Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 4.10: Những dòng người vẫn đổ về quê trong khó nhọc

04/10/2021 18:58 GMT+7

Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 4.10 của Báo Thanh Niên trực tiếp lúc 20 giờ ngày 4.10.2021 tại địa chỉ thanhnien.vn, YouTube, Facebook của Báo Thanh Niên, trang Báo Thanh Niên trên 2 mạng xã hội Lotus và TikTok.

Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 4.10 của Báo Thanh Niên gồm có những nội dung sau:

Cả nước ghi nhận 5.383 ca Covid-19 mới, 27.683 trường hợp khỏi bệnh

Bản tin Bộ Y tế tối 4.10.2021 cho biết tính từ 17h ngày 3.10 đến 17h ngày 4.10, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 5.383 ca nhiễm mới, 27.683 ca khỏi bệnh.

Trong ngày, cả nước ghi nhận 130 ca tử vong tại 9 tỉnh, thành phố nâng tổng số bệnh nhân tử vong lên 19.845 ca.

Ngày 4.10: Cả nước 5.383 ca Covid-19, 27.683 ca khỏi | TP.HCM 2.490 ca

Thông tin về 5.383 ca nhiễm mới được công bố vào tối 4.10 như sau:

  • 1 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
  • 5.382 ca ghi nhận trong nước (tăng 15 ca so với ngày trước đó) tại 37 tỉnh, thành phố (có 2.690 ca trong cộng đồng). Gồm: TP.HCM (2.490), Bình Dương (1.210), Đồng Nai (701), An Giang (222), Sóc Trăng (118), Long An (90), Kiên Giang (69), Khánh Hòa (53), Tiền Giang (52), Bình Thuận (48), Cà Mau (36), Hà Nam (36), Đồng Tháp (33), Cần Thơ (27), Bà Rịa - Vũng Tàu (25), Tây Ninh (20), Quảng Bình (18), Quảng Ngãi (17), Bình Định (14), Ninh Thuận (12), Bến Tre (12), Trà Vinh (10), Nghệ An (10), Quảng Trị (9), Bạc Liêu (9), Hà Nội (8 ), Đắk Nông (8 ), Vĩnh Long (7), Phú Yên (5), Nam Định (3), Thanh Hóa (2), Bắc Ninh (2), Phú Thọ (2), Bắc Giang (1), Đà Nẵng (1), Hải Dương (1), Gia Lai (1).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Đồng Nai (giảm 123), Bình Dương (giảm 73), Tây Ninh (giảm 34).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Sóc Trăng (tăng 118), An Giang (tăng 75), Tiền Giang (tăng 39).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 6.835 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 813.961 ca nhiễm, đứng thứ 43/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 155/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 8.269 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

  • Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 809.375 ca, trong đó có 716.301 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
  • Có 12/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Phòng, Thái Bình, Lạng Sơn, Lào Cai.
  • Có 7 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Phú Thọ, Nam Định, Ninh Bình, Bắc Ninh.
  • Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (400.003), Bình Dương (216.853), Đồng Nai (51.364), Long An (32.857), Tiền Giang (14.172).

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:

  • Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 27.683
  • Tổng số ca được điều trị khỏi: 721.480

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.144 ca, trong đó:

  • Thở ô xy qua mặt nạ: 4.061
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.042
  • Thở máy không xâm lấn: 163
  • Thở máy xâm lấn: 854
  • ECMO: 24
Ngày 4.10: Thông báo 130 ca Covid-19 tử vong tại 9 tỉnh thành

Trong ngày, cả nước ghi nhận 130 ca tử vong tại 9 tỉnh, thành phố. Gồm: TP.HCM (93), Bình Dương (20), Long An (5), Đồng Nai (5), An Giang (3), Cà Mau (1), Vĩnh Long (1), Đà Nẵng (1), Tiền Giang (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 149 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 19.845 ca, chiếm tỉ lệ 2,4% so với tổng số ca nhiễm.

So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 135/223 quốc gia và vùng lãnh thổ.

So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 30/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trong 24 giờ qua, cả nước đã thực hiện 137.140 xét nghiệm cho 297.586 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 19.160.389 mẫu cho 54.311.296 lượt người.

Trong ngày 3.10 có 859.182 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 45.496.123 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 34.622.194 liều, tiêm mũi 2 là 10.873.929 liều.

Dịch bệnh Covid-19 tại TP.HCM giảm nhiệt đáng kể từ ngày 1.10

Ngày 4.10.2021, Sở Y tế TP.HCM đưa ra nhận định về tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM sau ngày 1.10.

