Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 23.8: TP.HCM ngày đầu tiên trong 2 tuần quyết định
23/08/2021 19:12 GMT+7
Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay của Báo Thanh Niên trực tiếp lúc 20 giờ ngày 23.8.2021 tại địa chỉ thanhnien.vn, kênh YouTube và Facebook của Báo Thanh Niên , trang Báo Thanh Niên trên 2 mạng xã hội Lotus và TikTok.
Tự động phát
Ngày 23.8: Bộ Y tế công bố 10.397 ca mắc Covid-19
Bản tin tối 23.8 của Bộ Y tế cho biết tính từ 18h ngày 22.8 đến 18h30 ngày 23.8, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 10.280 ca nhiễm mới. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa đăng ký bổ sung 117 ca được lấy mẫu từ các ngày trước trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19. Như vậy, tổng số ca nhiễm Covid-19 được công bố trong ngày 23.8 là 10.397 ca.
Có 6.945 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 23.8.
Ngày 23.8, Tiểu ban điều trị của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 thông báo trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 ghi nhận 389 ca tử vong tại 8 tỉnh, thành phố; nâng tổng số bệnh nhân covid-19 tử vong lên 8.666 ca.
Thông tin về 10.397 ca nhiễm Covid-19 được Bộ Y tế công bố vào ngày 23.8 như sau:
- 14 ca được cách ly sau khi nhập cảnh.
- 10.266 ca ghi nhận trong nước, trong đó có 6.021 ca trong cộng đồng. Gồm: TP.HCM (4.251), Bình Dương (3.183), Đồng Nai (623), Tiền Giang (459), Long An (388), Bà Rịa - Vũng Tàu (154), Đà Nẵng (152), Đắk Lắk (128), Khánh Hòa (125), Nghệ An (111), Đồng Tháp (100), Cần Thơ (85), An Giang (75), Bến Tre (65), Kiên Giang (57), Phú Yên (43), Hà Nội (40), Bình Thuận (36), Trà Vinh (34), Sơn La (21), Bình Định (19), Tây Ninh (17), Thừa Thiên - Huế (17), Bình Phước (13), Vĩnh Long (10), Bắc Giang (9), Quảng Nam (8 ), Đắk Nông (7), Ninh Bình (6), Quảng Bình (6), Gia Lai (5), Bạc Liêu (5), Hà Tĩnh (4), Ninh Thuận (4), Bắc Ninh (2), Thanh Hóa (1), Hà Nam (1), Lâm Đồng (1), Cà Mau (1).
- Ngày 23.8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa đăng ký bổ sung 117 ca được lấy mẫu từ các ngày trước trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19. Như vậy, trong ngày 23.8, tỉnh Khánh Hòa được Bộ Y tê công bố tổng cộng 242 ca nhiễm.
- Trong 24 giờ qua số ca nhiễm ghi nhận trong nước giảm 942 ca. Tại TP.HCM tăng 58 ca, Bình Dương giảm 612 ca, Đồng Nai giảm 226 ca, Tiền Giang giảm 250 ca, Long An tăng 23 ca.
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam ghi nhận tổng cộng 358.456 ca nhiễm Covid-19, đứng thứ 66/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 169/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 3.646 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27.4.2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 354.355 ca, trong đó có 151.838 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Có 8 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Hải Phòng, Yên Bái, Hà Giang.
+ Có 2 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Kon Tum, Thái Bình.
+ 5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP.HCM (180.245), Bình Dương (73.425), Đồng Nai (18.311), Long An (18.193), Tiền Giang (7.743).
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 154.612 ca.
- Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 711 ca.
- Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 26 ca.
Ngày 23.8, Tiểu ban điều trị của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 thông báo trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 ghi nhận 389 ca tử vong tại 8 tỉnh, thành phố. Gồm TP.HCM (340), Bình Dương (34), Long An (6), Đà Nẵng (3), Đồng Nai (2), Đồng Tháp (2), Cần Thơ (1), Bà Rịa-Vũng Tàu (1).
- Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến 23.8 là 8.666 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca mắc và tương đương với tỉ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới.
- Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện 9.450.525 mẫu cho 27.763.959 lượt người.
