Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 20.8: 12.756 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh

20/08/2021 19:27 GMT+7

Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay của Báo Thanh Niên trực tiếp lúc 20 giờ ngày 20.8.2021 tại địa chỉ thanhnien.vn, kênh YouTube và Facebook của Báo Thanh Niên , trang Báo Thanh Niên trên 2 mạng xã hội Lotus và TikTok.

Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 20.8 của Báo Thanh Niên gồm có những nội dung sau:

Bình Dương vượt TP.HCM về số ca nhiễm trong ngày

Bản tin Bộ Y tế tối 20.8 cho biết tính từ 19h ngày 19.8 đến 18h30 ngày 20.8, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 10.657 ca nhiễm mới. Đây là ngày thứ hai liên tiếp Việt Nam ghi nhận hơn 10.000 ca Covid-19 một ngày và cũng là ngày ghi nhận số ca bệnh cao nhất kể từ khi dịch bệnh xuất hiện đến nay.
Có 12.756 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 20.8. Đây cũng là con số kỷ lục về số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày.

Ngày 20.8: Kỷ lục 10.657 ca Covid-19, 12.756 ca khỏi; Bình Dương vượt TP.HCM về số ca nhiễm mới trong ngày

Ngày 20.8, Tiểu ban điều trị của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 thông báo trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 ghi nhận 390 ca tử vong tại 15 tỉnh, thành phố; nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 tử vong lên 7.540 ca.
Thông tin về 10.657 ca nhiễm Covid-19 mới được công bố tối 20.8, gồm:
- 7 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
- 10.650 ca ghi nhận trong nước, trong đó có 6.132 ca trong cộng đồng. Gồm: Bình Dương (4.223), TP.HCM (3.375), Đồng Nai (686), Long An (495), Tiền Giang (367), Đà Nẵng (167), Đồng Tháp (156), Cần Thơ (147), Khánh Hòa (147), Tây Ninh (122), An Giang (111), Hà Nội (72), Nghệ An (61), Thừa Thiên Huế (61), Bến Tre (59), Bà Rịa - Vũng Tàu (57), Đắk Lắk (56), Trà Vinh (47), Bình Thuận (29), Phú Yên (27), Vĩnh Long (23), Bắc Giang (18), Quảng Nam (17), Hà Tĩnh (15), Kiên Giang (14), Bình Định (14), Bình Phước (11), Bắc Ninh (10), Gia Lai (10), Quảng Ngãi (9), Cà Mau (7), Lạng Sơn (7), Quảng Bình (7), Lâm Đồng (4), Bạc Liêu (4), Ninh Thuận (4), Thanh Hóa (3), Ninh Bình (2), Sơn La (2), Lào Cai (1), Quảng Trị (1), Hà Nam (1), Hưng Yên (1).
- Như vậy trong 24 giờ qua số ca nhiễm ghi nhận trong nước tăng 11 ca Covid-19. Tại Bình Dương tăng 968 ca, TP.HCM giảm 1.050 ca, Đồng Nai tăng 29 ca, Long An giảm 50 ca, Tiền Giang giảm 111 ca.
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 323.268 ca nhiễm Covid-19, đứng thứ 72/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 169/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 3.288 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27.4.2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 319.209 ca, trong đó có 130.041 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Có 7 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Hải Phòng, Yên Bái.
+ Có 3 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Kon Tum, Hà Giang, Thái Bình.
+ 5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP.HCM (164.524), Bình Dương (55.601), Long An (16.552), Đồng Nai (15.602), Tiền Giang (5.619), Đồng Tháp (5.554).
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 132.815 ca.
- Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 666 ca.
- Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 24 ca.

