Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 27.7: Cả nước 7.913 ca, TP.HCM 'dứt khoát phải đứng lên mạnh hơn'

27/07/2021 19:35 GMT+7

Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay của Báo Thanh Niên trực tiếp lúc 20 giờ ngày 27.7.2021 tại địa chỉ thanhnien.vn, kênh YouTube và Facebook của Báo Thanh Niên , trang Báo Thanh Niên trên 2 mạng xã hội Lotus và TikTok.

Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 27.7 của Báo Thanh Niên gồm có những nội dung sau:

Ngày 27.7: Cả nước ghi nhận 7.913 ca mắc Covid-19 mới

Bản tin Covid-19 tối 27.7 của Bộ Y tế cho biết tính từ 6 giờ đến 19 giờ ngày 27.7, cả nước ghi nhận thêm 5.149 ca Covid-19, nâng tổng số bệnh nhân trong ngày lên 7.913 ca. Trong ngày cũng có 1.602 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.

Ngày 27.7: Cả nước 7.913 ca Covid-19, 2.602 ca khỏi; riêng TP.HCM 6.318 bệnh nhân

Thông tin về 7.913 ca mắc mới trong ngày 27.7 như sau:
2 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh
7.911 ca ghi nhận trong nước, trong đó có 1.063 ca trong cộng đồng. Gồm: TP.HCM (6.318 ca), Đồng Tháp (303), Đồng Nai (239), Bình Dương (166), Tây Ninh (144), Long An (75), Vĩnh Long (73), Cần Thơ (71), Tiền Giang (63), Bến Tre (60), Phú Yên (60), Bà Rịa-Vũng Tàu (52), Bình Thuận (45), An Giang (43), Khánh Hoà (26), Đà Nẵng (26), Hà Nội (23), Sóc Trăng (22), Kiên Giang (13), Ninh Thuận (13), Đắk Lắk (12), Vĩnh Phúc (11), Hậu Giang (10), Bình Định (8 ), Thừa Thiên-Huế (6), Gia Lai (5), Đắk Nông (5), Trà Vinh (3), Quảng Nam (3), Quảng Ngãi (3), Kon Tum (2), Lạng Sơn (2)Cà Mau (1), Thái Nguyên (1), Bạc Liêu (1), Thanh Hóa (1), Lâm Đồng (1), Hà Tĩnh (1).
- Tính đến chiều 27.7, Việt Nam có tổng 114.260 ca mắc, trong đó có 2.203 ca nhập cảnh và 112.057 ca mắc trong nước.
- Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27.4 đến nay là 110.487 ca.
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 22.946 ca.
- Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 211 ca.
- Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 17 ca.

Ngày 27.7: TP.HCM thêm 6.318 ca Covid-19 trong 24 giờ, vượt 73.000 bệnh nhân

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam “Chúng ta dứt khoát phải đứng lên mạnh hơn”

Sáng 27.7.2021, Tổ công tác do Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 dẫn đầu đã có buổi làm việc với Bệnh viện quân y 175, thuộc Bộ Quốc phòng. Tại đây Phó thủ tướng đã kiểm tra công tác phòng chống dịch và điều trị bệnh nhân Covid-19.
Phó thủ tướng nhận định tình hình dịch đã ngấm rất rộng và rất sâu ở TP.HCM và một số địa bàn lân cận như một phần Long An, Đồng Nai, Bình Dương nên cần những giải pháp rất đặc biệt cho khu vực này.
Phó thủ tướng nhấn mạnh: "Bây giờ mục tiêu cao nhất là giảm tử vong. Mà muốn giảm được tử vong thì phải giảm được người bệnh nặng chuyển thành rất nặng, chuyển thành nguy kịch; giảm chuyển nhẹ thành nặng; giảm chuyển không triệu chứng thành có triệu chứng. Tất cả các tầng các lớp đều phải có mục tiêu giảm xuống".