- Tổng số liều vắc xin Covid-19 đã được tiêm là 17.364.569 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 15.530.221 liều, tiêm mũi 2 là 1.834.348 liều.
Quân đội xung trận không để dân TP.HCM thiếu đói trong dịch Covid-19
Từ 0 giờ ngày 23.8, TP.HCM siết chặt giãn cách xã hội, các chốt kiểm soát trên địa bàn tăng cường tuần tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Từ 6 giờ sáng tại chốt kiểm soát của Q.Bình Thạnh ở đường Bạch Đằng - Xô Viết Nghệ Tĩnh, Phan Đăng Lưu, Đinh Bộ Lĩnh,... có lực lượng chức năng gồm CSGT, dân quân tự vệ, bộ đội kiểm tra nghiêm ngặt giấy tờ của người ra đường.
Theo quan sát, nhiều người chạy xe ra đường đã không trình được giấy đi đường do cơ quan chức năng cấp, thay vào đó là các giấy của công ty, xí nghiệp trong các lĩnh vực khác. Nhiều người ngạc nhiên khi được lực lượng trực chốt cho xem mẫu giấy đi đường.
|
Tại chốt Đinh Bộ Lĩnh, anh N.B.K (45 tuổi) làm việc tại công ty tư nhân trên địa bàn Q.Bình Thạnh trình giấy đi đường khi bị CSGT yêu cầu quay đầu giải thích vì: "Qua chủ nhật công ty không làm nên không cấp kịp mẫu mới" nên xin CSGT được qua chốt để đến công ty lấy giấy đi đường.
Khi được CSGT đồng ý, anh K. thắc mắc: "Giấy đi đường mẫu mới này mình lên mạng tải về hay sao ta?" khiến CSGT lắc đầu, yêu cầu anh về công ty đọc lại thông báo mới của UBND TP.HCM.
Trước đó, từ tối 22.8, Bộ tư lệnh TP.HCM đã tổ chức lễ xuất quân thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 cho các lực lượng tham gia chống dịch Covid-19 tại địa bàn P.Tân Thành (thuộc Q.Tân Phú).
Tham dự buổi lễ có Đại tá Phạm Văn Rậm - phó tư lệnh Bộ tư lệnh TP.HCM, bà Lê Thị Kim Hồng, bí thư Q.Tân Phú, lãnh đạo P.Tân Thành cùng các chiến sĩ Sư đoàn 302 và lực lượng dân quân của phường.
|
Trước đó, để đảm bảo an toàn trong công tác phòng chống dịch bệnh, việc tổ chức lễ xuất quân được triển khai về từng phường xã ở các quận huyện và TP.Thủ Đức (TP.HCM) vào lúc 23 giờ để sau đó có thể thực hiện nhiệm vụ từ 0 giờ ngày 23.8.2021.
Các chiến sĩ làm nhiệm vụ sau đó đã tuần tra khắp các tuyến đường của phường để đảm bảo người dân thực hiện đúng theo yêu cầu “Ai ở đâu, ở yên đó” của UBND TP.HCM.
Theo ông Phan Tiến Đức, bí thư P.Tân Thành, hiện phường có 5 khu phố với 93 tổ dân phố. Từ ngày 23.8, lực lượng địa phương sẽ phối hợp với quân đội thực hiện những nhóm nhiệm vụ.
Thứ nhất là kiểm soát lưu thông. Thứ hai là đảm bảo an sinh xã hội, chăm sóc người F0. Thứ ba là tuyên truyền cho người dân thực hiện nghiêm chỉnh, chấp hành việc giản cách để không có lây nhiễm trong cộng đồng. Thứ tư là tiêm vắc xin và chăm lo cho nhưng người khó khăn, đặc biệt là những người ở trong khu bị cách ly, phong tỏa.
Vắc xin NanoCovax vượt thêm được một "chốt" quan trọng
Trước đó, hôm 16.8, Bộ Y tế có cuộc họp với Học viện Quân y về giám sát số liệu, quy trình nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng (TNLS) vắc xin Covid-19 NanoCovax.
Cuộc họp ngày 22.8 được các thành viện Hội đồng Đạo đức đánh giá, xem xét các dữ liệu do nhóm nghiên cứu báo cáo, trước khi thông qua kết quả nghiên cứu TNLS giai đoạn 3a vắc xin NanoCovax.
