Bạn trẻ TP.HCM phải xem nhật thực... giả lập do trời nhiều mây đen

21/06/2020 17:02 GMT+7

Thời điểm nhật thực đạt điểm cực đại ở TP.HCM cũng là lúc bầu trời âm u nên nhiều bạn trẻ cảm thấy hụt hẫng vì phải quan sát trực tuyến trên máy tính hoặc qua một app (ứng dụng) thiên văn giả định.

Trưa 21.6, các thành viên thuộc Câu lạc bộ Thiên văn nghiệp dư TP.HCM (HAAC) cùng nhiều bạn trẻ, trẻ em đã đến Công viên Bạch Đằng (Q.1, TP.HCM) cùng nhau chờ đợi quan sát hiện tượng nhật thực.

Đội nắng chiêm ngưỡng nhật thực đẹp nhất thập kỷ

Ngay từ sáng, trên các diễn đàn thiên văn đã đồng loạt đăng tải nhiều thông liên quan đến hiện tượng nhật thực. Nhiều bạn trẻ yêu mến thiên văn cùng rủ nhau ra bên ngoài quan sát hiện tượng thiên nhiên kỳ thú này.

Ngay từ trưa, nhiều bạn trẻ cùng trẻ em đã đế Bến Bạch Đằng (Q.1, TP.HCM) chờ quan sát hiện tượng nhật thực

Nhiều trẻ em hiếu kỳ, thích thú khi được nhìn kính thiên văn

Tuy vậy, đến khoảng 12 giờ thời tiết ở TP.HCM bỗng nhiên âm u, mưa lớn khiến hoạt động quan sát bị ảnh hưởng. Vài chục phút sau đó, mưa cũng đã tạnh nhưng mây mù vẫn che phủ. Nhiều bạn trẻ, trẻ em được cha mẹ đưa đến đây không thể quan sát được nhật thực.
Phía bên trong quán cà phê, các thành viên Câu lạc bộ Thiên văn nghiệp dư TP.HCM lập nhóm trực tuyến, kết nối với các thành viên yêu thiên văn ở nhiều nơi trên cả nước.

Một số bạn trẻ khác đã chuẩn bị kính để xem trực tiếp nhật thực. Tuy nhiên mây mù  khiến nhiều bạn trẻ cảm thấy hụt hẫng vì không thể quan sát

Một số thành viên của Câu lạc bộ Thiên văn nghiệp dư TP.HCM sử dụng máy tính, lập nhóm trực tuyến ở nhiều nơi để quan sát nhật thực

Các thành viên yêu thích thiên văn ghi lại cảnh nhật thực ở nhiều nơi rồi chia sẻ hình ảnh vào nhóm

Phía khuôn viên Bến Bạch Đằng, một số bạn trẻ mang theo máy tính bảng để xem trực tuyến

“Tất cả cùng quan sát và ghi lại hình ảnh nhật thực rồi gửi vào nhóm cho các thành viên quan sát. Sau đó sẽ chia sẻ trực tiếp nơi quan sát được lên Fanpage cho thành viên trên cả nước cùng xem. Có như vậy những nơi nào đang bị mây mù che phủ vẫn xem được nhật thực ở nơi khác. Hiện tại đã có 12 nhóm trải dọc đất nước. Tuy vậy thời điểm khoảng 14 giờ chỉ xem được ở Quy Nhơn, Hải Dương, Hà Nội”, Nguyễn Anh Tuấn Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thiên văn nghiệp dư TP.HCM, cho hay.
Gần đến thời điểm nhật thực diễn ra, ở bên ngoài nhiều bạn trẻ đã đến đông hơn. Một số bạn mở điện thoại, máy tính bản  quan sát qua màn ảnh.

Một số bạn trẻ  khác quan sát nhật thực bằng cách xem qua một app giả lập

Khi đưa điện thoại đang mở app lên theo hướng mặt trời, điện thoại  sẽ ghi lại hình ảnh nhật thực giả lập

Còn Đỗ Hoàng Thiện (sinh viên năm 1, Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM), cho biết do mây mù nên Thiện phải xem nhật thực qua một app (ứng dụng) thiên văn giả định. Qua đó, muốn xem được, Thiện phải mở app, giơ điện thoại theo hướng mặt trời dù mây mù che phủ. “Xem qua app này sẽ thấy nhật thực giả lập chứ không phải như thật. Tất nhiên xem ở ngoài bằng mắt thật sẽ thích hơn nhưng trời nhiều mây thì phải xem như vậy thôi”, Thiện nói.
Còn Lê Trần Gia Hân, học sinh lớp 10 Trường Trung học Thực hành ĐH Sư phạm TP.HCM, chia sẻ: "Em  yêu thích thiên văn từ năm học lớp 6 nhờ xem các bài viết trên báo và trên mạng". Mỗi lần rảnh rỗi Hân thường lên mạng để đọc các kiến thức về thiên văn và biết rõ các hiện tượng thiên văn như thế nào.

Đến khoảng 15 giờ, lúc nhật thực đạt điểm cực đại, nhiều bạn trẻ chen nhau xem qua màn hình máy tính

Bạn trẻ xem qua màn hình nhật thực khi đạt cực đại  ở Đài Loan

“Khi biết tin có quan sát nhật thực em nhờ ba chở đến đây từ lúc 11 giờ 30. Em ngồi đợi đến gần 15 giờ nhưng vẫn chưa xem được vì trời nhiều mây quá. Em cũng cảm thấy hụt hẫng khi đi từ Q.10 đến đây mà không xem được mặc dù em có mang theo kính để xem”, Hân cũng cho biết thêm.
Trần Thái Sơn, thành viên HAAC, cho biết năm nay là một năm đặc biệt vì có 2 sự kiện thiên văn đặc biệt xảy ra ở Việt Nam. Thứ nhất là nhật thực, thứ 2 là ngày hạ chí đánh dấu thời điểm bước qua mùa hè cùa bán cầu Bắc và Nam. Vào ngày hạ chí khi vào giữa trưa sẽ không thấy bóng nắng trên đỉnh đầu. Thời điểm này là thời điểm thích hợp nhất để làm thí nghiệm đo bán kính trái đất. Còn ở thời điểm 13 giờ 30 đến 15 giờ là lúc nhật thực một phần (khoảng 30%) khi quan sát ở TP.HCM.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.