Theo Sở Y tế TP.HCM, trong 14 ngày qua, tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM đã và đang có những chuyển biến theo chiều hướng tích cực, nhất là những ngày đầu tiên bắt đầu nới lỏng giãn cách (sau ngày 1.10).

Qua 7 ngày liên tục, số ca nhập viện điều trị Covid-19 mỗi ngày có xu hướng giảm ở tất cả các tầng, số ca mắc mới tiếp tục giảm, số ca tử vong tiếp tục giảm.

Cụ thể, về tình hình số ca nhiễm Covid-19 mới, những ngày giữa tháng 9.2021, số ca mắc dao động từ 5.000 - 6.000 ca. Đến cuối tháng 9 số ca mắc mới là dưới 5.000 ca. Liên tục trong 3 ngày 1, 2, 3.10, số ca mắc mới lần lượt là 3.670 ca, 2.723 ca và 2.461 ca.

Về số ca nhập viện, từ giữa tháng 9, số ca Covid-19 nhập viện đã dưới mức 4.000 ca/ngày. Những ngày gần đây đã giảm xuống mức 2.000 ca. Liên tục trong 3 ngày 1, 2 và 3.10 số ca nhập viện là 2.046, 1.880 và 1.631. Trong khi đó, số ca xuất viện gia tăng hơn số nhập viện, như ngày 3.10 xuất viện 4.069 ca.

Về số ca bệnh nặng, theo nhận định của Sở Y tế TP.HCM, tổng số ca bệnh nặng (người bệnh cần thở ô xy và thở máy) ở các tầng điều trị từ ngày 1.10 vẫn đang giảm. Tuy nhiên số ca bệnh nặng ở tầng 3 vẫn còn cao nên 3 ngày qua trung bình 5.000 ca. Tỉ lệ tử vong ở tầng 3 vẫn sẽ còn dao động ở mức cao.

Tuy nhiên, về số ca tử vong do Covid-19 thì giảm rõ rệt, những tuần cả tháng 8.2021, số ca tử vong cao, có tuần cao nhất lên đến 2.405 ca (từ 15.8 đến 21.8). Từ đầu tháng 9 đến nay, số ca tử vong liên tục giảm, tuần gần nhất là từ 26.9 đến 2.10 tử vong là 871 ca. Hiện số tử vong mỗi ngày ở mức dưới 2 con số.

Người dưới 18 tuổi ở TP.HCM chưa tiêm vắc xin có được ra đường không?

TP.HCM đang trong những ngày "bình thường mới", người dân lưu thông trên đường nhiều hơn, hàng quán, siêu thị cũng mở cửa trở lại để phục vụ nhu cầu trong cuộc sống. CSGT và các lực lượng tuần tra lưu động trên đường kiểm tra điều kiện ra đường của người tham gia giao thông. Phần đông người dân ra đường đáp ứng điều kiện, còn người dưới 18 tuổi, người dị ứng thuốc thì sao?

Trả lời về vấn đề này, đại diện Phòng Tham mưu Công an TP.HCM cho biết theo Chỉ thị 18 của UBND thành phố, người dân ra đường phải đáp ứng điều kiện đã tiêm 2 mũi vắc xin hoặc 1 mũi sau 14 ngày hoặc là F0 khỏi bệnh dưới 180 ngày. Chỉ có 3 diện này được ra đường, người dưới 18 tuổi chưa tiêm vắc xin thì không được ra đường. Hiện nay các em vẫn đang học online ở nhà.

TP.HCM bình thường mới: Người dưới 18 tuổi chưa tiêm vắc xin có được ra đường không?

Hiện thành phố đang thay đổi một số biện pháp, vẫn còn hạn chế một số hoạt động để phòng chống dịch chứ không phải quay lại như bình thường. Với nhóm dị ứng thuốc không tiêm được vắc xin, đại diện Phòng Tham mưu cho biết các đối tượng này cũng không được ra đường.

Những người dị ứng không tiêm được vắc xin, có bệnh nền lại càng nguy hiểm nếu nhiễm bệnh, tỉ lệ tử vong rất cao, do vậy nên ở nhà vì TP.HCM đang trong giai đoạn bình thường mới chứ không phải trở lại nhịp sống bình thường như trước đây.