Việc vắc xin NanoCovac sau khi được Hội đồng Đạo đức chấp thuận thông qua kết quả TNLS giai đoạn 3a sẽ là cơ sở quan trọng để Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc; Hội đồng thẩm định, cấp số đăng ký thuốc (Bộ Y tế) xem xét cấp phép lưu hành có điều kiện với vắc xin này. Khi đó, vắc xin sẽ đủ điều kiện tiêm rộng rãi phòng, chống dịch Covid-19.
Theo Bộ Y tế, Học viện Quân y, Viện Pasteur TP.HCM là 2 đơn vị được Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia (Bộ Y tế) chấp thuận cho triển khai nghiên cứu TNLS (tiêm vắc xin dự tuyển NanoCovax) trên người tình nguyện tham gia nghiên cứu.
Vắc xin NanoCovax bắt đầu được TNLS giai đoạn 1 từ tháng 12.2020 tại Học viện Quân y, sau đó tiếp tục thực hiện TNLS giai đoạn 2 từ tháng 2.2021.
Trong TNLS giai đoạn 3 (từ tháng 6 vừa qua), có hơn 13.000 người tham gia TNLS đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin NanoCovax.
Tổng 3 giai đoạn TNLS có khoảng 14.000 người đã tham gia TNLS tại các địa phương triển khai nghiên cứu: Hà Nội, Hưng Yên và Long An.
Quá trình triển khai, Bộ Y tế đã rút ngắn các thủ tục hành chính để nghiên cứu TNLS được triển khai với tiến độ nhanh nhất, nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu về khoa học và chính xác về số liệu.
Ngay cả khi đã được cấp phép trong tình huống khẩn cấp, vắc xin vẫn sẽ tiếp tục được đánh giá thêm về hiệu lực (thời gian bảo vệ kéo dài trong bao lâu).
Xin wifi, chờ đồng nghiệp gửi ảnh giấy đi đường để qua chốt kiểm soát
Sáng 23.8, nhiều trường hợp khi đi qua chốt kiểm soát trên đường Phan Văn Trị đoạn qua Q.Gò Vấp, TP.HCM trình giấy đi đường không đúng quy định buộc quay đầu trở về.
Nhiều người đưa ra nhiều lý do nhưng lực lượng chức năng đã giải thích và kiên quyết buộc quay đầu. Những trường hợp chống đối, cự cãi sẽ bị lập biên bản chứ không nhắc nhở.
Xuất trình giấy đi đường nhưng không đúng mẫu mới có hiệu lực từ 23.8.2021 nên chị Hà Tiên phải ghé nhà gần chốt xin wifi để nhắn lên siêu thị lấy mẫu giấy đi đường mới để được qua chốt kiểm soát Covid-19.
Mang theo đồ dùng tính lên chỗ làm ở lại luôn nhưng do chờ lâu mà chưa nhận được giấy đi đường gửi qua nên chị đành phải quay trở về nhà.
Nhiều người đưa ra nhiều lý do nhưng lực lượng chức năng đã giải thích và kiên quyết buộc quay đầu. Những trường hợp chống đối, cự cãi sẽ bị lập biên bản chứ không nhắc nhở.Trong ngày đầu tiên thực hiện tăng cường giãn cách, lực lượng chức năng đã linh động giải quyết các trường hợp chưa kịp lấy giấy đi đường theo mẫu mới.
Các trường hợp này phải nhờ người ở cơ quan chụp hình gửi qua điện thoại, sau đó xuất trình cho lực lượng kiểm soát sẽ được qua chốt. Tuy nhiên, bắt đầu từ ngày 24.8, tất cả các trường hợp bắt buộc phải xuất trình được giấy đi đường đúng quy định nếu không sẽ bị xử phạt. Vào sáng thứ Hai nên nhiều người cũng xuất trình giấy tờ đi khám bệnh, lực lượng chức năng sau khi kiểm tra nếu đúng theo giấy hẹn sẽ cho qua chốt.
Theo quy định từ 0 giờ ngày 23.8.2021, các chốt kiểm soát trên địa bàn tăng cường tuần tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Những người dân, lao động, công chức viên chức nằm trong nhóm được ra đường phải có giấy đi đường, dấu hiệu nhận diện, riêng công chức thì mặc đồng phục theo hướng dẫn của TP.
