Sáng 10.3, tại chương trình hội thảo khoa học “90 năm khẳng định và phát huy vai trò trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên Việt Nam” nhân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh được tổ chức tại hai đầu cầu Hà Nội và TP.HCM, nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan đã nhắn gửi đến người trẻ 6 cặp chữ “T”. Đó là khát vọng phải “thực tế”, ý chí phải “tiến thủ”, đầu óc phải “thông thái”, nghề nghiệp phải “tinh thông”, làm người phải “tử tế”, phong trào phải “thiết thực”.
|
Trong những điều này, bạn trẻ đặc biệt tâm đắc khi nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan nói: “Khát vọng thì phải thực tế. Vì khát vọng chung của đất nước là khát vọng rất lớn, nhưng khát vọng đó khi chuyển sang mỗi người, mỗi thanh niên thì phải là thực tế. Nhiều khi các bạn có những khát vọng rất đẹp nhưng lại xa vời với năng lực của bản thân… Và phong trào phải thiết thực. Như tôi thấy mấy năm trước chúng ta nói rất nhiều về khởi nghiệp, nhưng đến bây giờ là chìm nghỉm đi đâu mất, không thấy ai còn nói đến nữa. Nên tôi cũng mong rằng làm sao để phong trào không chỉ ào lên một cái rồi xong...”.
Khát vọng phải thực tế
Tham dự tại buổi hội thảo, Nguyễn Khánh Tùng, Chủ tịch Hội Sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, vô cùng tâm đắc với những chia sẻ của nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan.
Tùng nói: “Đã là người trẻ thì ai cũng có những khát vọng. Nhưng mình cũng nghĩ khát vọng cần phải thực tế, nếu khát vọng mà quá mơ hồ, quá vĩ mô trong khi năng lực thực tại của mình không thể tiếp cận được thì dễ làm cho ta bị chệch đường, và bị mất đi kim chỉ nam để hướng đến được với khát vọng đó”.
Theo Tùng, ước mơ và khát vọng phải được xây dựng dựa trên các yếu tố chẳng hạn như phải hiểu rõ năng lực của mình và bên cạnh đó cũng cần thêm sự đồng hành, định hướng từ những mối quan hệ xung quanh để chúng ta đi nhanh hơn và đúng đường hơn.
|
Trần Hữu Lộc, sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM (thành viên tham dự tại hội thảo) cũng cho rằng mỗi sinh viên cần có đam mê và khát vọng nhưng khát vọng phải có mục tiêu một cách rõ ràng. “Bản thân em nhận thấy đa số bạn trẻ ngày nay phần lớn đều có khát vọng của bản thân. Tuy nhiên bên cạnh những bạn trẻ có khát vọng thực tế, phấn đấu học tập để hiện thực hóa khát vọng của mình thì vẫn còn một bộ phận vẫn đang sống thiếu mục tiêu. Đó là thiếu định hướng hoặc chỉ biết khát vọng suông, chưa sẵn sàng biến khát vọng thành động lực để bản thân phấn đấu trong học tập và rèn luyện, trau dồi kiến thức”.
Với bản thân mình, Lộc chia sẻ: “Khi bước vào giảng đường đại học em đã ý thức bản thân cần phải phấn đấu, trau dồi kiến thức và kỹ năng để khi bước vào thị trường lao động, phải là một con người có ích cho xã hội. Có đủ kiến thức và kỹ năng để góp phần vào sự phát triển của nền kinh tế đất nước”.
Và ước mơ của Lộc là dự án khởi nghiệp riêng về một sản thương mại điện tử nông sản cho người nông dân các tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long. Dự án sẽ góp phần giải quyết 2 vấn đề, gồm: Nông sản sạch, giá cả ổn định cho người tiêu dùng. Đặc biệt giúp người nông dân giảm bớt đi khó khăn về mặt kinh tế, ít bị ép giá và giảm thiểu tình trạng được mùa mất giá.
Để khởi nghiệp không còn là phong trào
Tùng cũng rất đồng tình với ý kiến của nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan, Tùng cho rằng vấn đề khởi nghiệp hiện nay của thanh niên đang được phát động dưới dạng phong trào và chưa có tính bền vững.
“Ý kiến của bác Vũ Khoan đã phản ánh được hiện thực khởi nghiệp hiện nay của thanh niên. Không ít hoạt động khởi nghiệp của thanh niên chỉ dừng lại ở phần nổi, nhưng từ những phần nổi này mình nghĩ Đoàn chúng ta cần có những chương trình để thanh niên có thể tiếp cận được về mặt kiến thức khởi nghiệp bằng những hoạt động giáo dục, đào tạo khởi nghiệp…”, Tùng chia sẻ.
|
Theo Tùng khi người trẻ tiếp cận được với các kiến thức và kỹ năng, cũng như là phương pháp khởi nghiệp thì từ những ý tưởng sáng tạo của mình, các bạn sẽ phát triển những ý tưởng và dự án khởi nghiệp theo hướng bền vững hơn chứ không còn mang tính phong trào như thời gian qua.
“Năm nay T.Ư Đoàn chọn là năm thanh niên khởi nghiệp, mình thấy đây là một việc làm rất cụ thể của Đoàn ta để đồng hành cùng thanh niên trong vấn đề khởi nghiệp. Để từ đó khởi nghiệp không chỉ còn là phong trào mà sẽ mang tính bền vững và mang về được nhiều kết quả tích cực hơn”, Tùng bày tỏ.
|
Đặng Thị Tố Hảo, Chủ tịch Hội Sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cũng cho rằng câu chuyện khởi nghiệp của người trẻ hiện nay còn nằm ở mức độ phong trào nhiều hơn, nên cần có những sự đồng hành nhiều hơn để vấn đề khởi nghiệp của người trẻ gặt hái được nhiều thành tựu trong thời gian tới.
“Sinh viên hiện nay có rất nhiều ý tưởng sáng tạo, nhưng chỉ dừng lại ở mức độ là mang tính phong trào là nhiều. Còn việc để duy trì được con đường khởi nghiệp thì lại bị chi phối bởi nhiều yếu tố như nguồn lực, nguồn vốn rồi các kỹ năng, kiến thức về khởi nghiệp của người trẻ vẫn còn yếu. Nên mình thiết nghĩ cần thêm nhiều những chương trình, hoạt động để đồng hành và hỗ trợ người trẻ khởi nghiệp bền vững hơn”, Hảo gửi gắm.
Từ những gì mà nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan chia sẻ thì Phạm Khả Vy, sinh viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho rằng phong trào khởi nghiệp hiện nay diễn ra rất sôi nổi trong trường đại học và sinh viên có nhiều cơ hội trải nghiệm. “Với chủ đề Năm thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp của năm nay thì trường đã có tổ chức cuộc thi “HUTECH Startup Wings”. Chương trình đã trở thành cầu nối giữa sinh viên và các doanh nhân thành đạt trên nhiều lĩnh vực, qua đó giúp sinh viên được học hỏi kiến thức kinh doanh, trau dồi các kỹ năng mềm, gọi vốn, hoàn thiện và tiến tới thương mại hóa sản phẩm. Đây được xem là môi trường để sinh viên trải nghiệm thực tế từ trên giảng đường, thu hút đông đảo sinh viên quan tâm. Và cũng để khởi nghiệp không còn là phong trào mà có chiều sâu và mang lại hiệu quả thiết thực hơn”.
Bình luận (0)