Bạn trẻ giúp người dân chuyển đổi số

11/03/2023 06:00 GMT+7

Nhiều bạn trẻ đã giúp đỡ các tiểu thương, chủ các quán ăn, tiệm tạp hóa chuyển đổi số bằng cách cài app, quét mã QR để thanh toán…

"TỪ NAY KHỎE RE TRONG VIỆC MUA BÁN"

Tháng Thanh niên 2023 đã được Thành đoàn TP.HCM chính thức khởi động với chủ đề "Tuổi trẻ thành phố tiên phong chuyển đổi số". Để vào việc ngay, những người trẻ đã bắt đầu lan tỏa hoạt động này.

Cụ thể, hơn 20 tình nguyện viên am hiểu lĩnh vực công nghệ đã đến chợ tạm dọc theo con đường Đặng Thị Rành, KP.4, P.Linh Tây, TP.Thủ Đức để giúp đỡ người dân chuyển đổi số.

Bạn trẻ giúp người dân chuyển đổi số - Ảnh 1.

Bạn trẻ giúp người dân chuyển đổi số - Ảnh 2.

Đội hình tình nguyện “Chuyển đổi số cộng đồng” ở TP.HCM hỗ trợ người dân và tiểu thương cài app thanh toán không dùng tiền mặt

Lê Thanh

Vừa bước tới chợ, hai tình nguyện viên nhanh chóng đến tiệm bán bánh mì, bánh cuốn gần địa chỉ 17 Đặng Thị Rành để trình bày những lợi ích của chuyển đổi số, thanh toán bằng mã QR. Bà Nguyễn Kim Phụng (chủ tiệm) ban đầu còn "ù ù cạc cạc". Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, nghe các tình nguyện viên giải thích cặn kẽ, bà Phụng thấy "khoái" và gật đầu đồng ý.

Bà Phụng đã được hai tình nguyện viên hỗ trợ cài app cũng như làm miễn phí bảng quét mã QR nhận tiền bằng hình thức trực tuyến. "Từ giờ việc thanh toán tiền bánh mì, bánh cuốn trở nên dễ dàng và tiện lợi hơn. Từ nay khỏe re trong việc mua bán", bà Phụng hồ hởi nói.

Với những trường hợp tiểu thương nói chưa có tài khoản ngân hàng nên không biết phải làm sao để chuyển đổi số, các tình nguyện viên cho biết sẽ kết nối với ngân hàng hướng dẫn cách mở tài khoản miễn phí để có thể giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt. Qua đó có thể trải nghiệm, tiếp cận các phương thức thanh toán hiện đại.

Không ít tiểu thương dò hỏi lẫn nhau, tìm hiểu cặn kẽ từ các tình nguyện viên với mong muốn được tạo một mã QR cho riêng mình, từ đó có thể mua bán hàng hóa tại chợ bằng cách quét mã QR tiện lợi hơn nhiều.

Việc ứng dụng công nghệ số vào hỗ trợ giới thiệu việc làm được chúng tôi áp dụng và nâng cấp với nhiều nội dung rất thuận lợi cho người lao động xin việc. Cụ thể, chúng tôi đã ứng dụng nộp hồ sơ tìm việc trực tuyến trên app và website.

NGUYỄN THỊ THANH THẢO, Trung tâm dịch vụ việc làm Thanh niên TP.HCM

Anh Càng Quang Huy (34 tuổi, chủ tiệm tạp hóa Phước Hưng ở số 7 Đặng Thị Rành) nói: "Nhiều khi khách đông, thối tiền rất dễ nhầm lẫn. Nhưng thanh toán không tiền mặt sẽ dễ dàng hơn, chỉ cần quét mã QR là xong, không lo lộn tiền".

Theo anh Huỳnh Mẫn Sang, Bí thư Đoàn P.Linh Tây, TP.Thủ Đức, đội hình tình nguyện "Chuyển đổi số cộng đồng" hiện gồm 25 tình nguyện viên. "Đội hình đảm nhận thực hiện các mô hình liên quan đến chuyển đổi số như: chợ 4.0 thanh toán không dùng tiền mặt, hỗ trợ người dân cách dùng các nền tảng công nghệ số", anh Sang cho biết.

Để có thể thuyết phục được người dân chung tay chuyển đổi số, tình nguyện viên Nguyễn Văn Quý, cựu sinh viên Học viện Cán bộ TP.HCM, cho biết thời gian tới các tình nguyện viên sẽ đến từng khu phố phổ biến để cài mã QR cho từng người dân. Qua đó hướng đến việc 100% người dân đi chợ không dùng tiền mặt, tất cả thanh toán đều ứng dụng chuyển đổi số.