Ngày 20.8: Thông báo thêm 390 ca Covid-19 tử vong tại 15 tỉnh thành

Ngày 20.8, Tiểu ban điều trị của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 thông báo trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 ghi nhận 390 ca tử vong tại 15 tỉnh, thành phố. Gồm: TP.HCM (312), Bình Dương (41), Long An (8 ), Đồng Nai (7), Tiền Giang (7), Khánh Hòa (3), Sóc Trăng (3), Cần Thơ (2), Hà Nội (1), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Bến Tre (1), Bình Thuận (1), Hải Dương (1), Nam Định (1), Trà Vinh (1).
- Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến 20.8 là 7.540 ca, chiếm tỷ lệ 2,3% so với tổng số ca mắc và tương đương với tỷ lệ tử vong do Covd-19 trên thế giới.
- Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 9.056.328 mẫu cho 26.138.265 lượt người.
Tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 16.306.199 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 14.669.827 liều, tiêm mũi 2 là 1.636.372 liều.

Thủ tướng yêu cầu quân đội, công an sẵn sàng phối hợp với TP.HCM dập Covid-19

 
Tối 19.8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì họp trực tuyến Thường trực Chính phủ với TP.HCM và các tỉnh lân cận đang có dịch Covid-19 diễn biến phức tạp gồm Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Thường trực Chính phủ và lãnh đạo TP.HCM thống nhất thực hiện nghiêm ngặt hơn, thực chất hơn Chỉ thị 16, áp dụng một số biện pháp mạnh mẽ hơn. 
Thường trực Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành và lãnh đạo TP.HCM thống nhất, công tác phòng chống dịch sẽ chuyển từ tập trung cao độ ở cấp thành phố sang “hai mũi” vừa tập trung, vừa phân tán xuống đến tận từng phường, xã của TP.HCM.
Chính phủ và TP.HCM bảo đảm mọi nhu cầu để mỗi xã, phường là một pháo đài trong mọi khâu. Dứt khoát thực hiện “ai ở đâu ở đó”, quản lý giãn cách, phong toả nghiêm ngặt; bảo đảm an sinh xã hội, lo ăn, ở cho người dân, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, an dân; tăng cường xét nghiệm để nhanh chóng phát hiện F0, bóc tách nguồn lây khỏi cộng đồng, điều trị F0 ngay tại xã, phường, tuyến trên chủ yếu chữa trị cho những trường hợp nặng.

