Bạn trẻ làm shipper lo nhất điều gì?

13/07/2022 18:46 GMT+7

Những người trẻ làm nghề giao hàng (hay còn gọi là shipper) chia sẻ họ phải đối mặt nhiều nguy cơ từ bị cướp cho đến 'bom' hàng.

Shipper có nhiều mối lo

Mới đây, một nhân viên giao hàng 25 tuổi đã bị cướp chiếc xe máy cùng với hàng hóa trong một con hẻm tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM. Vụ việc thu hút sự chú ý của dư luận và các shipper cho biết nghề giao hàng ngoài áp lực thời gian cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Từng trải qua trường hợp tương tự, shipper Khúc Văn Xuân (25 tuổi, ngụ Dĩ An, Bình Dương) kể khoảng 4 năm trước, anh nhận đơn hàng giao đến một con hẻm ở tỉnh lộ 10 (Q.Bình Tân).

Nhiều shipper thường mất cảnh giác khi đi giao hàng

Dạ Thảo

Lúc anh Xuân vừa giao hàng xong, một đối tượng tiến đến giật phăng chiếc điện thoại anh đang cầm trên tay. Tên cướp bỏ chạy và anh Xuân tri hô, đuổi theo trong sự bất lực. "Đồng bọn của tên cướp còn kéo đến đánh tôi, khiến tôi bị thương, đầu chảy máu, mặt mũi sưng húp và phải nghỉ làm vài ngày”, anh Xuân nói thêm. Từ đó, anh Xuân cảm thấy lo lắng và luôn trong tinh thần "cảnh giác cao độ" mỗi khi đi giao hàng ở những nơi vắng vẻ.

Với kinh nghiệm 5 năm trong nghề giao hàng, Nguyễn Văn Tấn Thành (26 tuổi, ngụ Q.8) cho biết ngoài chuyện bị cướp, shipper còn phải đối mặt nhiều mối lo khác.

“Tôi sợ nhất là bị 'bom' hàng. Mỗi lần như vậy tôi sẽ bị trừ lương vì tiền lương được tính theo tỷ lệ giao hàng thành công. Trung bình mỗi tháng, tôi bị 'bom' từ 10 - 20 đơn hàng”, Thành chia sẻ.

Ngoài áp lực thời gian phải giao hàng đúng giờ, shipper còn lo ngại bị cướp và gặp tai nạn giao thông. Chưa kể, shipper lo ngại trước nguy cơ nhận đơn có chứa hàng cấm và chất nổ nhưng không hề hay biết.

Phải cảnh giác cao độ

Võ sư Trần Trung Sơn, cựu HLV Bộ môn Muay Thái Quốc gia, cho rằng một số người thường bị sốc, không kịp phản ứng khi gặp cướp vì mọi thứ diễn ra quá bất ngờ. Trong khi đó, một số người khác khi bị cướp thì tìm cách truy đuổi đến cuối cùng để giành lại tài sản.

"Điều quan trọng là chúng ta phải giữ bình tĩnh, chỉ nên hô hoán, báo khẩn cấp cho lực lượng chức năng và không nên tự mình bắt cướp. Người bình thường muốn ngăn cản hoặc bắt cướp sẽ rất nguy hiểm vì thiếu kỹ năng phòng vệ", võ sư Sơn lưu ý.

Trong hoàn cảnh buộc phải bắt cướp, ông Sơn đưa ra lời khuyên: "Chúng ta nên hô hoán để nhiều người xung quanh hỗ trợ, tuyệt đối không nên một đối một với tên cướp vì sẽ rất nguy hiểm".

Các shipper thường xuyên sử dụng điện thoại ngoài đường. Đây là "miếng mồi" cho bọn cướp.

Dạ thảo

Võ sư Sơn chia sẻ thêm: “Bọn cướp thường giật tài sản, nếu ta chống cự thì chúng mới rút hung khí ra. Khi một tên cướp bị dồn vào đường cùng thì việc chống trả sẽ quyết liệt hơn, lúc này không nên một đối một với hắn ta”.

Cuối cùng, ông Sơn lưu ý: "Việc cảnh giác mọi lúc, mọi nơi luôn là điều ưu tiên hàng đầu vì chỉ có bản thân mình mới tự cứu, bảo vệ mình. Vì thế, học cách quan sát, phán đoán tình hình là điều mà các shipper cần nhất lúc này".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.