Còn chị Hoàng Thị Ánh Ngọc, giáo viên Trường tiểu học Linh Tây (TP.Thủ Đức), cho biết ban đầu có nhiều người không muốn thanh toán bằng hình thức quét mã QR vì họ có thói quen sử dụng tiền mặt. "Nhưng sau đó, mình giảng giải, kể những tình huống như nếu bán mà không có tiền lẻ thối thì rất bất tiện chẳng hạn. Họ thấy hợp lý nên làm theo, vì có thể mua bán thanh toán đúng giá cả", chị Ngọc kể.

TUYỂN DỤNG CŨNG PHẢI THAY ĐỔI

Trong Tháng Thanh niên 2023, tuổi trẻ TP.HCM sẽ nỗ lực tiên phong chuyển đổi số để từ đó, chuyển đổi số được hiện diện khắp nơi, khắp mọi lĩnh vực trong cuộc sống.

Anh Đoàn Kim Thành, Giám đốc Trung tâm phát triển khoa học và công nghệ trẻ (Thành đoàn TP.HCM), cho biết chuyển đổi số là hoạt động nhằm phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo, đem kiến thức khoa học, kỹ thuật và công nghệ của các trí thức, nhà khoa học trẻ góp phần xây dựng và phát triển thành phố.

"Chương trình chuyển đổi số sẽ tập trung vào nhiều hoạt động. Trong đó có thành lập các đội hình chuyển đổi số hỗ trợ cho các đơn vị, chuyển giao các phần mềm quản lý công việc, văn phòng điện tử. Các bạn sẽ hỗ trợ việc cải cách hành chính, số hóa dữ liệu, hướng dẫn sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, tập huấn kiến thức nâng cao năng lực số cho thanh niên, phòng ngừa tội phạm sử dụng công nghệ cao", anh Thành chia sẻ thêm.

Ngoài ra, trí thức trẻ của thành phố còn tổ chức tư vấn, chuyển giao mô hình kỹ thuật ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ nano trong lĩnh vực nông nghiệp cho người dân các huyện ngoại thành cùng một số tỉnh lân cận.

Hỗ trợ người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến

Tỉnh đoàn Bình Dương triển khai 101 đội hình thanh niên với gần 2.000 tình nguyện viên hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chuyển đổi số khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Chị Trần Thị Diễm Trinh, Bí thư Tỉnh đoàn Bình Dương, cho biết: lực lượng đoàn viên, thanh niên tỉnh Bình Dương đã phát huy vai trò xung kích làm chủ khoa học, công nghệ thông qua các hoạt động liên quan đến chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác Đoàn. Theo đó, các cấp bộ Đoàn trong toàn tỉnh đã tổ chức nhiều chương trình, hoạt động nhằm phát huy vai trò tiên phong của đoàn viên, thanh niên với công tác chuyển đổi số.

Chị Diễm Trinh cho biết thêm: "Các cấp bộ Đoàn trong toàn tỉnh còn đẩy mạnh tuyên truyền về xu hướng chuyển đổi số thanh toán không dùng tiền mặt, bằng cách phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng hướng dẫn cài đặt, mở tài khoản thanh toán điện tử qua điện thoại thông minh đến đoàn viên, thanh niên, học sinh, người dân, hộ kinh doanh... từng bước hình thành thói quen thanh toán các khoản chi phí qua công nghệ số".

Ngoài các nhiệm vụ chính về hướng dẫn người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến, cũng theo chị Diễm Trinh, trong thời gian qua, thanh niên tình nguyện còn hỗ trợ hướng dẫn các đoàn tham quan đến nghiên cứu thực tế về các mô hình chuyển đổi số tại các sở, ban ngành trong tỉnh cũng như các mô hình đổi mới sáng tạo được áp dụng thành công hỗ trợ hiệu quả cho cộng đồng ...

Ở góc độ liên quan, khi chia sẻ về vấn đề chuyển đổi số trong lĩnh vực lao động, việc làm, chị Nguyễn Thị Thanh Thảo, Trưởng phòng dịch vụ việc làm, thuộc Trung tâm dịch vụ việc làm Thanh niên TP.HCM, cho biết: "Việc ứng dụng công nghệ số vào hỗ trợ giới thiệu việc làm được chúng tôi áp dụng và nâng cấp với nhiều nội dung rất thuận lợi cho người lao động xin việc. Cụ thể, chúng tôi đã ứng dụng nộp hồ sơ tìm việc trực tuyến trên app và website sieuthivieclam.vn. Nội dung này giúp lao động nhanh chóng thao tác, nộp đơn xin việc, ứng tuyển vào các vị trí không cần theo hướng truyền thống là nộp đơn xin việc như trước đây".

Theo chị Thanh Thảo, việc làm này đã được phổ biến rộng rãi các hoạt động và chỉ tiêu tuyển dụng của doanh nghiệp trên các trang fanpage của trung tâm, chatbox nên người lao động có thể trao đổi và thao tác trực tiếp trên fanpage của trung tâm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.