có tiền sử u Lympho Non-Hodgkin phát hiện vào 11.2019, đã hóa trị ổn định. Bệnh nhân được chẩn đoán u Lympho tái phát vào tháng 4.2021 và được điều trị hóa trị liệu tại khoa Nội 7, Bệnh viện K cơ sở Tân Triều. Bệnh nhân tử vong với chẩn đoán: Sốc nhiễm khuẩn, viêm phổi do SARS-CoV-2, nhiễm nấm Aspergillus xâm lấn trên nền bệnh u Lympho Non-Hodgkin. 

Ca bệnh Covid-19 thứ 60 và 61 tử vong: 2 nữ bệnh nhân có bệnh nền nặng

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM là "mục tiêu đặc biệt, cần được bảo vệ"

Sáng 14.6, tại cuộc họp giao ban Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh, cho biết, từ ngày 11.6 đến 13.6, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới đã xét nghiệm cho toàn bộ 924 nhân viên, phát hiện 55 trường hợp dương tính Covid-19.
55 trường hợp dương tính Covid-19 này thuộc 13 khoa, phòng, bộ phận.
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, nhận định ban đầu đây là ổ dịch lây nhiễm trong nhân viên bệnh viện, chủ yếu thuộc phòng Công nghệ thông tin, phòng Chỉ đạo tuyến, phòng Hành chính quản trị và các phòng chức năng khác như kế hoạch tổng hợp, tổ chức cán bộ, dược. Trong đó có 1 nhân viên sống trong ổ dịch tại chung cư Ehome 3 ở quận Bình Tân.
Theo Giám đốc Sở Y tế, để tăng cường năng lực điều trị người bệnh nặng, ngoài Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Sở Y tế đã chuẩn bị triển khai thêm 1 đơn vị chuyên tiếp nhận người nhiễm Covid-19 tại Bệnh viện huyện Củ Chi với 500 giường, có khu hồi sức dành người bệnh nặng. Phân công ê kíp hồi sức cấp cứu từ các bệnh viện đầu ngành luân phiên tham gia công tác chuyên môn tại bệnh viện.
Cũng tại buổi giao ban, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đề nghị phối hợp với Viện Pasteur TP.HCM hỗ trợ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới xét nghiệm lại các trường hợp cho chắc chắn; cắt, chặn sớm nhất điểm lây nhiễm bởi Bệnh viện Bệnh nhiệt đới là "mục tiêu đặc biệt, cần được bảo vệ".

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM đã có 55 nhân viên nhiễm Covid-19

TP.HCM tiếp tục giãn cách xã hội thêm 2 tuần chống dịch Covid-19

Trong cuộc họp trực tuyến về phòng, chống Covid-19 sáng 14.6 tại TP.HCM, sau khi nghe các sở ngành, quận huyện báo cáo tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong quyết định tiếp tục giãn cách xã hội toàn địa bàn TP.HCM theo Chỉ thị 15/2020 của Thủ tướng chính phủ thêm 2 tuần.
Như vậy, thay vì kết thúc giãn cách xã hội từ 0 giờ ngày 15.6 thì TP.HCM tiếp tục giãn cách xã hội thêm 2 tuần.

Khẩn: TP.HCM tiếp tục giãn cách xã hội thêm 2 tuần chống dịch Covid-19

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nhận định, sau 15 ngày thực hiện giãn cách xã hội (từ ngày 31.5.2021), tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP.HCM vẫn còn phức tạp, đặc biệt sự xuất hiện của hàng loạt chuỗi lây nhiễm cho thấy dịch có thể xâm nhập thành phố từ đầu tháng 5 và đã trải qua 4-5 chu kỳ lây nhiễm. Dịch bệnh đã len lỏi và có thể sẽ được phát hiện qua khám sàng lọc, truy vết thời gian tới. Chính vì vậy, Chủ tịch UBND TP.HCM quyết định toàn thành phố cần tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/2020.
Quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) giảm cấp áp dụng giãn cách xã hội từ theo Chỉ thị 16 xuống theo Chỉ thị 15. Bên cạnh đó, ông Nguyễn Thành Phong cho biết trong tuần tới đây, tùy tình hình dịch bệnh mà có thể áp dụng chỉ thị 16 hoặc chỉ thị 19 ở một số nơi.

Chủng vi rút Delta gây lây nhiễm Covid-19 mạnh tại TP.HCM

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh nhận định, đặc điểm lớn nhất của các chuỗi lây nhiễm trong đợt dịch này tại TP.HCM là chủng vi rút Delta gây lây nhiễm mạnh trong gia đình, hàng xóm, nơi làm việc.
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh đưa ra dẫn chứng: từ ngày 15.8 đến 13.6, TP.HCM phát hiện 821 ca Covid-19 lây nhiễm trong cộng đồng, phát hiện tại toàn bộ 22/22 địa bàn gồm 21 quận huyện và thành phố Thủ Đức.