Chồng là F0, người phụ nữ khóc nức nở xin qua chốt
Tại chốt kiểm soát Covid-19 ở P.Tân Định (Q.1, TP.HCM) vào sáng 23.8, chị Ngọc Minh – nhân viên siêu thị Vissan được yêu cầu dừng xe xuất trình giấy đi đường. Không trình được giấy hợp lệ, chị Minh nức nở khóc, khai báo lý do ra đường ngày đầu thành phố siết giãn cách.
Chị cho biết mình làm ở siêu thị Vissan và ăn ở tại chỗ nhiều ngày qua. Tuy nhiên, sáng nay nghe tin chồng báo dương tính Covid-19, chị ngay lập tức trở về nhà để giữ con.
Chị vội vàng gọi chồng nhờ gửi sang kết quả xét nghiệm để chứng minh với lực lượng, không giữ được bình tĩnh, chị đứng khóc nấc ngay bên đường. Thấy vậy, tổ công tác nhắc nhở và mời chị tiếp tục lưu thông, dặn dò về nhà cách ly an toàn, cẩn trọng.
Nghe được thông báo này, chị Minh vội vàng lên xe phóng vụt đi, quên lấy cả giấy tờ cá nhân. Tổ công tác cho biết sẽ cử người mang đến nhà cho chị Minh sau đó vì nếu chồng là F0, chị về nhà sẽ không thể tự di chuyển được.
Sáng 23.8, lực lượng trật tự đô thị P.Tân Định (Q.1, TP.HCM) tuần tra lưu động trên địa bàn ngay trong ngày đầu TP.HCM siết chặt giãn cách xã hội. Tại đường Hai Bà Trưng (đoạn gần Võ Thị Sáu), tổ công tác dừng mọi trường hợp qua chốt để kiểm tra giấy tờ.
Theo đó, tất cả các giấy đi đường được cấp trước ngày 23.8 đều không có giá trị. Ngoài ra, giấy đi đường mới phải do cơ quan chức năng TP.HCM cấp, có ghi rõ thuộc nhóm đối tượng nào trong số các trường hợp được ra đường.
Đến tận nhà hướng dẫn người dân tự lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 ở TP.HCM
Kể từ ngày 22.8.2021, một số quận, huyện ở TP.HCM đã bắt đầu thực hiện thí điểm cho người dân tự lấy mẫu xét nghiệm nhanh kháng nguyên Covid-19 tại nhà.
Cán bộ y tế quận, huyện sẽ phối hợp với UBND các xã, phường đến nhà người dân hướng dẫn cụ thể các bước và quy trình, sau đó cho mọi người tự tiến hành xét nghiệm nhanh tại chỗ. Mỗi hộ gia đình cử 1 thành viên tiến hành lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ thành viên trong gia đình hoặc tự tiến hành lấy mẫu.
Theo bà Phạm Thị Bích Hạnh, Trưởng khoa Xét nghiệm Trung tâm Y tế Q.3, UBND các phường sẽ chọn hộ gia đình thuộc vùng vàng, cam, đỏ để thực hiện thực hiện xét nghiệm nhanh, còn vùng xanh, vùng cận xanh thực hiện xét nghiệm RT-PCR gộp. Người dân nào ở vùng xét nghiệm nhanh mới được cấp các xét nghiệm Covid-19.
Khi cấp dụng cụ xét nghiệm nhanh cho các hộ gia đình, những người trong gia đình sẽ tự làm xét nghiệm và báo cáo lại kết quả cho phường. Cơ quan chức năng sẽ dựa trên số lượng xét nghiệm được phát để quản lý, phát hiện được các trường hợp dương tính. Việc làm này có ý nghĩa phát hiện và tách F0 sớm để đưa vào diện quản lý và điều trị kịp thời.
Theo các tình nguyện viên hướng dẫn người dân làm test nhanh tại nhà. Công việc này không quá khó, chỉ cần người dân nắm một chút kỹ thuật sẽ có thể tự thực hiện được.
Theo các nhân viên y tế, bước lấy mẫu rất quan trọng, quyết định kết quả xét nghiệm nên phải đảm bảo thấm đủ dịch để kiểm tra. Khó khăn của người dân khi lấy mẫu là đưa que không đúng vị trí tỵ hầu hoặc lấy không đủ dịch nên kết quả trả về có thể sai.