Theo Chỉ thị 18 của UBND TP.HCM, người dân khi tham gia lưu thông phải sử dụng mã QR khai báo di chuyển của ứng dụng VNEID và mã QR có thể hiện lịch sử tiêm chủng của ứng dụng Y tế HCM hoặc Sổ sức khỏe điện tử (đến khi ứng dụng PC-Covid chính thức đưa vào hoạt động). Trường hợp không có mã QR, xuất trình giấy tờ sau: (1) Là người mắc Covid-19 đã khỏi bệnh dưới 6 tháng; (2) Đã tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 (ít nhất 1 mũi đối với loại vắc xin tiêm 2 mũi và ít nhất 14 ngày sau tiêm) khi được cơ quan chức năng yêu cầu.

Chợ Bến Thành ngày đầu mở cửa lại

Ngày chợ Bến Thành ở Q.1 (TP.HCM) được mở cửa trở lại sau nhiều tháng giãn cách xã hội, bà con tiểu thương trong chợ cũng không quá hào hứng bởi họ biết khó khăn còn rất nhiều.

Ngày trở lại 'không cảm xúc' của bà con tiểu thương chợ Bến Thành

Suốt 2 năm qua, chợ Bến Thành đìu hiu chưa từng thấy. Hàng chục năm buôn bán kinh doanh, những tiểu thương ở đây chưa từng nghĩ đến viễn cảnh khu chợ là biểu tượng của Sài Gòn lại có ngày "cửa đóng then cài suốt" một thời gian dài.

Một số quầy sạp dọn dẹp cửa hàng để mở lại

Lê Nam

Trận dịch Covid-19 thứ tư bùng phát nặng nề, thành phố buộc phải đóng cửa chợ và nhiều hoạt động kinh doanh khác. Ngày trở lại, bà con vừa buồn, vừa vui. Nhưng vui thì ít hơn, vì thực tế là khách chưa nhiều, tỷ lệ số sạp được mở lại chiếm tỉ lệ nhỏ so với mặt bằng chung.

Quan trọng hơn hết, dịch bệnh vẫn còn đó, chẳng ai dám chủ quan lơ là; chỉ dám vừa mở bán, vừa thận trọng phòng dịch.

Chị Trần Thị Loan, tiểu thương bán mắm nhiều thế hệ ở chợ Bến Thành

Lê Nam

Được phép hoạt động từ ngày 3.10, nhưng hầu hết các tiểu thương phải dành 1 buổi để dọn rửa quán. Sau 4 tháng trở lại, nhiều tiểu thương đùa rằng không còn nhận ra sạp hàng của mình.

Sáng 3.10, các tiểu thương rục rịch mở lại, hầu hết là thực phẩm thiết yếu như thịt cá, rau củ quả và một số sạp bán đồ ăn sẵn mang đi.

Sạp bún thịt nướng Bà Tám trong chợ bán số lượng vừa phải ngày đầu mở lại

Lê Nam

Bà Trương Thị Tuyết Trinh là chủ tiệm Bé Chè mở từ trước năm 1968, đến nay đã hơn 52 năm. Bước qua đại dịch, bà Trinh vơi bớt lại sự hối hả ngày thường. Không chỉ luôn suy nghĩ tích cực mà bà chủ tiệm chè còn luôn động viên bạn hàng xung quanh phải lạc quan trong ngày trở lại, dẫu phía trước còn nhiều cơ cực.

Nỗi buồn chiếm 60%, vui có 40% nhưng mà rất là vui. Hy vọng một ngày gần đây, tương lai sẽ sáng lạng hơn", bà Tuyết Trinh, chủ tiệm Bé Chè lạc quan chia sẻ.

Chủ tiệm Bé Chè lạc quan dù 4 tháng trở lại nhiều khó khăn

Lê Nam

Trưởng ban quản lý chợ Bến Thành cho biết, để hoạt động trở lại, chợ phải đảm bảo đầy đủ các tiêu chí phòng dịch an toàn đối với chợ truyền thống như tiểu thương có thẻ xanh Covid-19 và phải thực hiện tốt công tác xét nghiệm đều đặn. Hoạt động trở lại sau 4 tháng tạm đóng cửa là nỗ lực của cả tập thể ban quản lý chợ và các tiểu thương đã gắn bó nhiều thế hệ ở đây.

Nhiều sạp hàng vẫn cửa đóng then cài

Lê Nam

Lãnh đạo quận cũng như ban quản lí chợ tạo điều kiện xét nghiệm miễn phí cho bà con. Mỗi ngày đều có một đội xét nghiệm miễn phí cho tiểu thương cũng như khách đến chợ ở ngay phía ngoài cửa Tây, hướng mặt đường Phan Chu Trinh.