Thủ tướng yêu cầu quân đội, công an sẵn sàng phối hợp với TP.HCM dập Covid-19

Muốn thực hiện cách ly nghiêm ngặt, người dân chấp hành theo tinh thần “ai ở đâu ở đó” thì chúng ta phải đáp ứng mọi nhu cầu thiết yếu của người dân, gồm: bảo đảm an sinh xã hội, không để bất kỳ ai thiếu ăn, thiếu mặc; đáp ứng mọi yêu cầu y tế của mọi người dân ở mọi lúc, mọi nơi; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, an dân. Trên cơ sở đó, vận động, kêu gọi và hướng dẫn nhân dân thực hiện nghiêm túc các quy định. Đây là hai mặt của một vấn đề để thực hiện thành công giãn cách xã hội.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang cho biết quân đội sẵn sàng triển khai lực lượng theo chỉ đạo của Thủ tướng và theo yêu cầu của TP.HCM và các tỉnh, trong đó có lực lượng y bác sĩ điều trị; tham gia vận chuyển, cung ứng hàng hóa tới người dân...
Bộ Quốc phòng sẽ phối hợp với các bộ, ngành làm việc trực tiếp, cụ thể với từng địa phương để tính toán phương án chi tiết cung ứng hàng hóa cho nhân dân TP.HCM và các tỉnh, cố gắng cao nhất để đáp ứng các yêu cầu thực tiễn.
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn cũng khẳng định Bộ Công an sẵn sàng huy động lực lượng cao nhất cho các tỉnh phía nam để tham gia bảo vệ an ninh, an toàn, an dân, có thể chi viện cả lực lượng y tế nếu cần thiết.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Càng khó khăn, phức tạp, nhạy cảm, càng phải đoàn kết, thống nhất, giữ vững nguyên tắc, phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể, khiêm tốn, cầu thị, lắng nghe các ý kiến, xem xét quyết định theo đa số, chọn giải pháp tốt nhất để tổ chức thực hiện, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân để chống dịch, ổn định tình hình". Đây là quan điểm đã được người đứng đầu Chính phủ khẳng định nhiều lần. 
Trên cơ sở phân tích tình hình thực tiễn và thống nhất của các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu: "Từ tập trung cao độ ở cấp tỉnh, thành phố, chúng ta chuyển sang phòng chống dịch vừa tập trung vừa phân tán xuống đến tận phường, xã. Đánh giá tình hình, phân loại toàn bộ 312 xã, phường tại TP.HCM theo mức nguy cơ “xanh, đỏ, vàng” để giữ vững, mở rộng các xã, phường vùng xanh, cô lập, thu hẹp vùng đỏ, vùng vàng”.
Thủ tướng yêu cầu thực hiện bằng được các nhiệm vụ trọng tâm:
Thứ nhất, thực hiện cách ly triệt để giữa người với người, gia đình với gia đình, xã phường với xã phường. Nếu thiếu lực lượng bảo đảm thì công an, quân đội sẽ đáp ứng, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng phối hợp với TP.HCM triển khai nhiệm vụ này. Huy động Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc, các lực lượng cựu chiến binh, thanh niên, công đoàn, phụ nữ, hội nông dân… các cấp tham gia động viên, giải thích, tuyên truyền, hỗ trợ người dân để thực hiện cách ly nghiêm ngặt. Cách ly là để lo cho dân, vì sức khỏe và tính mạng của nhân dân.
Thứ hai, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc. Dưới sự chỉ huy thống nhất của địa phương, với sự phối hợp của các lực lượng khác, quân đội sẽ chủ trì lo lương thực, thực phẩm cho người dân, đồng thời hết sức uyển chuyển, linh hoạt, tận dụng các biện pháp khác để cung ứng lương thực, thực phẩm với điều kiện tiên quyết là bảo đảm tuyệt đối an toàn.
Thứ ba là về bảo đảm về y tế. Tăng cường năng lực y tế cho cấp xã, phường về ô xy y tế, trang thiết bị, vật tư, y tá, bác sĩ, điều dưỡng… bổ sung ngay cho những xã, phường còn thiếu để điều trị cho người bệnh ngay tại xã, phường.
Thứ tư, tăng cường lực lượng công an để bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, an dân. Cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, kêu gọi, giải thích để người dân hiểu rõ việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch là quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi người dân, “chúng ta làm gì cũng vì lợi ích của nhân dân”.
Thứ năm, về an sinh xã hội, TP.HCM và các bộ, ngành đã triển khai nhiều giải pháp. Bộ LĐ-TB-XH chủ trì, tiếp tục thường xuyên bám sát tình hình và yêu cầu thực tế để không bỏ sót đối tượng cần cứu trợ; lực lượng công an cơ sở tăng cường nắm tình hình để cùng các lực lượng cung cấp ngay lương thực, thực phẩm cho những người vô gia cư, lang thang…
Thứ sáu, tổ chức xét nghiệm “thần tốc” theo hướng dẫn của Bộ Y tế với các hình thức phù hợp, kể cả đến tận nhà xét nghiệm, phát hiện F0 nhanh nhất, tuyệt đối không bỏ sót, phân loại điều trị ngay, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. Bộ Y tế chủ trì thực hiện nhiệm vụ này.
Thủ tướng cũng yêu cầu nghiên cứu, tính toán khả năng di dời một bộ phận người dân ra khỏi một số địa điểm để giãn cách, giảm mật độ người tập trung trong một khu vực như kinh nghiệm đã được thực hiện tại một số tỉnh phía bắc, sử dụng doanh trại quân đội, trường học, cơ sở lưu trú… cho việc này.

TP.HCM: Từ 23.8, "ai ở đâu, ở yên đó"

Sáng 20.8, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM tổ chức buổi họp báo thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn.