Chủng vi rút Delta gây lây nhiễm Covid-19 mạnh tại TP.HCM

Các quận huyện có số ca bệnh nhiều nhất gồm: quận Gò Vấp (115 ca với 14/15 phường có ca bệnh), quận 12 (72 ca với 7/11 phường có ca bệnh), quận Bình Thạnh (66 ca với 9/20 phường có ca bệnh), quận Tân Bình (63 ca với 10/15 phường có ca bệnh), quận Bình Tân (61 ca với 7/11 phường có ca bệnh), quận Tân Phú (51 ca với 11/11 phường có ca bệnh). 
Giám đốc Sở Y tế nhận định, trong đợt dịch này, chủng vi rút Delta đã gây lây nhiễm mạnh trong gia đình, hàng xóm, nơi làm việc (đặc biệt là các tòa nhà văn phòng). Sự lây nhiễm từ gia đình vào nơi làm việc và từ nơi làm việc về nhà đã làm cho dịch lan tỏa rất nhanh và rộng tại thành phố.
Ông cũng cho biết thêm, các ổ dịch Covid-19 cộng đồng lớn tại TP.HCM ghi nhận chủ yếu tại các khu nhà trọ, cụm dân cư tại các quận huyện vùng ven và khu vực nông thôn đô thị hóa. Đã ghi nhận các bệnh nhân làm việc trong các khu công nghiệp, bệnh nhân là nhân viên y tế, nhân viên văn phòng. 

TP.HCM đã xét nghiệm cho hàng ngàn công nhân PouYuen, Tỷ Hùng

Ngày 14.6.2021, báo cáo trong cuộc họp với Ban chỉ đạo Phòng, chống Covid-19, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết sau khi phát hiện các ca mắc Covid-19 mới trong 2 công ty là công ty PouYuen và công ty Tỷ Hùng, ngành y tế TP.HCM đã tiến xét nghiệm, kiểm tra 4.910 nhân viên Công ty PouYuen và 571 nhân viên Công ty Tỷ Hùng; đến nay chưa phát hiện thêm người mắc Covid-19.
Đồng thời, lực lượng y tế đã xét nghiệm mở rộng hơn 65.000 mẫu tại các cơ sở sản xuất, lao động trong khu công nghiệp, khu công nghệ cao tại quận 7, quận 12, thành phố Thủ Đức, huyện Củ Chi... và hiện chưa phát hiện người mắc Covid-19.
Mặc dù có 4 ca bệnh là công nhân, người lao động trong khu công nghiệp nhưng đến nay chưa ghi nhận có lây lan dịch bệnh trong các khu công nghiệp.

TP.HCM đã xét nghiệm Covid-19 cho hàng ngàn công nhân PouYuen, Tỷ Hùng

Tình hình 7 chuỗi lây nhiễm liên quan nhóm Truyền giáo Phục Hưng hiện nay ra sao?

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết từ ngày 26.5 đến 13.6, tại TP.HCM đã có 470 trường hợp nhiễm Covid-19 đã được Bộ Y tế công bố liên quan điểm nhóm Truyền giáo Phục Hưng. Ổ dịch này được phát hiện tại 21/22 quận huyện, thành phố Thủ Đức và cơ bản đã được khống chế. 
Liên quan chuỗi lây nhiễm tại nhóm Truyền giáo Phục Hưng dù đã được kiểm soát, nhưng lãnh đạo ngành y tế TP.HCM cho biết hiện còn có 6 chuỗi lây nhiễm mới khác tại TP.HCM chưa xác định được nguồn lây.

Tình hình 7 chuỗi lây nhiễm Covid-19 liên quan nhóm Truyền giáo Phục Hưng hiện nay ra sao?

Bệnh viện K cơ sở Tân Triều được gỡ phong tỏa

Chiều 14.6.2021, Bệnh viện K cơ sở Tân Triều ở huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội đã tổ chức lễ công bố quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc kết thúc thời gian cách ly y tế để phòng, chống dịch Covid-19 của Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, để khôi phục lại hoạt động khám chữa bệnh ở cơ sở này.
Sau khi công bố quyết định, khoảng gần 13 giờ ngày 14.6, lực lượng chức năng đã cho gỡ bỏ toàn bộ hệ thống hàng rào cứng chốt chặn ở các lối ra vào bệnh viện.
Ngày 14.6, Bệnh viện K cơ sở Tân Triều đã giải phóng hoàn toàn bệnh nhân và người thân ra khỏi các toà nhà khám chữa bệnh của bệnh viện. Gần 1.000 chuyến xe đã được bệnh viện sắp xếp đưa người bệnh và người nhà về quê sau khi hoàn tất cách ly y tế và có kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Những bệnh nhân và người nhà còn lại đang điều trị tại bệnh viện có sức khỏe bình thường. 

Gỡ phong tỏa Bệnh viện K Tân Triều sau hơn 1 tháng cách ly vì Covid-19

Theo PGS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K, hiện tại, chất lượng vệ sinh môi trường bệnh viện đã đảm bảo cho công tác hoạt động trở lại sau khi gỡ phong tỏa. Tuy nhiên, trước khi hoạt động trở lại vào ngày 16.6 tới, toàn bộ các khoa phòng sẽ được vệ sinh thêm một lần nữa theo đúng quy trình để đảm bảo an toàn tối đa giúp người bệnh an tâm điều trị, khám chữa bệnh tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều.
Trước đó, sau khi ghi nhận 11 ca mắc Covid-19 tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, Bộ Y tế đã quyết định phong tỏa cơ sở này từ 5 giờ 30 phút ngày 7.5 để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; không tiếp nhận người bệnh tới khám, điều trị, trừ trường hợp cấp cứu.
Còn rất nhiều tin tức, phóng sự đáng chú ý khác trong Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 14.6 lúc 20 giờ trên các nền tảng của Báo Thanh Niên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.