Hàng trăm người nằm la liệt ở vỉa hè chờ “thông chốt” Covid-19 để về quê

Tối 3.10.2021, hàng trăm người dân đã nằm ở lề đường vỉa hè tại H.Phú Giáo (tỉnh Bình Dương) để chờ qua chốt kiểm soát Covid-19 ở Bình Phước về quê. Đa số họ là người Gia Rai, Ê Đê, Ba Na gồm có nhiều nhiều trẻ em… Họ từ Đồng Nai trở về các tỉnh Tây Nguyên qua Bình Dương.

Họ cho biết sau khi lấy được giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19, họ đã xuất phát từ Đồng Nai vào tối 3.10. Khi đến chốt kiểm soát Covid-19 Tân Lập (thuộc xã Tân Lập, H.Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) thì đã 23 giờ khuya nên không được qua chốt mà phải chờ đến sáng 8.10 mới có lực lượng chức năng hộ tống dẫn đoàn đi qua địa phận tỉnh Bình Phước.

Hàng trăm người nằm la liệt ở vỉa hè chờ “thông chốt” Covid-19 để về quê

Trong thời gian chờ đợi, nhiều gia đình với nhiều cháu nhỏ từ 1-9 tuổi đã nghỉ tạm ở bên lề đường gần chốt kiểm soát để chờ đủ số người để lực lượng chức năng hộ tống qua chốt.

Theo ghi nhận, tại thời điểm khoảng 0 giờ ngày 4.10 có gần 1.000 người về quê các tỉnh Tây Nguyên đã nghỉ lại qua đêm ở vỉa hè, lề đường, trước cửa nhà dân và bãi đỗ xe của một trạm xăng dầu ở xã An Bình (H.Phú Giáo, tỉnh Bình Dương).

Qua trò chuyện, những người dân cho biết sau khi trả phí xét nghiệm Covid-19 và đổ xăng, hầu hết họ đã cạn kiệt tiền bạc.

Lực lượng chức năng huyện Phú Giáo đã sắp xếp trật tự cho người dân. Phóng viên Thanh Niên phối hợp với nhà hảo tâm đã phát sữa, bánh mì, nước uống… hỗ trợ người dân về quê.

Trong sáng 4.10, lực lượng chức năng tỉnh Bình Phước đã tổ chức hỗ trợ, dẫn và hộ tống đoàn khoảng trên 2.500 người từ các tỉnh Đông Nam Bộ về Tây Nguyên đi qua địa bàn Bình Phước.

Cả nhà lên xe tự chế, theo dòng người về quê: “Nói ra chỉ muốn khóc thôi”

Từ ngày 2.10.2021 đến nay, mỗi ngày, hàng ngàn người đi xe máy đứng trên quốc lộ chờ đợi lực lượng chức năng dẫn đường để về quê.

Chỉ trong sáng ngày 4.10.2021 đã có 3 đoàn người dân về quê được lực lượng CSGT tỉnh Bình Phước dẫn đoàn từ chốt kiểm soát trên đường ĐT.741 (giáp ranh giữa Bình Phước và Bình Dương) lên tỉnh Đắk Nông với số lượng khoảng gần 6.000 người.

Nhiều người do không có phương tiện, trong khi gia đình 3 đến 4 người đã quyết định đi cả xe “tự chế”. Như trường hợp của gia đình chị Nguyễn Thị Thu Vân quê ở tỉnh Gia Lai.

"4 tháng rồi, con cái thì không đi học được, tiền thì không còn nghìn nào. Giờ cứ ở nhà tiền không có mấy người ở cùng phòng trọ bán hàng người ta thương người ta cho tiền đổ xăng về", chị Vân cho hay.

Cả nhà lên xe tự chế, theo dòng người về quê: “Nói ra chỉ muốn khóc thôi”

Bình Phước hiện có 5 chốt kiểm soát giao thông và phòng chống dịch Covid-19 trên các tuyến đường Quốc lộ 14, Quốc lộ 13, ĐT.741, ĐT.751 và ĐT.752, giáp ranh với các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh và Đắk Nông. Đường ĐT.741 từ huyện Phú Giáo (Bình Dương) qua Bình Phước và đi theo Quốc lộ 14 lên Đắk Nông và các tỉnh Tây Nguyên vẫn là trục đường có nhiều phương tiện lưu thông nhất.