Theo ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM, thời gian qua TP.HCM đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng chống dịch Covid-19 và đã đạt được một số kết quả nhất định.
Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường. Do vậy, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 86 của Chính phủ, Chỉ thị số 12 của Thành ủy và kế hoạch 2715 của UBND TP.HCM thì Ban chỉ đạo tiếp tục tăng cường nâng cao các biện pháp với phương châm mỗi tổ dân phố, khu phố, phường, xã thị trấn, cơ quan, nhà máy, xí nghiệp là một "pháo đài" phòng chống dịch.

Người dân TP.HCM 'ai ở đâu ở yên đó' từ 23.8 để phòng chống Covid-19

Ông Phạm Đức Hải cho biết TP.HCM sẽ triển khai 5 giải pháp trọng tâm, đó là:
Thứ nhất, người dân TP đảm bảo thực hiện quy định về giãn cách xã hội "ai ở đâu ở yên đó"; nhà cách ly với nhà, tổ dân phố cách ly tổ dân phố, khu phố cách ly khu phố, phường xã cách ly với phường xã.
Thứ 2, tập trung chăm lo cho bệnh nhân F0, điều trị người có triệu chứng chuyển nặng để hạn chế tỷ lệ tử vong.
Thứ 3, tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm ở những khu vực "vùng đỏ" trên bản đồ Covid-19 TP.HCM.
Thứ 4, tăng cường đẩy mạnh tiêm vắc xin cho người dân.
Thứ 5, TP.HCM đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu, tiếp tục chăm lo đầy đủ hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời đến người dân khó khăn, yếu thế trên địa bàn thành phố. 
Đến nay, TP.HCM đang trải qua nhiều đợt giãn cách xã hội: Cụ thể, từ ngày 31.5 đến ngày 14.6 giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Từ ngày 15.6 đến ngày 8.7 giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 10 của UBND TP.HCM. Từ ngày 9.7 đến ngày 15.9 thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

TP.HCM sẽ hoàn thiện phương án đi lại, cung ứng hàng hóa, y tế… trước ngày 23.8

Trưa 20.8, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM họp báo cung cấp thông tin về 5 giải pháp tăng cường, nâng cao trên nguyên tắc "ai ở đâu ở yên đó", áp dụng từ ngày 23.8. Buổi họp báo diễn ra trong bối cảnh TP.HCM dịch bệnh kéo dài, số ca nhiễm tăng (hiện tổng số ca mắc 164.300 người), thành phố giãn cách xã hội qua nhiều đợt...
Ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM cho biết 5 giải pháp này là một bước nâng cao, có sự tập trung hơn, đẩy mạnh hơn để đạt hiểu quả cao nhất trong thời gian thực hiện các chỉ đạo của Trung ương, chỉ thị, kế hoạch của thành phố. Như trong Nghị quyết 86, Chính phủ yêu cầu đến ngày 15.9 thành phố phải kiểm soát và ngăn ngừa được dịch bệnh để sớm đưa cuộc sống trở về bình thường.

TP.HCM: Hoàn thiện phương án đi lại, cung ứng hàng hóa, y tế… trước ngày 23.8

Về các công việc cụ thể, ông Khuê cho biết một số ngành hiện đang cố gắng hoàn thành sớm nhất để đến thời điểm trước ngày 23.8 sẽ có thông tin đầy đủ đến người dân; đồng thời bày tỏ mong muốn nhận được sự hưởng ứng, hợp lực của người dân để thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch.
“Như thực hiện nghiêm giãn cách xã hội thì việc kiểm soát lưu thông trên đường phố ra sao, lực lượng nào kiểm soát lưu thông; việc tổ chức cung ứng các hàng hóa thiết yếu đến người dân tại khu dân cư sẽ thực hiện ra sao; các trạm y tế lưu động sẽ triển khai ra sao; mở rộng điều trị, xét nghiệm, tập trung vắc xin…”, ông Khuê dẫn chứng và cho biết các ngành chuyên môn đang tiếp tục bổ sung, hoàn thiện từng giải pháp.
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy cũng cho biết dự kiến vào thứ 2 (ngày 23.8), Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM sẽ sắp xếp để các cơ quan hữu quan cùng dự họp báo để cung cấp thông tin đầy đủ về thực hiện giải pháp nâng cao trong “thời gian vàng”.

Ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM

Ảnh: Sỹ Đông

Trả lời câu hỏi của phóng viên những ngày qua có tin đồn thành phố sẽ “lockdown” (đóng cửa), ông Khuê nói: “Tôi khẳng định không có chuyện đóng cửa gì hết, mà đây là đẩy mạnh các biện pháp tập trung, chuyên sâu, nâng cao hơn”. 
Đến nay, TP.HCM đang trải qua nhiều đợt giãn cách xã hội. Cụ thể, từ ngày 31.5 đến ngày 14.6 giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Từ ngày 15.6 đến ngày 8.7 giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 10 của UBND TP.HCM. Từ ngày 9.7 đến ngày 15.9 thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Trước đó, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM cho biết sẽ thực hiện 5 biện pháp tăng cường nâng cao.
Ông Hải cũng đề nghị người dân bình tĩnh, yên tâm thực hiện “5K + vaccine + thuốc uống”, không tập trung mua gom hàng hoá, thực phẩm; đồng thời khẳng định thành phố đã chuẩn bị các phương án đảm bảo cung ứng hàng hóa trong thời gian thực hiện các biện pháp phòng chống dịch nêu trên.

Ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM

Ảnh: Sỹ Đông

Người dân xếp hàng dài ở siêu thị sau thông tin TP.HCM “Ai ở đâu ở yên đó”

Chiều 20.8.2021, rất đông người đã tới siêu thị Emart (ở quận Gò Vấp, TP.HCM) để mua thực phẩm, hàng hóa sau khi nghe thông tin TP.HCM siết chặt hơn các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, theo tinh thần "ai ở đâu ở yên đó". Có thời điểm, lực lượng bảo vệ phải khép cổng để hạn chế lượng người vào siêu thị.
Bên trong siêu thị, rất đông người tập trung ở các mặt hàng như thịt, hải sản, rau củ và những mì ăn liền. Nhân viên siêu thị phải liên tục bổ sung các mặt hàng. Tuy nhiên, tại các kệ để rau, củ, hải sản đã không còn mặt hàng để bổ sung.
Nhiều người sau khi đã chất đầy hàng vào các xe đẩy đã nhanh chóng di chuyển ra vị trí tính tiền. Tất cả các quầy tính tiền được mở để hỗ trợ người dân thanh toán nhanh nhất có thể. Tuy nhiên, mỗi vị trí cũng mất khoảng 10 phút mới xong một khách hàng.

Rau củ siêu thị “cháy hàng” trước ngày TP.HCM tăng cường giãn cách chống Covid-19

Người Đà Nẵng xếp hàng lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 toàn dân

Những góc phố Đà Nẵng mới đây còn tấp nập náo nhiệt, inh ỏi tiếng còi xe thì nay đã thành địa điểm xếp hàng lấy mẫu xét nghiệm Covid-19. Sở Y tế Đà Nẵng đang thực hiện kế hoạch xét nghiệm toàn thành phố trong 7 ngày, dự kiến xét nghiệm đại diện cho khoảng 330.000 hộ dân.
Tại cuộc họp trực tuyến Ban chỉ đạo phòng chống dịch, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng cho rằng, từ ngày 19.8.2021, thành phố lấy mẫu đợt 2 trong chiến dịch đặc biệt. Vì vậy, ông Nguyễn Văn Quảng yêu cầu ngành y tế và các địa phương lập danh sách cụ thể, rút kinh nghiệm những hạn chế trong đợt 1 để làm tốt hơn. Đồng thời, ngành y tế tiếp tục phân tích số liệu các ca mắc mới, nhất là chuỗi tại chợ đầu mối Hòa Cường ở Q.Hải Châu.
Kế hoạch lấy mẫu xét nghiệm được Sở Y tế Đà Nẵng triển khai theo 2 đợt, với 2 lần lấy mẫu. Đợt 1 từ ngày 16 đến 18.8; đợt 2 từ ngày 19 đến 21.8.

