Tết Đoan Ngọ hay mùng 5 tháng 5 âm lịch được xem là cột mốc thời gian giữa năm. Đây cũng là quan niệm vào những ngày kết thúc vụ mùa giữa năm sâu bọ sinh sôi nảy nở, gây ra các bệnh truyền nhiễm. Do đó, ngoài những hoạt động nấu bánh ú, múa lân thì nhiều người gọi thời điểm này là ngày diệt trừ sâu bọ. Cũng từ đó, người Hoa hình thành thói quen dùng túi thơm để đeo trên người những đứa trẻ nhằm để sâu bọ tránh xa.
Túi thơm hay còn gọi là hương nang, là nét văn hóa truyền thống của người Hoa mỗi khi đến Tết Đoan Ngọ.
Anh Dương Rạch Sanh (45 tuổi, người Hoa ngụ đường Bình Phú, Q.6, TP.HCM), cho biết mỗi khi đến Tết Đoan Ngọ người Hoa thường may túi thơm để mang theo người giúp trẻ em không bị côn trùng đốt. Dần dần, khoa học phát triển, những túi thơm được thay thế bằng nhiều cách thức khác nhau.
Anh Sanh cho biết thêm bên ngoài túi thơm được làm bằng những tấm vải có nhiều họa tiết, sau đó được khâu lại bằng kim chỉ. Túi thơm trước kia được may bằng chỉ ngũ sắc (đỏ, vàng, tím, lục lam), mang lại điều may mắn và chúc phúc cho trẻ nhỏ. Bên trong túi thơm chứa từ 5 đến 7 vị thuốc bắc, những vị thuốc này có tác dụng xua đuổi côn trùng có hại vào mùa hè. Đồng thời, người ta cho thêm bông gòn để tạo độ phồng cho túi.
Túi thơm có rất nhiều mẫu hình khác nhau. Tuy vậy, những mẫu chính hiện nay như hình trái tim có thêu chữ bình an, hình quả đào, bánh ú, lồng đèn, bao đựng tiền, hình con cá, con bướm hoặc thậm chí là hình 12 con giáp…
“Để làm được một túi thơm phải cắt vải theo hình dạng muốn tạo, rồi đến may chỉ, nhét bông gòn kèm thuốc bắc và may lại. Cuối cùng là kết những chùm sợi để trang trí nét đặc trưng cho túi. Công đoạn này mất từ 20 đến 30 phút mới có thể làm ra được”, anh Sanh chia sẻ.
Cũng là người phát động, kết nối những bạn trẻ, Quang Mỹ Thiên (31 tuổi, ngụ Q.6, TP.HCM) cũng cho biết bản thân cũng là người gốc Hoa, sống ở khu Chợ Lớn. Từ nhỏ, Mỹ Thiên đã quen với những loại túi thơm này. Lớn lên, Thiên thường ghé chùa Quan Âm mua túi thơm của cụ Liên người được xem là bán túi thơm cuối cùng ở Chợ Lớn. Tuy nhiên, sau khi cụ Liên qua đời ở khu Chợ Lớn đã không còn người bán túi thơm nào nữa.
Do đó, Mỹ Thiên cùng những người bạn của mình quyết định tái hiện là nét văn hóa đặc biệt này. Những ngày gần Tết Đoan Ngọ, Thiên đã chuẩn bị hết các vật liệu, kêu gọi trên mạng xã hội đến những bạn trẻ khác cùng tham gia. Thiên và anh Sanh sẽ là người trực tiếp hướng dẫn các bạn trẻ khác tự tay làm ra chiếc túi thơm.
Cũng theo Mỹ Thiên, những sản phẩm được làm ra này sẽ mang trở lại nơi cụ Liên từng ngồi bán để bán lại với giá khoảng 80.000 đồng/túi. Sau đó, tổng số tiền bán các túi thơm này nhóm sẽ dành cho hoạt động từ thiện, giúp đỡ những cụ già neo đơn, sống lang thang.
Bình luận (0)