Ngày 4.10, đại tá Lâm Văn Long, Phó giám đốc Công an tỉnh Bình Phước cho biết chỉ trong hai ngày 2.10 và 3.10 đã có khoảng 29.000 lượt người về các tỉnh Tây Nguyên, miền Trung và miền Bắc qua địa bàn tỉnh Bình Phước. Công an tỉnh Bình Phước đã tổ chức nhiều đợt CSGT dẫn đường, áp tải người dân đi qua địa bàn tỉnh. Ngoài ra, có khoảng 500 người về tỉnh Bình Phước qua các chốt kiểm soát giáp ranh giữa Bình Phước và các tỉnh. Như vậy, chỉ trong 3 ngày qua, có khoảng hơn 30.000 người dân về quê qua địa bàn tỉnh Bình Phước.

Do số lượng người về rất đông, Công an tỉnh Bình Phước đã huy động nhiều lực lượng thuộc công an tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố tham gia kiểm soát, phân luồng giao thông tại các chốt kiểm soát, đồng thời chốt chặn trên các trục đường chính, nơi đoàn xe đi qua để người dân đi đúng lộ trình, đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19 của tỉnh Bình Phước cũng như hỗ trợ người nếu không may gặp sự cố hư hỏng xe dọc đường sẽ nhận được sự hỗ trợ kịp thời.

Chống gậy đi bộ từ Bình Dương về quê: ‘Hết tiền trọ rồi, chúng tôi phải về’

Khi người dân đến khu vực chốt kiểm soát, lực lượng tại chốt sẽ kiểm tra các giấy tờ liên quan như giấy tờ tùy thân, giấy xét nghiệm Covid-19…, nếu đầy đủ theo quy định thì sẽ được hướng dẫn, di chuyển vào khu vực chờ các lực lượng của tỉnh Bình Phước hỗ trợ, dẫn đoàn đi qua tỉnh.

Đối với các xe bất ngờ hư hỏng, người già, người đi xe đạp, đi bộ đều được bố trí các xe nâng, xe chuyên dụng và chở hành khách đưa đến chốt kiểm soát giáp ranh với tỉnh Đắk Nông.

Lâm Đồng kiểm soát gắt gao người về quê tự phát bằng xe máy

Đến trưa 4.10.2021, đã có tới hơn 700 người từ TP.HCM và các tỉnh vùng dịch Covid-19 về Lâm Đồng được sàng lọc và đưa về các huyện, thành phố trong trật tự.

Tại chốt kiểm tra phòng dịch Km142 Quốc lộ 20 (qua H.Đạ Huoai), giáp ranh giữa Lâm Đồng và Đồng Nai vào trưa 4.10, lực lượng chức năng chỉ cho những người có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 trong vòng 72 giờ vào địa phận Lâm Đồng.

Chị Vũ Thị Lý (ngụ xã Hòa Nam, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) cho biết chị đi xe máy cùng nhóm bạn từ TP.HCM khởi hành lúc 5 giờ chiều 3.10. Đến 1 giờ sáng 4.10 tới chốt kiểm soát dịch Covid-19. Về tới địa phận Lâm Đồng, chị được lực lượng chức năng phát bánh mì, nước uống và làm các thủ tục cần thiết trước khi đưa đến địa điểm tập trung chờ xe đón về.

Lâm Đồng kiểm soát gắt gao người về quê tự phát bằng xe máy

Một cán bộ trực chốt cho biết trong hai ngày 3 và 4.10, chốt kiểm dịch Covid-19 tại Km 142, lực lượng chức năng địa phương đã hỗ trợ đón hơn 700 người Lâm Đồng từ TP. HCM các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương.

Trong đó, 345 trường hợp có danh sách được các địa phương đón về thuộc các đối tượng ưu tiên là học sinh về nhập học đợt 2 và các bệnh nhân đi khám bệnh. Ngoài ra, có 362 trường hợp đi xe máy về Lâm Đồng và các tỉnh thành lân cận.

Những người muốn qua chốt kiểm soát còn phải chứng minh có hộ khẩu thường trú tại Lâm Đồng. Các trường hợp này được sàng lọc theo từng huyện, thành phố, sau đó được xe của các địa phương tới đón thẳng về cách ly theo quy định.

Còn rất nhiều tin tức, phóng sự đáng chú ý khác trong Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 4.10 lúc 20 giờ trên các nền tảng của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.