Người Đà Nẵng xếp hàng giữa phố chờ lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 toàn dân

Để chuẩn bị cho “chiến dịch đặc biệt” trong vòng 7 ngày, từ ngày 16.8, Sở Y tế đã giao cho trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng làm đầu mối phân phối mẫu xét nghiệm cho các đơn vị; dự trù, cung ứng đầy đủ sinh phẩm, vật tư cho việc lấy mẫuxét nghiệm; hướng dẫn các cơ sở chuyên môn về quy trình kỹ thuật xét nghiệm mẫu gộp phù hợp với năng lực xét nghiệm của các đơn vị.
Bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, cho biết mỗi hộ sẽ xét nghiệm 2 lần, cách nhau 3 ngày, dự kiến toàn đợt hơn 650.000 mẫu. Riêng với các khu vực điểm nóng, sẽ xét nghiệm tất cả các thành viên trong hộ. Cụ thể, lượt 1 đã xét nghiệm 413.113 mẫu gồm mẫu hộ đại diện và mẫu tất cả các thành viên trong hộ ở điểm nóng và đã có kết quả.
Thành phố Đà Nẵng đang xúc tiến lượt xét nghiệm thứ 2, dự kiến hoàn tất vào ngày 21.8, đảm bảo 100% lượt hộ dân được xét nghiệm. Cao điểm ngày 19.8, Đà Nẵng đã xét nghiệm hơn 125.000 mẫu/ngày.

Người Đắk Nông từ TP.HCM về quê tránh Covid-19: “Mừng quá là mừng”

16 giờ ngày 19.8.2021, đoàn xe chở hơn 200 người dân từ TP. HCM về quê tránh dịch Covid-19 đã tới khu cách ly tập trung là Trung tâm huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng an ninh ở xã Trường Xuân, H.Đắk Song, tỉnh Đắk Nông.
Đây là những người dân Đắk Nông đã không còn có thể bám trụ lại TP.HCM vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Cuộc sống ở vùng tâm dịch quá khó khăn, họ phải tìm cách trở về quê hương.
Trong số 200 người được đón về đợt 1 có đủ lứa tuổi, người già có trẻ em có. Tất cả đều có sức khỏe tốt, tinh thần thoải mái sau chuyến xe dài.
Ngay khi đến địa điểm cách ly tập trung, các công dân được lực lượng chức năng kiểm tra y tế, nhận phòng nghỉ và tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm Realtime-PCR theo quy định.

Người Đắk Nông từ TP.HCM về quê tránh Covid-19: “Mừng quá là mừng”

Để bảo đảm công tác phòng, chống dịch, ngoài các tài xế xe khách, tất cả các thành viên của đoàn công tác đón công dân cũng thực hiện cách ly từ 7 đến 14 ngày.
Trước đó, lúc 2 giờ sáng cùng ngày, tỉnh Đắk Nông đã huy động 10 xe khách giường nằm và 47 cán bộ, nhân viên phục vụ để xuống Bến xe miền Đông đón hơn 200 công dân về quê. Đây là nhóm công dân đầu tiên thuộc nhóm đối tượng ưu tiên số 1 do UBND tỉnh quy định.
Phần lớn công dân được đón về đều có kết quả test nhanh âm tính với SARS-Cov-2. Tuy nhiên, có 6 trường hợp test nhanh cho kết quả dương tính với SARS-Cov-2 đã được bố trí xe riêng, đưa về các khu cách ly tập trung của địa phương, nơi các công dân thường trú.
Đợt đầu tiên đón công dân tỉnh Đắk Nông về quê từ các tỉnh phía Nam đã diễn ra thuận lợi. Công tác đón nhận công dân đã được tỉnh Đắk Nông thực hiện bài bản, tạo sự đồng thuận của người dân.
Còn rất nhiều tin tức, phóng sự đáng chú ý khác trong Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 20.8 lúc 20 giờ trên các nền tảng của Báo Thanh Niên. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.