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam “Chúng ta dứt khoát phải đứng lên mạnh hơn”

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng yêu cầu TP.HCM phải thực hiện nghiêm Chỉ thị 16, bảo đảm giãn cách thật tốt, kiên quyết các giải pháp phòng chống dịch. Đồng thời động viên toàn hệ thống, toàn dân chống dịch.
Báo cáo tại buổi làm việc, thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175, cho biết ngày 16.7 bệnh viện đã đưa vào hoạt động Trung tâm điều trị bệnh nhân Covid-19 mức độ vừa đến nặng có quy mô 200 giường bệnh.
Hiện nay, nơi này đã tiếp nhận 83 bệnh nhân, trong đó 23 bệnh nhân phải thở máy, 2 bệnh nhân phải lọc máu và 1 bệnh nhân phải điều trị ECMO.
Bên cạnh đó, thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn cũng đề xuất việc bổ sung trang thiết bị y tế cho Bệnh viện 175 để dự trù khi số bệnh nhân tăng. 

Ra đường sau 18 giờ giữa Covid-19, người vi phạm rối rít xin tha

Sau 18 giờ ngày 26.7.2021, chốt kiểm soát tại công viên Gia Định (phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM) đã vắng người đi lại. Chỉ còn một số người nằm trong đối tượng được phép đi lại theo quy định của UBND TP.HCM di chuyển, họ đều xuất trình đầy đủ giấy tờ khi được kiểm tra.
Trong khoảng từ 18 giờ đến 18 giờ 30 phút, một số shipper sau khi giao hàng ở xa đang trên đường chạy về nhà cũng được lực lượng chức năng tại chốt nhắc nhở và yêu cầu từ ngày hôm sau phải sắp xếp để về sớm; nếu cố tình vi phạm sẽ bị xử phạt chứ không nhắc nhở. 

Ra đường sau 18 giờ giữa Covid-19, rối rít xin: “Mấy anh thương, bỏ qua cho em”

Tới gần 20 giờ, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử phạt với một người điều khiển ô tô qua địa bàn quận Phú Nhuận. Người này cho biết đi từ Bình Phước lúc 1 giờ chiều đang định chạy lên công ty để giải quyết một số việc.
Người này sau đó bị lập biên bản và xử phạt với mức 2 triệu đồng với lỗi ra đường trong trường hợp không cần thiết khi thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/2020 của Thủ tướng chính phủ.
Trước đó, chiều 26.7.2021 UBND TP.HCM đã có Công văn số 2490/2021 về tăng cường biện pháp giảm mật độ lưu thông trên đường.  

Ra đường sau 18 giờ gặp CSGT, shipper gọi điện... ‘bắt đền’ tổng đài

Từ 18 giờ tối, đội CSGT – TT Q.Tân bình tổ chức 4 tổ tuần tra kiểm soát lưu động trên địa bàn quận để kiểm soát người dân ra đường. Theo quy định của UBND TP, chỉ có 5 nhóm trường hợp cụ thể được phép hoạt động sau khung giờ này.
Trong số những người bị CSGT dừng xe để kiểm tra, có nhiều người là shipper và tại chốt, shipper đều lấy lý do là “đơn vẫn nổ” trên app nên phải di chuyển ngoài đường sau 18 giờ dù đã biết quy định.
Một shipper trình bày rằng do bánh xe bị bể lốp nên phải giao một đơn từ 14 giờ chiều đến 20 giờ tối mới quay trở về được. Tuy nhiên, khi CSGT hỏi nơi sửa xe thì anh không cung cấp được. 

Ra đường sau 18 giờ gặp CSGT, shipper gọi điện... ‘bắt đền’ tổng đài

Vừa đưa giấy tờ cho CSGT, shipper này lật đật mở điện thoại lên quay phim. Anh cho biết vừa đi giao xong đơn hàng và đang trên đường về. CSGT yêu cầu mở lịch sử đơn kiểm tra thì thấy lộ trình giao hàng là chung cư Tây Thạnh – quận 12 nhưng không hiện rõ giờ.

 

Lúc đầu, shipper này cho biết nhận đơn từ 14 giờ, đơn siêu rẻ được giao trong 2 tiếng. Dù vậy đến 20 giờ, anh vẫn còn đi ngoài đường. 