Từ ngày 23.8 đến 6.9.2021, TP.HCM siết chặt các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/2020 của Thủ tướng Chính phủ và huy động nguồn lực, vật tư y tế để tiến hành xét nghiệm nhanh kháng nguyên cho toàn bộ người dân để bóc tách F0 trong cộng đồng.
Bác sĩ nói về sự nguy hiểm của Covid-19: “Đôi khi trở tay không kịp”
Những ngày qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP.HCM vẫn diễn biến phức tạp, số lượng ca mắc mới vẫn ở mức cao. Các bệnh viện điều trị Covid-19 đang chịu áp lực lớn khi lượng bệnh nhân nặng, tử vong tăng cao.
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, trung bình mỗi ngày điều trị cho khoảng 400 bệnh nhân Covid-19 nặng, rất nặng và nguy kịch. Trong đó, Khoa Cấp cứu tiếp nhận trung bình khoảng 100 bệnh nhân mỗi ngày.
Theo bác sĩ Phạm Trần Chí, trước khi dịch Covid-19 bùng phát, các bác sĩ khoa Cấp cứu đã phải làm việc với áp lực cao, hiện nay, áp lực lại tăng gấp nhiều lần khi lượng bệnh nhân Covid-19 nhập vào khoa đa số là bệnh nhân nặng và nguy kịch.
Mỗi ca trực, trung bình có khoảng 4 bác sĩ và 10 điều dưỡng chăm sóc, cấp cứu cho khoảng 100 bệnh nhân tại khoa. Lực lượng mỏng nên các bác sĩ, điều dưỡng đôi khi phải san sẻ, cáng đáng công việc cho nhau.
Hằng ngày, các bác sĩ, điều dưỡng cố gắng chăm sóc, theo dõi từng bệnh nhân, tìm mọi cách để giành giật sự sống cho bệnh nhân. Tuy nhiên, một số bệnh nhân nhập viện trong tình trạng quá nặng, dù các bác sĩ đã dốc hết sức, tìm mọi cách nhưng vẫn không thể đưa bệnh nhân trở lại. Những lúc chứng kiến cảnh bệnh nhân ra đi trước mắt, dù đau đớn nhưng các bác sĩ, điều dưỡng phải kìm nén cảm xúc để chăm sóc những bệnh nhân khác.
Theo bác sĩ Phạm Trần Chí, do số lượng bệnh nhân tăng cao, lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy phải phân tán toàn bộ khoa Chấn thương sọ não để lấy cơ sở vật chất mở rộng khoa Cấp Cứu.
Do số lượng bệnh quá lớn, Khoa Cấp cứu luôn có một bác sĩ trực để sàng lọc bệnh nhân trước khi nhập viện. Bệnh nhân đến viện sẽ được khám sàng lọc, những người thật sự nặng, cần can thiệp hô hấp thì sẽ lập tức chuyển vào khoa Cấp Cứu, những bệnh nhân nhẹ, chỉ số SpO2 còn ổn định thì sẽ được hướng dẫn về nhà khai báo y tế địa phương và tự theo dõi.
Hiện tại, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy được chia thành hai khu vực, khu thứ nhất để tiếp nhận cấp cứu những bệnh nhân nặng, nguy kịch tính mạng. Sau khi các bệnh nhân tạm ổn định, sẽ được chuyển qua khu thứ hai ở Khoa Chấn thương sọ não để tiếp tục theo dõi, chăm sóc. Những bệnh nhân có diễn tiến nặng, cần phải điều trị lâu dài sẽ được chuyển lên khu Hồi sức Covid-19 tại khoa Bệnh Nhiệt đới để điều trị.
Còn rất nhiều tin tức, phóng sự đáng chú ý khác trong Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 23.8 lúc 20 giờ trên các nền tảng của Báo Thanh Niên.
tin tức Covid-19
tin tức Covid-19 hôm nay
chỉ thị 11
siết chặt giãn cách
bản tin Covid-19 ngày 23.8
đi chợ hộ
tình hình covid-19 hôm nay
Giấy đi đường
Covid-19 TP.HCM
Bình luận (0)