Người này sau đó còn gọi điện cho tổng đài của công ty mình và yêu cầu nhân viên trực tổng đài nói chuyện với CSGT. Tuy nhiên, CSGT không chấp nhận lý do giao một đơn mất đến 6 tiếng và đã lập biên bản xử phạt shipper 2 triệu đồng. 
Lãnh đạo đội CSGT – TT Công an Q.Tân Bình cho biết, trong ngày 26.7, đội đã lập biên bản 8 trường hợp không đội mũ bảo hiểm, 1 trường hợp vượt đèn đỏ, 1 trường hợp chở hàng cồng kềnh và 50 trường hợp ra đường không có lý do chính đáng. 

Bình Dương gần 9.000 ca Covid-19, đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin

Chiều 27.7.2021, ông Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế Bình Dương cho biết hiện ngành y tế đang đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin cho công nhân, người dân trên địa bàn.
Tỉnh Bình Dương đã được Bộ Y tế cấp 307.000 liều vắc xin gồm: AstraZeneca, Pfizer/BioNTech và Moderna. Theo kế hoạch của UBND tỉnh dự kiến trong năm 2021-2022 sẽ tiêm vắc xin Covid-19 cho trên 1,45 triệu người để đạt miễn dịch cộng đồng.
Trước đó, ngày 24.7, Bình Dương đã phát động chiến dịch tiêm chủng vắc xin Covid-19 và ra quân khử khuẩn trên diện rộng, phạm vi toàn tỉnh. Theo đó, chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19 được Bình Dương bố trí ở 91 xã, phường, thị trấn trong tỉnh và tại các điểm tiêm lưu động trong các khu, cụm công nghiệp và các doanh nghiệp có đủ điều kiện để thành lập điểm tiêm lưu động.

Bình Dương gần 9.000 ca Covid-19, đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin

Bình Dương dự kiến chi nguồn kinh phí khoảng 50 tỉ đồng cho việc triển khai tiêm vắc xin với tiến độ khoảng 30.000 người được tiêm mỗi ngày.
Tại điểm tiêm vắc xin của TP.Thuận An, ở siêu thị AEON Mall với công suất tiêm cho khoảng 1.000 liều mỗi ngày, việc tổ chức khá chặt chẽ và đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19. Người đến tiêm vắc xin phải có giấy xét nghiệm âm tính, được khám sàng lọc bệnh nền, tư vấn trước và sau khi tiêm vắc xin Covid-19. 

Người bán chè dương tính Covid-19, chợ Cẩm Lệ phải đóng cửa để xét nghiệm

Chiều 27.7.2021, ông Đoàn Văn Hòa, Trưởng ban Quản lý các chợ Q.Cẩm Lệ cho biết lực lượng chức năng TP.Đà Nẵng vừa phát hiện một nữ tiểu thương buôn bán tại chợ Cẩm Lệ dương tính Covid-19.
Tiểu thương này 39 tuổi, chuyên bán chè tại quầy hàng ăn uống trong chợ Cẩm Lệ. Người bán chè này cùng các tiểu thương bán thịt, cá tại chợ được lấy mẫu xét nghiệm diện rộng theo kế hoạch của UBND thành phố Đà Nẵng chiều 26.7.2021, đến sáng 27.7.2021 thì có kết quả dương tính Covid-19.
Ngay sau khi người bán chè có kết quả xét nghiệm dương tính Covid-19, Ban Quản lý các chợ quận Cẩm Lệ cùng ngành y tế khẩn trương lấy mẫu cho hơn 600 người kinh doanh, buôn bán, các hộ dân xung quanh chợ. Đồng thời, tạm dừng hoạt động đối với chợ Cẩm Lệ từ 12 giờ ngày 27.7.

Người bán chè dương tính Covid-19, chợ Cẩm Lệ phải đóng cửa để xét nghiệm

Tại khu vực tiểu thương này sinh sống, địa chỉ tại P.Hòa Thọ Đông (Q.Cẩm Lệ), ngành y tế cũng lấy mẫu khoảng 300 người. Chính quyền địa phương ngay sau đó cũng đã phong tỏa khu vực này.
Trước đó, sau khi ghi nhận 2 chuỗi lây nhiễm lớn tại cảng cá Thọ Quang (Q.Sơn Trà) và lò mổ Đà Sơn (quận Liên Chiểu) là đầu mối cung cấp cá, thịt trên địa bàn, UBND TP.Đà Nẵng đã yêu cầu các quận, huyện tổ chức xét nghiệm Covid-19 với tần suất 3 ngày/lần cho toàn bộ tiểu thương kinh doanh mặt hàng cá, thịt tại các chợ.

Vợ chồng già đạp xe 7 tiếng ra bến xe để được về quê tránh dịch Covid-19

Đã gần cuối giờ xuất phát của chuyến xe chiều 26.7.2021, hai vợ chồng ông Phan Hảo và bà Lê Thị Lâm (quê ở thị trấn Phú Thứ, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên), mới đạp xe đến Bến xe miền Đông (phường 26, quận Bình Thạnh, TP.HCM).
Hai vợ chồng ông bà vào TP.HCM từ những năm 20 tuổi. Họ đã dành cả thanh xuân để lăn lộn với công việc bán vé số, gia tài lúc về già là những chiếc xe đạp cũ, cũng là phương tiện để mưu sinh mỗi ngày.

Vợ chồng già đạp xe 7 tiếng ra bến xe để được về quê tránh dịch Covid-19

Đêm hôm trước, khi hay tin được về quê trên chuyến xe Phương Trang nghĩa tình, hai vợ chồng mất ngủ vì hạnh phúc, nhưng cũng trằn trọc khôn nguôi vì lo không biết di chuyển thế nào ra điểm tập trung bởi quãng đường từ nhà ra bến xe dài hơn 30 km.
Không còn tiền, cũng chẳng còn phương tiện nào chịu vận chuyển, ban đầu bà Lâm còn tính bàn với ông Hảo đi bộ.

Ông Phan Hảo đang sửa soạn đồ đạc để chuyển lên xe

Lê Nam

Khoảng 15 giờ ngày 26.7, đông đảo bà con có hoàn cảnh khó khăn, sinh viên nghèo… quê ở Phú Yên đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM đã có mặt ở phía ngoài Bến xe Miền Đông. Họ hồi hộp chờ đến giờ lên chuyến xe tình nghĩa do nhà xe Phương Trang tài trợ miễn phí để trở về quê, trước tình hình bối cảnh TP.HCM đang có nhiều diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.
Ban tổ chức cũng chuẩn bị sẵn bàn xét nghiệm ngay tại bến xe cho những ai chưa kịp test nhanh Covid-19. Sau khi trở về Phú Yên, bà con sẽ được xét nghiệm nhanh một lần nữa. Khi có kết quả thì ai âm tính thì xe chở về tới địa phương còn những người dương tính hoặc nghi ngờ thì giữ lại vào khu cách ly đã được bố trí từ trước.
Cùng với các chuyến xe này, nhà xe Phương Trang sẽ còn tiếp tục tổ chức hàng ngàn chuyến xe nghĩa tình khác, đưa bà con về quê trong những ngày tiếp theo.

Trĩu vai vác quạt cây, nồi cơm điện rời Sài Gòn về quê tránh dịch Covid-19

Cũng đã đến ngày vợ chồng anh Lê Chánh (45 tuổi) vác hành lý lên vai chuẩn bị hành trình trở về quê hương Phú Yên sau chuỗi ngày sống chật vật tại Sài Gòn vì Covid-19. Ngày về quê, vợ chồng anh mang theo đủ thứ đồ đạc lỉnh kỉnh từ cây quạt đến nồi cơm điện để mang về quê. Đây cũng là những vật dụng quen thuộc mà hai vợ chồng sử dụng trong suốt quãng thời gian mưu sinh với công việc làm mướn, thợ hồ tại thành phố nhộn nhịp này.

Trĩu vai vác quạt cây, nồi cơm điện rời Sài Gòn về quê tránh dịch Covid-19

Chẳng nhà cửa, hai vợ chồng dựng lán ở tạm bợ ngay gần công trình xây dựng, cố gắng bám trụ. Dù công việc cực nhọc nhưng vẫn có đồng ra đồng vào, hơn là ở quê.
Suốt 2 tháng qua, Covid-19 ập tới như một cơn bão làm đình trệ cuộc sống của nhiều người. Hai vợ chồng mất việc, cơm chỉ chan mắm qua ngày nhưng cũng sắp khó mà trụ được.

Hai vợ chồng dọn đồ đạc, dẹp lán ở tạm bợ để trở về quê nhà

Lê Nam

Hay tin hội đồng hương Phú Yên tổ chức cho bà con về quê miễn phí, hai vợ chồng hồi hộp đăng ký, thao thức rồi sung sướng vì có tên trong danh sách những người được về quê đợt này.

Hai vợ chồng anh Lê Chánh hạnh phúc vì sắp được về quê

Lê Nam

Chiều 26.7.2021, 400 bà con nghèo mưu sinh tại TP.HCM, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đã theo 20 chiếc xe của Công ty cổ phần xe khách Phương Trang trở về quê hương, sau chuỗi ngày chật vật bám trụ lại Sài Gòn do ảnh hưởng của Covid-19. 
Để đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng, tất cả người dân được về trong đợt này đều phải có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19 trong vòng 36 giờ. 
Ban tổ chức cũng chuẩn bị sẵn bàn xét nghiệm ngay tại bến xe cho những ai chưa kịp test nhanh Covid-19. Sau khi trở về Phú Yên, bà con sẽ được xét nghiệm nhanh một lần nữa. Khi có kết quả thì ai âm tính thì xe chở về tới địa phương còn những người dương tính hoặc nghi ngờ thì giữ lại vào khu cách ly đã được bố trí từ trước.
Sau những ngày bám trụ với biết bao gian nan, những người Phú Yên đã được trở về với quê hương, nơi mà với họ sẽ an toàn hơn đất khách. Từ người lớn cho đến trẻ nhỏ, niềm vui thể hiện rõ qua từng ánh mắt, cử chỉ bên những chuyến xe hồi hương.

Tâm sự của bệnh nhân Covid-19 nặng ngày xuất viện

Chiều 26.7.2021, nhóm bệnh nhân Covid-19 nặng đầu tiên gồm 17 người được điều trị tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP.HCM đã được xuất viện sau thời gian điều trị tại đây.

Từng lâm vào tình trạng nặng đến rất nặng, trải qua giai đoạn “thập tử nhất sinh”, sau khi được đội ngũ nhân viên y tế chăm sóc tận tình, những bệnh nhân này đã hồi phục ngoạn mục. 

Trong ngày xuất viện, các bệnh nhân liên tục dành những lời cảm ơn gửi đến đội ngũ nhân viên y tế đã chăm sóc mình trong những ngày khó khăn nhất.

PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ TP.HCM phòng, chống dịch Covid-19 đã đến thăm và động viên các bệnh nhân xuất viện.

Bệnh nhân Covid-19 nặng ngày xuất viện: “Cảm ơn đã giúp tôi về với gia đình”

Theo thứ trưởng Bộ Y tế, chỉ trong một thời gian ngắn tiếp nhận, cứu chữa cho các bệnh nhân Covid-19 rất nặng, nguy kịch của TP.HCM đã ghi nhận được những “quả ngọt” ban đầu, với 17 bệnh nhân đủ điều kiện xuất viện.

Bệnh nhân được xuất viện hờ xe đến đón về.

ẢNH: DUY TÍNH

Đặt tại cơ sở 2 của Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, Bệnh viện Hồi sức Covid-19 có quy mô 1.000 giường, trong đó có 100 giường hồi sức nguy kịch, 900 giường hồi sức nặng. Đây được coi là tuyến cuối cùng tiếp nhận những người nhiễm Covid-19 nặng và nguy kịch từ các bệnh viện dã chiến, bệnh viện cấp 2 và các bệnh viện quận, huyện trên địa bàn thành phố.

Bệnh viện hiện có 651 nhân viên y tế đến từ Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Thống Nhất và từ nhiều tỉnh thành đang tham gia điều trị.

Còn rất nhiều tin tức, phóng sự đáng chú ý khác trong Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 27.7 lúc 20 giờ trên các nền tảng của Báo Thanh Niên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.